Bí ẩn nguồn gốc động cơ tên lửa Triều Tiên

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:00
Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ là điều đã được chứng minh và đang khiến nước Mỹ lo ngại. Những ý kiến trái chiều nhau về việc làm thế nào Triều Tiên có thể sở hữu những quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với "trái tim" là khối động cơ tên lửa phức tạp đang gây ra cuộc tranh cãi ở quy mô quốc tế.


Bí mật chưa có lời giải

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên có khả năng sản xuất những động cơ tên lửa. 

Ngày 15-8, các thông tin tình báo tại Mỹ nhận định rằng Bình Nhưỡng không cần dựa vào việc nhập khẩu loại động cơ này. Một trong số các quan chức tình báo Mỹ cho hay: "Chúng tôi có các thông tin tình báo nhận định rằng Triều Tiên không phụ thuộc vào việc nhập khẩu động cơ tên lửa. Ngược lại, chúng tôi đánh giá rằng họ có khả năng tự sản xuất loại động cơ này".

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng thử vào tháng 7-2017. Ảnh: KCNA.

Đánh giá này mâu thuẫn với một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London cho rằng những động cơ tên lửa hạt nhân mà Triều Tiên đang phát triển nhằm tấn công Mỹ có thể là các động cơ từng được sản xuất tại các nhà máy ở Ukraine hoặc Nga và đã được Triều Tiên mua lại qua các mạng lưới chợ đen.

Nghiên cứu của IISS, được công bố đúng vào lúc căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đang gia tăng xung quanh chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên phát triển, cho rằng các động cơ mà quốc gia Đông Bắc Á này sử dụng cho các tên lửa được thử nghiệm thành công gần đây có nguồn gốc từ nhà máy Yuzhmash của Ukraine.

Nghiên cứu này dựa trên việc phân tích những hình ảnh do Triều Tiên công bố về các động cơ tên lửa được nước này thử nghiệm trên mặt đất hồi tháng 9-2016 và tháng 3-2017, cũng như các cuộc thử nghiệm trên không với tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 hồi tháng 5 và tháng 7-2017. Tên lửa tầm trung Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được Triều Tiên thiết kế để có thể bắn tới Mỹ.

Bằng cách so sánh các động cơ trong các bức ảnh, IISS nhận thấy chúng có thể là các phiên bản sửa chữa của RD-250 do nhà máy Yuzhmash sản xuất và đã giúp cho các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có được thành công bất ngờ sau hàng loạt thất bại.

AFP dẫn báo cáo của chuyên gia về tên lửa thuộc IISS Michael Elleman nhận định các tên lửa sử dụng trong các vụ thử gần đây của Triều Tiên dựa trên mẫu động cơ RD-250 được chế tạo tại một nhà máy ở Ukraine. Các động cơ này có thể đã được mua lại, sau đó được chuyển lậu đến Triều Tiên thông qua các mạng lưới tội phạm.

Báo cáo của ông Elleman có đoạn: "Những động cơ này (dài gần 2m và rộng 1m) có thể được vận chuyển bằng hàng không, hoặc nhiều khả năng hơn là được chuyển bằng đường sắt đến Triều Tiên". Báo cáo của IISS cũng như các báo cáo khác cho thấy Triều Tiên đã từ bỏ những nỗ lực tân trang và nâng cấp động cơ OKB-456 do Nga thiết kế và hiện đã chuyển sang loại động cơ RD-250 của Ukraine, với những kết quả bất ngờ. Trong thời Liên Xô, động cơ RD-250 được sản xuất tại nhà máy Yuzhmash, thuộc Cục thiết kế Yuzhnoye, ở thành phố Dnipro.

Trong báo cáo nói trên, chuyên gia Elleman cũng khẳng định: "Điều này không đồng nghĩa với việc Chính quyền Ukraine có liên quan và cũng không nhất thiết có sự can dự của ban giám đốc của Cục thiết kế Yuzhnoye. Khi các tranh cãi về báo cáo nảy sinh, ông Elleman viết trên trang Twitter cá nhân: "Tôi muốn nói rõ về nguồn gốc của động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên: Cục thiết kế Yuzhnoye có thể là một trong số những nguồn cung, và cũng có thể là còn nhiều nguồn cung khác".

Ông Elleman cũng dẫn báo cáo của các điều tra Liên Hợp Quốc cho biết, Ukraine đã từng bắt giữ 2 đặc vụ nghi là của Triều Tiên hồi tháng 7-2012 khi họ cố tình đánh cắp những bí mật của Cục thiết kế Yuzhnoye ở thành phố Dnipro. Thông tin mà họ cố đánh cắp chủ yếu là về "các hệ thống tên lửa, động cơ nhiên liệu lỏng, các hệ thống cung cấp nhiên liệu tên lửa, vũ trụ".

Phủ nhận những nghiên cứu của IISS, Jeffrey Lewis - người đứng đầu Chương trình Chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở Monterey (California), khẳng định: "Điều này là hoàn toàn sai lầm". Ông Lewis cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện các phép đo độc lập với nhau trên chính những bức ảnh được sử dụng trong nghiên cứu của IISS và xác định rằng đó là các tên lửa có kích cỡ khác nhau. Họ kết luận rằng động cơ cho ICBM của Triều Tiên có khả năng được chế tạo ở trong nước.

Ông Lewis cũng dẫn chứng một thông báo của Bộ Tài chính Mỹ công bố vào ngày 17-1-2016 về các lệnh trừng phạt tài chính áp đặt với các công ty Iran vì đã giúp Triều Tiên phát triển động cơ tên lửa từng được nước này thử nghiệm hồi tháng 11-2016, mẫu động cơ gần giống với động cơ tên lửa nói trên của Ukraine. Ông nói: "Tôi cho rằng chúng không giống với mẫu RD-250, ngoại trừ điểm chung vốn có của các động cơ (tên lửa)".

Nghi án động cơ RD-250

Phân tích chi tiết của ông Ellman cũng phù hợp với đánh giá của giới chức tình báo Mỹ trước đây khẳng định, ICBM mới của Triều Tiên dựa trên một nền tảng công nghệ rất phức tạp mà nước này không thể tự mình đạt bước tiến nhanh như vậy.

Có thể Bình Nhưỡng lần đầu tiên sử dụng động cơ mới này vào tháng 9-2016, đồng nghĩa với việc họ chỉ mất 10 tháng để có thể đạt bước tiến vượt bậc từ mức cơ bản lên ngưỡng phóng thành công ICBM. Giới chức Mỹ kết luận thành công đạt được trong thời gian ngắn như vậy chỉ có thể giải thích bằng việc họ đã có những thiết kế, hệ thống hoặc kỹ thuật mua từ thị trường chợ đen.

Triều Tiên đã chú trọng thu thập công nghệ tên lửa qua thị trường chợ đen trong hàng thập kỉ qua. Triều Tiên từng có trong tay thiết kế tên lửa R-27 chuyên trang bị cho tàu ngầm của Liên Xô, do Cục thiết kế Makeyev chế tạo. Tuy nhiên, đây là mẫu tên lửa phức tạp, với thiết kế rất khó để sao chép, và phát triển thành công.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên kiểm tra trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng vào tháng 7-2017. Ảnh: KCNA.

Cuối cùng, theo các quan chức tình báo Mỹ, Bình Nhưỡng đã hướng đến giải pháp thay thế khác là tìm cách sở hữu bí quyết phát triển động cơ, với đích nhắm đến là nhà máy Yuzhmash và Cục thiết kế Yuzhnoye. Động cơ RD-250 dễ sao chép hơn vì nó được thiết kế không phải cho tên lửa đặt trên tàu ngầm mà là tên lửa đất đối không, giúp đơn giản hóa khâu chế tạo.

Bằng cách nào Triều Tiên sở hữu được mẫu động cơ RD-250 vẫn còn là điều bí ẩn. Chuyên gia Elleman không loại trừ khả năng Doanh nghiệp cơ khí năng lượng Energomash, một doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với Yuzhmash, đóng vai trò trong "bước chuyển giao" này.

Ông cho rằng những động cơ RD-250 còn lại có thể vẫn đang được cất giữ trong các nhà kho ở Nga hoặc Ukraine. Nhà máy Yuzhmash là tổ hợp chuyên chế tạo các loại tên lửa hiện đại nhất trong kho vũ khí của Liên Xô, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng siêu nặng R-36M2 Voevoda (NATO gọi là SS-18 Satan).

Câu chuyện về nguồn gốc động cơ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang gây ra những tranh cãi ở tầm quốc tế. Ukraine đã phản ứng gay gắt trước báo cáo nói trên của IISS. Các nhà lãnh đạo Ukraine đã phủ nhận việc từng cung cấp công nghệ quốc phòng cho Triều Tiên.

Trong khi đó, đại diện nhà máy Yuzhmash thuộc sở hữu của nhà nước Ukraine cho biết công ty họ không sản xuất tên lửa đạn đạo quân sự kể từ khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991 và không có bất kỳ mối liên hệ nào với chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bộ phận tiếp thị của nhà máy Yuzhmash cho biết công ty này "chưa từng và không làm bất kỳ việc gì liên quan các chương trình tên lửa của Triều Tiên mang bản chất quốc phòng hoặc thử nghiệm vũ trụ".

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Aleksandr Turchinov đã lên tiếng khẳng định không có bất cứ nhà máy quốc phòng và công nghệ hàng không nào của Ukraine cung cấp vũ khí và công nghệ tên lửa cho Triều Tiên; Ukraine luôn chấp hành tốt các nghĩa vụ quốc tế. Ông Turchinov đồng thời cũng lên tiếng cáo buộc "một số truyền thông nước ngoài" đang lan truyền các thông tin giả mạo về việc nhà máy Yuzmash chuyển công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. 

Về phần mình, người đứng đầu công ty chế tạo tên lửa hàng đầu Ukraine KB Yuzhmash, ông Alexander Degtyarev, đã phủ nhận thông tin về việc doanh nghiệp này có thể đã xuất khẩu công nghệ cho Triều Tiên. Theo phát biểu được công bố trên trang mạng Strana.ua, ông Alexander Degtyarev khẳng định rằng nhân viên công ty không hề tiết lộ công nghệ cho Bình Nhưỡng. Ông Degtyarev thừa nhận khả năng các sản phẩm của công ty đã bị sao chép.

Ngày 16-8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã yêu cầu giới chức nước này tiến hành một cuộc điều tra "thấu đáo và toàn diện" về những thông tin do tờ New York Times đăng tải. Tổng thống Poroshenko cho rằng các cuộc điều tra sẽ chứng minh rằng thông tin của New York Times là hoàn toàn sai lệch.

Trong khi còn chưa rõ trắng đen, quyền Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ quốc gia Ukraine (USSA) Yury Radchenko hôm 15-8 cáo buộc Nga chuyển động cơ dùng trong các tên lửa Tsyklon-2 và Tsyklon-3 cho Triều Tiên.

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev, ông Radchenko cho biết: "Triều Tiên chỉ mất vỏn vẹn 2 năm để tung ra tên lửa hoàn chỉnh. Khoảng thời gian đó rất ngắn để có thể đạt được những tiến bộ về công nghệ" - quyền Chủ tịch USSA lập luận.

Cũng theo ông Radchenko, Ukraine đã sản xuất động cơ tên lửa trước năm 2001. Tất cả đều được chế tạo dành cho các tên lửa Tsyklon-2 và Tsyklon-3 chuyển cho phía Nga. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Radchenko cho biết Moscow đã sử dụng 7-20 quả Tsyklon-2 và Tsyklon-3. Vì vậy, không loại trừ khả năng bị "thất thoát" từ phía Nga.

Những bước tiến lớn

Trong khi Mỹ và các nước đồng minh đẩy mạnh cấm vận và gây áp lực nhằm ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến nhảy vọt với vụ phóng thành công tên lửa tầm trung Hwasong-12 vào tháng 5 và 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 vào tháng 7.

Sự tiến bộ bất thường trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên đang làm đau đầu giới quan sát vốn cho rằng Bình Nhưỡng không thể phóng thành công ICBM trước năm 2020. John Schilling, một chuyên gia về tên lửa hiện đang cộng tác với nhóm tư vấn 38 độ Bắc ở Washington, ước tính tới năm 2020, Triều Tiên có thể sẽ phát triển thành công tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công Mỹ, và tới 2025 sẽ sở hữu loại tên lửa tầm xa sử dụng nhiên liệu rắn. 

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, có nhiều kinh nghiệm về châu Á, Daniel Russel, cho rằng mục tiêu của Bình Nhưỡng là buộc Mỹ và cộng đồng quốc tế phải thừa nhận Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Russel, hiện đang làm việc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nói: "Thông điệp mà họ muốn gửi tới Mỹ là chiến dịch gây sức ép và các đòn trừng phạt của Mỹ không hiệu quả, và họ muốn phô trương các thành tựu trong chương trình tên lửa đạn đạo của mình".

Phân tích về kỹ thuật tên lửa, các chuyên gia Mỹ nhận định, thay vì tập trung vào khoảng cách bay, Triều Tiên tăng cường kiểm tra khả năng bay cao vào không gian của các tên lửa. 

Hiện tên lửa do Triều Tiên phóng thử đã đạt độ cao hơn 1.300 dặm và sau đó lao xuống bầu khí quyển và mô phỏng loại đầu đạn hạt nhân sẽ bay theo quỹ đạo nào nếu bắn với một khoảng cách xa hơn. David C. Wright, một nhà khoa học cấp cao tại Hiệp hội Các vấn đề nhà khoa học quan tâm - một tổ chức tư nhân tại Cambridge - cho biết: "Đây là một bước đệm giúp họ (Triều Tiên) có thể tạo ra một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân theo quỹ đạo bay này".

Tiến sĩ N.Schilling - một kỹ sư về vũ trụ đã nhận xét, với động cơ tên lửa hoàn hảo, loại tên lửa mới của Triều Tiên với tầm bay xa hơn này có thể dễ dàng tấn công Guam. ICBM của Triều Tiên có thể đe dọa các mục tiêu trên đất Mỹ, cách Triều Tiên khoảng 9.000 km. Melissa Hanham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, nói: "Điều quan trọng là Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến lớn trong việc phát triển tên lửa, nhiều hơn những gì hầu hết chúng ta có thể nhận thấy".

Hoa Huyền
.
.