Ca mổ tim kỳ diệu cho bệnh nhi 17 ngày tuổi ở Hà Nội

Thứ Năm, 15/01/2015, 18:20
Lần đầu tiên, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã thành công trong việc cứu sống cháu bé mới 17 ngày tuổi bị chuyển vị đại động mạch - thông liên nhĩ, một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp mà thông thường tới 99% sẽ tử vong. Điều đáng nói là trước khi đưa tới Bệnh viện Tim Hà Nội, cháu bé đã qua 1 lần phẫu thuật và điều trị tại một bệnh viện khác 16 ngày…

Giành lại sự sống khi đã "thập tử, nhất sinh"

Giờ đây, khi cháu Đoàn Quốc Bảo đã được ra viện, về nhà ở xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) được hơn một tuần, ngồi nói chuyện với chúng tôi, PGS - TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bảo rằng gần 20 năm làm nghề bác sĩ tim mạch, đã mổ hàng ngàn ca, nhưng chưa bao giờ ông thấy khó khăn như ca bệnh này.

Ngày 13/11/2014, Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Đoàn Quốc Bảo từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển sang. Cháu bé là con thứ hai của vợ chồng anh Đoàn Anh Ngọc, ở xã An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình và được sinh thường trước đó 17 ngày, cân nặng 3,7kg. Nhưng chỉ sau khi sinh được 1 ngày thì cháu bé có hiện tượng tím tái. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương xác định cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên mới 3 ngày tuổi, cháu Bảo đã phải lên bàn mổ để bác sĩ phá vách liên nhĩ. Sau 16 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu Bảo được chuyển sang Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng nặng 3,9kg, nhưng suy tim, phải đặt ống thở, toàn bộ cơ thể tím ngắt, nhịp thở chỉ 30 lần/phút và được chẩn đoán bị hoán vị đại động mạch kèm bất thường động mạch vành.

Cháu Đoàn Quốc Bảo trước khi xuất viện.

Khi siêu âm và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phát hiện tim của cháu bé bị dị tật chuyển vị đại động mạch: hai đại động mạch chạy song song, động mạch chủ nằm phía trước bên phải xuất phát từ thất phải, động mạch phổi nằm phía sau xuất phát từ thất trái. Vòng van, thân và hai nhánh động mạch phổi bình thường có hợp lưu. Thông liên nhĩ lỗ thứ 2, đường kính #9,2mm. Hở van động mạch phổi nhẹ, không đánh giá được áp lực động mạch phổi.    

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chuyển vị đại động mạch- thông liên nhĩ. Muốn sửa toàn bộ bắt buộc phải qua hai lần mổ: lần 1: training thất trái để thất trái dày lên và tăng kích thước; lần 2 phải sửa toàn bộ, mở xương ức sau mổ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn kể rằng dù mỗi năm Bệnh viện Tim Hà Nội mổ cho khoảng 1.400 bệnh nhân, mà 55% số ấy là bệnh nhi, trong đó có cháu bé chỉ nặng 2kg, có cháu mới sinh được 6 tiếng đã phải lên bàn mổ; có những ca rất phức tạp vì các buồng tim thông nhau, thông liên thất, teo phổi, không có động mạch phổi; quai động mạch chủ quay trái… nên phải mổ gom các nhánh tuần hoàn rồi mới sửa chữa các lỗi, "vá" các buồng thông trong tim… Nhưng, với trường hợp này thì còn khó khăn hơn bởi đây là bệnh nhân bị tổn thương tim bẩm sinh hiếm gặp, phức tạp và tỷ lệ tử vong sau sinh tới 99% vì những động mạch trong tim bị sai vị trí. Không những thế, thời điểm tốt nhất để phẫu thuật cho cháu bé đã qua.

Thông thường, động mạch chủ có áp lực rất cao xuất phát từ tâm thất trái thành thất dày và co bóp rất mạnh mang máu đỏ, giàu oxy đi nuôi cơ thể, còn động mạch phổi xuất phát từ tâm thất phải, nơi cơ tim mảnh mai hơn vì áp lực ở động mạch phổi thấp hơn mang máu đen lên nuôi phổi để trao đổi oxy. Tật hoán vị đại động mạch nghĩa là trật tự này bị thay đổi: động mạch chủ và động mạch phổi sẽ hoán đổi vị trí xuất phát cho nhau; động mạch chủ sẽ xuất phát từ tâm thất phải và động mạch phổi xuất phát từ tâm thất trái. Tâm thất phải vốn mảnh mai nhưng phải bơm máu lên động mạch chủ, nơi có áp lực cao, nên nhanh chóng bị suy.

Ngược lại, tâm thất trái lại bơm máu lên động mạch phổi, nơi có áp lực thấp, nên bị teo đi. Do đó nếu không được phẫu thuật chuyển lại kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong. Thông thường, thời điểm tốt nhất để phẫu thuật cho bệnh nhân bị dị tật này là 1 đến 2 tuần sau sinh, bởi để lâu, tâm thất bên trái bị teo đi thì phẫu thuật chuyển lại vị trí động mạch cũng không cứu được nữa.

Trong câu chuyện với chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn bảo rằng trước khi quyết định phẫu thuật cho cháu Bảo, ông và các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đều biết đây là một ca rất khó vì bệnh nhân bị tim bẩm sinh phức tạp nhất, tỷ lệ tử vong rất cao, hầu hết trẻ sinh ra tử vong trong vài ngày đầu nếu không điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thành tim mỏng, buồng tim nhỏ phải mổ qua nhiều lần mới hy vọng sống.

"Anh cứ hình dung quả tim của cháu bé 17 ngày tuổi chỉ bằng quả nhót, mạch máu chỉ bé như que tăm nhỏ, vậy mà sẽ phải mổ ra để xử lý những dị tật ở bên trong thì sẽ thấy nó phức tạp và khó thế nào. Với trường hợp này cháu bé lại đến viện khi qua thời điểm vàng để phẫu thuật nên càng khó. Nhưng, dù chỉ còn 1% hy vọng sống thì chúng tôi vẫn quyết tâm không đầu hàng".

Ngày 24/11/2014, ca mổ lần thứ nhất được thực hiện với kíp mổ gồm 10 bác sĩ, kỹ thuật viên, y tá. Sau 2 tuần thấy thành thất trái dày lên, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lần 2. 

8 giờ sáng ngày 8/12/2014, ca phẫu thuật thứ hai được tiến hành. Theo dự định ban đầu, ca phẫu thuật sẽ kéo dài khoảng 6 giờ. Tuy nhiên, khi mở lồng ngực, các bác sĩ phát hiện thêm bất thường động mạch vành, đó là động mạch vành đi trong thành động mạch chủ (đây là thể tổn thương giải phẫu đặc biệt phức tạp với tỷ lệ tử vong rất cao). Các bác sĩ quyết định sửa toàn bộ, để ngỏ xương ức chủ động. Và phải mất tới 9 giờ làm việc căng thẳng, trong sự lo lắng của cả gia đình cháu bé, ca phẫu thuật mới kết thúc, bệnh nhân được đưa về Khoa Hồi sức tích cực Nhi. Sau 3 ngày hồi sức trong tình trạng để mở xương ức, khi huyết động ổn định, các bác sĩ mới đóng lại xương ức, lúc này các bác sĩ mới thở phào và tin ca mổ đã thành công vì kết quả phẫu thuật tốt cả về mặt giải phẫu và chức năng tim. Giờ đây, cháu Bảo đã có trái tim khỏe mạnh như trẻ bình thường, các thuốc uống đang dùng sẽ được cắt dần trong 3 tháng.      

Và có một điều đáng trân trọng là bệnh viện đã miễn phí toàn bộ 70 triệu đồng chi phí cho ca phẫu thuật này.

Lời khuyên của bác sĩ với những bà mẹ đang mang thai

Dị tật bẩm sinh là những dị tật được hình thành từ trong thời kỳ bào thai và thường tồn tại từ khi trẻ được sinh ra. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, thực tế hiện nay siêu âm tim từ trong bào thai có thể phát hiện được mọi bất thường từ khi thai 20 tuần tuổi, qua đó bác sĩ sẽ xác định được sau khi ra đời cháu bé sẽ thế nào, nên phẫu thuật ngay hay chờ lớn hơn mới phẫu thuật.

Với các cháu không được siêu âm tim thai, nhưng khi sinh mới ra có thể phát hiện bị tim bẩm sinh qua các biểu hiện lâm sàng như khóc thì tím tái, khó thở, thậm chí có trẻ đẻ ra tím như hòn than, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, thường xuyên bị viêm phế quản, viêm phổi... các bậc cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện chuyên khoa để được điều trị sớm nhất.

Nguyễn Thiêm
.
.