Cách mạng 4.0: Trí tuệ nhân tạo và nạn thất nghiệp

Thứ Sáu, 06/10/2017, 12:31
Chưa bao giờ thế giới lại nhắc nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 như bây giờ. Tại sao cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại được nhiều quốc gia như Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ưu tiên phát triển đến như vậy? Rất đơn giản, không đua là "chết".


"Cuộc cách mạng" không có tiền lệ

Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

Bây giờ, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính.

Dây chuyền sản xuất của Siemens.

Cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Và yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là trí tuệ nhân tạo (AI); vạn vật kết nối (IoT); và dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Trong lĩnh vực vật lý đó là các dây chuyền với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới, công nghệ nano...

"Ảo" và "thật"

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Theo số liệu thống kê, tổng các giao dịch mua bán trực tuyến những sản phẩm như trang phục, giày dép và túi xách trong năm 2015 có giá trị lên đến 51,5 tỷ USD. Trong đó, doanh số bán quần áo tăng 19%, nhờ vào sự phổ biến của các thiết bị di động và những phương án giao hàng hợp lý.

Đằng sau những con số ấn tượng này là sự đóng góp của những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, mà điển hình là khái niệm rất quen thuộc trí tuệ nhân tạo (AI). Với những sáng tạo mang tính đột phá, AI đang len lỏi vào từng ngõ ngách của thương mại điện tử, giúp hoạt động mua và bán hàng hóa của con người trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Giờ đây, thay vì phải xếp hàng nhiều giờ trong các khu trung tâm thương mại hay các khu chợ, người tiêu dùng có thể chọn mua sản phẩm mà mình mong muốn một cách thông minh và tiện lợi hơn ngay tại nhà với chỉ một cú click chuột.

Nếu như trước đây việc phải xử lý những khối dữ liệu khổng lồ đã khiến nhiều nhà khoa học chùn bước thì hiện nay AI đang cho phép họ tạo ra những đột phá, thông qua một thuật ngữ có tên gọi deep learning (học sâu). Đây là một phạm trù tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến mạng thần kinh nhân tạo nhằm nâng cấp các công nghệ như nhận diện giọng nói, đồ vật, tầm nhìn máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Những ví dụ tiêu biểu của deep learning có thể kể đến là khả năng tự nhận diện khuôn mặt và sự vật được đăng tải lên Facebook mỗi ngày hay khả năng nhận diện giọng nói của các trợ lý ảo Google Now và Siri. Ưu điểm của việc dùng trí tuệ nhân tạo là mọi thứ đều hoạt động bằng máy tính và kết quả được trả về rất nhanh chứ không cần dựa trên yếu tố con người. Andrew Zhai, một kỹ sư của Pinterest, nhận định rằng sự cải tiến về tìm kiếm hàng hóa trực tuyến thậm chí có thể giúp con người tìm ra những sản phẩm mà họ quan tâm nhưng chưa từng được phát kiến.

Có thể nói, AI đã mở ra một chương mới trong mua sắm hàng hóa trực tuyến. Theo hãng nghiên cứu Garner, đến năm 2020, 85% tương tác của khách hàng sẽ được xử lý mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Cuộc đua khốc liệt

Hiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh nhất tại các nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc... Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Thủ tướng Đức A.Merkel đặc biệt khuyến khích phát triển công nghiệp 4.0.

Vài năm trước Đức đã đưa ra chiến lược công nghiệp 4.0 và trở thành nước tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nhiều người đang nhắc tới. Đức xem cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một công cụ mang lại nguồn tăng trưởng kinh tế mới. Không dừng lại ở đó, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này còn đi đầu trong nỗ lực phổ biến khái niệm mới ra thế giới, cũng như bắt đầu soạn thảo những tiêu chuẩn liên quan. Nước Đức đã thành lập Nhóm đặc trách về "Công nghiệp 4.0" nhằm đưa ra các lĩnh vực ưu tiên hành động để đưa Đức trở thành nước dẫn đầu Công nghiệp 4.0.

Không chịu kém cạnh, Chính phủ Mỹ cũng đặt ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế tạo với khái niệm mới "Internet công nghiệp", hay cách mạng công nghiệp 4.0. Để hỗ trợ cho Công nghiệp 4.0, tháng 3-2014, Liên minh internet công nghiệp (IIC) được thành lập, với trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng IoT trong công nghiệp.

Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đầu tư 1,1 tỷ USD các dự án (chưa tính các dự án an ninh, quốc phòng). Nước Mỹ còn hoạch định chiến lược giáo dục ở nhiều cấp nhằm giúp học sinh ở các cấp học này có kiến thức và kĩ năng tính toán, vật lý, lập trình, hoặc chế tạo robot, đảm bảo rằng học sinh sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Ủy ban giáo dục các hệ thống thực - ảo thế kỉ 21 của Mỹ đã và đang hoạch định chiến lược chuẩn bị một môn học mới ở cấp mầm non và phổ thông và một chuyên ngành đào tạo mới ở cấp đại học gọi là "Giáo dục các hệ thống thực - ảo thế kỉ 21" (21st Century Cyber - Physical Systems Education: CPS).

Hệ thống này có hai phần gắn với nhau: Phần "cyber" bao gồm các máy tính, phần mềm, cấu trúc dữ liệu và mạng hỗ trợ quá trình ra quyết định trong hệ thống; Phần "vật lí" chỉ các bộ phận của hệ thống vật thể (ví dụ: các thành phần cơ khí và điện của hệ thống xe tự động) và thế giới vật chất trong đó diễn ra các tương tác (ví dụ: đường bộ và người đi bộ).

CPS có liên quan chặt chẽ với các thuật ngữ đang được sử dụng ngày nay, chẳng hạn như Internet of Things (IoT), Internet công nghiệp, thành phố thông minh và các lĩnh vực của người máy và kỹ thuật hệ thống. Ở mầm non và phổ thông các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán) và môn máy tính hiện nay trong trường học sẽ được sử dụng để đưa CPS vào.

Ở các cấp học này kiến thức và kĩ năng CPS cần hình thành cho học sinh bao gồm tính toán cơ bản, vật lý, lập trình, hoặc chế tạo robot nhằm giúp giảm một số áp lực về chương trình CPS được giảng dạy ở bậc đại học. Ở cấp này môn học sẽ giúp đảm bảo rằng học sinh sẵn sàng để học CPS khi các em bắt đầu học đại học. Ở bậc dạy nghề, CPS được đưa vào chương trình để chuẩn bị cho học sinh/ sinh viên học tiếp lên đại học học hoặc làm việc ở các ngành nghề liên quan CPS.

Trong khi đó tại Anh, để xây dựng nền kinh tế số, năm 2010, nước Anh đã đưa ra sáng kiến "thành phố công nghệ" (Tech City UK) với 21 cụm công nghệ số (digital cluster) trên khắp nước Anh, trong đó London là khởi nguồn. Trong tổng số 47.200 công ty công nghệ số ở London, xấp xỉ 98% là các doanh nghiệp nhỏ.

Năm 2012, Anh tiếp tục đưa ra Chiến lược công nghiệp, tập trung vào các công nghệ, kỹ năng, tiếp cận tài chính, quan hệ đối tác với các ngành và mua sắm. 11 lĩnh vực đã được xác định và các chiến lược phát triển trong quan hệ đối tác với ngành công nghiệp nhằm xây dựng lòng tin và đầu tư về dài hạn. Các sáng kiến được chính phủ và ngành công nghiệp tài trợ đáng kể.

Mới đây, luật về nền kinh tế số đã được thông qua, nhằm đưa nước Anh trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong nền kinh tế số. Trong đó đưa ra một loạt giải pháp được bao gồm: băng rộng (khởi điểm tốc độ tối thiểu 10 Mbit/s) tới mọi người dân trở thành dịch vụ viễn thông công ích; cơ quan quản lý viễn thông (Ofcom) có thêm quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông công khai dữ liệu khiếu nại và tốc độ đường truyền của khách hàng nhằm minh bạch thông tin cho người dân lựa chọn dịch vụ; khách hàng sẽ được bồi thường tự động nếu tốc độ băng thông không đảm bảo...

Tại Châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đưa ra sáng kiến tích hợp công nghệ thông tin. Không muốn đứng ngoài cuộc, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã soạn thảo luật khuyến khích các sáng kiến tích hợp công nghệ thông tin (IT) vào những lĩnh vực chủ chốt như ô tô, đóng tàu..., cũng như lập các trung tâm phát minh sáng tạo để giúp thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch cung cấp vốn cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy sự thành lập của "những nhà máy thông minh" - nơi dây chuyền sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, máy móc và hệ thống thông minh được kết nối.

Những động thái tương tự cũng đang được tiến hành tại Trung Quốc. Gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã khởi động chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025". Theo đó, Trung Quốc tái cấu trúc và tinh gọn các lĩnh vực công nghệ chủ chốt và cải thiện khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đồng thời, mục tiêu của cuộc Cách mạng lần thứ 4 đó là biến Trung Quốc thành người khổng lồ về sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như robot, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Dự kiến, vào năm 2020, Trung Quốc có khả năng sản xuất 100.000 robot mỗi năm.

Không chịu kém cạnh, Nhật Bản đã sớm nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để Nhật Bản có thêm sức cạnh tranh mới, thoát khỏi 2 thập kỷ kinh tế phát triển chậm chạp.

Vì thế, từ năm 2013, nước này đã công bố "Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", trong đó tập trung thúc đẩy "thông minh hóa", "hệ thống hóa" và "toàn cầu hóa". Tháng 1-2016, chính phủ Nhật Bản đã công bố "Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5" giai đoạn 2016-2020, trong đó xây dựng Nhật Bản thành một xã hội "siêu thông minh" hay "Xã hội 5.0".

Trong đó, "Xã hội 5.0" giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian ảo (số). Cũng từ tháng 6-2016, Nhật Bản đã đưa môn học lập trình trở thành môn học bắt buộc tại các trường trung học cơ sở.

Mặt trái

Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi.

Sau đó, những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làm sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.

Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ luỵ khôn lường.

Hòa Huyền
.
.