Can thiệp giác quan người bệnh Alzheimer

Thứ Tư, 05/08/2015, 13:15
Theo ước tính, có khoảng 5 triệu người ở Mỹ bị mắc bệnh Alzheimer, dạng phổ biến nhất của chứng mất trí, và con số này được dự đoán sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Mọi cách phòng và chữa bệnh từ trước đến nay lại không mấy hiệu quả, song sau khi chúng ta hiểu được nhiều hơn về vùng mang nhiều khiếm khuyết nhất của não bộ, những liệu pháp tâm lý hành vi cũng từ đó ngày càng được chú trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm sự phát triển của bệnh.

Viện dưỡng lão Kobernick-Anchin ở thị trấn Sarasota đã mang phương pháp điều trị can thiệp giác quan đến với người dân vùng tây nam Florida, Mỹ. Kobernick-Anchin được thành lập năm 1993 bởi Hội đồng Nhà ở Do Thái Sarasota Manatee với mục tiêu trở thành một khu nhà ở phi lợi nhuận dành cho người cao tuổi với nhiều tiện ích như những căn hộ riêng và khu vực chăm sóc trí nhớ.

Phòng đa giác quan mới của viện dưỡng lão Kobernick-Anchin.

Liệu pháp tâm lý Snoezelen (SNOO-zelen), được ghép từ hai từ mang nghĩa "thư giãn" và "khám phá" trong tiếng Hà Lan là phương pháp đưa môi trường tương tác giữa những trải nghiệm và hình thức giải trí sẽ giúp toàn bộ 5 giác quan cùng nhau hoạt động. Ở Hà Lan, liệu pháp này thường được dùng cho trẻ em mắc bệnh tự kỷ. Song, việc áp dụng liệu pháp tâm lý này với bệnh nhân lớn tuổi - đặc biệt là những người mắc chứng mất trí - đang bắt đầu được mở rộng từ châu Âu sang Mỹ.

Elyse Gordon, Giám đốc chương trình giải thích rằng mỗi cư dân ở Kobernick-Anchin sử dụng căn phòng thiết kế đặc biệt với sự theo dõi của chuyên gia trị liệu sẽ nhận được một "chế độ can thiệp giác quan" khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu điều trị và yêu cầu cá nhân của mỗi người. Gordon cho biết: "Cảm giác của bạn khi ngồi trên tàu lượn siêu tốc hoàn toàn khác với cảm giác của tôi. Và đối với bạn, có thể mùi hương của hoa oải hương gây cảm giác khó chịu hoặc cũng có thể nhẹ nhàng, dễ chịu".

Khung cảnh thiên nhiên được chiếu lên tường trong phòng đa giác quan.

Một số người ưa thích mùi hương của gỗ cây tuyết tùng hơn hoa oải hương hoặc cảm thấy thoải mái khi ngồi trên một chiếc ghế dựa bập bênh nhịp nhàng hơn là một chiếc ghế nệm với gối mát xa. Họ cũng có thể cảm thấy tuyệt vời nhất với từng loại môi trường kích thích riêng biệt, như khi nằm trong một căn phòng tối với bầu trời đầy sao lấp lánh được chiếu lên trần cùng tiếng dế và chim chóc phát ra từ hệ thống âm thanh.

Cho đến nay, không thể xác định được có bao nhiêu viện dưỡng lão đã thiết lập những phòng đa giác quan như thế này tại Mỹ, tuy nhiên, một viện dưỡng lão cũng đang dần bổ sung liệu pháp này sau khi giao cho một trụ sở tại Southampton, Pennsylvania, Mỹ thực hiện nghiên cứu. Rochelle Robbins, nhà tâm lý học và chủ nhiệm Trường Nghệ thuật và Khoa học của Đại học Holy Family, đã giúp hướng dẫn việc thực hiện công trình nghiên cứu này dựa trên những đánh giá thường xuyên sau từng chu kỳ 90 ngày về nỗi lo âu và tâm trạng chán nản của cư dân trong viện dưỡng lão.

Những sợi cáp quang giúp tăng cường xúc giác và khả năng tiếp nhận cảm giác.

Qua đó, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu trên tạp chí Long-Term Living, có khoảng 14 trên tổng số 15 vấn đề được chọn nghiên cứu cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong tâm trạng và khả năng tương tác xã hội của các bệnh nhân sau 3 tháng điều trị. Rochelle Robbins cho biết: "Hiện nay, không có nhiều những nghiên cứu nhằm giúp đỡ những bệnh nhân mắc chứng mất trí. Ở đây, chúng tôi không xét đến cách chữa trị chứng mất trí. Chúng tôi chỉ xem xét về chất lượng cuộc sống của người bệnh".

Robbins bị ấn tượng bởi cách những hình ảnh - chẳng hạn như cá biển nhiệt đới tìm cách vượt qua bức tường - có thể khơi dậy ký ức của những bệnh nhân có lối sống khép kín, ít khi trải lòng mình.

Những dụng cụ cầm trên tay nhằm kích thích xúc giác.

Robbins cho biết: "Mức độ chán nản đã giảm xuống và chúng tôi cảm thấy những bệnh nhân này có thể sử dụng thuốc ít hơn trước. Chúng tôi cũng đồng thời nhận ra liệu pháp này không phải dành cho tất cả mọi người. Vẫn có một số bệnh nhân từ chối bước vào căn phòng đó".

Gordon cho biết, những hình ảnh trong căn phòng có thể khơi dậy những ký ức vui vẻ, dễ chịu - chẳng hạn như những lần nghỉ mát tại bãi biển hay những ngày lễ - từ đó giúp những người lãnh đạm bắt đầu trở nên cởi mở hơn. Như ở trường hợp của người phụ nữ thường xuyên cảm thấy bị mất phương hướng, nay khả năng tập trung bắt đầu phục hồi sẽ giúp cô ấy tăng cường khả năng định hướng của mình.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.