Công nghệ và Internet vạn vật

Thứ Ba, 02/10/2018, 14:50
Internet of Things (Internet vạn vật) là khái niệm ngày càng phổ biến trên thế giới. Nhờ Internet Vạn vật, các doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ tùy chỉnh.


Internet vạn vật là gì?

Rất nhiều vật thể quanh chúng ta có thể biến thành một thiết bị Internet vạn vật nếu nó được kết nối Internet và được điều khiển qua đó. Ví dụ, một bóng đèn có thể được bật hay tắt bằng một ứng dụng điện thoại di động. Thiết bị Internet vạn vật có thể chỉ là một món đồ chơi trẻ em, một chiếc xe tải không người lái hoặc phức tạp như động cơ máy bay với hàng nghìn cảm biến thu thập và truyền dữ liệu. Với quy mô lớn hơn, các dự án thành phố thông minh lắp đặt cảm biến cho toàn bộ khu vực để giúp chúng ta hiểu và kiểm soát môi trường.

Vạn vật đều có thể kết nối Internet.

Internet vạn vật đang kết nối thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số theo nhiều cách đổi mới và tạo ra nhiều đột phá cho kinh doanh.

Thuật ngữ Internet vạn vật chủ yếu được sử dụng cho các thiết bị mà thông thường ít người nghĩ nó có kết nối internet.

Thống kê cho thấy có 9,4 tỷ thiết bị Internet vạn vật được sử dụng trong năm 2017, tăng 31% so với năm 2016. Tới năm 2020, con số này sẽ là 20,4 tỷ. Trung Quốc, Tây Âu và Bắc Mỹ là nơi có tới 2/3 thiết bị Internet vạn vật. Trong tổng số 8,4 tỷ thiết bị, hơn một nửa là sản phẩm tiêu dùng như TV thông minh, loa thông minh…

Đà phát triển

Với giải pháp Internet vạn vật, các doanh nghiệp có thể phân tích dữ liệu mà cảm biến gắn trên các vật thể thu thập được trong thế giới mà các thiết bị đều thông minh, có thể kết nối với nhau. Dữ liệu quý giá này hỗ trợ thay đổi doanh nghiệp, khai phá đặc điểm ẩn sâu và cung cấp thông tin cho các lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo số liệu của tạp chí Forbes năm 2017, Mỹ có 2.888 doanh nghiệp với 342.000 lao động đã phát triển Internet vạn vật với số vốn là 125 tỷ USD, tạo ra giá trị 613 tỷ USD.

Ở Singapore, Internet Vạn vật là nền tảng cơ bản của tầm nhìn Quốc gia Thông minh. Các dữ liệu thu thập được từ cảm biến sẽ hỗ trợ thiết lập các ứng dụng Quốc gia thông minh và dịch vụ thông minh.

Thập kỷ tiếp theo sẽ chứng kiến sự tiến triển mạnh mẽ trong công nghệ Internet Vạn vật. Một số hệ thống Internet vạn vật đã được thực hiện trong ngành sản xuất, logistics, y tế và đang thay đổi thế giới.

Khi được triển khai một cách có chiến lược, phân tích dữ liệu có thể giúp các tổ chức biến dữ liệu kỹ thuật số Internet vạn vật thành các thông tin sâu có ý nghĩa, có thể được sử dụng để phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu cá nhân của khách hàng, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ tinh tế hơn.

Đối với các doanh nghiệp, Internet vạn vật có tiềm năng thúc đẩy đổi mới kinh doanh và cho phép các tổ chức tạo ra các dịch vụ, hệ thống hoàn toàn mới, thu hút khách hàng và khuyến khích tăng trưởng.

Các giải pháp Internet Vạn vật mang tới cho các doanh nghiệp giá trị cụ thể trong các ngành và lĩnh vực như sản xuất, thành phố thông minh, dầu khí, ô tô, an ninh, quốc phòng, du lịch, bán lẻ, truyền thông, giải trí, công nghệ, sản phẩm tiêu dùng, điện nước, khoa học đời sống và y tế.

Theo dự báo của Business Insider, các công ty sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD vào các thiết bị kết nối và tự động hóa. Tới năm 2023, tổng hệ thống robot công nghiệp được lắp đặt sẽ đạt 6 triệu trên toàn thế giới, trong khi đó chi tiêu hàng năm cho sản xuất các giải pháp Internet Vạn vật có thể sẽ lên tới gần 450 tỷ USD.

Các chính phủ toàn cầu đang hướng tới các thiết bị Internet Vạn vật để thúc đẩy sự phát triển các thành phố thông minh. Các thành phố sẽ được trang bị camera kết nối, đèn đường thông minh, đồng hồ đo kết nối… nhằm cung cấp dữ liệu thời gian thực về giao thông, tội phạm, yếu tố môi trường… Tổng đầu tư trong lĩnh vực này dự kiến đạt gần 900 tỷ USD tới năm 2023.

Rủi ro Internet vạn vật

Dù có nhiều ưu việt nhưng Internet vạn vật tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro này cũng lớn như cơ hội tạo giá trị mà Internet vạn vật mang lại. Đối phó với rủi ro này cần các chiến lược mới để bảo vệ giá trị.

Khi dữ liệu được tạo ra và truyền đi, thông tin có thể bị ảnh hưởng. Càng nhiều dữ liệu, dữ liệu càng nhạy cảm và càng có nhiều trên mạng lưới diện rộng thì có nghĩa là rủi ro càng cao. Rò rỉ dữ liệu có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho các cá nhân cũng như doanh nghiệp.

Chỉ cần một thiết bị đơn lẻ dễ bị tổn tương là cả hệ thống sinh thái dữ liệu sẽ có nguy cơ bị tấn công. Hậu quả là dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc các hệ thống công cộng bị sập.

Để quản lý rủi ro hiệu quả khi triển khai Internet vạn vật, cần phải bắt đầu bằng ngăn chặn rò rỉ hệ thống thông qua các cảm biến trên các hệ thống để bảo vệ trước các vụ tấn công vô tình hoặc cố ý, lắp đặt tường lửa phần mềm để ngăn tin tặc. Hệ thống cần được đảm bảo an toàn bằng cả nâng cấp phần cứng và phần mềm. Khi có rò rỉ thông tin, hạn chế thiệt hại và tái thiết lập hoạt động bình thường sẽ dễ dàng hơn nếu có quy trình khẩn trương vô hiệu hóa mối đe dọa, ngăn chặn rò rỉ lan rộng.

Xét những rủi ro và yếu tố dễ bị tổn thương của Internet vạn vật cả vô hình và hữu hình, triển vọng thiết lập và duy trì được một mạng lưới an toàn, chạy suôn sẻ có vẻ như dễ khiến doanh nghiệp nản chí. Tuy nhiên, vấn đề an ninh trong Internet Vạn vật không thể không thực hiện.  Nó phải là vấn đề không thể tách rời trong quá trình thiết kế. Các giải pháp Internet Vạn vật sẽ cần kết hợp kiến thức về hoạt động tổ chức với kiến thức về kỹ thuật quản lý rủi ro mạng nhiều tầng lớp.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.