Công nghệ VAR dưới ánh sáng khoa học

Thứ Ba, 26/03/2019, 13:27
Khi người Đức chiến thắng World Cup năm 2006, mỗi cầu thủ Đức có trung bình 2,9 giây để sở hữu bóng trong chân họ. Nhưng đến năm 2014, tỷ lệ này sụt xuống còn 0,9 giây… Trọng tài cho mỗi trận đấu, đặc biệt là các trận đấu quan trọng, cũng vì thế mà vất vả hơn. Công nghệ Video hỗ trợ trọng tài (VAR) ra đời vì thế.


Càng nhanh càng gây khó trọng tài

Công nghệ video hỗ trợ các trọng tài (VAR) đang được tung ra tại hầu hết các sân cỏ trên thế giới - chúng đã được sử dụng ở World Cup, hay Champions League và một số giải đấu quốc gia. Nhưng VAR đang gây tranh cãi lớn. Bất chấp ưu việt của nó, có người vẫn cho rằng nó đang làm thay đổi căn bản của trò chơi, và làm trì trệ sự đưa ra quyết định.

Trong trận đấu của Champions League giữa Ajax Amsterdam và Real Madrid, VAR đã phải mất tới 4 phút để xác định xem quả bóng có bay ra ngoài dẫn tới quyền ném biên trong bàn thắng dẫn trước nâng tỷ số cho Ajax? VAR không hoàn hảo, nhưng nó rất cần thiết. Bóng đá ngày càng nhanh và dữ dội hơn.

Khi người Đức chiến thắng World Cup năm 2006, mỗi cầu thủ Đức có trung bình 2,9 giây để sở hữu bóng trong chân họ. Nhưng đến năm 2014, tỷ lệ sở hữu bóng sụt xuống còn 0,9 giây.

Bóng đá ngày càng nhanh và dữ dội, và các trọng tài cần sự giúp sức. Đó là lý do ra đời việc áp dụng công nghệ video hỗ trợ các trọng tài (VAR).

Các trọng tài rất cần ai đó giúp đỡ, và thế là khoa học đã được chào đón. Bóng đá ngày càng khó, các cầu thủ ngày càng lão luyện hơn vì thế họ cũng nâng cao chất lượng bắt bóng, đồng nghĩa các chuyển động ngày càng nhanh hơn trước. Và cũng đồng nghĩa rằng, một trọng tài sẽ đưa ra nhiều quyết định hơn trong một trận đấu.

Thách thức lớn nhất đối với các "ông vua sân cỏ" là họ phải theo dõi nhiều đối tượng di chuyển cùng một lúc, bao gồm quả bóng và vị trí của từng cầu thủ. Đây thật sự là một kỹ năng cực kỳ khó khăn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống thị giác của bộ não cần ít nhất 160 mili giây để có thể xử lý thông tin về 4 vật thể chuyển động (2 hậu vệ, 1 cầu thủ tấn công và quả bóng) vào ngay cái lúc mà tất cả mọi thứ trên sân cùng chuyển động. Để theo kịp, các trọng tài và trọng tài biên buộc phải phát triển ra các chiến lược riêng của họ.

Một cuộc nghiên cứu vào năm 2016 đã sử dụng máy theo dõi mắt, và phát hiện ra rằng các trọng tài ưu tú thường có nhiều khả năng quan sát hơn khi theo dõi thân hình các cầu thủ có liên quan đến các pha phạm lỗi. Điều này phản ánh đến các vận động viên chuyên nghiệp, họ thường dùng mắt để quyết định điều chỉnh hành vi của mình tốt hơn so với vận động viên nghiệp dư.

Thay vì cố gắng nhìn vào các điểm hành động chính, thì giới chức bóng đá thường chỉ nhìn vào điểm giữa mà từ đó họ có thể nhìn thấy mọi thứ họ cần để theo dõi trong tầm nhìn ngoại vi của họ. Nhưng đôi mắt của chúng ta đã được thiết kế sẵn để có độ phân giải tốt nhất khi nhìn vào tiêu điểm, nơi tập trung cao nhất của các tế bào que và tế bào hình nón tại võng mạc.

Nhà tâm lý học thể thao Zoe Wimshurst, giám đốc công ty Performance Vision, khẳng định: "Ngoại vi mắt không được thiết kế để có thể phân biệt các chi tiết tinh xảo. Từ khóe mắt, quý vị có thấy 2 cầu thủ đụng nhau, song thật khó để biết ai phạm lỗi với ai. Bóng đá ngày một trở nên nhanh hơn.

Những thách thức mà các trọng tài đang đối mặt cũng thay đổi theo thời gian. Vấn đề xem xét tình huống chi tiết giờ đây đang khó khăn hơn so với trong quá khứ". Khán giả qua màn ảnh nhỏ thường thích các hình ảnh có độ nét cao và tua phát lại các chuyển động chậm từ nhiều góc quay khác nhau.

Các công nghệ tăng cường thị lực

Mặt khác, nếu không có VAR, các trọng tài phải đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên góc thấp, tầm nhìn hành động mà thường là cùng lúc với tốc độ họ đang chạy trên sân cỏ. Đối với các trọng tài biên, việc ra phán quyết chính xác gần như không thể - vì họ phải theo dõi các vị trí tấn công đối với vị trí phòng thủ, và thời khắc chính xác khi bóng được đá.

Trọng tài biên cố gắng chuyển ánh mắt từ trái bóng sang hàng phòng ngự sau khi đã chơi một đường chuyền thì họ sẽ nhận được một bức tranh không chính xác. Hồi tháng 3 năm 2000, một nghiên cứu ngắn đã được công bố trên tạp chí Nature bởi các nhà nghiên cứu Hà Lan đã làm nổi bật một kẻ thù mới của các trọng tài biên: phối cảnh.

Họ đã thử nghiệm với 3 trọng tài biên chuyên nghiệp trong 200 tình huống việt vị và khám phá ra rằng các trọng tài biên thường vẫy cờ thiếu chính xác đối với cầu thủ tấn công việt vị khi họ giở mánh đứng ở góc sân của mình, và nhiều khả năng phát sóng không chính xác khi hành động diễn ra ở xa.

Tới năm 2004, Liên đoàn bóng đá bắt đầu thử nghiệm bằng các cách khác nhau nhằm giúp đỡ đội ngũ trọng tài biên. Họ đã cài đặt Hệ thống điểm tham chiếu (RPS) của một công ty Na Uy, bao gồm một chuỗi các đèn chiếu sáng cách nhau 1,2m dọc theo cạnh sân chỉ để nhìn khi trọng tài biên đứng đối diện trực tiếp.

Những cuộc thử nghiệm ở Na Uy đã phát hiện rằng bằng cách cung cấp cho trọng tài biên một tham chiếu thích hợp thì có thể giúp giảm tới 50% lỗi việt vị. Bà Cathy Craig, CEO và sáng lập viên của đề án INCISIV, đề xuất rằng thay vì sử dụng VAR, có thể sử dụng công nghệ AR (tăng cường thực tế) nhằm giúp tiêu trừ lỗi việt vị.

"Đây là một mô hình thông tin và làm thế nào mà các góc giữa các cầu thủ có thể nhận được bằng bộ não. Công nghệ AR sẽ vẽ ra những đường song song trên sân để giúp đưa ra các quyết định chính xác", bà Cathy Craig giải thích.

Bà Zoe Wimshurst nghĩ rằng thay vì phát hiện ra lỗi thì nên tập trung tìm cách giúp các trọng tài làm việc tốt hơn. Bà Wimshurst chỉ ra rằng 18% giới chức trong liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha đã không đi kiểm tra mắt trong vòng 3 năm qua. Rèn luyện thị lực sẽ mang lại khả quan hơn.

Hiện đang có một làn sóng các công cụ rèn thị lực mới mà các vận động viên đang áp dụng để tăng cường các khả năng thị lực của họ. Lấy ví dụ, câu lạc bộ bóng đá Hoffenheim (Đức) đã thiết lập một màn hình có kích thước bằng cả căn phòng gọi là HELIX nhằm huấn luyện tầm nhìn ngoại vi cho toàn đội hình của họ.

Hoffenheim tuyên bố rằng đã tăng tầm nhìn cho một số cầu thủ từ 180 lên 200 độ. Giải Premier League cũng tiến hành thử nghiệm với một công nghệ huấn luyện gọi là EyeGym, đó là một chương trình dựa trên vi tính và máy tính bảng được sử dụng bởi đội bóng bầu dục Anh, và các đội bóng khác thuộc Premier League bao gồm Southampton, Wolves và Tottenham.

Thanh Hải (tổng hợp)
.
.