Bí ẩn giấc ngủ "bóng đè"

Thứ Năm, 21/06/2018, 14:10
Các chuyên gia ước tính có đến 50% dân số thế giới trải nghiệm hiện tượng được mô tả là "liệt người trong giấc ngủ" (hay "bóng đè", theo cách gọi của dân gian) ít nhất một lần trong đời, thậm chí một số người cho biết họ thường xuyên bị "bóng đè" về đêm.

Nhiều người nghi ngờ hiện tượng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần hoặc lạm dụng thuốc. Trong thực tế, người khỏe mạnh vẫn có thể bị bóng đè và ảo giác dù không xảy ra hiện tượng bất thường nào về sức khỏe tâm thần hay lạm dụng thuốc. Thực ra, trải nghiệm này không cần phải lo lắng quá mức. 

Những cơn ác mộng mang đến trải nghiệm giữa thực và mơ

Tháng 8-2016 tại thủ đô Moscow nước Nga, một phụ nữ chìm vào giấc ngủ sau khi chơi trò Pokemon Go trên điện thoại. Đêm đó, bỗng nhiên người phụ nữ thức giấc do có cảm giác như vật thể to lớn gì đó đang ép mạnh xuống ngực.

Về sau, người phụ nữ kể lại bản thân mở mắt nhìn thấy mình đang bị tấn công bởi một nhân vật Pokemon có kích cỡ như ngoài đời thực. Không phải là một người mặc trang phục Pokemon, mà là một con Pokemon thật.

Hoảng loạn đồng thời không thể mở miệng thốt lên được lời nào, người phụ nữ bắt đầu vật lộn với sinh vật trong khi người bạn trai nằm bên cạnh đang ngủ mê mệt mà không biết gì. Cuối cùng, bà cũng vùng dậy được và con Pokemon biến mất.

Tác phẩm "Ác mộng" của Henry Fuseli (năm 1781) được coi là một trong những mô tả cổ điển về hiện tượng bóng đè.

Sau một lúc lùng sục khắp nhà, người phụ nữ đến báo cảnh sát về vụ tấn công. Tin tức về vụ báo cảnh sát của bà ngay lập tức được nhiều báo lá cải quốc tế đăng lại rồi sau đó nhanh chóng lan truyền trên Internet. Hiện tượng được mô tả bằng thuật ngữ "liệt người trong giấc ngủ" - một dạng của chứng rối loạn giấc ngủ (parasomnia).

Ngoài việc không thể cử động được, khoảng thời gian bị tê liệt khi tỉnh giấc này thường đi kèm với các ảo giác đa chiều. Kết quả là, những hình ảnh nhìn thấy trong giấc mơ có thể xâm nhập vào hiện thực lúc tỉnh giấc. Hiện tượng bóng đè có thể tìm thấy trong suốt chiều dài lịch sử và văn hóa thế giới với những ghi nhận xa xưa nhất từ 400 năm trước Công nguyên. Tùy vào yếu tố thời gian và bối cảnh văn hóa, hình ảnh trong những cơn ác mộng có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ như 2 nhà nghiên cứu hiện tượng "liệt người trong giấc ngủ" Brian Sharpless (nhà tâm lý học hành vi Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ) và Karl Dograhmji (Giáo sư và giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ Bệnh viện Đại học Jeferson) đã thu thập được 118 cách diễn đạt khác nhau trên khắp thế giới mô tả về trải nghiệm bị bóng đè.

Hiện tượng bóng đè cũng thường kết hợp với cảm giác như xuất hồn ở một số người.

Người châu Âu thời Trung Cổ giải thích hiện tượng là sự tấn công về đêm của phù thủy hay quỷ dữ háo sắc. Còn nhiều nơi trong xã hội ngày nay giải thích hiện tượng SP dựa theo chuyện dân gian. Như trong folklore Phần Lan và Thụy Điển, hiện tượng liên quan đến một nhân vật huyền bí siêu nhiên. Đó là một phụ nữ bị nguyền rủa thường lang thang khắp các ngôi làng để ngồi lên ngực những người đang ngủ khiến họ gặp ác mộng.

Còn người dân ở đảo Newfoundland của Canada, Nam Carolina và Georgia (Mỹ) tin rằng có mụ phù thủy ngồi đè trên ngực gây khó thở và không thể cử động được thân mình. Ở đảo quốc Fiji miền nam Thái Bình Dương, hiện tượng được coi là có liên quan đến linh hồn người thân mới chết quay trở về vì lo lắng công việc gì đó chưa hoàn thành hay muốn thông tin điều quan trọng gì đó cho người còn sống. Còn trên đảo St. Lucia, trải nghiệm bóng đè được giải thích là linh hồn của những đứa trẻ chưa được rửa tội bò trên ngực người ngủ và chặn họng người này.

Giải mã "giấc mơ của chuột"                 

Nhiều bằng chứng hơn được thu thập từ các khảo sát hoạt động của não bộ nơi những chú chuột đang ngủ. Trong một thí nghiệm tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một nhóm nhà khoa học lồng các điện cực trực tiếp vào phần não chuột gọi là hồi hải mã. Ở chuột cũng như người, hồi hải mã là một phần của bộ não - ngoài các chức năng khác -  đặc biệt liên quan đến việc tạo ra ký ức về không gian vật lý. Các điện cực cho phép các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động thần kinh trong thời gian thực nơi các tế bào đặc thù trên hồi hải mã đồng thời ghi nhận bất cứ khi nào các tế bào được kích hoạt.

Sự kiện "Dự án Hiện tượng Bóng đè" tại Festival Phim ngắn London (Anh) vào tháng 1-2013.

 Trong khi được kết nối với dây điện, những con chuột học cách định hướng trong một mê cung thực để tìm ra phần thưởng là thức ăn. Vì hồi hải mã có liên quan đến kỹ năng học hỏi không gian cho nên hoạt động điện cực trên phần não bộ này có thể chỉ rõ vị trí của chuột tại những khu vực đặc thù trong mê cung. Sau khi những con chuột đã tìm hiểu về mê cung, các nhà khoa học để các điện cực tiếp tục ghi nhận khi chuột bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Khi chuột đã ngủ, các tế bào trong hồi hải mã sẽ bật sáng với hoạt động tìm đường trong mê cung.

Giải thích hiện tượng bóng đè của người châu Âu thời Trung Cổ.

Chúng ta không thể hỏi chuột là chúng đang trải qua điều gì, nhưng kết quả cho thấy các chú chuột có lẽ đang tìm đường trong mê cung trong những giấc mơ của chúng, tập luyện lại một cách hiệu quả cách chúng đi như đã học trước khi ngủ. Một giới hạn ở đây là không có công trình nào chứng minh được liên hệ nguyên nhân trực tiếp giữa giấc mơ và ký ức: giấc mơ tự nó có thể không giúp ký ức được tăng cường đậm nét hơn, nhưng có thể là một loại hiệu ứng phụ của quá trình củng cố ký ức.

Nói cách khác, ảo giác đáng sợ mà người phụ nữ ở Nga gặp phải không chỉ là một sự việc tương đối "bình thường", mà thậm chí nó còn giúp mở ra một cửa sổ thú vị cho phép chúng ta nhìn thấy tính chất của giấc ngủ và vì sao mọi người mơ.

Sự liên quan của hóa chất trong não và chứng rối loạn giấc ngủ

Tuy nhiên, não bộ của chúng ta là một hệ thống vô cùng phức tạp, và những hiện tượng như là bóng đè có thể được coi là tình huống trục trặc thỉnh thoảng xảy ra. Trong suốt giai đoạn giấc ngủ có nhiều giấc mơ (REM, tức khoảng 90 phút sau khi ngủ), các cơ bắp của chúng ta bị liệt để ngăn không cho cơ thể hành động theo những gì đang diễn ra trong não, và hiện nay các nhà nghiên cứu đã khám phá được các hóa chất trong não chịu trách nhiệm gây cơ thể bất động trong khi ngủ.

Cuốn sách "Liệt trong giấc ngủ" của 2 tác giả Brian Sharpless và Karl Dograhmji.

Theo báo cáo của các nhà khoa học công bố trên tờ The Journal of Neuscience năm 2012, phát hiện này rất có ích cho điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, có một triệu chứng kỳ quặc gọi là "rối loạn hành vi liên quan đến REM".

Trong trường hợp này, bệnh nhân không bị liệt trong giai đoạn giấc ngủ REM. Điều đó có nghĩa là, bệnh nhân vẫn hành động theo các giấc mơ của mình - nói chuyện, cười hay thậm chí sử dụng vũ lực tay chân trong giấc ngủ!

Ví dụ, một người đàn ông kể cho nhà làm phim Carla MacKinnon câu chuyện quái gở về con trai còn nhỏ của ông. Theo lời kể, cậu bé trong lúc ngủ bất ngờ đứng dậy đi quanh giường, cất tiếng hát và có lúc ngồi xụp xuống gối của cha mình và nói chuyện với ông! Hiện nay, có loại thuốc giảm rối loạn thần kinh gọi là Clonazepam được dùng để chữa chứng rối loạn hành vi liên quan đến REM.

Brian Sharpless, nhà tâm lý học hành vi Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ (Ảnh trái) Giáo sư Karl Dograhmji, giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Jefferson, Mỹ.

Hiểu được cơ chế chính xác đằng sau vai trò hóa học của rối loạn giấc ngủ REM là điều quan trọng bởi vì khoảng 80% các trường hợp bị chứng này thường cuối cùng mắc phải bệnh thoái hóa thần kinh nghiêm trọng như là bệnh Parkinson. Theo nhà nghiên cứu John Peever, Đại học Toronto (Canada), rối loạn thần kinh liên quan đến giấc ngủ REM có thể được coi là dấu hiệu ban đầu của các bệnh này, cho nên việc điều trị sớm giúp ngăn ngừa hay thậm chí ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của chúng.

Một vài trường hợp trải nghiệm "bóng đè" được xác định liên quan đến chứng mất ngủ, stress, dùng quá liều các loại chất kích thích, mệt mỏi thể xác. Ngủ trong tư thế nằm ngửa cũng thường gây ra hiện tượng bóng đè do vòm mềm (phần sau của vòm miệng) sụp xuống gây tắc đường hô hấp. Những người mắc chứng ngủ rũ cũng dễ rơi vào hiện tượng bóng đè. Các nghiên cứu cho thấy xấp xỉ 30 đến 40% số người mắc chứng ngủ rũ đều trải nghiệm cảm giác liệt trong giấc ngủ.

Hiện tượng thường phổ biến ở nam hơn là phụ nữ và nhóm tuổi thường bị là giữa 25 và 44 tuổi. Các nhà khoa học phân chia hiện tượng bóng đè ra làm hai dạng - dạng chỉ xảy ra 1 lần (phổ biến hơn) và dạng diễn ra nhiều lần. Dạng diễn ra nhiều lần được coi là bệnh mãn tính và những người mắc phải thường gặp hiện tượng suốt đời. Sự khác biệt giữa "1 lần" và "nhiều lần" được đánh giá theo yếu tố thời gian - "nhiều lần" tức là có thể kéo dài 1 giờ hay lâu hơn, còn "1 lần" nói chung chỉ xảy ra trong khoảng 1 phút hay dài nhất là 30 phút.

Di An (tổng hợp)
.
.