Dịch bệnh thầm lặng: Ô nhiễm tiếng ồn

Thứ Sáu, 31/03/2017, 12:15
Jochen Flasbarth, chủ tịch Cục Môi trường Liên bang Đức (UBA), cho rằng: "Tiếng ồn chính là vấn đề môi trường bị đánh giá thấp nhất tại Đức." Các chuyên gia và bác sĩ hoàn toàn đồng ý rằng việc chung sống với tiếng ồn trong một thời gian dài có thể gây ra những bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Theo UBA ước tính, tại Đức mỗi năm có khoảng 4.000 ca đau tim vì tiếng ồn của động cơ xe. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng suy giảm thính lực hàng năm gây tổn thất cho thế giới khoảng từ 750 tỷ USD đến 790 tỷ USD.

Đường ray xe lửa cắt ngang thị trấn Lorchhausen miền tây nước Đức trong hơn một thế kỷ qua. Mỗi ngày, có đến khoảng 100 chuyến tàu, đa số là tàu chở hàng và thậm chí có đến 60 chuyến tàu mỗi đêm, hoạt động từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Đối với gia đình của Sandra Pohl, từ lâu tất cả các thành viên đều đã quá quen với sự hiện diện thường trực của những đoàn tàu.

Nhưng ngày nay Sandra Pohl đã không còn khả năng chịu đựng nổi những âm thanh ồn ào này khi mà số lượng những chuyến tàu chở hàng đi ngang qua tuyến đường đang tăng lên vùn vụt. Sự việc càng tồi tệ hơn khi các chuyên gia vận tải thậm chí còn mong đợi số lượng những chuyến tàu như thế này sẽ tiếp tục tăng nhiều thêm trong vài năm tới, khi đường hầm Gotthard (GBT) dưới dãy Alps - dãy núi ở miền nam châu Âu - dự kiến được hoàn thành.

Người dân biểu tình bên ngoài sân bay Tegel ở Berlin.

Đường hầm này sẽ tạo nên một tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan với Địa Trung Hải, trong đó thung lũng Rhine là một phần của lộ trình.

Không thể chịu đựng thêm được nữa, Pohl cùng những cư dân Đức sống gần tuyến đường ray xe lửa, sân bay, quốc lộ hay những con đường nội đô đông đúc cùng nhau ký đơn gửi đến chính quyền phản đối tình trạng tiếng ồn đang mỗi ngày ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của gia đình họ.

Trong gần 2 năm qua, hàng trăm cư dân địa phương đã tụ họp tại nhà ga của sân bay Frankfurt, phi trường trung tâm đông đúc nhất cả nước, để phản đối về tiếng ồn do đường băng mới đưa vào sử dụng của sân bay gây ra. Bên cạnh đó, tiếng ồn từ xe ôtô cũng gây nên làn sóng phản đối từ người dân, điển hình là khu vực quanh xa lộ A1 đông đúc vừa được mở rộng lên 6 làn tại phía bắc của vùng Münsterland (Đức).

Jochen Flasbarth, Chủ tịch Cục Môi trường Liên bang (UBA).

Tại bang Schleswig-Holstein miền bắc nước Đức, người dân tiến hành thu thập chữ ký nhằm phản đối dự án xây dựng đường hầm xe lửa vượt qua Fehman Belt - một eo biển tại biển Baltic nằm giữa Đức và Đan Mạch. Nếu đường hầm này được xây dựng, sẽ có một lượng lớn tàu chở hàng ngày ngày náo động cả thị trấn phía bắc này.

Theo các nghiên cứu, các đoàn tàu có thể phát ra tiếng ồn ở mức ngất ngưởng 110 decibel - tương đương với tiếng ồn tạo ra bởi một máy cưa xích đang hoạt động hết công suất trong phạm vi 1 mét. Chung sống với những tiếng ồn như thế này không những gây ra sự khó chịu mà chúng còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ của các loại bệnh như đau tim, cao huyết áp, những bệnh lý về tim mạch.

Gần đây, một nhóm nghiên cứu của bác sĩ khoa tim ở thành phố Mainz (tây nam nước Đức) Thomas Münzel tiến hành thí nghiệm gắn đồng hồ đo nhịp tim vào 75 người tình nguyện tuổi từ 20 đến 60 trong vài đêm và phát những tiếng ồn của máy bay hạ cánh 60 lần mỗi đêm. Sau khi thức dậy, các tình nguyện viên sẽ được kiểm tra sức khỏe bằng thiết bị siêu âm.

Các đoàn tàu có thể phát ra tiếng ồn tương đương tiếng máy cưa xích hoạt động hết công suất cách xa 1 mét.

Thomas Münzel cho biết: "Kết quả đã cho thấy tiếng ồn từ động cơ máy bay, thậm chí chỉ cần ở mức độ tương đối nhỏ cũng gây hại cho mạch máu". Kết quả cho thấy âm thanh của xe cộ về đêm làm tăng huyết áp, khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone gây căng thẳng như andrenalin, làm mạch máu xơ cứng và về lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim mạch, thậm chí còn có nguy cơ xuất hiện những cơn đau tim chết người.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu càng lo ngại khi nhận thấy những người tình nguyện không có bất kỳ sự thích nghi nào với tiếng ồn ngay cả khi thí nghiệm này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thomas Münzel khẳng định: "Huyết áp vẫn tăng lên bất chấp bạn có bị đánh thức bởi tiếng ồn hay không". Münzel nhấn mạnh rằng sự căng thẳng của mạch máu vẫn có thể nhận thấy được ở cả những người khẳng định rằng họ đã quen với tiếng ồn.

Thế nhưng những kết luận như trên có rất ít giá trị thực tiễn đối với những cư dân sống trong các khu vực ồn ào. Erich Zielke, 71 tuổi, sống tại thị trấn Florsheim thuộc bang Hesse, và chỉ cách một trong những sân bay lớn nhất thế giới vài cây số. Zielke đã chung sống với những tiếng ồn phát ra từ máy bay trong nhiều thập niên.

Zielke cho biết, ngày xưa máy bay từ sân bay Frankfurt sẽ bay gần Florsheim nhưng không đi qua ngay trên bầu trời vùng này nhưng chỉ như thế đã đủ ồn ào. Song, bắt đầu từ ngày 21-10-2011, khi một đường băng mới được đưa vào sử dụng thì nhà của Zielke lại nằm ngay dưới đường hạ cánh của các máy bay. Đó là khi máy bay bắt đầu hạ cánh và gầm rú ngay trên mái nhà của Zielke ở độ cao khoảng 270m.

Zielke bức xúc: "Việc đó chẳng khác gì giết người". Quả thật, Zielke đã sử dụng rất nhiều thuốc loại mạnh từ khi được chẩn đoán mắc chứng rung tâm nhĩ, một loại rối loạn nhịp tim. Ông đã đưa đơn kiện giám đốc điều hành của Fraport, công ty điều hành sân bay Frankurt. Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo sân bay tuyên bố họ có đủ giấy phép từ những cơ quan có thẩm quyền cao nhất và chưa vượt quá giới hạn tiếng ồn theo luật định. Như vậy, theo ban lãnh đạo sân bay thì… mọi thứ vẫn ổn.

Tại đô thị các nước đang phát triển, ngoài tàu hỏa hay máy bay, nguyên nhân gây tiếng ồn còn chủ yếu đến từ các phương tiện lưu thông trên đường như xe máy, ô tô, xe tải, các loại xe mang động cơ. Những thành phố lớn, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn rất cao; không chỉ từ các phương tiện nêu trên mà còn từ các nhà máy, khu công nghiệp. Theo một số nghiên cứu, sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn sẽ gây ra những hậu quả như:

- Trẻ em khi tiếp xúc với tiếng ồn liên tục sẽ gặp khó khăn đối với khả năng học tập, khả năng hoàn thành các bài tập và ảnh hưởng đến việc học ngôn ngữ.

- Tác động lâu dài của tiếng ồn là gây ra bệnh mất ngủ, thần kinh bị suy nhược. Một công trình nghiên cứu tại Mỹ cho rằng, năng suất của các viên chức ở trong trạng thái yên tĩnh cao hơn trong môi trường tiếng ồn là 9%, tài liệu ít sai sót hơn 29%. Cũng do tác động của tiếng ồn mà ¼ dân số phải dùng thuốc ngủ.

- Suy giảm trí nhớ cũng là một hậu quả của tiếng ồn cùng những khả năng nhận thức khác.

Ở những đất nước này, chính quyền thường lơ là hoặc có khi là "bó tay" với các biện pháp không cho lạm dụng còi xe; không cho các loại xe cũ nát, động cơ kêu to và xả nhiều khói được lưu hành, không cho dùng các loa phát thanh công suất lớn để thông tin trên đường phố; hạn chế những tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, vũ trường… nhất là về ban đêm…

Ở Việt Nam, người dân của hai đô thị lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thường xuyên "chung sống" với lượng xe gắn máy, ôtô dày đặc, nhiều cơ sở sản xuất gây ồn ào với mức độ tiếng ồn bình quân trong ngày luôn đạt từ 85dB trở lên.

Do vậy, những người thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn của dòng xe cộ (như cảnh sát giao thông, người buôn bán ngoài đường, hay vì công việc phải di chuyển thường xuyên ngoài đường; ở nhà mặt tiền phải mở cửa...) sẽ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn nghiêm trọng. Các bác sĩ khuyến cáo, một khi thính lực đã bị giảm do phải tiếp xúc với tiếng ồn một thời gian dài như nói trên thì không thể khắc phục lại được mà chỉ còn cách đeo máy trợ thính, bởi cấu trúc của tế bào thính giác đã bị tổn hại...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mức tiếng ồn cho phép đối với các phương tiện giao thông qua các khu dân cư là 40 decibel và âm thanh thâm nhập vào nhà ở của người dân không được vượt quá ngưỡng 30 decibel.

Trước tình hình ô nhiễm tiếng ồn, UBA muốn thực hiện một số biện pháp khắc phục như tăng thời gian cấm bay vào ban đêm, hạn chế tốc độ lưu thông, cấm xe tải đi qua khu dân cư vào ban đêm, trang bị những thiết bị hạn chế tiếng ồn ở đường ray cũng như đường bộ và đầu tư nhiều hơn vào những phương tiện vận tải phát ra âm thanh êm ái hơn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Liên bang Đức Peter Samsauer thường xuyên xếp mức độ ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực ở mức cao và cho rằng những âm thanh này là quá sức chịu đựng đối với cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc đấu tranh cho môi trường sống yên tĩnh của người dân Đức sẽ còn gian nan và kéo dài.

Nhân Ngày Nghe Thế giới (World Hearing Day) 3-3 vừa qua, kết quả khảo sát tại 50 thành phố lớn trên thế giới cho thấy, mức độ suy giảm thính lực nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở những đối tượng là cư dân sinh sống tại những thành phố ồn ào nhất thế giới như Quảng Châu (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và Cairo (Ai Cập), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đó, cư dân sinh sống tại Zurich (Thụy Sĩ), Vienna (Áo), Oslo (Nauy) và Munich (Đức) - những thành phố ít ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới có sự suy giảm thính lực ở mức thấp nhất.

Để có được kết quả khảo sát này, các nhà nghiên cứu thu thập thông tin xếp hạng những thành phố ô nhiễm tiếng ồn và yên tĩnh nhất thế giới. Tiếp đến, họ kiểm tra thính lực của 200.000 người đến từ những đô thị nói trên bằng một bài kiểm tra được tiến hành thông qua điện thoại di động.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đại học Y Mimi và Charite ở Berlin (Đức) kết luận: tình trạng "lão hóa" thính lực của cư dân ở những thành phố ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới nhanh hơn 10 năm so với những cư dân sống ở những thành phố ít ô nhiễm tiếng ồn nhất.

Nhân ngày này, WHO đã công bố báo cáo cho biết tình trạng suy giảm thính lực hàng năm gây tổn thất cho thế giới khoảng từ 750 tỷ USD đến 790 tỷ USD, trong đó chi phí y tế thăm khám cho người bệnh lên tới 107 tỷ USD, còn lại là tổn thất kinh tế do nguồn lực lao động chịu ảnh hưởng của việc suy giảm thính lực. Tạp chí y học The Lancet của Pháp mới đây coi hiện tượng mất thính lực là một "dịch bệnh thầm lặng” và hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận sự điều trị thích hợp.

Thiên Minh - Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.