Bỏ sổ hộ khẩu, tiến tới số hóa toàn bộ dữ liệu dân cư

Thứ Ba, 09/06/2020, 10:50
Câu chuyện về nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Hà Nội nhiều năm trước đây với một số vấn đề khác được ví như câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước.

Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 cũng đã thông thoáng hơn, người dân chỉ cần tạm trú thời gian theo quy định, có chỗ ở hợp pháp thì sẽ được nhập khẩu. Nhưng để có được “chỗ ở hợp pháp” là một vấn đề không dễ giải quyết.

Tạo điều kiện tối đa cho người dân về cư trú

Tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn các quy định riêng về điều kiện thường trú (nhập khẩu). Cụ thể, người dân muốn nhập khẩu vào 5 thành phố trên phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 đến 2 năm trở lên, đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên và bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố. 

Luật Cư trú năm 2013 cũng đã “nới lỏng”, cho phép người ngoại tỉnh được nhập khẩu vào thành phố trực thuộc Trung ương nếu chủ hộ cho thuê, cho mượn nhà đồng ý. Nhưng, điều kiện này thường rất khó thực thi bởi trong các giao dịch dân sự liên quan đến nhà đất, vay mượn cầm cố ngân hàng thì các cơ quan này lại yêu cầu tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu phải ký đồng ý mới giao dịch được.

Như vậy, vô hình trung chủ hộ sẽ tự gây khó cho mình bởi nếu người nhập khẩu nhờ không ký tên các giao dịch trên thì sẽ gây khó khăn, thậm chí không giao dịch được. Hơn nữa, bản thân chủ hộ cũng không muốn người khác biết về các việc riêng tư của mình liên quan đến nhà đất, làm ăn. Chính vì vậy, mặc dù có “nới lỏng” về điều kiện nhập khẩu nhưng đa số người dân ngoại tỉnh vẫn gặp khó khi nhập khẩu vào thành phố. Không có hộ khẩu, họ sẽ khó khăn khi khai sinh, cho con đi học, thậm chí kể cả kiếm việc cho mình.

Để tạo điều kiện tối đa cho người dân về cư trú, bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi Luật Cư trú, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Khi thực hiện các thủ tục hành chính bằng mã số định danh cá nhân, công dân không phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) thì dự án luật này quy định rất nhiều vấn đề mới như: bỏ sổ hộ khẩu giấy, bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó kiến nghị bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19, Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo hướng không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc quy định như vậy là nhằm: Bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013;  Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp; Giúp chính quyền các cấp hoạch định chính sách kinh tế - xã hội được chính xác hơn, sát với số liệu dân số thực tế đang sinh sống trên địa bàn quản lý.

“Cởi trói” hộ khẩu -  thành phố sẽ quá tải?

Nhiều người lo ngại rằng, nếu “cởi trói” cho người dân về điều kiện thường trú (nhập khẩu) tại các thành phố trực thuộc Trung ương thì người dân sẽ ồ ạt “tràn” vào thành phố, đặc biệt là Hà Nội, gây quá tải về cơ sở hạ tầng, phức tạp về ANTT. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã nêu 4 vấn đề đề nghị Bộ Công an cần làm rõ, trong đó có vấn đề này.

Trao đổi với Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Cư trú (sửa đổi) chúng tôi được biết, trong quá trình xây dựng quy định, Bộ Công an đã có đánh giá tác động về vấn đề này: Một là, có thể trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương do thực tế còn tồn đọng một số lượng nhất định những người chưa đủ điều kiện đăng ký, tuy nhiên, việc này sẽ dần đi vào ổn định. Qua rà soát bước đầu còn khoảng 100 nghìn người tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương chưa đăng ký thường trú, tạm trú.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an).

Về việc tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an cho rằng sẽ không tác động nhiều vì thực tế có hay không có quy định về điều kiện đăng ký thường trú riêng thì công dân vẫn có thể đến lao động, làm việc, sinh sống trên địa bàn. Việc tăng dân số cơ học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, như việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống... nên tác động do thay đổi điều kiện đăng ký, quản lý cư trú là không nhiều.

Hai là, trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số dịch vụ công khác đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương như điện, nước... Tuy nhiên, trên thực tế dù có hay không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố này thì mọi công dân đang sinh sống vẫn sử dụng điện, nước hằng ngày.

Cân nhắc các tác động tích cực, tiêu cực nêu trên, Bộ Công an thấy rằng việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp; trong ngắn hạn có thể sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế... và cơ sở hạ tầng của các thành phố song áp lực đó không lớn. Về lâu dài, việc bỏ quy định riêng này sẽ bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình được triệt để hơn, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá đúng thực trạng dân cư và thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của mình.

Xác định nhân thân của các thành viên trong gia đình như thế nào?

Sổ hộ khẩu hiện nay đang quy định về hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình. Vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì khi cần xác định những quan hệ này sẽ xác nhận như thế nào. Trả lời vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, Luật Cư trú (sửa đổi) quy định việc quản lý cư trú bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các thông tin về cư trú của công dân như hiện nay đang được thể hiện bằng thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ được số hóa, cập nhật vào cơ sở dữ liệu này.

Thông tin về mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cụ thể là tại Điều 41 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9, Luật Căn cước công dân đã bổ sung trường thông tin “Quan hệ với chủ hộ” và “Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”. Do vậy, trường hợp công dân muốn xác nhận quan hệ với chủ hộ thì công dân chỉ cần khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đã rõ ràng, nếu cần thiết thì có thể yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu xác nhận thông tin của công dân về mối quan hệ với chủ hộ.

Ngoài việc xác định nhân thân thì sổ hộ khẩu còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch dân sự như: Chứng minh quan hệ để ký khế ước ngân hàng, hợp đồng mua bán điện, nước... nhằm xác thực về thân nhân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Nhiều người lo lắng, nếu không có sổ hộ khẩu thì người dân sẽ xác nhận nhân thân như thế nào khi tự mình không thể tra cứu dữ liệu của Cơ quan công an khi cần thiết. Có phát sinh thêm việc phải đến Cơ quan công an chờ đợi để xin xác nhận hay không?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khẳng định: “Như đã nói ở trên, toàn bộ thông tin của công dân có trong sổ hộ khẩu sẽ được thể hiện trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch dân sự của công dân. Về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan phải có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nào khác”.

Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân.

Sổ hộ khẩu đã hết vai trò lịch sử.

Không thường trú trên 1 năm bị xóa tên

Trên thực tế, rất nhiều người dân “hộ khẩu một nơi, người một nẻo”, thậm chí nhiều người đã bán nhà chuyển đi hàng chục năm nhưng không chuyển khẩu đi vì để con cái còn học hành ở nơi ở cũ, thậm chí đơn giản chỉ để cho “oai” vì có hộ khẩu ở trung tâm thành phố lớn. Bên cạnh đó, hàng nghìn phụ nữ sau ly hôn không chuyển được hộ khẩu đi vì chủ hộ là bố/mẹ/chồng không tạo điều kiện cho chuyển khẩu; hàng ngàn người chồng phải “đeo” vợ cũ trong hộ khẩu vì sau ly hôn vợ cũ không muốn chuyển đi.

Ngoài ra, nhiều người cho người thân nhập hộ khẩu nhờ cũng không có cách nào “đuổi” nếu người đó không tự giác chuyển khẩu... Những việc này gây phức tạp trong quản lý hành chính, gây khó khăn cho những người trong cuộc. Chính vì vậy, để phù hợp với thực tiễn và tăng cường trách nhiệm của công dân trong công tác đăng ký cư trú; đồng thời, để hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú) tác động đến công tác hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, nếu công dân bị xóa đăng ký thường trú thì có thể đăng ký lại theo quy định tại khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi); trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì họ phải khai báo với công an xã, phường, thị trấn nơi hiện tại đang sinh sống để quản lý theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Như vậy, nếu người dân có đăng ký thường trú ở một nơi và thực tế ở một nơi khác mà chưa đăng ký tạm trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú thì họ có trách nhiệm đến công an xã, phường, thị trấn nơi họ đang thực tế cư trú làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.

Thu Anh
.
.