Bom bẩn và những vụ trộm phóng xạ

Thứ Tư, 12/02/2020, 09:57
Bom bẩn luôn là loại vũ khí hủy diệt quy mô lớn của bọn khủng bố. Mấy năm gần đây, xu hướng buôn lậu bom bẩn cho bọn khủng bố quốc tế để kiếm lợi nhuận khổng lồ đang có chiều hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, Cơ quan chống khủng bố quốc tế và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã liên tục đưa ra cảnh báo: Việc buôn lậu bom bẩn ngày càng tràn lan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lệnh cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Gần đây, tờ "Thời báo Washington" của Hoa Kỳ đã tiết lộ một số vụ buôn lậu bom bẩn quốc tế đã bị bắt giữ. 

Ngẫu nhiên phát hiện một bí mật siêu cấp

Ngày 31 tháng 5 năm 2015, một người đàn ông tên Makiria bắt taxi đến ga xe lửa ở Tbilisi, Georgia. Trên đường, những chiếc hòm anh ta mang theo dường như rất nặng, dằn bẹp cả bánh sau của xe. Mặc dù kích thước những chiếc hòm không lớn nhưng nó lại đựng vật chất rất nguy hiểm: Những chiếc hòm được bọc một lớp chì dày, bên ngoài còn ghi dòng chữ cảnh báo “Nguy hiểm, chất phóng xạ”.

Một cảnh sát nhìn thấy bánh sau của chiếc xe bị dằn rất nặng nên nghi ngờ và ra hiệu yêu cầu chiếc xe dừng lại để kiểm tra. Khi nhìn thấy mấy cái hòm nặng nề và dòng chữ cảnh báo, cảnh sát lập tức dùng bộ đàm gọi thêm mấy đồng sự nữa đến.

Hội nghị an toàn hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Không lâu sau, rất nhiều cảnh sát đã đến hiện trường. Họ lấy ra một thiết bị đo phóng xạ và tiến hành kiểm tra mấy cái hòm trên xe taxi. Lúc này, Makiria ngồi trong xe vừa hút thuốc vừa tỏ ra rất lo lắng. Khi các sĩ quan cảnh sát bật công tắc máy đo thì cái kim trên máy đo lập tức nhảy vọt lên.

Thiếu tá Larry Omiaz, sĩ quan cảnh sát tại hiện trường nhớ lại: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ bị giật mình nhưng sau đó chúng tôi vô thức từ từ lùi lại”. Hóa ra trong số hòm của Makiria có hai hòm chứa kim loại phóng xạ cao - strontium và caesium.

Các chuyên gia chống khủng bố nói rằng vật liệu phóng xạ này nếu được sử dụng để chế tạo một loại bom bẩn có thể sinh ra bức xạ rất mạnh nhưng không gây ra được vụ nổ hạt nhân.

Cảnh sát còn phát hiện trong hòm thứ ba chứa chất lỏng màu nâu và được xác định là chất dùng để chế tạo chất độc mù tạt, một trong những vũ khí hóa học nguyên thủy nhất. Mãi đến sau này, cảnh sát mới biết về vai trò của Makaria trong vụ này. Hắn là người vận chuyển những loại vật liệu phóng xạ cho bọn khủng bố làm nguyên liệu để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cảnh sát bước đầu biết được những chiếc hòm này do một người đàn ông khác ở  Georgia giao cho Makiria, người đàn ông đó có tiền sử buôn bán ma túy.

Nhiệm vụ của Makiria là ngồi tàu hỏa đưa các hòm này từ Tbilisi đến Azar ở biên giới phía tây nam Georgia, một nơi tình hình hiện đang rất hỗn loạn. Người ta đoán rằng những chiếc hòm này sẽ được vận chuyển qua biên giới tới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc có thể là Iran để giao cho khách đặt hàng. Hiện nay tên của người mua vẫn chưa được biết.

Truy tìm nguồn gốc chất phóng xạ 

Nếu việc buôn lậu chất phóng xạ này thành công thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được. 

Makiria nói với cảnh sát rằng anh ta nhận những chiếc hòm chết người này từ một người đàn ông 29 tuổi là Samhachuri. Anh ta nói Samhachuri có mối quan hệ tốt với bố vợ anh ta và Samhachuri đã nhờ Makiria mang đến tỉnh Azaria rồi sẽ có người đến lấy đi. 

Cảnh sát điều tra và phát hiện Samhachuri là một người có tiền sử buôn bán ma túy và hắn đã biến mất sau khi những chiếc hòm này bị cảnh sát bắt. Các nhà điều tra đang tìm kiếm manh mối nhưng cuộc tìm kiếm dường như đã đi vào ngõ cụt.

Mối lo ngại phóng xạ và bom bẩn lọt vào tay khủng bố đang gia tăng.

Cảnh sát được biết hai chất phóng xạ một hòm dạng bột Caesium được sản xuất bởi Liên Xô cũ trong những năm 1970 để sử dụng trong công nghiệp. Các điều tra viên nói rằng mặc dù chất caesium này đã mất hơn một nửa năng lượng ban đầu nhưng tính phóng xạ của nó còn đủ để gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong nhưng cảnh sát vẫn chưa hiểu được về nguồn gốc của chất mù tạt và vẫn đang tiến hành phân tích nó.

Chất phóng xạ buôn lậu này đi đến đâu và được sử dụng như thế nào, cảnh sát chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Ông Sarakaya, giám đốc điều tra của Bộ An ninh quốc gia Georgia, tuyên bố rằng “Những người chịu trách nhiệm thu gom và đóng gói ba chất phóng xạ này không có việc gì khác ngoài việc sử dụng chúng để khủng bố hoặc giết người”. Ông còn nói rằng “Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu xem những người nào đứng đằng sau Samhachuri”.

Đòi tiền chuộc chất phóng xạ 

Chất phóng xạ của các băng đảng tội phạm không chỉ tìm thấy ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ mà còn có hàng ngàn thiết bị phóng xạ mạnh hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế, ngành luyện kim và ngành khai thác mỏ. Trong một mức độ nào đó nó hợp với khẩu vị của những kẻ khủng bố và trở thành mục tiêu của những tên trộm. Đây là một cơn ác mộng đối với các chuyên gia chống khủng bố.

Một thiết bị trong đó gọi là “Tiều phu tốt” (thiết bị phóng xạ) được sử dụng ở các công ty năng lượng khi các nhà địa chất khi tìm kiếm mỏ dầu dưới lòng đất. Trong thiết bị này chứa một kim loại phóng xạ mạnh thường là triti, iridium hoặc strontium bị nhấn chìm vào thành giếng khoan lợi dụng bức xạ gamma có thể xuyên qua đá dày đặc để thăm dò trữ lượng dầu. Khi không sử dụng, lõi của nó được đặt trong một thùng bia và được bảo vệ bởi một bức tường chì.

Một khu mỏ khai thác Uranium của Mỹ.

“Tiều phu tốt” mang theo chất phóng xạ nguy hiểm, chất phóng xạ này có thể xâm nhập sâu và phá hủy da nếu mục tiêu của nó là một quả bom bẩn thì vật liệu đó hoàn toàn có thể tạo ra một thứ vô cùng nguy hiểm. Hiện nay trên thế giới đang có hàng ngàn vạn “Tiều phu tốt” mà lại thường sử dụng ở những nơi xa xôi hẻo lánh cho nên nó dễ bị đánh cắp và thất lạc.

Gần đây, một âm mưu đáng sợ đã được tiết lộ: Một băng đảng tội phạm ở Ecuador đã đánh cắp năm thiết bị iridium và yêu cầu chủ sở hữu mua lại chúng với giá hàng ngàn đô la. Đây là sự kiện đầu tiên được biết đến về việc tống tiền thành công với chất phóng xạ. Các chuyên gia Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đang rất lo lắng rằng hình thức tống tiền này có thể tiếp tục được bọn tội phạm áp dụng.

Theo Ủy ban năng lượng nguyên tử của Ecuador, vụ trộm được lên kế hoạch cẩn thận và diễn ra vào ngày 9 tháng 12 năm ngoái. Một nhóm trộm đã đột nhập vào kho cất giữ ở Siningde, một tỉnh ven biển ở Esmeraldas lấy trộm những thiết bị chứa phóng xạ của công ty thám hiểm quốc tế Interinspec. Một tên trộm biết các thiết bị này ở đâu và giá trị của chúng là bao nhiêu, tên trộm này trước đây từng làm thuê ở công ty nhưng bị sa thải nên sinh ra bất mãn.

Vài ngày sau, công ty nhận được yêu cầu tiền chuộc. Mặc dù cục điều tra của chính phủ đã phản đối việc chuộc tiền nhưng công ty Interinspec đã đồng ý dùng 5.000 đôla chuộc lại năm thùng chứa chất phóng xạ đó, trung bình mỗi thùng 1 ngàn đôla. “Tôi tin rằng đây là cách tốt nhất để kiểm soát năm thiết bị này”. Ông Salvador, giám đốc kỹ thuật của ủy ban Ecuador nói như vậy.

Tuy nhiên, những tên trộm này chỉ trả lại 3 trong số 5 thiết bị này và bọn chúng giữ lại hai thùng để bắt những con cá lớn hơn. Cùng lúc đó, công ty này đã vô tình làm rơi thiết bị thứ 6 xuống sông còn thiết bị thứ 7 thì bị bỏ quên ở trong rừng khi một nhóm công nhân hoàn thành một dự án ở một khu vực hẻo lánh. Hàng trăm binh sĩ đã được điều động để tìm kiếm và cuối cùng hai thiết bị chứa phóng xạ trên đã được tìm thấy, nhưng hai thiết bị kia vẫn có thể đang nằm trong tay bọn tội phạm.

Vụ trộm cắp chất phóng xạ đình đám

Một trường hợp trộm cắp khác được các các quan chức Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ quan tâm xảy ra vào tháng 12 năm ngoái. Một “Tiều phu tốt” loại lớn đã bị đánh cắp trên một chiếc xe tải ở Nigeria. Chủ sở hữu của thiết bị là công ty Halliburton ở Houston. Sau khi bị mất, công ty đã tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả và phải báo cho cơ quan năng lượng nguyên tử Liên Hợp Quốc.

Thiết bị này được cho là bị đánh cắp trên một chiếc xe tải đi từ Warri đến Harcourt của Nigeria. Lúc đầu, tài xế xe tải nói với cảnh sát rằng khi anh ta vào nhà nghỉ ở dọc đường thì có ai đó đã “thuận tay dắt dê” nhưng sau đó các điều tra viên thấy lời nói của lái xe có nhiều mâu thuẫn.

Một quan chức tham gia vào cuộc điều tra cho biết: “Sự cố mất ở nhà nghỉ chưa được xác minh nhưng sự nghi ngờ nhiều nhất chính là người lái xe đã đánh cắp thiết bị đó”. Đây là một âm mưu phạm tội hình như tên trộm đã rất hiểu về “Tiều phu tốt” vì trên xe rất có nhiều thiết bị này nhưng tên trộm lại chọn đúng thiết bị có công suất mạnh nhất.

Các điều tra viên đã dùng máy dò phóng xạ tìm kiếm mấy tháng liền nhưng không thu được kết quả gì, mãi đến hai tháng sau họ mới tìm thấy nó ở trong đống phế liệu của một tư nhân. Kết quả chứng minh thiết bị đã bị lấy trộm 9 tháng trước nhưng nó lại được nằm trong bãi phế liệu ở tận nước Đức cách nơi bị mất những 3.200 dặm Anh.

 “Bí quyết” làm giàu: Bán linh kiện làm bom

Ở Georgia và các quốc gia không ổn định khác trên thế giới, vật liệu phóng xạ và những vật phẩm bị cấm như ma túy hay súng trường Kalashnikov đang trở nên phổ biến trên thị trường chợ đen. Đây là những khu vực màu xám trên thế giới, những nơi biên giới quản lý lỏng lẻo, nơi các quốc gia thực thi pháp luật yếu nên những kẻ khủng bố có thể mua và bán bất cứ thứ gì chúng muốn. 

Trước mối đe dọa nghiêm trọng của bom bẩn, chính phủ Hoa Kỳ và Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế đã tiến hành các chiến dịch quy mô lớn trong hơn một thập kỷ qua để tìm các vật liệu phóng xạ bị bỏ rơi trên khắp thế giới. Tại Bộ Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ, các lực lượng của Spencer Abraham đã đặt việc ngăn chặn các mối đe dọa bom bẩn là ưu tiên hàng đầu.

Các tài liệu được quân đội Hoa Kỳ tìm thấy trong trại huấn luyện của Afghanistan hai năm trước cho thấy các thủ lĩnh Al-Qaeda đã lên kế hoạch chế tạo một quả bom bẩn. Theo một quan chức kiểm tra vũ khí của Liên Hợp Quốc, Iraq đã sản xuất và thử nghiệm một quả bom bẩn vào những năm 1980, nhưng chỉ từ bỏ kế hoạch này vì tác dụng của nó đối với các mục tiêu quân sự là ít rõ ràng.

Bom bẩn có thể tạo ra hoảng loạn và gây ra sự bất ổn kinh tế trong xã hội. Ngay cả một quả bom bẩn cỡ trung bình phát nổ trong một thành phố hiện đại cũng có thể làm ô nhiễm phóng xạ trong một khu vực lớn hoặc biến một số khu vực thành những nơi cằn cỗi không thể ở trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Các chuyên gia chỉ ra rằng một thiết bị chỉ có vài chục curies có thể tạo ra một quả bom có hiệu quả. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sẽ phải mất vài năm để loại bỏ các vật liệu phóng xạ này và tái định cư chúng sau vụ nổ, chi phí sẽ là hàng chục tỷ đôla. Không có gì ngạc nhiên khi các chuyên gia chống khủng bố đã kêu gọi ngăn chặn bom bẩn là việc cấp bách đối với thế giới hiện nay.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.