Công nghệ kiếm tìm nguồn nước sạch độc đáo

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:18
Ngày nay, 150 triệu người dân tại các khu vực xa xôi hẻo lánh trên thế giới đang sinh sống mà không tiếp cận được với bất kỳ nguồn nước sinh hoạt an toàn nào. Nguy cơ chiến tranh vì nước sạch tại Trung Đông, châu Phi đã hiện rõ.

Tại Ấn Độ, người dân các bang thường tranh chấp, đổ máu vì nước sạch. Nhiều nơi, số tiền chi trả cho nước chiếm phần lớn thu nhập người dân khiến họ đã nghèo lại càng trở nên nghèo hơn…

Máy tách nước sạch từ không khí

May mắn thay, điều trên sẽ thay đổi trong tương lai rất gần khi các nhà khoa học tuyên bố đã tạo thành công một cỗ máy đặc thù có khả năng tạo ra nước chỉ từ một thứ sẵn có xung quanh tất cả chúng ta: không khí. Mục tiêu là vươn tới tất cả những ai có nhu cầu, cung cấp cho họ một phương thức lấy nước sạch không thể tiện lợi hơn. Vài năm trước, Eole Water, một công ty của Pháp đã trình làng một tuabin gió có khả năng tạo nước uống bằng cách ngưng tụ hơi ẩm trong không khí.

Một cỗ máy tạo nước từ không khí của hãng Water-Gen.

Hiện nay, Water-Gen, một công ty tại Israel, đã phát triển được một loại máy có khả năng tạo ra nước uống tinh khiết từ 'hư vô'.

Theo Arye Kohavi, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Water-Gen, giải pháp này có thể được áp dụng nhanh chóng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện công ty có 3 loại máy tạo nước với kích thước khác nhau (đại, trung, tiểu). Cả ba loại đều cần cắm vào một nguồn điện để vận hành. Tại 80 độ F (26 độ C) cùng độ ẩm 60%, loại máy cỡ đại có thể cho ra 825 ga-lông (3.122 lít) nước mỗi ngày.

Loại máy cỡ trung (Gen-350) có thể sản xuất 118 ga-lông (446 lít) nước mỗi ngày trong cùng điều kiện hoàn cảnh. Nặng 800 kg, Gen-350 có thể được dễ dàng đặt lên một xe tải nhỏ, cung cấp nước sạch đến các khu vực xa xôi hẻo lánh, tiếp cận khó khăn. Và loại máy cỡ tiểu, dùng trong văn phòng hoặc trong nhà, cho ra gần 4 ga-lông (15 lít) nước mỗi ngày. Bằng cách gắn một máy tạo nước cỡ đại trên nóc tòa nhà cao tầng sẽ tạo ra một bể chứa nước an toàn, cục bộ, tái tạo, cung cấp nước uống sạch trực tiếp đến từng căn hộ. Như vậy, cơ sở hạ tầng cung cấp nước đơn giản và hoàn toàn độc lập cho mỗi tòa nhà.

Ông Kohavi cho biết, công nghệ này có thể dễ dàng nhân rộng, từ đó phi tập trung hóa hệ thống cấp nước thành phố, tạo ra các bể chứa nước tái tạo độc lập, tự chủ, tự cung tự cấp trên toàn thành phố. Water-Gen ước tính rằng, với mức giá năng lượng hiện nay, chi phí cho loại nước được tạo ra theo cách trên sẽ tốn không quá 10 cent một ga-lông (khoảng 603 VNĐ/lít)"- trang Business Insider đưa tin.

Khai thác nước ngầm hoá thạch nhiều triệu năm

Nhà địa chất học Randolf Rausch (Đức) đang hào hứng giới thiệu với khách thăm sa mạc, họ đang mải mê xem công nghệ làm nước ở nơi khô hạn nhất thế giới tại Saudia Arabia, nơi tưởng như sự sống đã chết từ nhiều năm nay. Khu hoang mạc Ad Dahna đầy nắng và gió với nhiệt độ trung bình cả năm là 32ºC, khô, không có mùi.  Randolf Rausch đã biến các đụn cát khô cằn thành những đụn cỏ nhiều màu lấp lánh trông như những dải lụa. Đây là một dấu ấn đậm chất Swabian, một giấc mơ tuyệt vời của các nhà địa chất.

Rausch làm cho tổ chức GTZ quốc tế có trụ sở ở Đức, được vua Arab Saudi thuê tới tìm kiếm nguồn nước ngầm từ nhiều năm trước. Bằng việc đào sâu tới 2.000m với các biện pháp kỹ thuật hiện đại, cuối cùng anh và đồng nghiệp đã tìm thấy nguồn nước nằm sâu trong lớp đá ngầm ở bán đảo Arab. Trung tâm Nghiên cứu môi trường có trụ sở ở thành phố Leipzig (Đức) cũng đã thực hiện các dự án trên phạm vi rộng lớn.

Theo Rausch, anh và các đồng nghiệp đã phải sử dụng các phương pháp máy tính cực kỳ hiện đại để tìm kiếm nguồn nước, trữ lượng nguồn nước ngầm từ kỷ Băng hà tới nay. Hai đồng nghiệp của anh là Christoph Schüth, 50 tuổi và Andreas Kallioras, 38 tuổi, cũng đã làm việc, tính toán đắc lực. Họ cũng đã đo được độ ẩm trong đất, cũng như tuổi của nguồn nước nơi gần sân bay đã bị bỏ hoang Darmstadt. Trước khi thực hiện công trình tưởng như bi quan này, không ít người cảm thấy đây là điều vô vọng, nhưng bằng nhiều nỗ lực mà giờ đây anh có thể xanh hoá được vùng đất chết.

Hiện nay, theo tính toán của các nhà khoa học, trong 30 năm nữa, nguồn nước tại thủ đô Riyadh với dân số 4,5 triệu người có khả năng cạn kiệt. Các thánh địa nổi tiếng như Mecca và Medina tình hình cũng không khá hơn. Quốc gia giàu có hàng đầu thế giới này đang nỗ lực tìm kiếm nước bằng mọi giá, và nơi đây đã mọc lên như nấm các phòng thí nghiệm chống hạn.

Quốc gia vùng Vịnh chiếm tới 40% vùng đất chết của thế giới. Nơi đây vốn không ưa khách du lịch Tây phương nhưng đã rất hoan nghênh đón chào các nhà khoa học Đức tới. Họ đã mời vợ con Rausch và các nhà khoa học khác sang hẳn đất nước họ sinh sống. Sau 6 năm miệt mài với công việc, giờ thành quả đã được ghi nhận, công nghệ hiện đại này sẽ được nhân rộng tới nhiều nơi khác.

Văn Nguyễn - T.L.(tổng hợp)
.
.