Điền tên Việt Nam trên bản đồ ghép phổi thế giới

Thứ Bảy, 06/06/2020, 21:22
“Phổi là một tạng “đỏng đảnh”, rất khó ghép, khó nhất trong các loại ghép tạng” - là cách nói đầy hình ảnh của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) khi nói về kỹ thuật ghép phổi để cứu sống người bệnh.

Kể từ ca ghép phổi đầu tiên năm 2017 đến nay, Việt Nam đã từng bước làm chủ kỹ thuật được coi là đỉnh cao của y học này. Các y, bác sĩ đã và đang nỗ lực không mệt mỏi để điền tên Việt Nam trên bản đồ ghép phổi thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước giải thích về kỹ thuật ghép phổi.

Nguồn phổi nào để ghép cho bệnh nhân?

Ngày 14-11-2016, bệnh nhi 7 tuổi Lý Chương Bình (quê Hà Giang) được Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển sang Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng dãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, đã biến chứng suy hô hấp, thể trạng rất yếu. Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia đầu ngành hội chẩn, chỉ định bệnh nhân phải ghép phổi, nếu không bệnh sẽ nặng dần và có nguy cơ tử vong. Gia đình bệnh nhân được vận động ghép phổi cho bé. Bố của em (28 tuổi) và bác trai (30 tuổi) đã đồng ý hiến mỗi người 1 thùy phổi dưới để thay thế cả 2 lá phổi cho bệnh nhi.

Ngày 21-2-2017, ca mổ kéo dài 10 tiếng đồng hồ có sự phối hợp giữa các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y và các chuyên gia Nhật Bản đã cắt hoàn toàn 2 lá phổi của bệnh nhi và ghép 2 thùy phổi mới. Sau khi được ghép, phổi bệnh nhi nở dần, sức khỏe tiến triển tốt. Hiện tại cháu Bình đã ổn định sức khỏe, tăng cân và đã có thể đi học trở lại. Đây là ca ghép phổi đầu tiên từ người hiến sống được thực hiện ở Việt Nam và đã thành công.

Cho đến thời điểm này, nước ta đã thực hiện thành công 8 ca ghép phổi. Để tiến hành một ca ghép phổi cho người bệnh nặng không có cách điều trị nào khác và được chỉ định ghép phổi, việc đầu tiên là phải tìm được nguồn phổi lành của người khác.

Trao đổi với phóng viên An ninh thế giới, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết có hai nguồn phổi hiến để ghép. Thứ nhất là phổi từ người cho chết não. Tùy bệnh lý của bệnh nhân cần ghép mà có thể lấy cả 2 lá phổi hiến để ghép cho một người, lấy 2 lá phổi ghép cho 2 người hoặc lấy một phần phổi (cắt bớt phổi) để ghép.

Nguồn thứ hai là từ người hiến còn sống và thường để ghép cho bệnh nhân nhỏ tuổi. Ghép phổi từ người sống có thuận lợi hơn từ phổi của người cho chết não vì các bác sĩ chủ động được miếng phổi ghép, tính toán được trước các thông số, đo đạc phổi, làm vệ sinh phổi. Từ đó người nhận tạng ít bị các biến chứng nhiễm khuẩn. Còn với người chết não thì phải chấp nhận rủi ro phổi bị một số bệnh lý không kiểm soát được.

Ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân Lý Chương Bình tại Bệnh viện Quân y 103.

Trường hợp phổi từ nguồn hiến sống, thường là bố, mẹ hiến phổi cho con hoặc họ hàng hiến phổi cho cháu, như trường hợp của cháu Bình kể trên. Lý do là vì để ghép phổi cho người lớn, phần phổi hiến phải có kích thước đủ lớn, như vậy người hiến sau đó từ người bình thường sẽ thành tàn phế. Do đó thường không ghép phổi từ người hiến còn sống cho người lớn.

Đối với trẻ nhỏ, người cho chỉ cần cắt một phần phổi là đủ ghép do phổi của trẻ có kích thước nhỏ hơn, do đó chức năng phổi của người hiến không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, người sống sau khi hiến một phần phổi sau đó cũng không thể làm việc nặng hay chơi các môn thể thao gắng sức. Vì vậy mà ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay đều ưu tiên lấy phổi hiến từ người chết não.

Ngay cả với trường hợp bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 thứ 91 là phi công người Anh, phương án ghép phổi cũng được tính đến. Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, đến ngày 16-5, đã có 70 người tình nguyện đăng ký hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân. Nhưng Bộ Y tế chỉ định ghép phổi từ nguồn tạng hiến người chết não. Trong số 8 ca ghép phổi ở Việt Nam thì có đến 7 ca ghép phổi từ người chết não, trong đó Bệnh viện Việt Đức thực hiện 5 ca.

Ghép phổi là kỹ thuật ghép tạng khó nhất

Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tim, phổi và phẫu thuật tim mạch phức tạp, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhận định ghép phổi là kỹ thuật rất phức tạp với hàng trăm quy trình. Theo đánh giá, nếu ghép tim khó 1 thì ghép phổi khó gấp 3, thậm chí 5 lần. Từ khâu lấy phổi, bảo vệ tạng phổi đến ghép phổi và hậu phẫu, tất cả đều phải thận trọng, bởi chỉ cần lỗi một khâu là hỏng toàn bộ.

Bệnh nhân Ngô Văn Khương sau gần 2 tháng ra viện, tái khám tại Bệnh viện Việt Đức.

Ở khâu lấy phổi, đối với nguồn tạng từ người chết não, có đến 90% số ca chết não sẽ lấy được các tạng khác như tim, thận. Nhưng riêng phổi chỉ có khoảng 20% số ca đạt yêu cầu. Bởi vậy không phải cứ có người hiến là lấy được phổi. Vì phổi là tạng nhiễm khuẩn ở cả người cho và người nhận. Trường hợp phải thở máy hoặc chấn thương, phổi rất nhiều vi khuẩn nên việc lấy phổi phải hết sức cân nhắc.

Để có người hiến sống phải sàng lọc, chọn lựa, động viên, giải thích để giải quyết tốt tâm lý. Khâu đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận phải rất chặt chẽ. Trước mổ ghép, các bác sĩ phải đo đạc kích thước phổi, xét nghiệm nhóm máu để đảm bảo phù hợp giữa người nhận và người cho. Thực tế, khi phổi lấy ra, kích thước thường lớn hơn lồng ngực người nhận, do vậy 4/5 ca ghép phổi tại Bệnh viện Việt Đức đều phải cắt bớt phổi trước khi ghép. Dù người cho và nhận có chiều cao, cân nặng tương đương nhau nhưng do người nhận mắc bệnh phổi đã lâu, phổi co nhỏ nên lồng ngực bị xẹp dẫn đến phải cắt bớt phổi ghép.

Người hiến đảm bảo độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi, có phổi còn khá tốt, đáp ứng các điều kiện về miễn dịch và nhiều chỉ số hòa hợp khác. Phải đảm bảo sau khi cắt phần phổi cho đi thì chức năng sống của người hiến sống vẫn đảm bảo. Nhiều trường hợp có người đồng ý hiến phổi nhưng phổi lại không hợp với người bệnh.

Một ca ghép phổi kéo dài bao lâu phụ thuộc phần lớn vào khâu cắt bỏ phổi hỏng. Nếu khâu cắt bỏ phổi thuận lợi thì cần khoảng 8-10 tiếng. Nếu trường hợp phổi bị viêm nhiễm nặng, nhiều mủ, dính chặt vào lồng ngực thì cần 16-18 tiếng mới có thể cắt bỏ. Phải làm sao cắt bỏ được phổi bệnh ra mà không vỡ mủ, không chảy máu là bài toán khó. Sau đó đến khâu tổng vệ sinh khoang phổi, đưa phổi ghép vào cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi ê-kíp phẫu thuật phải có kinh nghiệm và chuyên môn cao.

Thùy phổi từ người hiến được lấy ra mất khoảng 6 tiếng nhưng chỉ “sống” được tối đa 10 tiếng, để lâu hơn sẽ hỏng. Do đó, phải cân đối giữa hai khâu lấy phổi hiến và cắt phổi bệnh để các quy trình khớp nhau, giảm thiểu thời gian chờ đợi. Khi lấy tim, chỉ cần bơm thuốc để bảo vệ rồi bóc ra. Nhưng, với phổi phải lấy trong trạng thái phồng to nhất với đường kính khoảng 30cm, nếu xẹp sẽ không ghép được và khi lấy phải bảo vệ được cuống phổi. Khi lấy phổi ra rồi thì khâu bảo quản, xử lý cũng rất khó và phức tạp. Khác với tim, gan bảo quản càng lạnh càng tốt, nhiệt độ tốt nhất để bảo quản phổi là 8-10 độ C trong dung dịch đặc biệt.

Bệnh nhân Ngô Văn Khương (áo kẻ) được xuất viện ngày 4-10-2019 sau ca ghép phổi thành công và 1,5 tháng hậu phẫu.

Thời gian hậu phẫu đối với ca ghép tim chỉ kéo dài 3-5 ngày do tạng tim vô trùng, khi ghép vào dễ chăm sóc. Còn phổi cần nhiều thời gian để kiểm soát nhiễm trùng phổi, thuốc chống thải ghép, chăm sóc đường hô hấp, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Mạch máu nuôi phổi là các động mạch phế quản bé như sợi tóc, không thể nối. Vì vậy, phổi sau ghép chỉ được cung cấp máu một phần từ động mạch phổi, nguồn máu không dồi dào như lá phổi nguyên bản. Do đó chăm sóc lá phổi sau mổ khỏe dần lên sẽ rất kỳ công và vất vả.

Gần đây nhất là ca ghép phổi tại Bệnh viện Việt Đức được thực hiện từ đầu tháng 5-2020, đến nay sau 3 tuần bệnh nhân vẫn đang thở máy, ê-kíp y, bác sĩ vẫn sát sao theo dõi, chăm sóc ngày đêm.

Hạnh phúc khi người bệnh được sống

Hiện tại thì anh Ngô Văn Khương (39 tuổi, ở thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã bình phục sau ca ghép phổi vào tháng 8-2019 tại Bệnh viện Việt Đức. Anh đã có thể làm được việc nhà như chăm cây, tưới rau. Vui nhất là sau bao nhiêu năm ốm đau, anh đã có thể đi được xe máy đưa con đi học.

Trước đó anh đã trải qua quãng thời gian 10 năm mắc bệnh dãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Anh thường xuyên phải nằm viện, gắn chặt với máy thở và hầu như không tự sinh hoạt được. Mọi việc đều phải nhờ vào vợ con. Sau ca ghép phổi và 1,5 tháng hậu phẫu, cuộc sống của anh Khương đã hồi sinh với lá phổi mới được cho từ một người chết não.

Với PGS.TS Nguyễn Hữu Ước và ê-kíp ghép phổi, sau mỗi ca đại phẫu thành công cứu sống người bệnh, niềm vui dâng lên khó nói thành lời. Để có được giây phút đó, họ phải trải qua những ca mổ xuyên đêm với những kỹ thuật khó. Cả ê-kíp căng như dây đàn những quyết định cân não, bởi họ hiểu mỗi thao tác là một bước trong hành trình giành giật sự sống của bệnh nhân, thay đổi hoàn toàn một cuộc đời con người.

Một bệnh nhân được ghép phổi tại Bệnh viện Việt Đức.

Sau những ca ghép phổi, các y, bác sĩ rút ra được những kinh nghiệm quý để hoàn thiện dần kỹ thuật ghép tạng. Mỗi khi bệnh nhân đến tái khám, thấy họ khỏe mạnh, tự chủ được cuộc sống, không phải gắn với bình ôxy suốt ngày đêm, các bác sĩ càng có động lực để hết mình thể nghiệm những kỹ thuật y khoa hiện đại.

Cách đây khoảng 10 năm, trên thế giới chỉ có gần 1.000 ca ghép phổi/năm. Cứ 5 ca ghép tim mới có 1 ca ghép phổi. Giờ đây, số ca ghép phổi tăng lên 4.500-5.000 ca/năm, trong đó Mỹ ghép được hơn 2.000 ca, châu Âu ghép gần 2.000 ca, số còn lại ở châu Á có Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,... Số ca ghép tim trên thế giới gần 6.000 ca/năm.

2/3 số bệnh nhân sau khi ghép phổi kéo dài được cuộc sống. Thời gian kéo dài sự sống của người ghép phổi khoảng 5 năm - bằng nửa thời gian của người ghép tim. Cũng có trường hợp ghép phổi sống thêm được 10 -12 năm.

Huyền Châm
.
.