Cuộc cách mạng cánh tay sinh học kỳ diệu

Thứ Tư, 11/01/2017, 09:15
Năm 2012, cuộc đời của James Young mới 26 tuổi có sự thay đổi lớn lao sau một tai nạn kinh hoàng. James Young sống ở thủ đô London nước Anh, bị mất cánh tay trái và chân trái bị thương tổn nghiêm trọng sau khi anh bị rơi vào đường ray tàu hỏa. Nhưng cánh tay sinh học nguyên mẫu kỳ diệu đã biến anh thành một phần "người-máy".

Tai nạn tàu hỏa còn gây đa chấn thương nghiêm trọng cho James Young; anh bị xẹp phổi, nứt xương sọ và xương mặt, gãy xương sườn và nứt cột sống. James Young, lúc đó 22 tuổi và là chuyên gia sinh học, lên chuyến tàu ở Đông London sau một đêm chè chén với bạn bè. James không may bị mất thăng bằng và té ngã xuống giữa 2 toa hành khách.

James Young và nguyên mẫu cánh tay sinh học cơ khí.

Về sau, James không nhớ gì cả mà chỉ biết được tình hình qua hình ảnh trích xuất từ camera an ninh: "Bạn bè tìm kiếm xung quanh và không nhìn thấy tôi. Họ nhấn chuông báo động và hai người đàn ông đến giúp tìm kiếm. Cuối cùng, họ cũng tìm thấy tôi nằm dưới con tàu". Một chiếc máy bay trực thăng cấp cứu chở James đến Bệnh viện Hoàng gia London.

Sau đó, James được đưa vào trạng thái hôn mê nhân tạo trong suốt 12 ngày để bảo vệ bộ não và giúp cơ thể ổn định. Cuối cùng, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật quyết định cưa bỏ cánh tay trái của James. Tiếp theo, James phải trải qua 12 ca phẫu thuật tái tạo gương mặt và phần cơ thể bị thương tổn. James nhớ lại: "Cha mẹ được thông báo là tôi bị gãy tay và chân. Họ không hình dung ra tình hình tồi tệ đến mức nào cho đến khi nhìn thấy tôi".

Sau 3 tháng 15 ngày nằm viện, James được phép trở về nhà cùng với… cánh tay giả và chân giả mà anh mô tả là "cực kỳ xấu xí". Điều tệ hại hơn hết là cánh tay giả chỉ được lắp cái móc thay vì bàn tay hẳn hoi. Tai nạn khiến cho James khó quay trở lại với công việc chuyên môn của mình, nhất là sự đau đớn do "chi ma" gây ra buộc anh phải uống thuốc giảm đau liều mạnh thường xuyên và từ đó dẫn đến sự mệt mỏi không chịu nổi.

Tuy nhiên, cuộc sống của James thay đổi lần nữa vào năm 2014 - mà lần này trở nên tốt hơn - khi anh biến mình thành "người-máy" với cánh tay sinh học nguyên mẫu độc đáo và kỳ diệu! Anh chàng game thủ thường phải sử dụng cánh tay phải để chơi may mắn tìm thấy một mẫu đăng quảng cáo từ công ty phát triển game Konami, nơi đang tìm kiếm người bị cụt chi để tiến hành thử nghiệm loại chi nhân tạo mang tính đột phá.

Loại chi giả "viễn tưởng" này kết hợp những công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất, kết nối với những dây thần kinh và cơ bắp nằm trên phần vai và mang tính thẩm mỹ cao, với thiết kế độc đáo phản ánh cá tính người mang. Cánh tay sinh học của James được lắp tại studio bộ phận giả ở London của nữ nghệ sĩ Sophie De Oliveira Barata - người thành lập Dự án chi thay thế (ALP).

Cánh tay giả của James Young còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Sophie De Oliveira Barata, chuyên gia hiệu ứng đặc biệt của điện ảnh, thiết kế riêng cho James Young một cánh tay bằng kim loại kết hợp bàn tay có khớp bằng chất dẻo hoạt động nhờ các cơ trên vai anh. Những tín hiệu của cơ được dò bởi bộ cảm biến gắn trên da ở phần vai. Bộ cảm biến được kết nối với một bộ khung giúp vận động cánh tay và bàn tay. Tất cả hoạt động bằng năng lượng pin.

Sophie chịu trách nhiệm giám sát dự án cùng phối hợp với Công ty Open Bionics, nơi sử dụng máy in 3D để chế tạo bàn tay tự động hóa. Bàn tay mới của James cử động - và có cảm giác - giống hệt bàn tay thật, anh có thể cầm nắm được những đồ vật nhỏ bé như là đồng tiền nhờ vào "mệnh lệnh" được gửi đi từ các cơ vai để giao tiếp với mạng lưới bộ cảm biến. Cánh tay sinh học cơ khí của James cũng được trang bị ánh sáng laser (để tạo hiệu ứng đặc biệt hơn là sử dụng trong thực tế), một đèn pin (để giúp James sử dụng đi đường vào ban đêm), một cổng USB (nơi khe hở phần cổ tay đằng sau cánh tay) để sạc điện thoại và một đồng hồ.

Cánh tay kỳ diệu của James được lấy cảm hứng từ nhân vật hành động khuyết tật tên là Snake từ trong game Metal Gear Solid của Công ty Konami. Mặc dù cánh tay sinh học cơ khí rất có ích cho James song anh không thể mang vác nó suốt ngày được - dĩ nhiên anh phải tháo nó ra khi đi ngủ hay đi tắm.

Ngoài ra, James cảm thấy rất khó nhọc khi mang cánh tay bởi vì nó nặng đến 4,7kg. Do là cánh tay nguyên mẫu cho nên nó cần được cải tiến và sửa đổi thường xuyên. Sắp tới, chân và bàn chân sinh học cơ khí sẽ được thiết kế cao cấp hơn bởi vì bộ phận này phức tạp hơn và dễ gây nguy cơ tai nạn hơn. James cũng có kế hoạch sử dụng vật cấy bằng titanium thay vì phải mang vác cánh tay với những dây nhợ chằng chịt trên vai. Nếu thành công, cánh tay mới sẽ cho phép anh nâng được đồ vật nặng hay vẫy tay giống như cánh tay thật. Ngoài ra, vật cấy bằng titanium cũng giúp cho cánh tay giả của James có thêm sức mạnh.

Sophie De Oliveira Barata trong studio của bà.

Tuy nhiên, hiện nay những vật cấy bằng titanium này sắp tới chỉ được sử dụng cho những người bị cụt chi trong quân đội và những phiên thử nghiệm đầu tiên sẽ được Bộ Quốc phòng Anh thông báo vào năm 2017. Hiện thời, cũng chưa có kế hoạch tiến hành những cuộc thử nghiệm mở rộng đến những người dân bị cụt chi.

Do đó, James Young đang khởi động chiến dịch gây quỹ cho những cuộc thử nghiệm vật liệu cấy titanium này. Trong khi đó, Open Bionics cũng đang cố gắng tranh thủ sự phê chuẩn từ chính quyền để bộ phận giả sinh học cơ khí hiện đại được phép sử dụng rộng rãi trong hệ thống bệnh viện nước Anh. Open Bionics lập luận rằng bộ phận giả sinh học cơ khí giúp bệnh nhân tiết kiệm tiền bạc dành cho liệu pháp vật lý hay những ca điều trị cần thiết khác có thể kéo dài trong suốt đời họ.

Giáo sư Sethu Vijayakumar, Giám đốc Trung tâm Robotics thuộc Đại học Edinburgh (Scotland), tin rằng công nghệ in 3D tiến bộ quá nhanh đến mức có thể chỉ trong vài năm nữa bộ phận giả sinh học có giá chỉ vài ngàn bảng Anh. Không chỉ có ích cho những người cụt chi, những thiết bị robotic còn được phát triển để giúp bàn tay bị liệt của những bệnh nhân đột quị cử động trở lại.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.