Cơ sở dữ liệu giúp truy tìm các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp

Thứ Tư, 03/05/2017, 14:29
Theo đánh giá của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tổng trị giá các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp mỗi năm là hàng tỷ USD, trong khi FBI lại không đủ nguồn lực để tổ chức truy tìm chúng.

Julian Radcliffe, 65 tuổi, người khai sinh công ty tư nhân Art Loss Register (ARL) và từng phục vụ trong ngành tình báo Anh, đã giúp lấp đầy khoảng trống đó. Từ khi bước vào hoạt động cách đây hơn 20 năm, Công ty ALR - đặt trụ sở ở London chuyên truy tìm tung tích những tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp trên toàn thế giới - đã phát triển thành một trong những cơ sở dữ liệu về tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp quy mô nhất thế giới, giúp tìm lại số tác phẩm trị giá hơn 250 triệu USD với chi phí điều tra được cơ quan bảo hiểm và nạn nhân chi trả. Mark Fishstein, “cảnh sát nghệ thuật” của Sở Cảnh sát New York (NYPD), tuyên bố: “Đối với tôi, ALR là công cụ rất quan trọng và vô cùng hữu dụng”.

Bức họa “Lọ nước và trái cây” của Cézanne được ALR thu hồi.

Nguồn dữ liệu quý giá

Có thể nói Công ty ALR của Julian Radcliffe hoạt động trong bóng tối của thế giới nghệ thuật - nơi phổ biến hành vi trộm cắp, làm giả và các tác phẩm không rõ nguồn gốc - với mục đích giúp tìm lại những món đồ giá trị cao bị mất cắp. Nhưng bất chấp vai trò cột trụ của người giám sát, lợi nhuận của ALR không đến một cách dễ dàng và tương lai mù mịt đang đe dọa những nỗ lực của nó.

Không chỉ làm ăn thua lỗ trong thời gian qua, ALR hiện còn đang thiếu thốn cả nhân tài. Trong năm 2012, hai nhân viên trụ cột của ALR đã bỏ việc và cả tổng cố vấn Christopher A. Marinello - người cũng nổi tiếng không kém Julian Radcliffe - tuyên bố ra đi để thành lập riêng một doanh nghiệp cạnh tranh với Radcliffe! ALR bị một số người phê phán với cách hành xử như người săn tiền thưởng, đòi hỏi mức phí 20% giá trị của một tác phẩm được thu hồi.

Ví dụ, lãnh đạo nhà bảo tàng mỹ thuật ở thành phố Orleans nước Pháp kẻ rằng, ALR gặp họ vào năm 2003 sau khi nhận được tin báo một bức họa của Alfred Sisley của bảo tàng bị mất cắp. Công ty nói họ có thể thu hồi được tác phẩm nếu nhà bảo tàng đồng ý trả một khoản phí khá cao. Do không đủ khả năng tài chính nên cuối cùng nhà bảo tàng phải nhờ đến lực lượng cảnh sát nghệ thuật. Thế nhưng tác phẩm không bao giờ được tìm thấy.

Julian Radcliffe, người sở hữu ALR.

Corinne Chartrelle, phó lãnh đạo đơn vị cảnh sát Pháp truy tìm tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp, nói: “Theo luật của Pháp, chúng tôi có thể buộc tội ARL vì động thái không chịu chia sẻ thông tin với các cơ quan hữu quan. Họ muốn giữ rịt mọi thông tin cho riêng mình”. Corinne không dính líu đến vụ ở Orleans nhưng bà từng biết một số vụ tương tự mà trong đó ALR cố “ôm” thông tin để đòi hỏi mức phí cao từ nạn nhân.

Julian Racliffe không đồng tình với những phê phán như thế mà cho rằng, các nhà điều tra của cảnh sát thường cũng phải trả tiền cho những người cung cấp thông tin. Robert K. Wittman, nhà điều tra nghệ thuật tư nhân từng lãnh đạo Đội chống tội phạm nghệ thuật (ACT) của FBI, nhận xét: “Họ phục vụ cho một mục đích - họ chỉ là một cơ sở dữ liệu tư nhân. Tuy nhiên, khi rơi vào tình trạng rối ren, họ thường cư xử vượt quá vai trò của mình và hành động như thể họ là cảnh sát”.

Về phần mình, Radcliffe vẫn tự tin: “Tôi là người rất kiên nhẫn. Tôi nghĩ điều gì đó đúng thì tôi phải làm hết sức mình”. Một vài quốc gia, như Italia, có sự ưu tiên tối đa cho lĩnh vực chống tội phạm trộm cắp tác phẩm nghệ thuật nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ.

Chính quyền các nước cũng gặp không ít khó khăn do cơ sở dữ liệu về nghệ thuật bị hạn chế và không đầy đủ. Ví dụ, cơ sở dữ liệu của Scotland Yard chỉ chứa khoảng 57.500 vật thể bị mất cắp, còn của Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol vào khoảng 40.000 tác phẩm. Cơ sở dữ liệu của FBI chưa đến 8.000 vật thể, nhất là vì cơ quan này chỉ dựa vào cảnh sát địa phương để làm đầy những chỗ còn trống.

Để so sánh, ALR báo cáo cơ sở dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp hay thất lạc của công ty bao gồm hơn 350.000 vật thể. Ngoài đội ngũ gồm 10 chuyên gia, ALR còn sử dụng một công ty Ấn Độ để tìm kiếm, phát hiện những sự tương đồng giữa cơ sở dữ liệu và những vật thể được bán tại các nhà đấu giá hay thị trường nghệ thuật trên khắp thế giới.

Ngoài công việc truy tìm những tác phẩm bị mất cắp, ALR còn đảm nhận những yêu cầu truy nguyên nguồn gốc của chúng. Cảnh sát có thể tham khảo cơ sở dữ liệu riêng của ALR mà không phải đóng một khoản phí nào và công ty còn giúp huấn luyện cho ACT của FBI. Một số cơ quan cảnh sát còn phát triển mối quan hệ gắn bó với ALR, thậm chí còn khuyên các nạn nhân nên đăng ký những tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp với cơ sở dữ liệu của công ty này.

Bà Judy Goffman Cutler.

James McAndrew, cựu đặc vụ FBI từng phụ trách nhiệm vụ truy tìm tác phẩm mất cắp, cho biết: “Nếu tôi tìm đến ALR và nói, các anh có bất cứ thông tin nào về bức tranh này không? tức thì họ sẽ trao cho tôi 30 tài liệu. Họ có trong tay mọi thứ cần thiết mà cảnh sát không có được”.

Công lao và sự chỉ trích

Một cơ sở dữ liệu tương tự như của ALR thật ra từng tồn tại, được điều hành bởi tổ chức nhỏ phi lợi nhuận ở New York - Quỹ Quốc tế nghiên cứu nghệ thuật (IFFAR). Julian Radcliffe thuyết phục IFFAR hợp tác với ông nhưng về sau họ không còn làm việc chung nữa do những bất đồng quan điểm về chiến lược và các vấn đề kiểm soát hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, IFFAR vẫn cho phép ALR tham khảo cơ sở dữ liệu của họ.

Hiện nay, Radcliffe sở hữu 68% tài sản ALR; ngoài ra là các bên sở hữu khác bao gồm Christies, Sothebys và Bonhams. Radcliffe cho biết, năm 2012 ALR kiếm được 1,25 triệu USD trong đó phần lớn đến từ các khoản phí tham khảo cơ sở dữ liệu và số còn lại đến từ các nạn nhân bị mất cắp cũng như các nhà bảo hiểm.

Robert K. Wittman coi Radcliffe như là một “James Bond trong thế giới nghệ thuật”, nhờ những nỗ lực của Julian Radcliffe và những người khác mà khá nhiều tác phẩm nghệ thuật mất cắp cuối cùng đã tìm lại được, như “sự trở về” của một trong số 7 phẩm có giá trị cao của danh họa người Pháp Paul Cézanne bị mất cắp tại một nhà riêng ở Stockbridge, bang Massachusetts (Mỹ) vào năm 1978. Đó là bức họa “Lọ nước và trái cây” và người sở hữu hợp pháp là Michael Bakwin.

Bức họa “Lớp học Nga” của Norman Rockwell bị mất cắp được ALR thu hồi.

ALR thu hồi bức tranh và trả về cho Bakwin vào năm 1999 và vài tháng sau người này bán nó ở nhà đấu giá Siothebys được 29,3 triệu USD, trong đó ALR của Julian Radcliffe bỏ túi được khoản phí 1,6 triệu USD! Vài năm sau, một số tác phẩm khác của Cézanne xuất hiện trên thị trường và người bán được phát hiện là Robert M. Mardirosian - luật sư về hưu ở Massachusetts từng đại diện cho kẻ đánh cắp rồi sau đó trở thành chủ sở hữu số tranh sau khi tên này bị giết vào năm 1979. Năm 2008, Mardirosian bị buộc tội sở hữu tài sản đánh cắp và buộc phải trả lại những bức tranh cho người chủ đích thực.

Julian Radcliffe đang kiểm tra các bức họa bị mất cắp được thu hồi.

Julian Radcliffe cũng gặp không ít rắc rối trong hoạt động của ALR. Judy Goffman Cutler - một nhà buôn nghệ thuật bị dính vào rắc rối với ALR khi công ty truy tìm bức tranh “Lớp học Nga” của Norman Rockwell - đã kiện Radcliffe 2 lần vì cho rằng ALR quấy rối bà trong suốt nhiều năm khi công ty cố gắng bỏ túi một khoản phí để thu hồi bức tranh.

Bà Cutler có quyền thụ hưởng bức tranh một cách hợp pháp vào năm 1989 và sau đó bán nó cho đạo diễn điện ảnh Mỹ nổi tiếng Steven Spielberg. Nhưng do lầm lẫn nào đó mà “Lớp học Nga” lại nằm trong danh sách các tác phẩm bị mất cắp của FBI và từ đó dẫn đến nỗ lực thu hồi bức tranh của ALR.

Trong vụ việc khác, một phụ nữ tên là Gisela Fischer - người sở hữu bức họa “Camille Pissaro” của gia đình ở thành phố Vienna nước Áo nhưng bị lực lượng Gestapo của Đức Quốc xã cướp đi vào năm 1938 - buộc tội Julian Radcliffe lừa gạt lật lọng. Theo tố cáo của Fischer, ban đầu Radcliffe truy tìm bức họa không tính chi phí theo một chủ trương đã có từ lâu là việc thu hồi các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã đánh cắp vì lợi ích cộng đồng.

Robert K. Wittman, nhà điều tra nghệ thuật tư nhân từng lãnh đạo Đội chống tội phạm nghệ thuật (ACT) của FBI.
Christopher A. Marinello và bức họa “Khu vườn” của Matisse bị mất cắp năm 1987 được ALR thu hồi vào đầu năm 2013.

Nhưng vài năm sau đó, Radcliffe yêu cầu Fischer ký một hợp đồng mới thỏa thuận đóng một khoản phí. Fischer đã từ chối thẳng thừng. Bà tuyên bố: “Tôi cảm giác như mình bị đặt vào tình thế của một nạn nhân bị mất cắp”. Trong khi đó, Radcliffe lập luận rằng, ALR buộc phải tính phí để hỗ trợ cho nỗ lực tìm kiếm bức họa cũng tương tự như việc thân chủ phải trả tiền cho luật sư mà thôi!

Vào năm 2004, ALR thu hút sự chú ý của công luận khi cố gắng thu hồi một bức họa thế kỷ XV của họa sĩ người Italia - Giovanni da Modena - bị mất cắp trong một gallery ở Paris. Lúc đó, theo lời kể của những người liên quan đến vụ việc, Radcliffe tiếp xúc với gallery với một thông điệp hết sức đơn giản - ông biết bức họa đang nằm ở đâu và có thể mang về song với một khoản phí nhất định.

Gallery ở Paris đồng ý ngay và quả thực sau đó bức họa đã được thu hồi theo đúng như cam kết trong hợp đồng giữa hai bên. Nhưng cảnh sát Paris bắt đầu cáu tiết khi phát hiện Racliffe đã sử dụng thông tin có được để bỏ túi khoản phí thay vì thông báo cho các nhà điều tra tìm bắt kẻ trộm tranh.

Đáp lại, Radcliffe khẳng định ông đã cung cấp thông tin chi tiết cho cảnh sát - thật ra là cảnh sát Italia, bởi vì vụ án dính líu đến nhiều vụ trộm khác mà những người này đang điều tra. Radcliffe cứ ngỡ là cảnh sát Italia đã chuyển giao thông tin cho đối tác người Pháp.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.