Cách nhận biết các loại giấy tờ giả

Thứ Ba, 06/12/2016, 12:35
Với kỹ thuật in kỹ thuật số phát triển, "công nghệ" sản xuất các loại giấy tờ giả ngày càng tinh vi, bằng mắt thường khó có thể phân biệt. Vấn nạn giấy tờ giả cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước những giao dịch tài sản có liên quan đến giấy tờ...


Gia tăng giấy phép lái xe giả

Chỉ sau một thời gian ngắn đổi từ giấy phép lái xe giấy sang nhựa PET, đã xuất hiện giấy phép lái xe nhựa giả khá tinh vi.

Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận đề nghị trưng cầu giám định 40 giấy phép lái xe nhựa mà các đơn vị thu giữ trong 28 vụ việc, chủ yếu thông qua công tác tuần tra, kiểm   soát của các tổ công tác liên ngành 141. Qua giám định đã kết luận 39/40 giấy phép lái xe nhựa là giả mạo. So với giấy phép lái xe giấy bị làm giả thì tỷ lệ giấy phép lái xe nhựa PET giả tăng cao.

Hệ thống đặc điểm nhận biết giấy phép lái xe thật.

Phân tích của giám định  viên kỹ thuật hình sự, nếu như giấy phép lái xe giả bằng chất liệu giấy dễ nhận biết bằng mắt thường thì đối với giấy phép lái xe giả nhựa PET, phải có thiết bị chuyên dụng mới phát hiện được. Qua giám định cho thấy giấy phép lái xe (GPLX) nhựa PET thật được in bằng phương pháp in Ofset nên chi tiết in sắc nét, còn GPLX giả được tạo bằng phương pháp in màu kỹ thuật số trên nhựa PET. 

Khi soi dưới bộ lọc IPI, ở giấy phép lái xe thật, trên ảnh sẽ hiện lên các thông số như họ tên, ngày tháng năm sinh, số GPLX... Ở phần giữa GPLX thật, hình quốc huy sẽ phát quang dưới ánh sáng tử ngoại; còn GPLX giả không có. Hoa văn nền trên GPLX thật sắc nét liên tục, mực đồng màu; chi tiết vi in cũng sắc nét, đọc rõ. Trong khi đó, GPLX giả các chi tiết này không sắc nét, đứt đoạn, không đọc được nội dung.

Được biết hiện nay lực lượng CSGT đã được trang bị thiết bị phát hiện nhanh GPLX giả. Do đó, cảnh báo những người dân mua GPLX giả qua mạng nhằm "trốn" thi cử theo đúng luật giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp bị phát hiện sử dụng GPLX giả sẽ bị xử lý về hành vi mua bán, sử dụng giấy tờ giả.

Theo cơ quan giám định, hiện có rất nhiều loại giấy tờ đã được chuyển đổi từ giấy sang nhựa PET như thẻ sinh viên, thẻ căn cước, thẻ ngân hàng, thẻ ra vào các cơ quan... Trước thực trạng  làm giả giấy tờ dạng thẻ nhựa PET, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để phòng chống loại tội phạm này.

Bằng tốt nghiệp giả ngày càng tinh vi

Chiếm số lượng lớn nhất trong các vụ việc liên quan đến giấy tờ giả là bằng tốt nghiệp giả. Chỉ tính riêng năm 2016, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội đã tiến hành giám định 938 bằng tốt nghiệp các loại, phát hiện kết luận 752 bằng giả. Điển hình như tháng 8-2016, Công an quận Hai Bà Trưng khám phá đường dây xuyên quốc gia chuyên làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, khởi tố 4 đối tượng, thu hồi số lượng lớn bằng tốt nghiệp giả mạo hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên địa bàn toàn quốc.

Giám định kỹ thuật hình sự phát hiện sổ đỏ giả được sản xuất ngày càng tinh vi.

Bằng tốt nghiệp giả được các đối tượng sản xuất bằng máy in màu kỹ thuật số. Hình dấu trên bằng giả được in màu hoặc đóng dấu trực tiếp bằng con dấu giả. Chữ ký được ký giả trực tiếp, in màu hoặc khắc dấu chữ ký đóng lên. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, độ phân giải của máy in màu ngày càng cao nên những bản phôi phục vụ làm giấy tờ giả như bằng giả ngày càng sắc nét, khó phân biệt bằng mắt thường.

Trường hợp đối tượng dùng con dấu giả để đóng trên bằng giả, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó nhận biết so với việc làm giả hình dấu bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, tội phạm làm bằng tốt nghiệp giả còn sử dụng cả tem giả có hình thức giống y chang tem chống giả Halogram khiến cho chiếc bằng giả có hình thức không khác gì bằng thật. Tuy nhiên với nghiệp vụ kỹ thuật hình sự, các giám định viên đã chỉ ra được những đặc điểm phân biệt thật - giả như đã nêu trên.

Ngoài ra, có thể kiểm tra, phát hiện bằng tốt nghiệp giả thông qua mã số hiệu in trên bằng. Mã số hiệu trên bằng tốt nghiệp thật được in bằng phương pháp in ty-pô nên dùng tay sờ có cảm giác hơi gợn trên chi tiết in. Trong khi đó, mã số hiệu trên bằng tốt nghiệp giả được tạo bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên khi dùng tay kiểm tra không có cảm giác vết hằn, gợn như in ty-pô.

Cầm đồ lọc lõi cũng bị lừa sổ đỏ giả

Thủ đoạn làm nhiều sổ đỏ giả trên cùng một mảnh đất có thật để lừa bán cho nhiều người hoặc cầm cố, thế chấp nhằm chiếm đoạt tiền cũng khiến cho số vụ việc hình sự liên quan đến số đỏ giả có chiều hướng gia tăng. Thời gian gần đây, không ít chủ hiệu cầm đồ lọc lõi trong nghề cầm cố tài sản cũng bị các đối tượng lừa đảo qua mặt, dùng sổ đỏ giả để cầm cố vay tiền, sau đó "bùng" mất dạng.

Một trong những nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này là anh Nguyễn Văn Minh, một chủ hiệu cầm đồ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Anh Minh cho biết cuối năm 2015, chị Nguyễn Thị T. ở quận Thanh Xuân đến hiệu cầm đồ của anh đặt 1 sổ đỏ mảnh đất 75m2 ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) lấy 1,2 tỷ đồng.

Quá hạn không thấy chị T. trả tiền, anh Minh mang sổ đỏ trên đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh Hà Đông để kiểm tra, phát hiện đó là sổ đỏ giả. Sổ đỏ thật đã được cấp cho bố mẹ chị T. từ năm 2006 và đã được bố mẹ T. tách thửa, bán một nửa mảnh đất cho người khác từ năm 2013.

Hiện chiếc sổ đỏ giả đã được anh Minh gửi đến cơ quan Công an đề nghị điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo của chị Nguyễn Thị T.. Giám định sơ bộ, cơ quan giám định cho biết đây là sổ đỏ giả, được làm giả rất tinh vi.

Đây chỉ là 1 trong 12 vụ việc liên quan đến sổ đỏ giả được các đơn vị nghiệp vụ gửi trưng cầu giám định tới Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội. Qua giám định đã phát hiện 16 sổ đỏ giả các loại. Cũng giống như bằng tốt nghiệp giả, sổ đỏ giả có phôi được sản xuất bằng phương pháp in màu kỹ thuật số, hình dấu in màu kỹ thuật số, chữ ký trực tiếp bằng cách tập ký nhiều lần cho thuần thục sau đó ký trực tiếp trên sổ đỏ giả nên nếu nhìn bằng mắt thường thì chữ kỹ giả khá giống với chữ ký thật. Cũng chính vì các đặc điểm làm giả tinh vi này nên nhiều cửa hàng cầm đồ cũng mắc bẫy đối tượng lừa đảo khi sử dụng sổ đỏ giả mang đi cầm cố, thế chấp vay tiền.

Bằng nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự, giám định viên tài liệu đã chỉ ra những đặc điểm phân biệt thật - giả của sổ đỏ giả như sau: Sổ đỏ thật được in bằng phương pháp in ofset nên màu sắc sắc nét, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in. Còn sổ đỏ giả do in màu kỹ thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau.

Ngoài sổ đỏ giả, sổ hồng cũng bị các đối tượng làm giả hết sức tinh vi. Dấu hiệu nhận biết sổ hồng giả ở chỗ sổ hồng thật được in bằng phương pháp in ofset nên hoa văn trên bề mặt sắc nét. Phần dấu nổi (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp in ty-pô. Ở sổ hồng giả, mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp  in màu kỹ thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi.

Trước tình trạng sổ đỏ giả xuất hiện nhiều như hiện nay, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi thực hiện mua bán nhà đất nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền để xác minh hiện trạng nhà đất, tính chính xác của sổ đỏ trước khi giao tiền, hạn chế rủi ro khi giao dịch.

Hương Vũ
.
.