Cóc – Món ăn chết người

Thứ Sáu, 18/11/2016, 07:50
Ngày 8-11-2016, Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo ba mẹ con chị Bùi Thị Thu Hiền, ở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chết tại viện do ăn cháo cóc!

Ngày 7-11, chị Hiền, 31 tuổi, ở huyện Xuyên Mộc, mua cóc của một người bán dạo, nấu cháo, ăn lúc 5 giờ chiều, cùng hai cháu Nguyễn Ngọc Bảo Nguyên, 7 tuổi và Nguyễn Ngọc Phương Uyên, 11 tháng tuổi. Vài tiếng sau, ba mẹ con nôn ói, khó thở và 22 giờ cùng ngày được cấp cứu ở Bệnh viện (BV) Bà Rịa.

Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức bằng các phương pháp rửa ruột, cho uống than hoạt tính, lọc máu... nhưng cả ba mẹ con đã mất sáng ngày 8-11, vì ngộ độc nặng và đến viện muộn, chất độc cóc đã phát tác quá lâu! Công an huyện Xuyên Mộc cho biết đã xác định được người bán cóc và đang làm việc với người này.

Ngày 9-8 mới đây ở Văn Yên, Yên Bái, ba người ăn cóc phải cấp cứu, anh Phạm Văn Tuân tử vong tại Trạm xá xã... Ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, ông Trần Văn Sơn Em đi soi, bắt được 7 con cóc, vài con nhái. Bữa đầu, vợ làm thịt, chế món kho sả ớt, cả 9 người trong nhà cùng ăn thì không sao.

Ăn thịt "cậu ông trời" có khi về... chầu trời.

Đến chiều, làm nốt 4 con còn lại, xào khổ qua..., ăn xong, bé Trần Nguyễn Hoài Nam, 4 tuổi, bị nôn mỗi lúc càng nhiều. Được đưa đến BV Đồng Tháp cấp cứu nhưng khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày cháu tử vong, BV chẩn đoán do ngộ độc... Cháu H'Chua Byă, 9 tuổi, ở buôn Bhung, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk, được cấp cứu ở Khoa hồi sức tích cực - chống độc BV Đắc Lắc do ngộ độc cóc, khi các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm, chuyển Khoa hồi sức cấp cứu nhi điều trị.

Người dì là H'Blinh Byă kể: Bố mẹ đi rẫy, H'Chua ở nhà trông ba em là H'Xưn, 5 tuổi, H'Nách, 3 tuổi và Y Thuật, 2 tuổi. H'Chua ra vườn lấy củi, bắt được một con cóc, đem về làm thịt. Thấy có trứng nên H'Chua cho vào nồi nấu cùng thịt.

Trong bữa, H'Xưn không ăn, xong bữa, H'Chua, H'Nách và Y Thuật nôn mửa, co giật, tím tái... Bố mẹ về biết chuyện vội đưa các cháu đi BV Krông Bông, nhưng H'Nách và Y Thuật chết trên đường...

Trước đó, ở huyện Buôn Đôn, mẹ đi rẫy về phát hiện ba anh em Y Chim Niê, 9 tuổi và Y Wi Niê, 4 tuổi đang nôn ói liên tục và bé út H'Tuyết Niê, 2 tuổi nằm li bì ở góc nhà. Biết các con ăn thịt cóc, mẹ đưa đến BV tỉnh Đắk Lắk...

Được anh Y Chim nhường, lại không biết gan cóc độc, bé H'Tuyết Niê ăn cả buồng gan nên hôn mê sâu, suy đa tạng, tử vong sau 3 giờ cấp cứu. Hai anh chỉ ăn thịt cóc nên ngộ độc nhẹ, qua khỏi được... Ba mẹ con chị Huỳnh Thị Bạch Cúc, ở Đồng Tháp, ăn cháo cóc, làm hai con gái chết trên đường đến trạm y tế và đến BV Nhi đồng, TP HCM...

Chỉ điểm sơ vài trường hợp ăn thịt cóc đau thương nhất trong hàng trăm trường hợp ngộ độc cóc xảy ra rải rác ở các tỉnh, thành phố cả nước, tuy nhiên, không năm nào là không có người chết vì ngộ độc cóc...

Do đâu ăn cóc bị ngộ độc?

Thịt cóc không chứa chất độc lại giàu dinh dưỡng (hàm lượng protein trong thịt cóc tươi là 22%, thịt gà 20%, thịt bò 21,5%...) và có 7/9 axit amin cần thiết (Histidine, Methionine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan, Threonine) cho người (do không tự tổng hợp được, phải hấp thu từ thức ăn); có hàm lượng chất vi lượng cao (Mangan: 2,89mg, Kẽm: 2,45mg/100g).

Từ xưa, thịt cóc đã lưu dùng trong dân gian như làm ruốc, bột để uống hoặc thịt tươi nấu cháo, làm chả... Đông dược dùng bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm; thuốc chữa suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, gày còm, còi xương, cam tích, lở ngứa ở trẻ em... Nhựa cóc, gan cóc dạng cao dùng chống sưng, tiêu viêm, tiêu u, trị nhọt độc, đầu đinh, sưng tấy...

Tuy nhiên, cơ thể cóc lại có những bộ phận chứa chất độc. Đã xác định được trong họ Cóc (Bufonidae) có 18 loài chứa chất độc (ở Việt Nam là loài Bufo melanosticus), gây độc với tim mạch; gây ảo giác (rối loạn tâm thần), hưng phấn thần kinh; tăng giảm huyết áp (do gây độc cho hệ thần kinh giao cảm có chức năng điều chỉnh huyết áp), ngoài ra còn một số loài cóc có chất độc Tetradotoxin (có ở cá nóc...).

Chất độc cóc (Bufotoxin) có tác dụng độc tương tự thuốc trợ tim Digoxin (làm tim đập chậm, mạnh) gây chết người trong thời gian rất ngắn; ước tính lượng Bufotoxin trong 1 con cóc có thể làm chết 4 - 5 người lớn khỏe mạnh.

Nguy hiểm nhất là đun sôi không phá hủy được liên kết hóa học nên độc tính vẫn nguyên vẹn. Trước đây, người ta chiết xuất độc cóc để điều chế thuốc kích thích thần kinh và trợ tim, nhưng rồi bị cấm. Bufotoxin thuộc danh sách thuốc nguy hiểm và cấm sử dụng ở Mỹ. Khi ăn phải chất độc cóc, triệu chứng xuất hiện sau khoảng 30 phút đến 2 giờ.

Biểu hiện là: Rối loạn tiêu hóa: chướng bụng, đau bụng trên rốn, buồn nôn, nôn mửa dữ dội, đôi khi tiêu chảy. Rối loạn tim mạch: huyết áp tăng; nhịp tim nhanh; xuất hiện cơn nhịp nhanh thất (khởi nguồn từ tâm thất); rung tâm nhĩ hoặc rung tâm thất (nhịp tim khoảng 250 - 400 lần/phút); đôi khi ngược lại, là nhĩ thất phân ly (tắc nghẽn đường dẫn truyền thần kinh tự động của tim) hoặc nhịp tim chậm, tất cả dẫn đến suy tim cấp. Rối loạn thần kinh, tâm thần: cảm giác đau như kim chích ở đầu ngón tay, ngón chân; tê môi...; chóng mặt; xuất hiện ảo tưởng (nhìn áo trên tường tưởng người thật), ảo giác, rối loạn hành vi; nếu vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt là có rối loạn thần kinh thực vật.

Nếu ít hoặc không có nước tiểu là chất độc đã gây tổn thương thận, sẽ dẫn đến suy thận cấp. Ngộ độc nặng có thể ngừng thở do trung khu chỉ huy hô hấp (ở hành não) bị ức chế. Nhựa cóc bắn vào mắt gây bỏng rát và phù nề kết mạc (phần màu trắng).

Độc chất cóc chỉ có ở da, nhiều hơn là ở da vùng sau tai, trên mắt, các hạch thần kinh ở dọc hai bên xương sống (màu trắng đục nên quen gọi là nhựa cóc) và da chứa nhiều chất độc hơn gan và buồng trứng.

Mùa sinh sản, lượng độc chất ở buồng trứng tăng cao hơn. Vì thế, ngộ độc cóc có nguyên nhân hàng đầu và cũng là sai sót hay mắc phải nhất của những người đã biết ít nhiều về độc cóc, là để dây nhựa từ da vào thịt hoặc làm vỡ trứng, bỏ sót trứng khi chế  biến.

Nếu lượng nhựa, trứng ít thì chỉ rối loạn tiêu hóa và thường qua khỏi được, nhưng nếu nhiều sẽ nguy hiểm tính mạng. Ngộ độc nặng hoặc tử vong thường là những người không biết những bộ phận chứa độc trong cóc, mà nhiều nhất là tưởng trứng và gan cóc ăn được như trứng, gan ếch.

Vợ chồng anh H., ở Kỳ Sơn, Hòa Bình, đã bỏ hết nội tạng nhưng giữ lại buồng trứng làm ba bố con ngộ độc (chị vợ không ăn). May mà ba người đều ăn rất ít và hai cháu nhỏ Hải, Minh phải về Khoa nhi BV Bạch Mai, Hà Nội nên qua khỏi được... Chị Nguyễn Thị Sơn, ở Đô Lương, Nghệ An cũng lấy cả buồng trứng. Chị không qua khỏi nhưng rất may hai con ngộ độc nhẹ, được đi viện sớm nên cứu được.

Ở TP Đồng Hới, Quảng Bình, V. 16 tuổi cũng ăn cả trứng cóc. Mẹ V. ăn ít bị nhẹ, còn V. nguy kịch.

Tương tự, sống ở xã Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nhưng Khang, 16 tuổi, cùng hai em gái ăn cả trứng cóc. Kiều và Vy đến BV Nhi đồng Cần Thơ khi nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, nhịp tim trên 120 lần/phút; phải rửa dạ dày, bơm than hoạt, truyền dịch để thải độc... Khang phải vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Quân y viện 121... Nhà anh Lực ở Cao Lãnh, Đồng Tháp lại ăn gan cóc, cháu Quý, 5 tuổi, co giật, sùi bọt mép, tử vong ở BV tỉnh.

Lại có những người như anh Ngô Thanh Vinh, 40 tuổi, ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, dù người nhà ngăn cản, khuyên can đừng ăn thịt cóc vẫn tự làm cóc nhậu rồi chết vì cóc. Hay như Ông Mãi, ở An Giang, bạn nhậu đã nói trứng cóc độc không ăn được, vẫn sào cả trứng để... đãi bạn...

Bạn không ăn, ông vẫn chén rồi hôn mê, vào viện trong tình trạng nguy kịch, loạn nhịp tim, huyết áp lên xuống bất thường, tím tái, nôn ói dữ dội... Ông không biết rằng trong người có cồn, độc cóc phát tác cực nhanh. Còn ông Vi Văn Hương, 63 tuổi, ở Quỳ Châu, Nghệ An, trúng độc sau khi tự làm cóc ăn, tử vong vì không được đi cấp cứu...

Ngộ độc cóc - tránh được

Cá nóc có chất kịch độc nhưng ngon nên người dân vẫn ăn..., vả chăng cũng chưa cấm ăn thịt cóc, vì thế giữa Hà Nội, ngày nào chả nghe rao: "Ai cóc đây, cóc làm thuốc đây". Tuy nhiên, độc cóc rất nguy hiểm nên cần biết cách chế biến đúng quy trình an toàn, không để nhựa dây vào thịt: cắt bỏ đầu cóc đến dưới hai tuyến mang tai; chặt 4 bàn chân; dìm trong nước để lột da; khoét bỏ hậu môn; bỏ hết ruột, trứng, gan, mật; rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước xối mạnh.

Tốt hơn cả là không nên ăn cóc vì nguy cơ ngộ độc và vì cóc ăn côn trùng có hại. Nếu phải dùng sản phẩm cóc chỉ sử dụng những sản phẩm được chế biến dưới dạng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm - thuốc được cơ quan chức năng cấp phép. Khi ngộ độc lập tức gây nôn tại nhà, cho uống than hoạt liều 1 - 2 g/kg, thuốc Sorbitol liều 1g/kg (nếu có). Đặc biệt phải đưa ngay đến những cơ sở y tế có chuyên môn chống độc, hồi sức càng sớm càng tốt, vì đây là loại ngộ độc cấp tính.

Gần đây có những tin đồn thổi hoang đường ăn gan mật cóc tươi vẫn sống hay báo mạng có bài về ăn gan mật, trứng cóc tươi chữa ung thư. Anh N.V.T., 27 tuổi ở Hà Nội nuốt mật cóc để chữa viêm gan B, đã tử vong ở Viện nhiệt đới TW. Viện cũng đã cấp cứu một số trường hợp do nuốt mật cóc chữa ung thư!  Người dân nên tự mình suy xét.

BS. Nguyễn Kiên
.
.