Biến đổi khí hậu: Hãy hành động trước khi quá muộn

Thứ Tư, 21/08/2019, 14:34
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã đi đến kết luận: Tình trạng ấm lên trên toàn cầu và cả những thay đổi mang tính thảm họa tại Bắc Cực bởi khí thải do con người gây ra gần như là một tiến trình không thể đảo ngược, kể cả khi nhân loại dồn hết mọi nỗ lực ngăn chặn.


Việc phân tích các bằng chứng của giới khoa học đưa ra sẽ giúp chúng ta hình dung phần nào điều gì đang diễn ra trên hành tinh và điều gì sẽ chờ đợi nhân loại trong tương lai…

Tháng 3-2019, Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra một báo cáo rất đáng chú ý về tương lai ảm đạm của trái đất. Trong đó, các chuyên gia đã đánh giá lại một cách nghiêm túc về những hy vọng của nhân loại trong việc ngăn chặn những hậu quả tai hại của tình trạng thay đổi khí hậu trên toàn cầu.

Các chuyên gia đi đến kết luận, ngay cả khi thỏa thuận Paris năm 2015 được triển khai ngay lập tức cùng với lượng khí thải carbon được giảm sâu (trên thực tế đây là điều không thể), chúng ta cũng không thể tránh được việc nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 1,5ºC. Loài người đơn giản là phải thích nghi với cuộc sống của một thế giới đang nóng lên trong vài thập niên sắp tới.

Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu các nguyên nhân băng tan tại Bắc Cực.

Khu vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất của hành tinh hiện nay chính là Bắc Cực, cho dù những thay đổi đang diễn ra sẽ tác động lên khí hậu tại toàn bộ khu vực bán cầu bắc.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ trung bình vào mùa đông tại đây sẽ tăng lên từ 3-5ºC vào năm 2050, từ 5-9ºC vào năm 2080, khiến các khu vực vùng cực sẽ bị mất phần lớn băng tuyết, kèm theo đó là mực nước biển dâng cao trên khắp toàn cầu.

Thậm chí ngay cả khi giả sử tất cả các nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính – xe hơi, nhà máy, cơ sở nhiệt điện – đều ngừng hoàn toàn việc thải ra Carbon dioxide, nhiệt độ trung bình vào mùa đông trên toàn cầu vẫn tăng lên từ 4-5oC cho đến năm 2100.

Cũng theo báo cáo, các dân tộc bản địa tại vùng cực bắc đang bắt đầu phải đương đầu với những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng lương thực, nảy sinh từ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái tại địa phương, tới các cộng đồng động thực vật sinh sống tại đây.

Đến năm 2050, tình trạng tan băng vĩnh cửu sẽ đe dọa trực tiếp khoảng 4 triệu người và phần lớn cơ sở hạ tầng tại vùng cực. Tính từ năm 1979 đến nay, lượng băng trên biển ở Bắc Cực đã giảm tới 40%. Còn các hình mẫu khí hậu đều dự đoán, với nhịp độ khí thải CO2 như hiện nay, băng tại Bắc Cực sẽ tan hết hoàn toàn vào dịp hè. Việc tan chảy các sông băng và núi băng tại Greenland hiện đang góp một phần khá lớn khiến cho mực nước biển dâng cao.

Nhưng ngay cả khi con người ngừng ngay hoàn toàn việc xả khí thải, tình hình sẽ không thể cải thiện được bao nhiêu: các lớp băng vĩnh cửu sẽ giảm sâu tới 45% nếu so sánh với lượng băng hiện nay. Đây được đánh giá là một quả bom khí hậu nổ chậm khổng lồ, do phía dưới đó là nơi ẩn giấu của khoảng 1672 tỉ tấn carbon. Các cư dân sống ven biển ở Bắc Cực sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn.

Vấn đề là nước lạnh đang chứa một lượng lớn carbon dioxide, việc tan chảy băng sẽ làm tăng hàm lượng axit của nước biển. Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, tỉ lệ axit của nước biển đã tăng lên 30%. Tỉ lệ axit càng tăng, các lớp san hô, sinh vật phù du tại cực Bắc càng gặp nhiều khó khăn để tạo ra các dải san hô dọc bờ biển.

Nguyên nhân mang yếu tố con người

Việc xác định nguyên nhân của những thay đổi khí hậu là một vấn đề phức tạp, nhưng nhờ các nghiên cứu khoa học, có thể thu được hàng loạt những bằng chứng không thể bác bỏ về ảnh hưởng của con người đối với tiến trình này.

Chẳng hạn như việc đốt nhiên liệu hóa thạch hàng năm sẽ thải ra ngoài khí quyển khoảng 8 tỉ tấn carbon (30 tỉ tấn khí carbon). Từ đó, việc oxy hóa carbon sẽ lại làm giảm nồng độ oxy trong không khí, theo khẳng định của các nhà nghiên cứu từ Viện Hải dương học Scripps (Mỹ).

Thời tiết ấm bất thường tại Na Uy khiến băng tan.

Các số liệu thu được từ vệ tinh cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1996, các lớp phía trên của bầu khí quyển phát ra ít bức xạ nhiệt có độ dài sóng xác định để có thể hấp thu khí carbon. Điều này khiến cho lượng nhiệt thoát ra sẽ quay trở lại bề mặt và hâm nóng trái đất.

Những dữ liệu rõ ràng trên đã bác bỏ các luận điểm của một số chuyên gia cho rằng, không có bằng chứng nào về sự liên quan giữa gia tăng nồng độ khí carbon với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chính lượng carbon thải ra từ công nghiệp dẫn tới sự gia tăng khí carbon trên bầu khí quyển, qua đó làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Bản thân số liệu về nhiệt độ trung bình ban đêm hàng năm vẫn gia tăng đều đã bác bỏ giả thuyết về ảnh hưởng của mặt trời đối với tiến trình này.

Xét về quá khứ thì khí hậu trái đất đã có không ít lần có những thay đổi lớn, nguyên nhân chính cũng đều bắt nguồn từ khí carbon. Khi loại khí này xuất hiện nhiều hơn, đồng nghĩa với việc nhiệt độ tăng lên và ngược lại.

Việc thay đổi các thời đại thuộc kỷ băng hà, những mốc tăng nhiệt độ cực đại và nói chung mọi chuyển biến lớn về khí hậu đều dẫn tới những thay đổi nghiêm trọng về môi trường thiên nhiên và sự tuyệt chủng của nhiều loại động vật khác nhau. Vấn đề là vào thời điểm hiện nay, nhịp độ gia tăng sự giải phóng khí carbon ra bầu khí quyền đang vượt khá xa những tiến trình tự nhiên từng diễn ra trong quá khứ.

Cái nhìn về tương lai

Để có thể dự đoán được khí hậu của trái đất trong tương lai, các nhà khoa học sử dụng cái gọi là các mô hình khí hậu. Thực chất đó là cách mô tả bằng toán học sự tương hỗ giữa khí quyển, đại dương, bề mặt trái đất, sông băng và bức xạ mặt trời.

Những mô hình này không thể giúp dự đoán ngay khí hậu năm sau là nóng hay lạnh, mà giúp xác định được xu hướng biến đổi trung bình trong vài chục hay vài trăm năm tiếp theo.

Tình trạng ấm lên toàn cầu dẫn tới các nguồn nước ngọt thiếu hụt.

Trong một bài báo công bố trên Nature Climate Change vào năm 2014, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã cho thấy, các kết quả dự đoán của họ là tương đối chính xác dựa trên các mô hình đánh giá theo chu kỳ 15 năm, trong đó có tính đến các yếu tố tác động của con người, cũng như những giai đoạn biến đổi của tự nhiên (chẳng hạn như El Nino).

Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, hệ thống khí hậu trên trái đất có quá nhiều những mối quan hệ chằng chéo tác động lẫn nhau, nên những đánh giá dựa trên các mô hình cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Nói chung những dự đoán của giới khoa học thường đánh giá thấp hơn về mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Chẳng hạn như số liệu từ vệ tinh cho thấy, mực nước biển dâng đã tăng nhanh hơn so với dự báo. Tương tự như vậy, tỉ lệ tan của băng trên đại dương cao hơn tới 40% so với dự tính của các mô hình khí hậu.

Những nạn nhân đầu tiên

Tình trạng thay đổi khí hậu đã dẫn tới những nạn nhân và thiệt hại đầu tiên do nền nhiệt tăng. Đầu tiên là năng lượng của bầu khí quyển gia tăng do nhiệt từ mặt trời bị giữ lại nhiều trong lớp vỏ không khí của trái đất, làm gia tăng các thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt (cách gọi của những giai đoạn thời tiết nóng quá mức) v.v…

Như các chuyên gia và quan chức Australia đã thừa nhận, loài chuột có tên khoa học là Melomys rubicola là giống loài đầu tiên bị tuyệt chủng vì thay đổi khí hậu. Những đợt nước dâng do bão và lụt lội đã nhấn chìm vị trí sinh sống của loài này trên đảo đá san hô Bramble Cay tại vịnh Torres.

Theo đó, lần cuối loài sinh vật này được nhìn thấy là vào năm 2009. Nếu như mức nước biển dâng trung bình trên toàn cầu là 20cm (từ năm 1901 đến 2010) thì tại khu vực vịnh Torres chỉ số này đã tăng nhanh gấp đôi. Sóng dâng từ cơn bão Valak cũng xóa khỏi bản đồ trái đất hòn đảo phía đông của quần đảo Hawaii, là nơi sinh sống quan trọng của hải cẩu và rùa biển xanh tại đây, khiến số lượng của những loài này đang sụt giảm nhanh chóng tới mức báo động.

Tất nhiên không chỉ có động vật là nạn nhân của tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức xã hội Christian Aid, những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra do biến đổi khí hậu đã làm hàng ngàn người thiệt mạng, cùng với đó là những tổn thất kinh tế cả hàng chục tỉ đôla.

Những trận cháy rừng nghiêm trọng tại California có nguyên nhân từ nắng nóng và hạn hán.

Như cơn bão Florence đổ bộ vào bờ biển đông nam nước Mỹ năm 2018 mang theo lượng mưa kỷ lục nhiều hơn tới 50%. Cũng trong năm đó, nạn lụt lội nghiêm trọng tại Nhật đã cướp đi mạng sống của 230 người, chưa kể cơn bão Jebi sau đó thêm 17 người nữa. Trên khắp thế giới, tỉ lệ các đợt nắng nóng và hạn hán được thống kê đã tăng gấp 30 lần.

Thông báo cho biết có hơn 60 người thiệt mạng vì sốc nhiệt tại Nhật, gần 70 người tại Canada và hàng chục người khác tại các nước châu Âu, chưa kể hàng ngàn nạn nhân khác phải nhập viện vì nắng nóng.

Theo Giáo sư Noah Diffenbaugh từ Trường Đại học Tổng hợp Stanford cùng một số chuyên gia khác, những trận cháy rừng nghiêm trọng tại California – cướp đi mạng sống của 104 người cùng với khoản thiệt hại 3,5 tỉ USD – có nguồn gốc từ các điều kiện thời tiết bất lợi, cụ thể là nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm.

Các nhà khoa học trong một bài báo trên Tạp chí National Academy of Sciences đã khẳng định, những đợt khô hạn kỷ lục trong giai đoạn 2007-2010 chính là một trong những yếu tố chủ chốt dẫn tới việc bùng nổ cuộc chiến tại Syria.

Tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng làm mùa màng thất bát, khiến người nông dân tràn về các thành phố, vốn từ trước đã phải chịu nhiều áp lực của những người tị nạn tới từ Iraq. Không có gì khó hiểu khi tình cảnh trên đã dẫn tới hàng loạt những bất ổn, bạo loạn và cuối cùng là xung đột vũ trang.

Cho dù vẫn đang còn có nhiều tranh luận, nhưng hơn 90% các chuyên gia nghiên cứu khí hậu từ lâu đã đi đến kết luận: tình trạng ấm lên toàn cầu là một thực trạng và nguyên nhân của nó chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố con người.

Nhận định trên đáng tiếc vẫn chưa thực sự cảnh tỉnh được giới chính trị gia cầm quyền tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, khi những lĩnh vực về kinh tế xã hội hiện cơ bản vẫn là những ưu tiên hàng đầu.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.