"Chim ưng biển" của Hải quân Mỹ
- Hải quân Mỹ lập đội tin tặc chống thiết bị bay không người lái
- Ngày đẫm máu của đặc nhiệm Hải quân Mỹ ở Afghanistan
- Hải quân Mỹ đóng xong siêu tàu sân bay lớp Ford thứ 4
Nhiều cái tên sáng giá đã được nhắc đến cho vị trí ứng cử viên như C-2 hay S-3 Viking. Tuy nhiên, "kẻ được chọn" lại là thế hệ máy bay cánh quạt lật Osprey V-22 hiện đại, vốn được mệnh danh là những chú "chim ưng biển", và cũng là một trong những chương trình vũ khí đắt giá của Lầu Năm Góc.
Các máy bay vận tải hàng hóa Grumman C-2 Greyhound với 2 động cơ tuabin chuyên chở binh sỹ, vật tư và phụ tùng cho các tàu sân bay hoạt động trên biển đã vận hành suốt 50 năm. Greyhound được phát triển và nâng cấp từ nguyên mẫu là máy bay radar E-2 Hawkeye của Hải quân Mỹ, có thể chở đến 5 tấn hàng hóa hoặc 26 hành khách.
CMV-22B Osprey. |
C-2 Greyhound có thể hạ cánh và cất cánh từ boong tàu sân bay dài 300m và sau đó gấp cánh để tiết kiệm vị trí sân đỗ. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang sử dụng máy phóng máy bay hình chữ Y để đẩy máy bay C-2 Greyhound cất cánh. Việc này làm tăng rủi ro và chi phí cho hoạt động tiếp tế.
CMV-22B Osprey là phiên bản V-22 Osprey dành cho Hải quân Mỹ, được hai công ty Bell Helicopters và Boeing Helicopters hợp tác sản xuất. Không giống máy bay cánh cố định C-2 Greyhound, dòng máy bay V-22 Osprey có thể bay với tốc độ tương đương máy bay cánh cố định và hoạt động như một trực thăng để hạ cánh theo phương thẳng đứng trên tàu sân bay.
CMV-22B Osprey lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2015 và bắt đầu đi vào sản xuất hàng loạt một năm sau đó. Máy bay được sản xuất dựa trên biến thể MV-22B Osprey (phiên bản V-22 của lực lượng Thủy quân lục chiến). Hiện quân đội Mỹ cũng đang biên chế phiên bản tiên tiến V-22 Osprey là CV-22 Osprey cho Không quân.
Hình mẫu của tương lai
V-22 Osprey đã được phát triển trong nhiều thập kỷ và được xem là một cuộc cách mạng về công nghệ. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là hình mẫu của máy bay đổ bộ tương lai, với 2 động cơ cánh quạt có thể xoay 90 độ, thời gian điều chỉnh góc chỉ mất 90 giây ngay cả khi sức gió gần 100 km/h.
Kết cấu này giúp cho chiếc V-22 Osprey có thể cất cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng, đồng thời bay hành trình được như một phi cơ cánh quạt thông thường.
Động cơ Rolls-Royce Liberty AE1107C. |
Với hai động cơ EA1107C Liberty có công suất 6.150 mã lực, V-22 Osprey có thể đạt vận tốc tối đa 350 dặm/giờ (hơn 500km/giờ) ở chế độ phản lực, 126 dặm/giờ (khoảng 200km/giờ) ở chế độ trực thăng và có phạm vi hoạt động lên đến 1.000 dặm (hơn 1.600km).
"Chim ưng biển" chuyên chở được 24 binh sĩ cùng hơn 9 tấn hàng hóa, có tốc độ chiến đấu nhanh gấp đôi khi đặt cạnh trực thăng thông thường. Tầm hoạt động ấn tượng của V-22 Osprey khiến nó trở thành phương tiện cực kỳ phù hợp cho cả nhiệm vụ quân sự lẫn cứu trợ nhân đạo.
Ngoài biến thể vận tải thông thường, quân đội Mỹ còn đang tiến hành dự án tích hợp vũ khí lên chiếc máy bay cánh quạt lật này để thế hệ máy bay này đảm nhiệm được cả vai trò yểm trợ hỏa lực hàng không.
Thiết kế cánh quạt lật độc đáo của V-22 Osprey có rất nhiều điểm tương đồng với động cơ có khả năng quay xuống dưới của máy bay chiến đấu tàng hình F-35B - phiên bản dành cho lực lượng thủy quân lục chiến.
Ưu điểm làm tăng đáng kể tính cơ động cho V-22 Osprey là máy bay có thể chuyển đổi chế độ bay từ trực thăng sang phản lực cánh quạt chỉ trong 16 giây.
Hơn thế nữa, hai cánh quạt của máy bay có thể gấp lại gọn gàng, giúp thuận tiện trong việc dừng đỗ và bảo quản.
Các tàu hoạt động trên mặt nước của Hải quân Mỹ thích hợp với sự linh hoạt của máy bay trực thăng cất hạ cánh từ mọi boong tàu hoặc bề mặt nào, song trực thăng lại bị giới hạn ở độ cao và tốc độ thấp và không thể bay xa như máy bay phản lực. Vì vậy, thiết kế tân tiến và đặc biệt của V-22 Osprey là một điểm cộng rất lớn.
CMV-22B dự kiến sẽ được Hải quân Mỹ sử dụng để vận chuyển các lực lượng tác chiến đặc biệt và hàng hóa từ bờ đến các tàu sân bay, cũng như thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn chiến đấu trên biển (CSAR).
Các nâng cấp bổ sung của CMV-22B bao gồm khả năng đổ nhiên liệu nhanh, cải thiện ánh sáng khoang hàng hóa và đài phát thanh tần số cao tầm xa. Tuy nhiên, so với Greyhound, CMV-22B có tải trọng tối đa lớn hơn 5 tấn, nhưng khối lượng không gian bên trong nhỏ hơn và có thể chở ít hơn C-2A là 3 hành khách.
Trong khi đó, C-2A có tốc độ tối đa nhanh hơn (400 dặm một giờ), có thể bay cao hơn và giá thành rẻ hơn 40 triệu USD mỗi chiếc.
Sự khác biệt căn bản của CMV-22B Osprey với các dòng máy bay V-22 Osprey trước đó là nó được trang bị thêm thùng nhiên liệu bên ngoài để cho phép gia tăng tầm bay từ 860 lên 1.150 hải lý (tương đương 2.100km) mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.
Một số cải tiến đáng chú ý khác là khả năng tiếp liệu nhanh, hệ thống đèn khoang hàng hóa được thiết kế hợp lý hơn và được trang bị radio tần số cao.
Có ba điểm khác biệt chính trong CMV-22B so với MV-22B của lực lượng thủy quân lục chiến. Máy bay của Hải quân sẽ có thêm một hệ thống nhiên liệu mở rộng, một tần số vô tuyến liên lạc khi máy bay trong tầm nhìn và thêm một số hiệu được sơn ở đuôi của máy bay.
Hải quân Mỹ sẽ sử dụng CMV-22B Osprey để thực hiện những nhiệm vụ tương tự như máy bay C-2 Greyhound, bao gồm vận tải, cứu hộ, cung cấp lương thực, phụ tùng và trang thiết bị cho các thủy thủ trên các tàu sân bay.
Lý do Hải quân Mỹ đầu tư phát triển khả năng cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng của máy bay Osprey là bởi năng lực này cho phép máy bay hạ cánh trên các boong tàu dễ dàng hơn các máy bay khác.
Trước đó, hàng hóa thường được C-2 Greyhound chuyển tới tàu sân bay, sau đó được máy bay trực thăng chuyển từ tàu sân bay tới các tàu khác trong hạm đội.
Osprey còn có một số cải tiến so với mẫu C-2 Greyhound trong các nhiệm vụ vận tải. Ví dụ, Osprey không cần hệ thống trợ lực cất cánh như C-2 Greyhound, giúp giảm thiểu số lượng nhân sự cần huy động.
Hơn thế nữa Osprey cũng được trang bị thiết bị hồng ngoại và cảm biến phục vụ việc hạ cánh trong đêm. Hệ thống tự tiếp liệu của CMV-22B cho phép các chuyến bay dài hơn hẳn so với C-2 Greyhound.
Những chú "chim ưng biển" còn được trang bị đầy đủ các thiết bị điện tử hỗ trợ phi công như bản đồ màu kỹ thuật số, thiết bị nhận diện tên lửa đối phương cùng hệ thống radar và tia laser hiện đại.
Nhược điểm của "chim ưng biển"
Nhược điểm của Osprey là giá thành sản xuất và bảo trì khá cao, ước tính xấp xỉ từ 70-100 triệu USD/chiếc, và chi phí cho mỗi giờ bay lên tới 11.000 USD, tương đương giá thành một chiếc F-35 và gấp từ 2 đến 3 lần máy bay trực thăng Blackhawk.
Động cơ của Osprey cũng được cho là sinh nhiệt rất lớn, dễ phá hủy bề mặt và cánh quạt quá mạnh khiến việc hạ cánh ở các khu vực có nhiều đất cát như sa mạc trở nên vô cùng bất tiện và cũng gây nhiều khó khăn cho việc triển khai quân từ trên không bằng dây thừng.
Thêm vào đó, số lượng các vụ tai nạn liên quan đến các máy bay V-22 do thiết kế chưa hợp lý của hệ thống cánh quạt lật cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Trong 9 tháng (từ tháng 12-2016 đến tháng 9-2017), 3 chiếc Osprey đã bị hỏng do tai nạn, khiến 3 người tử nạn. Một chiếc Osprey khác đã bị hư hại trong một cuộc đột kích không thành công tại Yemen vào tháng 1-2017.
Những thông tin không hay của Osprey còn khiến các công dân đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi có một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, phản đối sự hiện diện của loại máy bay các cánh quạt lật này trên lãnh thổ mà họ sinh sống.
Một vấn đề khác nảy sinh là khoang chở hàng của Osprey khá khiêm tốn, gây ra một số vấn đề trong các nhiệm vụ vận tải.
Mô phỏng hình ảnh CMV-22B. |
Hơn thế nữa, khi CMV-22B Osprey triển khai trong các chiến dịch vận tải, hệ thống cân bằng trọng lực mới lộ rõ những yếu điểm và chưa thực sự hiệu quả, gây khó khăn cho phi hành đoàn khi máy bay di chuyển trong điều kiện thời tiết khó khăn. CMV-22B Osprey cũng không dễ di chuyển trên đường băng của tàu sân bay khi cánh bị gập.
Bất chấp những tranh cãi và tồn tại chưa thực sự được giải quyết, Boeing hy vọng có thể thuyết phục các quan chức hải quân rằng CMV-22B Osprey có thể đảm đương tất cả những vai trò thứ cấp của S-3 Viking hay các máy bay trực thăng như thực hiện các chiến dịch tuần tra chống tàu ngầm, tìm kiếm và cứu nạn, các chiến dịch đặc biệt hoặc chiến tranh điện từ.
Lực lượng thủy quân lục chiến cũng đang tính đến phương án trang bị các hệ thống phòng vệ và vũ khí hạng nặng trên máy bay Osprey, vì vậy phi đội trực thuộc hải quân có thể cũng sẽ được trang bị đồng bộ.
Quy mô triển khai
Tháng 6-2018, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng mua 38 máy bay CMV-22B để thay thế phi đội gồm 27 chiếc C-2A. Nhiều thông tin cho biết lực lượng này cũng đã sẵn sàng đưa vào triển khai 2 phi đội hậu cần là Phi đội Tiếp vận hậu cần hạm đội số 30 và số 40 (VRM-30 và VRM-40) tại căn cứ Norfolk Virginia và North Island, California, cùng phi đội thay thế.
Trong khi các máy bay mới vẫn đang được lắp ráp, các nhân sự liên quan sẽ được phi công thuộc biên chế phi đội Osprey VMMT-204 của lực lượng thủy quân lục chiến hỗ trợ đào đạo do 2 loại máy bay biên chế có những điểm tương đồng nhất định.
Quá trình thay thế C-2 Greyhound bằng CMV-22B đang được đẩy nhanh bởi theo giới chức Mỹ, việc đào tạo phi hành đoàn tốn rất nhiều thời gian, và phải đủ giờ bay cần thiết.
Theo dự kiến, các máy bay hải quân CMV-22B cũng sẽ được triển khai tại Nhật Bản từ năm 2021 đến 2026. Số máy bay hải quân này sẽ thay thế 2 máy bay vận tải C-2 Greyhound hiện có, thực hiện nhiệm vụ như một máy bay trên tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Hạm đội 7.
Hiện có 2 chiếc C-2 Greyhound đang đồn trú tại căn cứ Atsugi bên ngoài Tokyo. Tuy nhiên, những máy bay CMV-22B có khả năng sẽ được triển khai tại căn cứ không quân Iwakuni, quận Yamaguchi, phía Tây Nhật Bản.
Được biết chính phủ hai nước Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí chuyển giao máy bay C-2 Greyhound cùng máy bay khác triển khai trên tàu sân bay tới Iwakuni trong nỗ lực giảm thiểu tiếng ồn cho cư dân sống gần căn cứ Atsugi.
Trong trường hợp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Ronald Reagan vận hành tại Biển Đông và biển Hoa Đông, những máy bay CMV-22B có khả năng sẽ được chuyển tới tàu sân bay này từ căn cứ Iwakuni để thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển binh sỹ, hàng hóa và nhiên liệu.