Cuộc chạy đua tận dụng nguồn năng lượng mặt trời
Theo dự kiến vào cuối năm nay, tại bang New South Wales sẽ hoàn thành một cánh đồng năng lượng mặt trời với công suất khai thác vào hàng “khủng”. Không chỉ Australia, Trung Quốc cũng sớm nhận ra tiềm năng to lớn từ nguồn năng lượng trời cho này với những dự án có quy mô xây dựng xứng đáng được ghi vào kỷ lục thế giới.
Theo phân tích của Đại học Quốc gia Australia (ANU) dựa trên số liệu của Cơ quan thống kê Australia (ABS), trung bình trên cả nước, một hộ gia đình phải trả 978 AUD (khoảng 750 USD) tiền điện vào năm 2006, hiện nay con số này là 2.019 AUD. Giá điện tăng khiến ngân sách của các gia đình tăng trung bình 50% trong thập kỷ qua.
Còn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, số liệu của ABS cho thấy giá thành sản xuất, giá điện tăng trung bình 50% trong 7 năm qua. Những bang có giá điện tăng cao nhất là Queensland, New South Wales và Tasmania, trong khi đó vùng lãnh thổ thủ đô, vùng lãnh thổ phía bắc và tây Australia là những khu vực có tỉ lệ tăng thấp nhất. Bang Queensland giá điện tăng 135% kể từ năm 2007, sau đó là bang Victoria 117%, bang New South Wales 108%.
Toàn cảnh cánh đồng năng lượng mặt trời đặt tại bang New South Wales của Australia. Ảnh: Lyon Group. |
Được biết, Chính phủ Australia đã cam kết phát triển năng lượng sạch với 166,7 triệu AUD đã được chính quyền liên bang đầu tư thông qua Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia (AREA), 40,7 triệu AUD cung cấp cho Quỹ đầu tư giáo dục để giúp đỡ Trường Đại học Queensland và Trường Đại học New South Wales thực hiện những nghiên cứu liên quan đến năng lượng mặt trời.
Theo lời Mark Butler, Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Australia, “Australia có tỉ lệ bức xạ mặt trời trên mỗi mét vuông trung bình cao nhất so với bất kỳ châu lục nào trên thế giới, và chúng tôi phải tận dụng lợi thế tài sản tự nhiên này. Dự án này lớn hơn 15 lần so với bất kỳ nhà máy điện năng lượng mặt trời nào khác ở Australia và đại diện cho một bước tiến lớn hướng tới việc làm cho năng lượng mặt trời trở thành một phần quan trọng trong tổng nguồn năng lượng của Australia”.
Riêng New South Wales là một bang đầy nắng gió, hội đủ điều kiện thuận lợi để khai thác triệt để các nguồn cấp năng lượng sạch. Đây cũng là bang có mức độ sử dụng năng lượng tái tạo cao nhất quốc gia này.
Từ tháng 1-2014, Australia đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời quy mô lớn nhất thế giới ở bang New South Wales. Cánh đồng năng lượng mặt trời siêu khổng lồ ấy đang gấp rút được hoàn thành để được vận hành chính thức vào cuối năm nay. Với 3,4 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, nó sẽ tạo ra nguồn điện cung cấp đến 1,1 triệu viên pin.
Tập đoàn Lyon, chủ đầu tư của công trình này, cho biết: Công suất sẽ đạt 330 megawatt (MW) đủ để cấp điện cho hàng chục ngàn căn nhà, và ít nhất 100 MW có thể để cho lưu trữ. Thống đốc bang New South Wales, ông Jay Weatherill cho biết: “Những dự án kiểu này đại diện cho thế giới tương lai của chúng ta, chúng tái tạo lại năng lượng và cung cấp cho chúng ta năng lượng sạch để sử dụng”. Khi hoàn thành, nhà máy có tổng chi phí xây dựng là 1 tỷ đô la sẽ rộng 4.000 mét vuông, có thể đạt 330 MW chỉ trong vòng 18 phút đầu tiên và đạt 110 MW dự trữ trong một giờ đầu. Lượng điện lưu trữ này sẽ được sử dụng cho các trường hợp mất điện khẩn cấp.
Trung tâm điện mặt trời với công suất 40 mw ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. |
“Sự kết hợp giữa điện năng lượng mặt trời và pin sạc dự trữ sẽ đẩy mạnh đáng kể tiềm lực của New South Wales. Chúng ta không thể đứng ngoài nhu cầu cung cấp pin năng lượng mặt trời là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới” - ông David Green, đối tác của tập đoàn Lyon cho biết - “Không chỉ nhà máy này, chúng tôi muốn thấy những nhà máy khác trên khắp thế giới được xây dựng rồi đưa vào hoạt động, vì mục đích năng lượng trở nên rẻ hơn, lưu trữ được nhiều hơn, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch không tái tạo được”.
Ngoài phạm vi khu vực nam bán cầu, Trung Quốc cũng có lợi thế to lớn về mặt địa lý với nhiều khu vực thích hợp cho việc xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời. Trung Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về sản xuất điện mặt trời với tổng lượng là 77,4 GW vào cuối năm 2016.
Giáo sư Dương Hồng Thanh, chuyên gia về năng lượng sạch ở Đại học Công nghệ Hongkong cho biết, Trung Quốc là quốc gia tiên phong và đi đầu thế giới về năng lượng mặt trời trong vòng 2 năm trở lại đây. Chi phí xây dựng rẻ đang là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Trung Quốc so với các quốc gia châu Âu và Mỹ. Hiện Trung Quốc dự kiến đầu tư 2,5 nghìn tỉ nhân dân tệ vào điện sạch trong 3 năm tới.
Theo số liệu của Cục Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), trữ lượng nguồn năng lượng mặt trời đã đạt con số khổng lồ 77,42 gigawatt trong năm 2016, tăng gần gấp đôi so với 42,88 gigawatt năm 2015. Con số này biến Trung Quốc trở thành cường quốc đứng đầu thế giới về nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời.
Các tỉnh Sơn Đông, Tân Cương, Hà Nam là những nơi có mức tăng công suất nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất. Trong đó, Tân Cương, Cam Túc, Thanh Hải và Nội Mông có trữ lượng tổng thể lớn nhất. Tuy nhiên, năng lượng mặt trời chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn 1% trong tổng năng lượng của Trung Quốc. NEA dự định tăng thêm khoảng 110 gigawatt trước thời điểm 2020, giúp công nghệ này có một vai trò lớn hơn trong những năm sắp tới.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 364 tỉ USD trong giai đoạn 2016-2020. Sở dĩ Trung Quốc có sự chuyển đổi mạnh từ than đá sang năng lượng mặt trời là nhờ giá cả các tấm pin mặt trời giảm đáng kể. Trung Quốc đặt mục tiêu từ nay đến năm 2027 sẽ thay thế hết các nhà máy nhiệt điện bằng năng lượng mặt trời.
Được đặt ở tỉnh An Huy, một trung tâm điện mặt trời với công suất 40 megawatt do Tập đoàn Sungrow Power Supply Co, chuyên về các tấm pin mặt trời, của Trung Quốc thiết kế và thi công. Sở dĩ gọi đây là trung tâm năng lượng mặt trời nổi vì nó được đặt trên một vùng mỏ than đã khai thác hết và bị ngập nước. Đây chỉ là một trong số nhiều trung tâm năng lượng mặt trời của Trung Quốc hiện nay.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng đưa vào sử dụng một trung tâm năng lượng mặt trời nổi ở khu vực này với công suất 20 megawatt. Tháng 2-2017, Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA đã cho công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tích cực xây dựng một trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới ở Long Dương Hạp, tây bắc tỉnh Thanh Hải thuộc cao nguyên Tây Tạng. Trang trại này có diện tích bằng đảo Macau, rộng khoảng 30 km2 và có thể tạo ra 850 megawatt điện sạch, đủ sức cung cấp cho 20 vạn hộ dân. Dự kiến sau 4 năm, trang trại này sẽ có 4 triệu tấm pin năng lượng mặt trời.
Các công nhân đang vệ sinh tấm năng lượng mặt trời tại công viên năng lượng mặt trời Guajarat, Ấn Độ. |
Theo Tân Hoa Xã, một nhà máy khác ở tỉnh Chiết Giang cũng đang lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho một trang trại cá rộng tới 300 hecta. Trang trại này dự kiến sẽ phát 220 gigawatt điện một năm, đủ cung cấp cho 10 vạn hộ dân.Tháng 9-2016, một nhà máy điện mặt trời công suất 2 GW với 6 triệu tấm pin đang được xây dựng ở khu tự trị Ninh Hạ. Trong tương lai, đây cũng sẽ là một trong những nhà máy điện mặt trời lớn nhất hành tinh.
Tại những quốc gia có nhiều nắng, năng lượng mặt trời giờ ngang hàng với khí, than đá và năng lượng gió, theo Cédric Philibert, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ông cho biết, kể từ cuối năm 2014, khi Dubai đã ký một hợp đồng lắp đặt 200 MW năng lượng mặt trời với giá chưa tới 60 USD/MWh thì giá tại các cuộc đấu thầu đã trở nên cực kỳ cạnh tranh. Phần thắng trong cuộc đấu thầu ở Dubai đã thuộc về Acwa Power, một công ty Saudi Arabia đang tạo được những bước tiến lớn khắp Trung Đông và châu Phi.
Ấn Độ cũng không chịu kém. Chính phủ nước này đang đạt mục tiêu tăng gấp 20 lần công suất năng lượng mặt trời vào năm 2022 lên tới 100 GW. Cơn sốt năng lượng mặt trời “nóng” đến nỗi các quan chức ở bang Punjab đầy nắng đang thúc giục nông dân cho các công ty phát triển năng lượng mặt trời thuê đất, thay vì canh tác trên đó.
Công viên năng lượng Guajarat có quy mô trải rộng trên một khu vực rộng khoảng 20 km2 với khoản tiền đầu tư gần 500 triệu USD. Hiện công viên năng lượng mặt trời này không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân vùng Guajarat. Bang này còn bán lượng điện dư thừa cho hệ thống đường dây điện quốc gia, phân phát đến các bang khác vẫn còn thiếu điện.
Công viên này còn giúp sử dụng hiệu quả khu vực đất bỏ hoang, với cơ sở hạ tầng nằm trên khu vực đất khô cằn và có nguồn nước mặn. Việc xây dựng công viên năng lượng này cũng thu hút nhiều nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời, giúp giảm chi phí giá thành của sản phẩm.
Tại Morocco, Acwa Power đã hoàn tất giai đoạn đầu dự án năng lượng nhiệt mặt trời lớn nhất thế giới, vốn sử dụng các tấm gương để tạo ra nhiệt quay các turbin điện. Công ty Enel Green Power (EGP) của Italia cũng đang thu hút sự chú ý với việc thắng hợp đồng 20 năm cung cấp cho Peru nguồn điện mặt trời với giá dưới 48 USD/MWh.
Chỉ hơn 1 tháng sau, Mexico đã ký một hợp đồng có thời hạn tương tự tại bang phía Bắc Coahuila với giá khoảng 40 USD/MWh. Hãng nghiên cứu Bloomberg New Energy Finance (BNEF) gọi đó là “hợp đồng năng lượng mặt trời không trợ cấp có giá thấp nhất từ trước đến nay”...