Chuyện giám định pháp y trong vụ tai nạn máy bay Yak40 - A449

Thứ Hai, 15/12/2014, 14:35
Ngày 14/11/1992, máy bay Yak40 - A449, chuyến bay VN 474 của hàng không Việt Nam rơi tại vùng rừng nguyên sinh xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Sau hơn 8 ngày huy động cả ngàn người từ các ngành hàng không, quân đội, công an và chính quyền địa phương tìm kiếm mới thấy xác máy bay rơi. Công tác giám định pháp y nhận dạng nạn nhân sau đó là một câu chuyện dài ít người biết.

Cuộc tìm kiếm, cứu hộ, giám định gian nan nhất Việt Nam

Cho đến tận bây giờ ở nước ta chưa có cuộc tìm kiếm, cứu hộ nào có quy mô lớn và gian nan đến thế. Đến khi tìm thấy xác máy bay rơi mới biết địa điểm này chỉ cách thị trấn Tô Hạp, huyện lị Khánh Sơn khoảng 10km đường chim bay. Tuy nhiên không đến hiện trường thì chắc chắn không ai có thể hình dung được địa hình thực tế ở "thung lũng tử thần" - mà người dân ở đây ám chỉ thung lũng Ô Kha, nơi có "luồng không khí bí hiểm", nằm giữa dãy Manhan cao 970m - dãy núi "khó hiểu" - có hình yên ngựa, án ngữ phía đông và  núi Suối Chè ở phía bắc. Bằng chứng là 9 ngày sau, chiếc trực thăng MI8 cứu hộ lại bị rơi cách nơi YAK40 rơi khoảng 5km về phía đông làm 7 người, trong đó có các bác sĩ, hy sinh. Khi bay tìm kiếm, những chiếc trực thăng chỉ dám bay vòng quanh “thung lũng tử thần” nhưng vẫn bị "hút" xuống hàng trăm mét. Ngày 25/11, một trực thăng khác từ Nha Trang vào Ô Kha bị trục trặc nhưng may mắn đáp an toàn xuống một sân trường học. Vào năm 1970, chiếc C-123 của Mỹ bị rơi ở khu vực này làm 79 người thiệt mạng…

Đây là khu rừng rậm nguyên sinh, cây cối dày đặc, thung lũng này mưa lâm thâm suốt ngày đêm, sương mù và mây dày đặc, mùa khô ít khi thấy ánh nắng mặt trời. Theo những cán bộ của ngành hàng không có trọng trách trong đoàn tìm kiếm thì không khí ở đây rất loãng, cộng với ngày 14/11/1992 ngoài khơi Nha Trang có bão nên thời tiết Nam Trung Bộ rất xấu. Yếu tố nguy hiểm là gió lớn vùng rìa bão thổi theo hướng đông đông bắc - tây tây nam tạo góc với dãy núi Manhan gây ra hiện tượng gió thung lũng và sóng núi. Đó là luồng gió bị biến dạng khi thổi qua đỉnh núi hoặc thổi dọc thung lũng tạo nên một luồng giáng mạnh ở sườn núi bên kia. Máy bay bay vào khu vực này sẽ bị tác động mạnh bởi nhiễu động địa hình, bị giật lắc, "tung" lên "tụt" xuống bất thường. Đặc biệt nguy hiểm là dòng giáng này có thể tạo hiệu ứng như một "lực hút" kéo máy bay xuống...

Annette Herfkens, con gái Joosje và chị Nguyễn Thị Lan - Vợ cơ trưởng Yak 449 và chị Hồ Thị Thu Thủy (ngoài cùng bên phải) - vợ phi công chiếc máy bay MI8 rơi ngày 22/11/1992, trong lần thứ 3 A.Herfkens trở lại Việt Nam.

Sau hai ngày tìm kiếm bằng trực thăng không có kết quả, trời mưa ngày càng to, sương mù càng dày hơn nên phải chuyển sang tìm kiếm đường bộ. Tính toán, khoanh vùng thì khu vực miền núi huyện Khánh Sơn nằm trên đường bay TP HCM - Nha Trang là trọng điểm. Đường từ Cam Ranh lên huyện vùng cao Khánh Sơn rất khó đi nhưng những ngày này đông nghịt xe cộ đưa người lên làm nhiệm vụ, rồi người nhà và người của  cơ quan nạn nhân, người hiếu kỳ…  Thị trấn Tô Hạp có hơn 2.000 dân, nhưng từ khi phát hiện máy bay rơi lúc nào cũng đông nghịt người. Mỗi người tham gia đội quân cứu hộ mang theo ít nhất 10kg gạo, mì tôm, cá khô… rồi xoong nồi, võng dù, đèn pin, thuốc men và dao rựa để chặt cây mở đường. Trụ sở Ban chỉ đạo tìm kiếm đặt ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, còn Ban Chỉ huy tìm kiếm đặt tại xã Sơn Trung. Hàng ngàn bộ đội, công an, dân quân và thanh niên địa phương được huy động, lập thành nhiều tổ, đi theo nhiều hướng khác nhau tìm kiếm giữa thời tiết mưa dầm, giá rét, đêm ngủ trong lều bạt giữa rừng lạnh thấu xương lại thêm vắt cắn hành hạ, làm một số người kiệt sức, mắc bệnh sốt rét…

Ngày 17/11, tổ dân quân do Xã đội trưởng xã Sơn Trung phụ trách chặt cây mở lối đi về hướng thung lũng. Địa hình hiểm trở, trên đường đi gặp rất nhiều hang, gộp, không thấy nước nhưng lúc nào cũng nghe tiếng nước chảy. Đi lên thì đỡ hơn vì còn bám vào cây mà đu người lên, đi xuống thì dốc đá dựng đứng lại gặp trời mưa trơn tuột nên đoàn người chủ yếu là bò và lết. Khoảng 2 giờ chiều ngày 18/11, họ phát hiện một túi nôn, hai thẻ đi máy bay. Cũng vào buổi trưa ngày 18/11, trời hửng nắng khoảng 15 phút, từ trên một đỉnh núi qua ống nhòm, Ban chỉ đạo tìm kiếm thấy một vạt lớn cây rừng trong thung lũng bị phạt theo hướng thấp dần.

Người địa phương khẳng định khu vực đó không có hiện tượng chặt cây làm nương, nên nghi đây là nơi máy bay rơi.  Khoảng 9 giờ sáng ngày 20/11, tổ dân quân xã Sơn Trung phát hiện phần đuôi và cánh máy bay. Ngày hôm sau, lực lượng tìm kiếm phát hiện mấy chiếc vé máy bay ở dọc bờ suối trên đường dẫn lên thung lũng, rồi tìm thấy phần thân liền đầu máy bay ở giữa vạt rừng rộng lớn bị cháy rụi, cách phần đuôi máy bay khoảng 800 mét. Ông Cao Văn Hạnh là người phát hiện cô Annette Herfkens, trùm áo mưa ngồi trên phiến đá gần nhiều xác chết, cô còn gắng gượng ra hiệu xin nước uống. Trong khoang hành khách, các ghế bị bật khỏi vị trí, đảo lộn, thành máy bay rách nát, văng tứ tung, đè lên các tử thi, nhiều tử thi vẫn không rời ghế (dù đã bật khỏi sàn máy bay) bởi dây an toàn vẫn cài chặt. Hầu hết các tử thi không còn nguyên vẹn.

Theo thông lệ quốc tế, các trường hợp tai nạn hàng không do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý. Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh khám nghiệm hiện trường và Tổ chức Giám định pháp y (GĐPY) Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) GĐPY các nạn nhân. Sáng ngày 21/11, máy bay trực thăng chở đoàn cán bộ Phòng KTHS Công an tỉnh Khánh Hòa, các giám định viên pháp y cùng cán bộ bảo hiểm bay đến gần Khánh Sơn phải quay về Nha Trang vì sương mù. Khoảng hơn 10 giờ, lại bay lên, đáp xuống thị trấn Tô Hạp. Sáng sớm ngày 22/11, đoàn khám nghiệm lên đường, khoảng 2 giờ chiều lên tới Ô Kha, do có người dẫn đường theo lối mở sẵn.

Phần đầu của chiếc máy bay  Yak40 VN-A449 bị nạn. Ảnh: Tư liệu.

Quan trọng nhất và không được phép sai sót trong công tác giám định là xác định chính xác danh tính từng nạn nhân để trả họ về đúng với gia đình, Tổ quốc. Để nhận dạng một người xấu số phải kết hợp đồng bộ giữa biện pháp kỹ thuật hình sự như nhận dạng qua ảnh, vân tay, đặc điểm bên ngoài cơ thể (sẹo, dái tai, mũi, lông mày, giấy tờ tùy thân…) - quen gọi là nhận diện; nhận dạng pháp y qua các răng, xương hàm - một đặc điểm rất riêng của mỗi con người; nhận dạng bằng hài cốt, mảnh cơ thể… hay ADN, nhưng lúc này chúng ta chưa có công nghệ giám định ADN (năm 1998, giám định ADN mới được triển khai ở Viện KHHS, Bộ Công an). Giám định nhận dạng là lĩnh vực khó nhất của GĐPY, tuy nhiên sau hơn 8 ngày mới tiếp cận được máy bay rơi nên việc giám định chỉ được tiến hành vào những ngày sau đó và càng chậm thì phần mềm tử thi càng phân hủy mạnh, biến dạng nhiều làm cho việc nhận dạng càng khó khăn gấp bội, trong khi có nhiều nạn nhân bị chia lìa cơ thể...

Trèo đèo, lội suối, rồi ròng rã 5 ngày làm việc cật lực tại hiện trường, dầm mưa trong không khí thâm u ngột ngạt tử khí, dùng đèn pin làm nguồn sáng để giám định; ngủ rừng; ăn mì tôm, cháo, rau rừng… các giám định viên pháp y, Bộ Nội vụ đã nhận dạng chính xác 22 người Việt Nam gồm hành khách, nhân viên hàng không và 8 người nước ngoài. Mỗi tử thi nạn nhân đều đánh số thống nhất trên tử thi, cả trên quan tài và trong biên bản giám định - văn bản mô tả đặc điểm nhân dạng, mà dựa vào đó thân nhân người xấu số nhận ra họ. Hành trình xuống núi còn gian nan hơn nhiều so với đi lên, bởi phải dùng cáng và võng để đưa các nạn nhân trong thế dốc ngược, trơn trượt. Cứ ba người, một thi thể và nhích dần vài chục xentimét một ở những chỗ dốc đứng mà người khiêng phải bò, lết. Công việc nặng nhọc dài ngày, điều kiện vệ sinh ăn uống không tốt nên cả hai giám định viên pháp y bị tiêu chảy cấp phải nhập viện Cam Ranh truyền dịch cấp cứu, cũng may mà họ đã nhận dạng hết các nạn nhân.

Sự cố giám định y khoa

Sau khi trao trả thi thể 8 nạn nhân người nước ngoài thì Bộ Ngoại giao nước ta nhận được Công hàm số 70 của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, ghi: "…Rõ ràng là một thi thể khác đã được gửi nhầm đến đây. Chúng tôi cần biết đây là xác ai và điều gì đã xảy ra với thi thể ông Hamis Emmerson…", kèm theo công hàm là Bản GĐPY nhận dạng lập tại Camberlan (Anh). Phía Anh khẳng định: "Biên bản phía Việt Nam làm tại TP HCM là không chính xác, thi hài trên không phải là ông Emmerson…". Đồng thời, phía Anh yêu cầu cung cấp bản giám định nhận dạng của 3 người Âu tại hiện trường để so sánh, đối chiếu. Phía Anh xác định trong công hàm sau đó: Bản giám định nhận dạng tại hiện trường hoàn toàn đúng với đặc điểm nhân dạng của ông H. Emmerson.

Sau nhiều cuộc họp, nhiều công văn trao đổi, Ủy ban Quốc gia điều tra và giải quyết tai nạn hàng không gồm Vụ Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Hàng không Việt Nam; Bảo Việt; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế kết luận: Việc trao trả nhầm xác người nước ngoài là do các giám định viên pháp y ngành Y tế gây nên khi  "xử lý kỹ thuật" tại BV Chợ Rẫy TP HCM. Hóa ra, 2 ngày sau khi 8 người nước ngoài gồm người Hồng Công, Đài Loan, Hà Lan, Anh, Thụy Điển được chuyển về BV Chợ Rẫy bảo quản lạnh thì một PGS,TS và một bác sĩ lâu năm của Tổ chức GĐPY, Bộ Y tế từ Hà Nội vào, cùng bác sĩ Trưởng khoa Giải phẫu bệnh lý, BV Chợ Rẫy tiến hành "xử lý kỹ thuật" các tử thi ngoại quốc… Trong công văn trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế "giải thích" nguyên nhân lầm lẫn như sau:

…"Nhầm lẫn khi nhận diện tử thi để giải phẫu: Nhầm lẫn giữa tử thi số 21 (Hà Lan) với số 28 (Anh) trong khi chuyển xác từ khâu giám định sang khâu mổ tử thi.

- Nhầm lẫn khi nhận diện bản răng: Ấn bản răng của tử thi số 21 được nhận diện hai lần, lần thứ hai được ghép nhầm vào tử thi số 28.

- Nhầm lẫn khi viết biên bản và đánh số cuối cùng: Mặc dù đã hội chẩn nhận diện lại tử thi số 29 là người Thụy Điển, số 21 là người Anh nhưng vì không thông tin lại cho nhân viên nhà xác nên hậu quả là số 29 người Thụy Điển vẫn ghi số 21 nên được trả về Anh. Theo từ ngữ trong công văn như "khâu giám định" hay "nhận diện bản răng" thì các giám định viên y tế giám định lại, tuy nhiên như thế là sai Luật Tố tụng hình sự. Bởi giám định lại chỉ được thực hiện khi kết luận giám định trước đó không đúng và phải có Quyết định trưng cầu giám định lại của Cơ quan điều tra, trong khi mới 2 ngày sau giám định tại hiện trường, các giám định viên Bộ Nội vụ chưa thể hoàn thành 30 bản kết luận giám định, vì thế chưa thể biết đúng, sai… Mặt khác, các giám định viên Bộ Y tế cũng không có quyết định trưng cầu giám định lại nên khi giải trình mới nói tránh đi là "xử lý kỹ thuật". Bởi nếu chỉ là xử lý kỹ thuật như khâm liệm tử thi trong quan tài kẽm hoặc ướp formol thì không cần đến phó giáo sư tiến sĩ và hai bác sĩ lâu năm!?  Do các giám định viên làm kiêm nhiệm, không chuyên sâu pháp y, cộng với sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm nên mới ghép nhầm răng của tử thi nọ sang tử thi kia, rồi "bào chữa" là đã hội chẩn nhận diện lại nhưng không thông tin cho nhân viên nhà xác, hoặc đổ lỗi do tử thi hư thối, biến dạng nên người nhà nạn nhân cũng không nhận ra được nạn nhân). Sự thể là ông H. Emmerson bị gửi đến Hà Lan, nhưng trước khi thiêu xác không được giám định kiểm tra. Ông Wellvet Knut, người Thụy Điển bị gửi đến Anh. Chồng chưa cưới của Annette Herfkens - Willem Van de Pas, quốc tịch Hà Lan - bị gửi đến Thụy Điển. Gia tộc ông H. Emmerson không có tục thiêu xác nên họ yêu cầu bồi thường 10 triệu USD…

Thảm họa không chừa bất cứ quốc gia nào, vì thế tai nạn máy bay YAK40-A449 là một bài học hữu ích cho công tác giám định nhận dạng người trong thảm họa.

Nguyễn Văn
.
.