Công nghệ nhận diện khuôn mặt bị phản ứng dữ dội

Thứ Sáu, 10/05/2019, 16:04
Nhận diện khuôn mặt là công nghệ được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển. Thế nhưng, các tập đoàn lớn như Apple, Amazon và Microsoft đều đang vướng mắc liên quan tới loại công nghệ này.


Apple bị kiện đòi 1 tỷ USD

Mới đây, một sinh viên 18 tuổi tên là Oussmane Bah đã đâm đơn kiện Apple đòi bồi thường 1 tỷ USD. Đơn kiện liên quan tới việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vốn đang ngày càng phổ biến và cũng gây tranh cãi không kém. Công nghệ này có thể xác định một người bằng cách phân tích đặc điểm khuôn mặt trong hình ảnh, video hoặc thời gian thực.

Các hãng công nghệ lớn đều đang gặp rắc rối với công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Theo đơn, Ousmane Bah tuyên bố rằng chính công cụ nhận diện khuôn mặt của Apple đã khiến mình bị bắt oan vì bị cho là thủ phạm các vụ trộm cắp tại cửa hàng Apple. Công cụ này đã nhầm lẫn khi gắn tên của Bah với khuôn mặt của kẻ trộm thực.

Cảnh sát New York đã tới nhà Bah vào năm ngoái để bắt cậu và phát hiện ra họ đã nhầm người. Bah khẳng định toàn bộ vụ việc đã khiến cậu bị căng thẳng nghiêm trọng. Trong khi đó, Apple cho biết các cửa hàng của mình không dùng công nghệ nhận diện.

Có thể kể tới một số trường hợp mà công nghệ này bị phản ứng như: người thuê nhà da màu ở Brooklyn mới đây đã phản đối chủ nhà khi người này định lắp đặt công nghệ nhận diện khuôn mặt trong tòa nhà cho thuê; hay một du khách đã phàn nàn trên Twitter rằng hãng hàng không JetBlue đã làm thủ tục đăng ký cho cô lên máy bay bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt mà không thông báo.

Các nhà nghiên cứu và hàng nghìn người dân đã cùng lên tiếng bày tỏ lo ngại về rủi ro bị bắt nhầm do công nghệ nhận diện khuôn mặt. Họ lo rằng một số nhóm người sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Công nghệ này xác định gương mặt nam giới da trắng khá chính xác vì đây là những kiểu gương mặt được sử dụng trong quá trình hình thành, thực hành công nghệ. Tuy nhiên, phụ nữ và người da màu thường xuyên bị nhận diện nhầm. Sự thiên lệch này có thể dẫn tới việc họ bị bắt để thẩm vấn nhiều hơn so với các nhóm người khác, nhất là khi ngày càng nhiều cơ quan thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận diện.

Sự bất mãn đã đạt đỉnh điểm tới mức một số thành phố, ví dụ như San Francisco, đang cân nhắc cấm toàn bộ công nghệ nhận diện.

Amazon vướng rắc rối với Rekognition

Amazon bị đánh giá là "chơi không đẹp", "khét tiếng" vì từng chống lại các dự luật mà tập đoàn này không thích và vì bảo vệ thái quá công việc của mình trước cảnh sát và chính quyền. Nhưng với công nghệ nhận diện khuôn mặt, cách hành xử nói trên của Amazon khó đứng vững.

Công cụ nhận diện khuôn mặt của Amazon mang tên Rekognition đã được bán cho cơ quan thực thi pháp luật và đang được chào hàng cho Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hàng đầu về trí thông minh nhân tạo gần đây đã viết trong một bức thư ngỏ, nói rằng công nghệ này bị lỗi nghiêm trọng. Trong một cuộc kiểm tra năm 2018, Rekognition đã ghép 28 gương mặt nghị sĩ quốc hội vào ảnh chụp tội phạm.

Các cổ đông của Amazon đang bất đồng quanh một cuộc bỏ phiếu nhằm quyết định về việc công ty có nên ngừng bán công cụ này cho các cơ quan chính phủ cho tới khi công cụ vượt qua cuộc rà soát độc lập hay không.

Amazon đã gắng sức ngăn cuộc bỏ phiếu, nhưng Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán đã đưa ra quyết định rằng Amazon phải tiến hành cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 22-5 này. Mặc dù kết quả cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính tượng trưng do nghị quyết của cổ đông không có tính ràng buộc, nhưng cuộc bỏ phiếu chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý tiêu cực về phía Amazon.

Trong khi đó, Amazon đang gắng sức làm mềm hình ảnh bằng cách hạn chế một số chiến thuật quảng cáo thái quá. Kartik Hosanagar, một giáo sư trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nhận xét: Amazon đang "đánh phủ đầu" để tỏ ra thân thiện trước khi một trong những ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Mỹ lấy Amazon ra làm ví dụ về các vấn đề của những hãng công nghệ lớn.

Microsoft bị chỉ trích vì bán công nghệ để giám sát

Sau khi có thông tin rằng các nhà nghiên cứu Microsoft đã thực hiện ba nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo và nhận diện khuôn mặt với một trường đại học do quân đội quản lý ở Trung Quốc, một số chính trị gia Mỹ đã chỉ trích công ty này vì giúp Trung Quốc.

Báo chí Mỹ cũng khui ra rằng Microsoft đã bán phần mềm nhận diện khuôn mặt cho một nhà tù Mỹ, rằng Chủ tịch Microsoft Brad Smith nói việc ngừng bán phần mềm cho cơ quan chính phủ là việc "độc ác".

Vài ngày sau, Microsoft đã phải tuyên bố rằng công ty thực quan tâm tới việc sử dụng trí thông minh nhân tạo một cách có đạo đức. Ông Smith thông báo Microsoft đã từ chối bán phần mềm cho một cơ quan thực thi pháp luật California muốn lắp đặt trong ô tô và máy quay đeo trên người của cảnh sát.

Ông cho biết Microsoft đã từ chối với lý do nhân quyền vì biết rằng sử dụng phần mềm sẽ khiến người da màu và phụ nữ bị bắt giữ để thẩm vấn nhiều hơn.

Áp lực với nhận diện khuôn mặt

Người dân cho biết họ muốn công nghệ nhận diện khuôn mặt này được quản lý. Tuy nhiên, các tổ chức như Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cho rằng quản lý là chưa đủ, mà họ muốn các công ty công nghệ không dính líu tới lĩnh vực giám sát.

Trong khi đó, một số dự luật đã được xem xét để hạn chế sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nếu Sắc lệnh Chấm dứt giám sát bí mật được thông qua, San Francisco có thể sớm trở thành thành phố Mỹ đầu tiên có luật cấm toàn bộ chính quyền địa phương dùng công nghệ này.

Bang Washington và Massachusetts cũng đang cân nhắc lệnh cấm. Thượng viện Mỹ đang xem xét một dự luật lưỡng viện đề xuất để quản lý sử dụng thương mại phần mềm nhận diện khuôn mặt. Dù vậy, công nghệ này vẫn đang được đưa vào sử dụng ở Mỹ với tốc độ chóng mặt.

Nhật Minh
.
.