Cuộc đấu giữa Facebook và Google với dự luật trả phí truyền thông của Australia

Thứ Ba, 23/02/2021, 09:30
Bất chấp sự phản đối từ cả hai công ty, Quốc hội Australia dự kiến sẽ sớm thông qua Luật Trả phí truyền thông mà họ cho là cần thiết để thúc đẩy lợi ích báo chí của công chúng Australia. Facebook ngay lập tức chặn các liên kết tin tức trong khi Google cố gắng đạt được một thoả thuận ôn hoà nhất.

Cuộc chiến mới

Theo Luật Trả phí truyền thông được đề xuất từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, cả Google và Facebook sẽ được yêu cầu đàm phán với các nhà xuất bản và bồi thường cho họ về nội dung xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Facebook và Google đã chiến đấu để ngăn luật này được Quốc hội Australia dự kiến thông qua trong vài tuần tới. Nhưng vào ngày 18-2 vừa qua, hai gã khổng lồ công nghệ đã có những cách tiếp cận khác nhau.

Cụ thể, Facebook đã chặn mọi người ở Australia đăng các câu chuyện, tin tức trên tài khoản của mình, một sự leo thang quyết liệt trong cuộc chiến về việc liệu các gã khổng lồ công nghệ có nên trả tiền cho các cơ quan truyền thông khi câu chuyện, bài báo của họ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm hoặc trên mạng xã hội hay không. Lệnh cấm của Facebook chặn các bài đăng của bất kỳ nhà xuất bản Australia nào được nhìn thấy ở mọi nơi trên thế giới và chặn tất cả người dùng ở nước này xem bất kỳ nội dung tin tức nào, ngay cả từ các nhà xuất bản không phải của Australia. Động thái này dường như đã thu hút sự chú ý của một số trang web chính phủ khi đăng thông tin về các trường hợp khẩn cấp, hỏa hoạn và thời tiết. William Easton, Giám đốc điều hành của Facebook Australia và New Zealand nói: "Luật được đề xuất về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các nhà xuất bản truyền thông về việc sử dụng nó để chia sẻ nội dung tin tức".

Google thì chọn cách cách tiếp cận ngược lại. Trong những ngày gần đây, công ty này đã thực hiện các thỏa thuận với các công ty xuất bản lớn của Australia bao gồm cả với News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch để trả tiền cho một số nội dung tin tức được dùng. Ngày 18-2, Google đã công bố thoả thuận toàn cầu kéo dài 3 năm với News Corp. Các câu chuyện từ Wall Street Journal, New York Post, Sunday Times và các ấn phẩm khác của News Corp từ Vương quốc Anh và Australia sẽ hiển thị trong các bảng đặc biệt trên ứng dụng Google News, trên màn hình chính tìm kiếm trên điện thoại di động và trên Google News trên máy tính để bàn. Người phát ngôn của Google, Maggie Shiels cho biết, thỏa thuận không bao gồm Fox News. Nó cũng chỉ bao gồm một số quốc gia như Australia, Anh, Pháp và Đức.

Nhận xét về động thái của 2 gã khổng lồ công nghệ Mỹ, GS Johan Lidberg chuyên về lĩnh vực truyền thông tại Đại học Monash ở Melbourne, cho biết, Facebook ít bị thua thiệt hơn Google trong Luật Trả phí truyền thông nhưng công ty này đã chọn cách "leo thang cuộc chiến".  "Google dường như hòa hợp hơn với những gì cộng đồng mong muốn và dường như có phần coi trọng trách nhiệm xã hội hơn Facebook".

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg nói chuyện trực tuyến với CEO Facebook Mark Zuckerberg hôm 28-1. ảnh: CNN.

Công cụ của Australia

Những năm qua, Facebook và Google đều có ít động lực để trả tiền cho các nhà sản xuất tin tức và lập luận, rằng họ đã giúp thu hút rất nhiều độc giả đến những câu chuyện, tin tức mà nếu không sẽ không được chú ý trên các trang web. Lần này mọi sự đã khác và Australia có phản ứng khá mạnh. "Facebook cần phải suy nghĩ rất kỹ về ý nghĩa của điều này đối với danh tiếng và vị thế của mình", Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher.

Trong các cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Paul Fletcher cũng ca ngợi Google vì đã tham gia vào quá trình này và gợi ý rằng Facebook nên xem xét kỹ lưỡng về quyết định "xóa tất cả các nguồn tin tức có thẩm quyền và đáng tin cậy khỏi nền tảng" và rằng hành động vừa qua của công ty này "chắc chắn đặt ra các vấn đề về độ tin cậy của thông tin trên nền tảng".

Hãng tin ABCNEWS cho hay, Hạ viện đã thông qua, Thượng viện Australia đã sẵn sàng thông qua dự luật này và việc tranh luận sẽ được thực hiện từ trung tuần tháng 2. Với Australia, điều này là cần thiết vì cần phải có quy định để đảm bảo báo chí được cấp vốn hợp lý sau khi những gã khổng lồ công nghệ lấy đi phần doanh thu quảng cáo của khỏi các phương tiện truyền thông truyền thống.

Thống kê cho thấy, cứ 100 USD chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến, 53 USD cho Google, 28 USD cho Facebook và 19 USD cho những đơn vị khác. Các công ty truyền thông đã lập luận rằng, Google kiếm tiền từ tin tức và phân tích do họ cung cấp và người dùng sẽ thấy các trang web ít hữu ích hơn nhiều nếu không có tin tức nào xuất hiện trên nguồn cấp dữ liệu hoặc trong kết quả tìm kiếm của họ. Do đó, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia đã tổ chức một cuộc điều tra kéo dài 18 tháng với kết quả cho thấy có sự mất cân bằng quyền lực giữa các nền tảng và các công ty truyền thông, đe dọa khả năng tồn tại của các doanh nghiệp tin tức.

Cuối cùng, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia đề xuất một quy tắc thương lượng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp truyền thông tin tức được trả thù lao công bằng cho nội dung mà họ tạo ra. Dự Luật Trả phí truyền thông là công cụ, cung cấp cho họ một khuôn khổ để mặc cả và đạt được một thỏa thuận ràng buộc. Nếu các bên không thể thống nhất, một trọng tài viên sẽ triển khai mô hình "trọng tài cung cấp cuối cùng" để xác định mức thù lao. Vi phạm quy tắc, bao gồm cả việc không thương lượng một cách thiện chí, sẽ bị phạt 10 triệu USD hoặc tương đương 10% doanh thu hàng năm ở Australia.

Khánh Chi
.
.