Cuộc chạy đua vaccine COVID-19 đang rất khẩn trương

Thứ Năm, 10/12/2020, 18:54
Bộ Y tế Nga thông báo bộ vaccine Sputnik-V ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gồm hai liều do nước này sản xuất có giá không quá 1.942 ruble (tương đương 26,2 USD). Được biết nước này đang chuẩn bị tiêm chủng hàng loạt cho người dân với nỗ lực nhằm chặn đứng đà lây lan của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Alexei Kuznetsov cho biết giá bán tối đa 5 bộ vaccine Sputnik-V được ấn định là 9.710 ruble (131 USD). Trước đó, nhà sản xuất Sputnik-V lưu ý họ sẽ tiêm phòng miễn phí cho người dân Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chỉ thị bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine phòng COVID-19 từ tuần này. Bộ trưởng Kuznetsov khẳng định việc tiêm chủng cho công dân Nga là miễn phí và tự nguyện.

Trước đó, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dimitriev cho biết giá một liều vaccine xuất khẩu sẽ dưới 10 USD. Vaccine Sputnik-V, giống như vaccine của các công ty dược phẩm Pfizer và Moderna, cần phải tiêm hai mũi. Trước đó, Pfizer đã công bố giá loại vaccine do hãng này sản xuất là khoảng 19,5 USD/liều, trong khi đó vaccine của Moderna là khoảng từ 25 đến 37 USD/liều.

Nga chuẩn bị tiêm chủng hàng loạt vaccine COVID-19.

Moscow từ ngày 5-12 đã bắt đầu tiêm chủng tự nguyện cho nhân viên thuộc các lĩnh vực dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục. Việc đăng ký điện tử để tiêm vaccine được bắt đầu trước đó một ngày. Hiện có 2 loại vaccine được đăng ký tại Nga là Sputnik-V của Viện Gamaleya và EpiVacCorona của Trung tâm Vector.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) thông báo nước này đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ Trung Quốc, trong bối cảnh chính phủ của quốc gia Đông Nam Á này đang chuẩn bị triển khai một chương trình tiêm chủng đại trà.

Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến, ông Jokowi cho biết Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac Biotech Ltd. của Trung Quốc. Tuy nhiên, loại vaccine này của Sinovac vẫn cần phải được cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm của Indonesia (BPOM) đánh giá, trong lúc chính quyền Indonesia tiếp tục chuẩn bị triển khai chương trình phân phối vaccine trên toàn bộ đảo quốc 270 triệu dân này.

Cũng theo ông Jokowi, Indonesia có kế hoạch tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 khác vào đầu tháng 1-2021. Bên cạnh đó, Indonesia cũng hy vọng nhận được các lô hàng nguyên liệu thô để sản xuất 15 triệu liều trong tháng này và vật liệu để sản xuất 30 triệu liều trong thời gian tiếp theo.

Cũng với nỗ lực phòng, tránh COVID-19 cho cộng đồng, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Singapore cho biết nước này sẽ đóng góp 5 triệu USD để giúp đưa vaccine đến với người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Khoản đóng góp này sẽ được cung cấp cho cơ chế Cam kết thị trường mở tiên tiến (COVAX AMG), hỗ trợ 92 quốc gia đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine. Sáu thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nằm trong số các quốc gia được hỗ trợ gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam.

Cuộc "chạy đua" vaccine COVID-19 đang rất khẩn trương.

Hai cơ quan nói trên cho biết động thái này là một phần trong sự ủng hộ nhất quán của Chính phủ Singapore đối với chủ nghĩa đa phương về vaccine, việc tiếp cận và phân bổ vaccine một cách công bằng và bình đẳng. Bên cạnh đó, hai bộ này cũng nhấn mạnh rằng sự đối phó hiệu quả của quốc tế đối với đại dịch đòi hỏi phải có sự đoàn kết toàn cầu. Singapore là một trong số 97 nước tham gia tự tài trợ cho COVAX và đồng chủ trì sáng kiến Những người bạn của COVAX với Thụy Sĩ.

Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Siddhartha Datta cho biết cơ quan này đang xem xét ban hành một loại giấy chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Đây được coi là bước tiến mới trong các nỗ lực kiểm soát và phòng chống đại dịch. Giấy chứng nhận điện tử này sẽ giúp nhận diện và theo dõi những người đã được tiêm phòng COVID-19, song không phải là một tấm "hộ chiếu miễn dịch". Chuyên gia Datta cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc đưa loại giấy chứng nhận này vào sử dụng và điều này còn phụ thuộc vào luật pháp của từng quốc gia.

Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson cho biết đã tìm thấy một loại virus Corona đột biến có thể tránh các kháng thể do hệ thống miễn dịch người bệnh tạo ra. Theo công bố trên tạp chí Nature, các chuyên gia đã xác định được tất cả các đột biến của SARS-CoV-2 với khả năng ngăn chặn sự liên kết của 3 kháng thể đơn dòng. Theo các bác sĩ, đột biến virus này đã được phát hiện ở Hà Lan và Đan Mạch. Một số trường hợp mắc bệnh khác trên thế giới cũng đã xuất hiện các đột biến SARS-CoV-2 ít "ngụy trang" hơn.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.