Cảnh báo an ninh dữ liệu vi chip RFID

Thứ Tư, 15/11/2017, 10:23
Chỉ cần một động tác vẫy tay là Dave Williams, 33 tuổi, mở được cánh cửa nhà. Thực ra, bên dưới lớp da bàn tay của Williams là con chip siêu nhỏ - một bảng mạch điện tử lồng bên trong lớp vỏ nang bé tí. Williams cũng sử dụng chip cấy này thay thế cho thẻ tín dụng.

Dave Williams, kỹ sư làm việc cho công ty phần mềm Mozilla Corporation (California, Mỹ) và là một trong số những người can thiệp cấy chip siêu nhỏ vào cơ thể được mô tả là "cyborg". Williams chọn cấy con chip hay thẻ chip RFID (nhận dạng bằng sóng vô tuyến).

Hội chợ triển lãm ở thủ đô Berlin (Đức) hồi tháng 6-2017 về chip siêu nhỏ RFID và NFS.

Với con chip, Williams tự biến mình thành "thẻ thông minh di động đọc từ xa". Wiliams dễ dàng sử dụng chip cấy để truyền thông tin cá nhân đến smartphone của một người bạn thân. Nhờ công nghệ mà bây giờ Williams có thể điều khiển được mọi vật từ xa. Đó là lợi thế rất lớn.

Williams nói: "Tôi rất thích thú khi cho số điện thoại hay địa chỉ email cho một ai đó mà chỉ cần chạm tay vào điện thoại đối tượng". Sự tiện lợi của chip cấy RFID siêu nhỏ ngày càng thu hút thêm nhiều người tìm đến công nghệ. Và, số người tham gia "cuộc chơi công nghệ" này cứ tăng không ngừng.

Hồi năm 2016, nhà sản xuất chip Dangerous Things (Mỹ) bán ra được hơn 10.000 con chip RFID cùng với các bộ công cụ hỗ trợ cài đặt dưới da. Ở Epicenter -  trung tâm công ty công nghệ cao đặt trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) - những con chip to chỉ cỡ hạt gạo được cấy cho đội ngũ nhân viên công ty để sử dụng như tấm thẻ quét: mở cửa, vận hành máy in hay mua đồ uống với động tác vẫy tay đơn giản.

Patrick Mesterton, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Epicenter, phát biểu: "Theo tôi, cái lợi to lớn nhất là sự thuận tiện. Con chip sẽ là thiết bị thay thế cho thẻ tín dụng hay chìa khóa".

Một con chip có kích thước 12mm x 2mm, được lồng trong lớp vỏ kính đặt cạnh một que diêm.

Thực ra, công nghệ này không có gì mới: những con chip như thế từng được tích hợp trong vòng cổ của chó nhà và các công ty cũng sử dụng để giám sát hoạt động giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, trước đó công nghệ chưa được sử dụng trên diện rộng đối với nhân viên công ty như trường hợp Epicenter.

Vào đầu tháng 8-2017, công ty công nghệ Three Square Market, đặt trụ sở tại River bang Wisconsin, miền bắc nước Mỹ, thông báo đã tiến hành cấy con chip RFID trị giá 300 USD vào bàn tay của khoảng 50 nhân viên tình nguyện cho phép họ mở cửa, đăng nhập máy tính và thậm chí mua thực phẩm nơi căng tin. BioHax International, đơn vị cung cấp chip cho Three Square Market, tiết lộ hiện nay có đến hàng chục công ty trên khắp thế giới (thậm chí một số là công ty đa quốc gia) đang tham gia trào lưu này.

Nhưng, một khi trào lưu lan rộng dần thì mối lo ngại về an ninh dữ liệu cá nhân bắt đầu được đặt ra. Một số chuyên gia an ninh mạng cũng như tổ chức nhân quyền đã phát đi cảnh báo về việc các công ty sử dụng chip cấy không dây để giám sát mọi hoạt động của nhân viên hay thậm chí dòm ngó sâu vào đời tư mọi người. Do đó, nhiều người tỏ ra hoang mang trước quyết định cấy chip vào cơ thể của mình.

Chip cấy vào cơ thể được sử dụng cho nhiều công việc thường ngày như mở điện thoại hay mở cửa vào nhà.

Kevin Warwick, Giáo sư khoa điều khiển học Đại học Coventry (Anh), bình luận: "Vấn đề tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Trong trường hợp một công ty nào đó bảo anh sẽ được ký hợp đồng làm việc nếu đồng ý cấy chip vào cơ thể thì đây là vấn đề liên quan đến đạo đức cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định". Warwick là một trong những người đầu tiên trên thế giới trang bị con chip RFID trên cánh tay vào năm 1988. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng nên cần một thiết bị điện tử di động nào đó đồng hành cùng mỗi người trong chúng ta hàng ngày có thể liên tục gửi thông tin cá nhân đến những công ty như là Google, Apple và Facebook hơn là chip cấy RFID.

Pawel Rotter, kỹ sư sinh y học Đại học Khoa học & Công nghệ AGH ở Krakow (Ba Lan), nhận định: "Thực ra, smartphone hiện nay đặt ra mối đe dọa cho quyền riêng tư nhiều hơn. Nếu bị hack, điện thoại cá nhân có thể trở thành công cụ gián điệp hoàn hảo thông qua microphone, camera và GPS. Do đó, nếu đem ra so sánh thì RFID ít nguy hiểm hơn nhiều".

Do đó mà Dave Williams không thấy lo ngại an ninh về con chip bởi vì nó chỉ được kích hoạt nếu được đặt cách thiết bị đọc vài cen ti mét. Dave Williams cũng nhấn mạnh rằng sự can thiệp cấy chip vào cơ thể không quá khủng khiếp và đau đớn như nhiều người tưởng tượng. Ví dụ như, Williams tự cấy chip cho mình.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.