Cuộc chạy đua vũ khí AI

Thứ Tư, 04/12/2019, 21:14
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đang giúp con người biến những điều không tưởng thành sự thực. Trong bối cảnh này, trí thông minh nhân tạo (AI) được dự báo sẽ trở thành công cụ chính của nhiều quốc gia trong lĩnh vực quân sự.

Nếu như trong quá khứ, chiến thắng thường đến từ vũ khí có hỏa lực mạnh thì hiện nay AI có khả năng giúp tạo ưu thế chiến trường cũng như đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động quân sự tương lai.

Cạnh tranh gay gắt

Giới quan sát nhận định, cuộc đua ứng dụng AI vào quân sự đang diễn ra rất gay gắt. Là cường quốc quân sự và trí thông minh nhân tạo, Mỹ giới thiệu công nghệ Skyborg, tích hợp AI cùng công nghệ tự vận hành, đang được thử nghiệm trên các phương tiện bay không người lái kích cỡ nhỏ nhưng tốc độ cao và linh hoạt như XQ-58A Valkyrie, BQM-167 Skeeter và QF-16. 

Skyborg còn liên quan đến AI hỗ trợ phi công trong các tình huống không chiến, hứa hẹn sẽ được áp dụng chính thức vào hàng loạt chương trình vũ khí tương lai của Mỹ.

AI được dự báo sẽ trở thành công cụ chính trong lĩnh vực quân sự, giúp tạo nên ưu thế chiến trường cho nhiều quốc gia.

Nhằm khẳng định ưu thế số 1 thế giới, Lầu Năm Góc đã cam kết chi tới 10 tỷ USD cho nghiên cứu và ứng dụng AI vào quân sự. Động thái này giúp Mỹ triển khai các hệ thống vũ khí và phương tiện tự hành với số lượng lớn ở các khu vực mà Washington cho rằng có vai trò chiến lược như biển Đông hay Trung Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng tăng tốc kế hoạch xây dựng những hạm đội không người lái như UAV XQ-58A và tàu ngầm Sea Hunter, hay âm thầm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay chiến đấu F-22 và F-35.

Trong khi đó, đối thủ Nga công khai thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) S-70 Hunter và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 SU-57, đều được trang bị năng lực tàng hình mạnh mẽ trong khi tận dụng triệt để AI để tạo nên công nghệ ePilot. 

Một số ý kiến tiết lộ thế hệ máy bay không người lái mới có thể thay thế bộ đội, liên kết với nhau tạo nên đội quân bay thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khi được trang bị vũ khí hiện đại như súng ngắn Vepr-12, trở thành các cỗ máy tiêu diệt khủng bố.

Rõ ràng, Nga đang thể hiện tham vọng với trí thông minh nhân tạo, khi tuyên bố chi gấp ba ngân sách quốc phòng cho AI trong năm 2020. Quốc gia này sẵn sàng cho những cuộc tấn công bằng vũ khí AI, có ý định xây dựng các đội quân robot để tự động hóa hoàn toàn chiến trường. 

Nhiều ý tưởng về vũ khí tự hành được tiết lộ, như vũ khí tích hợp não bộ mô phỏng não người, cho phép lựa chọn mục tiêu và tự ra quyết định, hay robot tự sát làm nhiệm vụ tiếp cận kẻ thù và phát nổ để phá hủy các công sự của kẻ thù.

Cuộc đua vũ khí AI càng nóng hơn khi xuất hiện "tay chơi" mới nổi Trung Quốc. Bắc Kinh đã đưa ra một lộ trình hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, nhấn mạnh tầm quan trọng của đội quân bay và sử dụng AI để tự xác định rồi loại bỏ mục tiêu địch. 

Rất ít thông tin về chiến lược vũ khí tự hành của Bắc Kinh được tiết lộ, chỉ biết rằng Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân được trang bị vi mạch tự điều chỉnh hay robot siêu nhỏ có thể cấy vào mạch máu người. Nhìn chung, Trung Quốc muốn chứng minh không hề thua kém Mỹ và Nga, đồng thời cảnh báo các quốc gia nên suy nghĩ kỹ trước khi muốn mạo hiểm đọ sức với Trung Quốc.

Con dao hai lưỡi

Giới quan sát cho rằng, sự can thiệp của trí thông minh nhân tạo vào hoạt động quân sự đã và đang tạo nên một cuộc đua vũ trang AI ẩn chứa nhiều biến động. Việc các loại vũ khí, vốn vẫn chịu sự lập trình và điều khiển của con người, trở nên thông minh hơn nhờ AI được dự báo sẽ mở ra kỷ nguyên tự động phác thảo chiến lược, bên cạnh việc tự đánh giá hiệu quả chiến đấu. 

Theo đó, AI được dùng trong các thuật toán phức tạp giúp tên lửa hành trình và máy bay không người lái phát hiện mục tiêu ở cách xa hàng dặm, hay ngược lại, dùng trong những hệ thống theo dõi và đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái.

Điều này rõ ràng có thể giúp hạn chế tối đa thiệt hại về binh lực, ảnh hưởng sâu rộng đối với cách bố cục chiến tranh hiện đại. 

Thế nhưng, giới quan sát bày tỏ lo ngại về các động thái tích hợp AI vào các hệ thống sát thương hàng loạt, dần biến cuộc chiến thành nơi phô diễn những vũ khí cực kỳ đáng sợ. Nguy hiểm hơn, vũ khí AI được lập trình để giết chóc, có thể dễ dàng gây ra thương vong lớn, nên dễ bị quân khủng bố thao túng lợi dụng để sát hại dân thường. 

Như vậy, quân sự hóa AI đẩy nhanh quá trình phát triển các vũ khí giết người tự động, từ đó làm dấy lên các vấn đề đạo đức và dần bộc lộ những mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân, có thể dẫn tới chiến tranh Thế giới thứ 3.

Việc thiếu các quy tắc quốc tế liên quan đến sự phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự cũng gây nhiều quan ngại trong bối cảnh tồn tại chênh lệch lớn ở trình độ công nghệ giữa các quốc gia. 

Từ đây, giới chuyên gia khẳng định cần hoạch định chính sách phù hợp để kiểm soát AI cũng như theo dõi các loại vũ khí có khả năng tự tấn công, trong khi vẫn giữ được những yếu tố tích cực mà công nghệ AI mang lại. Đồng thời, cần nhanh chóng thiết lập bộ quy tắc dựa trên nhận thức về đạo đức chung của nhân loại nhằm đánh giá tính hiệu quả việc sử dụng các hệ thống vũ khí này trong khu vực và quốc tế. 

Điều đáng chú ý là, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người (chứ không phải máy móc) là nhân tố cuối cùng đưa ra quyết định, có tác dụng định hướng cho mọi nghiên cứu AI và chế tạo vũ khí. Nếu máy móc kiểm soát lại chính người tạo ra nó, viễn cảnh về những cuộc chiến khủng khiếp hoàn toàn có thể xảy ra...

Nam Hồng (tổng hợp)
.
.