COVID-19 sẽ giết chết tiền mặt?

Chủ Nhật, 09/08/2020, 10:33
Có nhiều thông tin cho rằng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) có thể lây lan qua tiền mặt đã khiến nhiều người có xu hướng tránh xa tiền giấy. Dù điều này là chưa thể chứng minh nhưng tiền giấy rõ ràng đã phải chịu thiệt hại.

4 năm về trước, Kenneth Rogoff, nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra quan điểm mạnh mẽ rằng cần phải loại bỏ tiền giấy trong các hoạt động giao thương. Trong cuốn sách có tiêu đề “Lời nguyền tiền mặt”, ông lập luận rằng việc sử dụng quá nhiều tiền mặt, đặc biệt là các loại tiền mệnh giá cao, đã tạo điều kiện cho các hoạt động trốn thuế và thúc đẩy buôn bán ma túy - trên tất cả mọi "ngóc ngách" của chuỗi cung ứng hàng hóa.

Lấy dẫn chứng từ một nghiên cứu của Anh vào năm 1999, ông Rogoff chỉ ra rằng chỉ 4 trong số 500 tờ tiền thử nghiệm ở London vào thời điểm đó là không có “dấu vết của cocaine”.

75% số người Anh được hỏi mong muốn ít phải sử dụng tiền mặt hơn trong tương lai.

Hơn nữa, cũng theo ông Rogoff, sự tồn tại của tiền mặt làm hạn chế chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương sẽ khó thực hiện chính sách lãi suất âm khi nhà đầu tư quyết định giữ tiền mặt an toàn trong két sắt, thay vì đem gửi chúng tới ngân hàng. Quan điểm của ông Rogoff vào thời điểm đó dường như vẫn là “một điều khó hiểu” đối với đại đa số công chúng. Nhưng đại dịch COVID-19 đã tạo ra những tỷ lệ tiêu cực một cách chắc chắn, phủ bóng lên các chương trình nghị sự ở một số quốc gia trên thế giới, dù vẫn chưa tới Mỹ.

Tiền mặt mất dần vị thế

Kể từ khi cuốn sách của nhà cựu kinh tế trưởng IMF được phát hành cho tới nay, tiền mặt đã dần đánh mất vị thế là một phương tiện thanh toán tối ưu. Một ví dụ điển hình nhất là tại Thụy Điển, nơi mà sự sụp đổ của tiền giấy Krona đang ngày càng rõ nét. Hệ thống thanh toán di động Swish dần thống trị trong các giao dịch thanh toán mệnh giá nhỏ. Ngày nay, nếu bạn có nhu cầu mua bia tại bất kỳ cửa hàng nào ở Stockholm, bạn có thể phải chịu khát nếu tất cả những gì mà bạn có là một chiếc ví chứa đầy tiền mặt.

Tiếp đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã mang lại mọi người một lý do khác để tránh xa tiền giấy. Đã có những báo cáo rộng rãi rằng virus có thể lây truyền thông qua việc cầm, nắm tiền giấy. Nó khiến nhiều cửa hàng bán lẻ quyết định “nói không với tiền mặt”, thậm chí ngay cả với những thứ hàng hóa bình dân hằng ngày, như món cá và khoai tây chiên phổ biến của phương Tây.

Xu hướng này, vốn được nhân rộng trên hầu khắp các quốc gia phát triển, đã thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các loại hình ngân hàng kỹ thuật số và những nhà cung cấp hệ thống thanh toán phi ngân hàng. Apple Pay và Paypal có sự khởi sắc rõ rệt. Fintech Neobank (ngân hàng kỹ thuật số trực tuyến) tiếp tục mở rộng cơ sở người dùng, bất chấp vẫn tồn tại nhiều thắc mắc rằng liệu đây có phải là một mô hình kinh doanh bền vững. Đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook đang chờ cơ hội “cất cánh”, khi mà những nhà vận động hành lang đang cố gắng thuyết phục nhà quản lý rằng mô hình thanh toán này là an toàn và tuân thủ đầy đủ các giao thức chống rửa tiền.

Sự suy giảm hơn nữa của tiền mặt cũng tạo ra động lực lớn hơn để các ngân hàng trung ương nghiên cứu về một đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết một vài ngân hàng trung ương đã tích cực xem xét để nhanh chóng giới thiệu loại hình tiền tệ mới, mặc dù chưa có một đột phá chuyên sâu nào được ghi nhận. Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển có lẽ sẽ trở thành nhà tiên phong, với một đồng tiền điện tử e-krona đã sẵn sàng ra mắt.

COVID-19 có bị đổ "oan"?

Trên thực tế, có rất ít hoặc gần như không có trường hợp nào được ghi nhận là nhiễm virus lây từ tiền mặt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố không có bằng chứng cho thấy tiền mặt làm lây lan virus SARS-CoV-2. Ngược lại, virus có thể tồn tại rất lâu trên những tấm thẻ nhựa. Bà Christine Tait-Burkard, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, khẳng định tiền mặt không phải là một công cụ truyền nhiễm, “trừ khi ai đó sử dụng tiền giấy để lau nước mũi khi hắt xì hơi”.

Ông Michael Knight, trợ giảng môn Y khoa tại trường Đại học Y và Khoa học sức khỏe Gergeo Washington, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC đã nhấn mạnh rằng “COVID-19 không lây lan bằng cách thâm nhập vào da tay của chúng ta”. Ông nói: “Nếu tay các bạn có bị dính SARS-CoV-2 hay các loại virus gây bệnh hô hấp khác như cúm mùa thì nó chỉ khiến bạn bị nhiễm bệnh nếu đưa tay lên những nơi như miệng, mũi hay mắt. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng các biện pháp thanh toán không cần tiếp xúc trực tiếp với người bán hàng nhưng lại không rửa tay sau khi chạm vào điện thoại, thẻ tín dụng hay một điểm thanh toán thì bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus”.

Thế nhưng, bất chấp những khẳng định từ phía WHO rằng họ chưa hề đưa ra cảnh báo nào hay tuyên bố nào về nguy cơ của việc sử dụng tiền mặt, chỉ trong vòng một tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất toàn cầu, tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại nước Anh đã sụt giảm 60%. Số lượng giao dịch cũng giảm một nửa. Trong một cuộc khảo sát gần đây, các chuyên gia tiền tệ của Anh nhận thấy rằng gần 75% số người được hỏi cho biết họ muốn giữ tiền mặt ít hơn trong tương lai.

Số phận của tiền mặt

Vậy có nghĩa là thế giới sắp nói lời tạm biệt với tiền mặt? Ngay cả “đồng bạc xanh”, vốn dĩ thống trị giỏ lưu thông tiền tệ quốc tế, cũng sẽ chịu chung số phận?

Câu trả lời chưa thực sự rõ ràng. Trước tiên, mặc dù con số các giao dịch tiền mặt được thực hiện đã bị giảm sút, thậm chí là rơi xuống ngưỡng đáy, số lượng tiền mặt lưu thông trên thực tế vẫn đang gia tăng ở nhiều quốc gia.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của hãng nghiên cứu BIS, kể từ cuối năm ngoái, giá trị của tiền mặt trong lưu thông đã tăng 8% ở Italy và 7% ở Mỹ. Xu hướng nắm giữ tiền mặt đang tăng lên, không chỉ trong phạm vi những kẻ giao dịch ma túy, các đối tượng trốn thuế - những người coi tiền mặt là một kho lưu trữ giá trị và cần thiết để bảo toàn các giao dịch bí mật một cách hết sức riêng tư. Trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ có Trung Quốc đã bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm thực sự về tỷ lệ tiền tệ vật lý so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cũng có những dấu hiệu về một phản ứng chính trị chống lại xu hướng giảm lưu thông tiền mặt. Ngân hàng Canada đã yêu cầu các nhà bán lẻ tiếp tục nhận thanh toán bằng tiền mặt, do lo ngại về một sự “cản trở tài chính” khi mà những người không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng và không có thẻ thanh toán sẽ không thể mua sắm hay giao dịch. Một nhóm hoạt động có tên gọi là Kontantupproret (Cuộc nổi loạn tiền mặt) đang thực hiện chiến dịch vận động để người tiêu dùng thuộc nhóm nghèo khó vẫn có khả năng sử dụng tiền mặt.

Tại Mỹ, thành phố New York, San Francisco và bang New Jersey đã cấm các nhà bán lẻ từ chối tiền mặt. Tại Anh, chính phủ đã công bố một đánh giá mang tên “Truy cập tiền mặt”, trong đó khuyến nghị duy trì bắt buộc một số lượng lớn các cây rút tiền ATM ở quốc gia này, bất kể việc sử dụng tiền mặt đang suy giảm nhanh chóng.

Do đó, có thể là còn quá sớm để nói lời tạm biệt với đồng USD. Nhu cầu về tiền mặt trên thế giới vẫn còn rất mạnh mẽ. Việc các ngân hàng trung ương cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số cho những tổ chức phi ngân hàng vẫn có ý nghĩa, ít nhất là để tránh mất đi một hình thức thu nhập độc quyền, điều mà trong một thế giới do đồng Libra thống trị rất có thể sẽ làm giàu cho Facebook nhiều hơn là cho các chính phủ. Trừ khi các ngân hàng trung ương cũng muốn tham gia vào hoạt động phân bổ tín dụng nếu không họ sẽ muốn tránh sự phân tán quy mô lớn của hệ thống ngân hàng.

Tóm lại, trong tương lai gần, có thể nhân loại sẽ sống chung với một hệ thống thanh toán kinh tế hỗn hợp. Tiền mặt vẫn tiếp tục đóng một vai trò, mặc dù khiêm tốn hơn so với trước đây, bên cạnh rất nhiều loại thẻ tín dụng và hình thức chuyển khoản kỹ thuật số trực tiếp khác.

Ngọc Bích
.
.