Bí ẩn hội chứng "đầu nổ tung"

Thứ Năm, 16/04/2015, 07:40
Hội chứng "đầu nổ tung" (EHS) là một dạng rối loạn có thật và đáng sợ. Những người mắc phải EHS đều nghe được những tiếng động dữ dội khi ngủ hay vừa thức dậy. Tiếng động khiến cho đầu như muốn "nổ tung" có thể thay đổi từ âm thanh nổ chát chúa hay tiếng cánh cửa đóng sầm rất mạnh, cho đến tiếng súng nổ hay tiếng gầm rú, sấm sét.

Tuy nhiên, tiếng động chỉ xuất hiện một cách bất ngờ và kéo dài không quá vài giây. Trước khi nghe tiếng động kỳ lạ, một số người còn bị rối loạn thị giác như là nhìn thấy ánh sáng lóe lên rất mạnh tương tự như cảm giác mà một số người gặp phải  khi bị đau nửa đầu (đau tiền đình).

Tiến sĩ Nicholas Silver, chuyên gia thần kinh học Trung tâm Thần kinh Walton ở Liverpool (Anh), nhận định: "Khác với chứng đau nửa đầu, các triệu chứng liên quan đến thị giác của EHS thường rất ngắn ngủi".

EHS gây lo sợ nhưng thật ra vô hại.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Journal of Sleep Research, giáo sư tâm lý Đại học bang Washington - Brian Sharpless - cho biết, 18% trong số 211 sinh viên của ông đã trải qua EHS. Hội chứng này gây nhức đầu nhẹ, cảm giác nóng bừng hay giật bắn mình và các chi cũng giật lên cùng lúc.

Trong khi một số người chỉ trải nghiệm EHS một lần duy nhất trong đời, số khác lại phải chịu đựng nó đến 7 lần trong một đêm! EHS có khi xuất hiện bất ngờ trong thời gian có khi kéo dài trong suốt nhiều năm. EHS có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ hay tệ hại nhất là gây chứng tim đập nhanh (tachycardia) tạm thời. Về lâu dài, EHS dễ gây trầm uất, rối loạn, hoảng hốt khiến bệnh nhân liên tưởng đến chứng đột quị sắp xảy ra.

Giáo sư Brian Sharpless cho biết: "Những người bị EHS thường không dám đi ngủ. EHS sẽ rất đáng sợ nếu đối tượng không biết chuyện gì đang xảy ra với mình".

Tiến sĩ Nicholas Silver.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Sleep Medicine Reviews, rối loạn có thể xảy đến cho 1 trong 10 người ở vào khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời. EHS thường xảy đến cho phụ nữ trên 50 tuổi (ghi nhận được 76 trường hợp) song nó cũng xảy ra với trẻ em 10 tuổi. Hiện nay khoa học vẫn chưa biết rõ tại sao EHS xuất hiện mặc dù nó đã được xác định từ thế kỷ XIX! Một giả thuyết đặt ra là do các vấn đề về tai nhất là khi vòi nhĩ (vòi Eustache) - bộ phận kết nối tai giữa với phía sau mũi và cổ họng - bị tác động. Vấn đề là áp lực không khí nơi tai giữa dẫn đến hiện tượng nghe được tiếng động kinh hồn nhưng thật ra chẳng có gì cả!

EHS cũng liên quan đến việc ngưng sử dụng một cách đột ngột một số loại thuốc như là benzodiazepine điều trị chứng lo âu hay mất ngủ, hoặc các loại thuốc chống trầm uất - tức là các chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin. Giáo sư Sharpless cho rằng cách giải thích EHS hợp lý nhất là có một loại tiếng nổ nhỏ nơi các tế bào thần kinh trong não bộ trong suốt giai đoạn chuyển đổi đột ngột từ trạng thái thức sang ngủ. Khi chúng ta ngủ, não bộ sẽ "ngắt" những vùng khác nhau xử lý chuyển động, thị giác, âm thanh v.v… do đó gây ra "tiếng nổ lốp đốp" tạm thời.

Có giải thích rằng, EHS xảy ra do tình trạng chậm trễ trong tiến trình "ngắt" này dẫn đến sự bùng phát hoạt động não khiến đối tượng nghe được tiếng động kinh hồn và nhìn thấy ánh sáng chớp lóe.

Miệng vòi Eustache đang mở.

Theo tiến sĩ Nicholas Silver, tin tốt lành là EHS "hoàn toàn lành tính và không đe dọa tính mạng". Tuy nhiên, do thiếu chú ý nên EHS thường bị chẩn đoán sai thành chứng động kinh xảy ra về đêm, nhức đầu dữ dội (đau đầu bất ngờ trong vòng 60 giây) hay rối loạn do gặp ác mộng. EHS cũng có thể bị chẩn đoán sai thành xuất huyết dưới nhện (chảy máu đột ngột quanh não) dẫn đến việc bệnh nhân được chỉ định scan hay thậm chí chọc dò tủy sống.

Tiến sĩ Silver cho biết: "Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị EHS bao gồm clomipramine chống trầm uất, thuốc chống co giật dùng cho bệnh nhân động kinh hay thuốc chẹn kênh calcium hay phong bế calcium (ngăn không cho dòng calcium vào nội bào làm cản trở quá trình co cơ) dùng để điều trị cao huyết áp mặc dù vẫn chưa rõ chúng hiệu quả đến mức nào. Song, điều trị bằng thuốc chỉ đối với những người thường xuyên bị EHS mà thôi". Mặc dù EHS được ghi nhận trong y khoa từ năm 1890, nhưng nghiên cứu chuyên sâu về nó thì chưa thấy. 

Sau đây là một số trường hợp EHS được báo cáo rõ ràng. Zachary Alexander, 27 tuổi, trải nghiệm EHS suốt 7 năm và nghe thấy những âm thanh dữ dội như là "headphone đột ngột chập mạch". George Khandaker-Kokoris, 31 tuổi, bị EHS khoảng chục lần từ lúc 20 tuổi mô tả nó như là "âm thanh của roi da hay tiếng pháo nổ to". Còn Megan F. thường gặp các triệu chứng EHS hai tháng một lần, nghe như "tiếng súng nổ gần hay tiếng nổ động cơ ôtô".

Và, Mia M. bị EHS nhiều lần cách nhau trong suốt 7 năm nghe "tiếng cửa đóng sầm rất mạnh". Mia M. rất lo sợ bị khối u trong não sau khi nghe thấy những âm thanh kỳ lạ trong tai về đêm. Theo ghi nhận của các bác sĩ, khoảng 22% bệnh nhân EHS có kèm theo triệu chứng nhìn thấy ánh sáng chớp lóe bất ngờ.

An An (tổng hợp)
.
.