Cuộc chạy đua cho Thế chiến 3.0?

Thứ Sáu, 13/01/2017, 14:30
Nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng hay còn gọi là "Thế chiến 3.0" đang cận kề khi mà cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đang ráo riết chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị. Đầu tư cho vũ trang không gian mạng cũng tăng rất nhanh trong những năm qua.

Những cáo buộc gần đây của Mỹ về việc Nga can thiệp vào hệ thống bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang được cảnh báo là có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới một thế chiến mới. Một số nguồn tin báo chí Mỹ cho biết, trước khi giới chức tình báo Mỹ thực hiện cuộc điều trần đầu tiên tại Quốc hội khóa 115 của Mỹ, chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã xem xét khả năng tiến hành chiến dịch tấn công mạng bí mật chưa từng có chống lại Nga?

Bên trong nơi làm việc của các đơn vị về an ninh mạng của Mỹ.

Hãng tin NBC News cho hay Lầu Năm Góc đã quyết định rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là đơn vị chủ chốt thực hiện chiến dịch này và việc lựa chọn các mục tiêu tấn công cũng đã được tiến hành. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong nội bộ chính quyền Mỹ đã có sự mâu thuẫn xung quanh việc có nên hay không nên thực hiện chiến dịch này.

Cựu Đô đốc James Stavridis cho rằng, Mỹ phải "tấn công vào khả năng của Nga kiểm duyệt lưu lượng Internet trong nước", còn cựu Phó Giám đốc CIA Michael Morell thì tỏ ra nghi ngờ Mỹ "sẽ đi xa hơn thế", một phần là nhằm tránh tạo tiền lệ có thể bị các nước khác sử dụng để chống lại Washington. Song song với kế hoạch này, Lầu Năm Góc còn đang cân nhắc chiến lược an ninh mạng nhằm bảo vệ hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng như cho phép phá hủy, đánh lừa, gây gián đoạn các hệ thống thông tin của đối phương.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William J. Lynn III khẳng định, việc áp dụng các chiến lược mới là khẩn thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Cũng theo lời ông William J.Lynn III nhiều cơ quan tình báo quân sự trên thế giới đang phát triển khả năng tấn công vào không gian mạng và hơn 100 tổ chức tình báo nước ngoài đang tìm cách thâm nhập các hệ thống máy tính của Nhà Trắng cũng như Lầu Năm Góc.

Mỹ xây dựng hệ thống đơn vị tác chiến mạng

Vậy Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị gì cho cuộc chiến tranh mạng có thể xảy ra? Trên thực tế, người Mỹ đã chú ý nhiều đến vấn đề bảo đảm an ninh mạng từ năm 2001 nhưng phải đến cuối năm 2011, đầu 2012 nước này mới bắt đầu đổ tiền vào lĩnh vực an ninh mạng. Bộ Tư lệnh không gian mạng Mỹ (USCC) được thành lập năm 2012 liên tục nhận được những khoản tiền hỗ trợ gồm 3,9 tỷ USD vào năm 2013; 4,1 tỷ USD vào năm 2014 và 5,1 tỷ USD trong năm 2015.

Song song với việc gia tăng tiềm lực tài chính, USCC còn được củng cố bằng một đội ngũ nhân viên thiện chiến tốt nghiệp các trường Học viện Quân đội, Học viện Không quân và Học viện Hải quân. Những người này đều phải trải qua các kỳ học về an ninh mạng, không gian mạng, khoa học máy tính, công nghệ thông tin, bảo mật máy tính…

Hãng tin Reuters cho biết, đến nay, USCC đã có hơn 3.000 nhân viên chống tin tặc và gián điệp quân sự. Những người này làm việc trực tiếp dưới sự chỉ huy của một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn muốn mở rộng khả năng kiểm soát nội dung Internet trong đó kêu gọi sự hợp tác từ các Tập đoàn công nghệ thông tin.

Theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Mỹ mỗi khi xảy ra tình huống khẩn cấp, Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh Google, Yahoo và các bộ máy tìm kiếm thông tin trên mạng khác ngừng cung cấp dịch vụ… Chưa hết, trong "Chiến lược hành động của Bộ Quốc phòng Mỹ trong không gian mạng" của Lầu Năm Góc đưa ra hồi đầu năm 2016, các mối đe dọa xuất phát từ không gian mạng đã bắt đầu được xem là nghiêm trọng hơn và có tầm quan trọng lớn hơn chủ nghĩa khủng bố quốc tế và việc phổ biến vũ khí hủy diệt lớn.

Vì thế, tới năm 2018, Mỹ sẽ hoàn thành việc xây dựng 3 đơn vị đặc trách không gian mạng (Cyber Mission Force - CMF): đơn vị hoạt động chiến lược trong không gian mạng (Lực lượng Phòng thủ mạng quốc gia - National Mission Forces), đơn vị hoạt động chiến dịch-chiến lược trong không gian mạng (Lực lượng Chiến đấu không gian mạng - Combat Mission Forces) và đơn vị bảo vệ không gian mạng (Lực lượng Bảo vệ không gian mạng - Cyber Protection Forces). Trong biên chế của các đơn vị này sẽ có 133 đội với tổng quân số 6.200 người.

Còn Bộ Chỉ huy Tác chiến không gian mạng Lục quân Mỹ (U.S. Army Cyber Command - ARCYBER) thì chịu trách nhiệm thành lập trong tương lai 41 đội hoạt động, trong đó có các đội hoạt động chiến lược, chiến dịch -  chiến lược, bảo đảm, bảo vệ không gian mạng và các đội khác. Bộ c                                                     của Vệ binh Quốc gia) đang xây dựng thêm 21 đội bảo vệ mạng mà khi đạt khả năng sẵn sàng hoạt động ban đầu sẽ lập tức được chuyển thuộc cho các tư lệnh bộ chỉ huy khu vực/ bộ chỉ huy chức năng...

Nga chú trọng phòng thủ mạng

Trong khi đó, từ khi lên làm Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đã luôn nhấn mạnh rằng, không gian mạng là khu vực phòng thủ quan trọng nhất. Vấn đề này ông Putin thường xuyên nhắc tới trong các cuộc họp về an ninh nói về "Chương trình Vũ trang quốc gia (SAP) cho tới năm 2020".

Trước đó, vào tháng 3-2012, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã công bố tài liệu Chiến lược Chiến tranh mạng Nga mang tên "Khái niệm về hoạt động của các lực lượng Vũ trang Nga trên không gian mạng", phản ánh chiến lược của Nga trong cuộc chiến tranh mạng, đưa ra những nguyên tắc cơ bản, quy chế và các biện pháp xây dựng lòng tin dành cho các Lực lượng Vũ trang Nga khi đưa ra những quyết định an ninh và quốc phòng cho phù hợp với không gian thông tin toàn cầu.

Hãng RT cho biết, Nga chưa bao giờ công bố chính xác số tiền dành cho lực lượng vũ trang an ninh mạng nhưng riêng Quỹ nghiên cứu trong lĩnh vực chiến tranh mạng đã gần 70 triệu USD. Thiếu tướng Roman Kordyukov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong 5 năm trở lại đây, Nga đã tích cực phát triển công nghệ tiến hành chiến tranh mạng.

Nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng hay còn gọi là "Thế chiến 3.0" đang cận kề. Ảnh: Internet.

Theo ông Roman Kordyukov, công nghệ thông tin là một trong những hướng "tìm kiếm, triển khai, thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến" quan trọng nhất và tổ hợp thông tin Trung tâm Chỉ huy phòng thủ quốc gia Nga là giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực này.

Về những đội chiến binh mạng, Hãng Sputnik tiết lộ rằng, Nga có đội quân mạng Chiều thứ 5 (Russia 5th-Dimension Cyber Army) thành lập năm 2007 với ngân sách hoạt động hàng năm ước tính lên đến 40 tỷ USD và 7.300 nhân viên; Trung tâm an ninh thông tin (Information Security Center - ISC) còn được gọi là đơn vị quân sự 64829 có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ mạng lưới Internet của Nga được thành lập năm 2002, đặt dưới sự quản lý của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB); Trung tâm giám sát truyền thông điện tử (Center for Electronic Surveillance of Communications) và Trung tâm quản trị an ninh thông tin (FSB Administrative Centers for Information Security) chịu trách nhiệm đánh chặn, giải mã và xử lý các thông tin liên lạc điện tử.

EU Quân sự hóa không gian mạng

Theo thông báo của cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) hồi cuối tháng 12 năm ngoái, lực lượng cảnh sát thuộc 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã triệt phá một tổ chức tội phạm mạng với phạm vi hoạt động ở trên 180 quốc gia và tiến hành các cuộc tấn công mạng gây lây nhiễm mã độc cho hơn nửa triệu máy vi tính, ước tính thiệt hại lên tới hàng triệu Euro.

Các chính phủ hay các nhóm thù địch có thể phát động tấn công gây thiệt hại đáng kể lên cơ sở hạ tầng của một quốc gia hay một công ty mà khó có thể bị phát hiện và phản ứng kịp thời.

Vì thế, từ tháng 7 năm ngoái, sau khi các nhà lập pháp châu Âu thông qua đạo luật an ninh mới nhằm thúc đẩy công tác phòng thủ mạng mạnh mẽ hơn thì các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu nhen nhóm cuộc đua về vũ trang trên không gian mạng.

Kế hoạch bao gồm đẩy mạnh hoạt động mua sắm vũ khí xuyên biên giới, chú trọng hơn về tiêu chuẩn của thiết bị cũng như sử dụng các chương trình không gian của EU vì mục đích chống khủng bố và củng cố biên giới bên ngoài châu Âu. Nếu không có gì thay đổi, nguồn quỹ có thể hoạt động vào năm 2017 trên quy mô nhỏ. Kinh phí ban đầu sẽ được Ngân hàng Đầu tư châu Âu tài trợ nếu chính phủ các nước đồng ý dỡ bỏ các lệnh cấm về hỗ trợ dự án quân sự.

Trích lời các quan chức, Reuters cho biết Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một kế hoạch thí điểm trị giá 95 triệu USD cho giai đoạn 2017-2019 và EC có thể phân bổ 3,7 tỉ USD ngân sách cho giai đoạn 2021-2027.

Trong khi đó, tại từng quốc gia thành viên EU, việc gia tăng hoạt động an ninh mạng cũng đang được gấp rút củng cố. Cụ thể như ở Anh, hồi tháng 11 năm ngoái, Anh công bố sẽ đáp trả trước các mối đe dọa tấn công mạng và tung ra Chiến lược an ninh mạng mới trong vòng 5 năm tới (2017-2022). Chiến lược này của Anh bao gồm việc xây dựng Trung tâm An ninh mạng và năng lực toàn cầu để đảm bảo an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua Internet. Chính quyền London cũng quyết định chi tới 2,3 tỷ USD cho chương trình này.

Đối với Pháp, chính quyền Paris sẽ triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 2,2 tỷ USD và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới.

Chưa yên tâm, hồi giữa tháng 12 năm ngoái, Pháp còn tuyên bố thành lập một đơn vị đặc chủng chuyên về tin học nhằm tăng cường khả năng chống và triển khai các vụ tấn công mạng. Đơn vị này có tên là Cybercom với đội ngũ nhân viên khoảng 2.600 (vào năm 2019). Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu chống tin tặc nước ngoài để bảo vệ đất nước, các kỹ sư Cybercom sẽ được đào tạo đặc biệt để xâm phạm các mạng quân sự nước khác và truy cập vào các hệ thống để chống lại chính nước đó.

Dù kín tiếng hơn song những động thái gần đây cho thấy, nước Đức cũng đang gấp rút xây dựng đội quân phòng vệ mạng bao gồm 130 chuyên gia tin học có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống máy tính quốc phòng. Nội các Đức cũng đã thông qua chiến lược an ninh mạng mới để đối phó với các mối đe dọa nhằm vào tổ chức chính phủ, cơ sở hạ tầng quan trọng, doanh nghiệp và công dân Đức. Chiến lược này đặt ra kế hoạch xây dựng một Lực lượng phản ứng nhanh trực thuộc Cơ quan An toàn thông tin Đức (BSI), các đội tương tự cho lực lượng cảnh sát liên bang và cơ quan tình báo có trách nhiệm ứng phó các mối đe dọa mạng và Trung tâm phòng thủ mạng thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ - nơi có nhiệm vụ đẩy mạnh các hợp tác liên ngành.

Chiến lược này cũng tập trung vào công tác bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như năng lượng, cung cấp nước, hệ thống y tế, hệ thống định tuyến kỹ thuật số và vận tải; nâng cao nhận thức cho người dân; vận động sử dụng mã hóa và công nghệ bảo mật cho sản phẩm công nghệ thông tin, đồng thời đẩy mạnh đào tạo và phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin trong các trường học.

Trung Quốc - Kiểm soát mạng là chìa khóa thành công

Từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định: "Việc sớm kiểm soát thông tin và các hệ thống thông tin của đối phương sẽ là chìa khoá thành công trong mọi cuộc chiến" và rằng không gian mạng là chiến trường thứ 5, ngang hàng với chiến trường trên bộ, trên không, trên biển và trong không gian.

Chưa hết, Sách Trắng Quốc phòng 2010 của nước này xác định rõ: "Chiến tranh mạng có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong ba lĩnh vực chủ chốt: thu thập dữ liệu phục vụ cuộc tấn công tình báo và mạng máy tính; hạn chế hành động hoặc làm chậm phản ứng của kẻ thù; đóng vai trò như một lực lượng quan trọng khi kết hợp với các cuộc tấn công động".

Các báo cáo  của cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu đều khẳng định rằng, tin tặc là vũ khí bí mật và đáng sợ của Trung Quốc. Hiện nay các tin tặc này được cho là hoạt động dưới sự bảo trợ, chuyên tấn công, khai thác các lỗ hổng bảo mật và đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của không chỉ các cơ quan chính phủ, quân đội mà còn các ngành công nghiệp Mỹ. Một số tờ báo Mỹ còn cho rằng Trung Quốc cũng có hẳn một học viện chuyên đào tạo các chiến binh mạng.

Như vậy có thể thấy, không gian mạng dường như đang trở thành nơi để các quốc gia phô trương sức mạnh của mình và quốc gia nào cũng đều cố gắng nuôi dưỡng một đội quân hùng hậu để tiến hành những trận đấu vô hình không đổ máu.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.