Cuộc chạy đua UAV an ninh, giám sát từ trên cao

Thứ Ba, 21/08/2018, 14:09
Máy bay không người lái (UAV) giờ đây không chỉ xuất hiện trên các chiến trường ác liệt mà còn tham gia vào công tác quản lý xã hội và được giới chức cảnh sát nhiều nước trên thế giới "tín nhiệm" vì tính năng giúp dễ dàng, an toàn và nhanh hơn trong việc xử lý mọi thứ xảy ra ở tình huống khẩn cấp.


Cơn sốt UAV ở Mỹ

Những ngày tháng 8 này, các thị trấn và đồn cảnh sát ở Long Island (Mỹ) đang tích cực trang bị UAV - thiết bị được ưa chuộng bởi quân đội để tham gia công việc giám sát bầu trời, chữa cháy và phát hiện những dấu vết khả nghi của tội phạm.

Một quan chức ở Long Island khi trao đổi với giới báo chí giải thích rằng, việc sử dụng các cảnh quay từ UAV sẽ giúp hướng dẫn nhân viên cứu hỏa tại những nơi nguy hiểm, đang xảy ra cháy hoặc hỗ trợ lực lượng cứu hộ đánh giá thiệt hại thiên tai và phát hiện người mắc kẹt.

Một cảnh sát Mỹ đang điều khiển chiếc máy bay không người lái giám sát bầu trời. Ảnh: Getty.

Trong một vụ việc hồi đầu tháng 8, cảnh sát đã dùng UAV để truy tìm cá mập sau khi có báo cáo rằng hai đứa trẻ bị cá mập tấn công khi bơi ngoài bờ biển. "UAV trở thành một trong những công cụ hữu dụng, giúp việc rất đắc lực cho chúng tôi" John Johnson, Giám đốc an toàn công cộng của Smithtown nói.

Ông John Johnson còn cho biết thêm rằng, Smithtown là một trong những thị trấn áp dụng công nghệ bay không người lái sớm nhất và tích cực nhất ở Long Island. Lực lượng cứu hộ thị trấn này bắt đầu sử dụng UAV để tiến hành đánh giá thiệt hại sau bão tuyết Sandy vào năm 2012 và kể từ đó mở rộng sang các ứng dụng lập kế hoạch và an toàn công cộng khác.

Các chuyến bay không người lái để giám sát bầu trời trong thị trấn ngày càng thường xuyên. Đáng chú ý là chi phí này lại rẻ hơn việc dùng một trực thăng để kiểm tra tình hình và những hình ảnh gửi về từ chiếc máy bay không người lái lại hiện đại và có thể tùy chỉnh nhiều hơn so với hình ảnh cung cấp từ vệ tinh hoặc máy bay trực thăng.

Hạt Nassau cũng đã cho bay hai chiếc UAV trong 2 năm qua để giúp sản xuất bản đồ hai và ba chiều cho Bộ Công trình Công cộng. Sở cảnh sát hạt Suffolk thì sử dụng UAV để hỗ trợ cho các tai nạn ô tô và các trường hợp khẩn cấp. Nhiều thị trấn khác cũng đang bắt kịp công nghệ này. Cảnh sát trưởng thị trấn Southampton, ông Steven Skrynecki, cho biết, trong vài tháng tới, bộ phận của ông sẽ được cấp một chiếc UAV với khả năng hồng ngoại để xác định các nghi phạm chạy trốn vào ban đêm và đủ sức mạnh để mang và thả áo phao cho những người bơi lội chẳng may gặp tai nạn dọc theo bờ biển của thị trấn.

Các cách sử dụng dự đoán khác bao gồm thông tin giao thông và giám sát các đối tượng bị chặn. Năm cán bộ đã được đào tạo để sử dụng loại công nghệ này. "UAV cho phép chúng tôi tái tạo một số khả năng của một chiếc trực thăng với một phần nhỏ của chi phí", Steven Skrynecki nói…

Sử dụng thiết bị bay UAV đang trở nên phát triển mạnh ở Mỹ. Ngoài Long Island, cảnh sát ở nhiều thành phố khác cũng cho hoạt động UAV phục vụ cho mục đích tuần tra. Chẳng hạn như ở Los Angeles, cảnh sát lần đầu tiên sử dụng UAV từ năm 2006 và đến nay đang muốn cải tiến một số UAV này với tính năng gắn vũ khí để tấn công tội phạm chạy trốn nếu cần thiết.

Chiếc UAV mà cảnh sát Los Angeles đang sử dụng là SkySeer với hình thù giống một máy bay mô hình điều khiển từ xa, có sải cánh 1,98m, nặng 1,81kg. SkySeer được thiết kế đặc biệt với một chiếc camera ở phần bụng cùng một bộ pin nhỏ cung cấp năng lượng cho máy bay hoạt động để các sĩ quan cảnh sát có thể sử dụng một cách nhanh chóng và dễ dàng ngay trên đường phố.

Cảnh sát Anh đã sử dụng các UAV truy tìm tội phạm từ năm 2016. Ảnh: The Guardian.

Nó có thể được gấp lại gọn gàng và cất đi như một chiếc lều bạt trong ba lô đeo vai. Tại độ cao khoảng 76m so với mặt đất, SkySeer có thể quan sát trọn vẹn một toà nhà 25 tầng và gần như tàng hình trong mắt mọi người bên dưới. Giá của chiếc UAV này chỉ vào khoảng từ 25.000-30.000 USD, rẻ hơn nhiều so với một chiếc trực thăng.

Không chịu kém cạnh, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở thành phố New York của Mỹ cũng mới thử nghiệm một thế hệ UAV có thể giúp họ chữa cháy nhanh và hiệu quả hơn. Khi có những đám cháy xảy ra, cảnh sát PCCC sẽ phóng những chiếc UAV này bay đến vùng trời phía trên đám cháy, sử dụng hồng ngoại để ghi lại hình ảnh, video về vị trí, địa hình nơi xảy ra cháy. Từ việc sử dụng những hình ảnh, video được gửi về, sở PCCC New York có thể lên kế hoạch tiếp cận đám cháy từ một nơi sẽ an toàn hơn cho cảnh sát PCCC, từ đó có thể giúp việc chữa cháy nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, cảnh sát Bắc Dakota lại sử dụng UAV phun hơi cay nhằm giải tán đám đông biểu tình và các báo cáo ban đầu cho thấy công cụ này rất hữu hiệu. Còn tại bang Connecticut, giới chức đã thảo luận một dự luật cho phép cảnh sát sử dụng máy bay không người lái với vũ khí có khả năng giết người. Dự luật này cho phép cảnh sát bắn đạn từ UAV, miễn là họ tuân thủ một số nguyên tắc nhất định...

Bài toán của Trung Quốc

Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, thị trường tiêu thụ của máy bay không người lái ở Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2020. Điều đáng chú ý là xu hướng sử dụng UAV cho hoạt động bảo vệ an ninh, giám sát bầu trời đang ngày càng gia tăng trên thế giới.

UAV hình chim bồ câu đang được cảnh sát Trung Quốc sử dụng. Ảnh: Getty.

Như ở Trung Quốc, từ năm 2016, cảnh sát giao thông ở thành phố Thành Đô đã sử dụng UAV để phát hiện những lái xe vi phạm luật giao thông. Các UAV này có thể bay ở độ cao 50m so với mặt đất, quay video và truyền dữ liệu cho cảnh sát. Những lái xe sử dụng sai làn đường khẩn cấp, dừng đỗ trái phép trên đường cao tốc và ném rác ra khỏi xe hay bất kỳ hành vi thiếu văn minh nào cũng đều không qua khỏi con mắt giám sát của thiết bị bay không người lái này.

Và mới đây, cảnh sát ở Thiểm Tây và Bắc Kinh đã đưa những chiếc UAV hình chim bồ câu vào sử dụng với mục đích giám sát bầu trời. Mỗi một UAV chim bồ câu này đều được trang bị công nghệ GPS, máy ảnh độ nét cao và hệ thống điều khiển bay kết nối với vệ tinh để cho phép điều khiển từ xa.

Không giống với các thiết bị bay không người lái có cánh cố định, hoặc cánh quạt, các thiết bị điều khiển từ xa mới này bắt chước hoạt động vỗ cánh của loài chim để bay lên cao, lượn, và chuyển động nhẹ nhàng trong không trung.

Cơ chế flapping bao gồm một cặp crank-rockers được điều khiển bởi một động cơ điện, trong khi cánh có thể biến dạng một chút khi di chuyển lên và xuống, tạo ra không chỉ nâng mà còn đẩy để lái máy bay về phía trước. Phần mềm được thiết kế đặc biệt giúp chống lại bất kỳ chuyển động giật nào để đảm bảo máy ảnh tích hợp đạt được hình ảnh sắc nét và video ổn định.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, chiếc UAV chim bồ câu có trị giá khoảng 10 tỷ NDT (tương đương 1,54 tỷ USD). Nó nặng khoảng 200gram, có sải cánh khoảng 50cm và có thể bay với tốc độ lên tới 40km/giờ trong tối đa 30 phút. Các nhà sáng chế UAV đang hy vọng thế hệ tiếp theo của nó sẽ có thể bay trong các điều kiện phức tạp và thậm chí là ra quyết định xử lý tình huống độc lập khi bay.

Một nguồn tin giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, không chỉ phục vụ mục đích giám sát bầu trời để đảm bảo an ninh, những chiếc UAV chim bồ câu còn đang được Bộ Quốc phòng Trung Quốc nghiên cứu để sử dụng cho một số mục đích khác như tuần tra, do thám. Nguồn tin này cũng khẳng định, từ năm 2010 đến nay, Bắc Kinh đã ráo riết chuẩn bị cho việc thành lập đội quân máy bay không người lái. Kế hoạch sản xuất UAV của Trung Quốc ban đầu được tiến hành trên cơ sở thiết kế công nghệ của Liên Xô cũ, sau đó được Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Đầu năm 2012, trong cuộc diễn tập không quân "Kiếm Hồng", Trung Quốc đã giới thiệu UAV có nhiệm vụ trinh sát mục tiêu, chụp ảnh trên cao, truyền phát hình ảnh. Tháng 11-2016, Trung Quốc lại lần đầu tiên trình làng UAV Thái Hồng -5, một dòng UAV quân sự có tính năng kỹ thuật vượt trội với bán kính tác chiến lên tới 3.000km và có thể mang 16 loại vũ khí khác nhau. Thậm chí, nước này còn hoàn tất việc thử nghiệm UAV mang CH-4 với khả năng bay trong 15 tiếng ở độ cao 20km, khu vực được coi là "rìa không gian".

Hiện tại, các nhà phân tích đánh giá, khoảng cách công nghệ UAV của Trung Quốc đã bắt kịp các quốc gia tiên tiến trên thế giới và thậm chí có một số công nghệ còn vượt qua Mỹ để đứng ở vị trí đầu tiên.

Và chiến lược của các quốc gia khác

Trước cơn số UAV và sự cạnh tranh khốc liệt của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này, các quốc gia khác trên thế giới cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn tới việc sử dụng UAV trong phòng, chống tội phạm và đảm bảo an ninh hàng hải. Như ở Anh, mặc dù vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức nhân quyền về việc sử dụng UAV, cảnh sát Anh hồi tháng 2 vẫn quyết định sử dụng loại công nghệ này để xử lý tội phạm. Ứng dụng UAV được thực hiện trong một số hoạt động thực thi pháp luật bao gồm giám sát các hành vi liên quan đến trộm cắp, biểu tình, tìm kiếm cứu hộ và các mối nguy hiểm trên cao.

Tờ The Time cho biết, cảnh sát Anh và 1/4 cảnh sát địa phương xứ Wales ủng hộ việc dùng UAV có trang bị máy ảnh để thay thế trực thăng, chó và nhân viên tuần tra truyền thống.

Phát ngôn viên của Cục cảnh sát quốc gia Anh, Steve Barry cho biết, để hạn chế những điều tiếng và sự chỉ trích mới của các tổ chức nhân quyền, một nhóm chuyên gia cảnh sát của Anh soạn thảo các tài liệu hướng dẫn cảnh sát sử dụng UAV, trong đó UAV không được phép sử dụng cho các hoạt động quan trọng của cảnh sát và không được cố ý xâm phạm sự riêng tư của người dân. Bên cạnh đó, các hoạt động của UAV cũng phải chịu sự giám sát của Cơ quan hàng không dân dụng Anh, không gian hành trình bay cũng sẽ được giới hạn theo các quy định về hành trình bay hiện có.

Trong thời gian tới, cảnh sát Anh cũng thúc đẩy việc thông qua luật cảnh sát dùng UAV để thực thi pháp luật. Nếu được thông qua, UAV có thể sẽ được sử dụng để chống khủng bố, phản ứng khẩn cấp và đáp ứng các nhu cầu công cộng. Trang mạng chính thức của Cục quản lý hàng không Anh cho biết, có tất cả hơn 10 trạm cảnh sát ở Anh được sử dụng UAV. Hồi cuối năm ngoái, cảnh sát ở Camden và Islington cũng đã được phép sử dụng UAV để theo dõi các băng nhóm tội phạm cướp giật bằng xe máy.

Phát triển UAV chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc nhưng tính ra, Nga cũng đã có thâm niên 10 năm sản xuất loại này. Tuy nhiên, mới đầu, Nga chỉ chi tiền để phát triển UAV phục vụ Bộ Quốc phòng với kế hoạch tự sản xuất hoặc đặt mua, lắp ráp bản địa 12 chiếc UAV Israel BirdEye-400, I-View Mk150 và Searcher II... Trong 5 năm gần đây, Nga bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về những chiếc UAV dành cho cảnh sát sử dụng như phương tiện chống tội phạm.

Hiện cảnh sát Nga đã rất thành công trong việc dùng UAV làm máy bắn tốc độ. Theo tờ English Russia, ngày càng có nhiều đơn vị cảnh sát trên khắp nước Nga đang được trang bị các UAV điều khiển từ xa khác nhau để theo dõi các phương tiện tham gia giao thông. Các UAV này đóng vai trò giúp cảnh sát Nga theo dõi lưu lượng giao thông hay giám sát các tuyến đường huyết mạch, độ tiện lợi của chúng chắc hẳn sẽ tốt hơn nhiều so với việc theo dõi qua camera giám sát cố định.

Thời gian tới, cảnh sát Nga sẽ phát triển loại UAV giải tán đám đông giống ở Ấn Độ. Theo tin từ hãng Reuters, biện pháp này Ấn Độ đã áp dụng từ năm 2015 tại thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Ấn Độ mới cho phép sử dụng rộng rãi hơn các UAV trang bị bình xịt hơi cay để giải tán các đám đông khó kiểm soát. Các UAV này có sức tải khoảng 2kg và sẽ xịt hơi cay xuống bất kỳ đám đông nào nếu có rắc rối xảy ra.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.