Điện thoại thông minh đang làm hỏng một thế hệ?

Thứ Năm, 21/03/2019, 10:18
Thanh thiếu niên Mỹ ngày nay đến tuổi thành niên tại thời điểm mà công nghệ kỹ thuật số hiện diện mọi chỗ, mọi nơi mà điện thoại thông minh (smartphone) là người bạn thường trực của con người.

Smartphone gây ra cuộc khủng hoảng cho giới trẻ khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu những chiếc điện thoại đó có làm hỏng cả một thế hệ hay không?

Có những con số thống kê giật mình. Từ năm 2009 đến 2017, số học sinh trung học Mỹ tự tử tăng 25%. Số thanh thiếu niên bị chẩn đoán mắc trầm cảm tăng 37% trong giai đoạn 2005-2014. Còn có nhiều em nữa đang chật vật và tìm kiếm giúp đỡ. Số thanh thiếu niên chết vì tự tử cũng gia tăng. Người lớn đã nhìn ra xu hướng đáng lo ngại này và họ bắt đầu lo ngại nguyên nhân chính là chiếc điện thoại.

Trong bài báo "Smartphone đã làm hỏng một thế hệ?" trên tờ Atlantic, bà Jean Twenge, Giáo sư tâm lý thuộc Đại học San Diego, đã tóm tắt dữ liệu liên quan giữa sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và công nghệ. Từ đó, bà cho rằng câu trả lời cho câu hỏi trên có thể là "có". Nhiều người còn cho rằng câu trả lời chắc chắn là "có".

Người ta sợ rằng smartphone không chỉ gây ra rối loạn tâm trạng như trầm cảm hay lo lắng. Người ta còn kinh hãi trước một thế hệ nghiện công nghệ, nghiện trò chơi điện tử; một thế hệ mất khả năng tập trung hoặc ghi nhớ do ỷ lại công nghệ.

Công nghệ đang can thiệp vào trí óc con người. Thiết bị kỹ thuật số nhan nhản mọi nơi đang nhào trộn tâm lý con người, thay đổi cách bộ não con người phát triển, đối phó với căng thẳng, ghi nhớ, chú ý và đưa ra quyết định.

Câu hỏi công nghệ đang gây ra điều gì với sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên là một câu hỏi quan trọng. Theo Giáo sư Twenge, sự xuất hiện của smartphone đã thay đổi mạnh mọi khía cạnh trong đời sống của thanh thiếu niên. Smartphone đã thay đổi cách thanh thiếu niên tương tác với nhau.

Khảo sát giới trẻ trên diện rộng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc sử dụng điện thoại và các chỉ số sức khỏe. Nghiên cứu năm 2017 của Giáo sư Twenge và đồng nghiệp cho thấy: Thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trên mạng xã hội và thiết bị điện tử dường như có nguy cơ gặp triệu chứng trầm cảm và có hành vi liên quan tới tự tử nhiều hơn. Ảnh hưởng này thể hiện rõ với các em gái.

Triệu chứng trầm cảm không có nghĩa là các em bị chẩn đoán mắc trầm cảm. Nó có nghĩa là thanh thiếu niên khi trả lời khảo sát sẽ đồng ý với những câu kiểu như "Cuộc đời dường như vô nghĩa".

Hành vi liên quan tự tử không có nghĩa là tìm cách tự tử, mà có thể chỉ là nhân tố rủi ro có thể dẫn tới tự tử, ví dụ như cảm thấy quá buồn và tuyệt vọng gần như hàng ngày trong thời gian vài tuần khiến các em không thực hiện những hoạt động thường ngày nữa.

Giáo sư Twenge gọi thế hệ thanh thiếu niên sinh ra từ năm 1995 đến 2012 là iGen. Các em là thế hệ được smartphone và mạng xã hội định hình. Các em đang lớn lên cùng điện thoại di động, sống trong thời kỳ internet và có tài khoản mạng xã hội trước khi học trung học.

Thế hệ Millennial (sinh từ 1980 đến 1995) cũng lớn lên cùng những trang web nhưng internet không hiện diện thường trực trong cuộc sống. Họ không lướt điện thoại mọi lúc mọi nơi, cả ngày lẫn đêm. Những người lớn tuổi nhất thế  hệ iGen là những em tới tuổi thiếu niên khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời năm 2007, tới tuổi học trung học khi chiếc iPad ra mắt năm 2010. Khảo  sát năm 2017 với 5.000 thanh thiếu niên Mỹ cho thấy cứ bốn em thì có ba em có iPhone.

Những thay đổi trong tương tác xã hội và sức khỏe tâm thần đã ảnh hưởng tới giới trẻ mọi ngóc ngách và mọi gia đình ở Mỹ. Xu hướng này xuất hiện ở cả trẻ nhà giàu và nhà nghèo, ở cả thành thị và ngoại ô.

Nơi nào có sóng điện thoại, nơi đó có thanh thiếu niên sống cuộc sống trên smartphone. Các em cảm thấy thoải mái hơn khi nằm trên giường dán mắt vào smartphone thay vì lái xe đi chơi hay tiệc tùng. Mặt lợi là ít gặp tai nạn và không thích rượu nhưng cái hại là dễ trầm cảm, tự tử.

Không quá khi nói iGen đang trên bờ vực một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Có bằng chứng thuyết phục cho thấy thiết bị di động đang có ảnh hưởng sâu sắc với cuộc sống của thanh thiếu niên Mỹ và đang khiến các em cảm thấy bất hạnh một cách nghiêm trọng. 

Nhiều em trì hoãn thực hiện cả trách nhiệm và những thú vui của tuổi trưởng thành như đi làm thêm hay lái xe. Đơn giản là vì họ không cần ra khỏi nhà vì cuộc sống của họ định hình trên điện thoại khi một mình ở trong phòng.

Một cô bé tên Athena thừa nhận mình tương tác trên điện thoại nhiều hơn là với người thật. Cô bé luôn tìm cách "đuổi" bố mẹ để có thể tập trung vào điện thoại. Kỳ nghỉ hè là chuỗi ngày mà cô bé nói chuyện với bạn bè chủ yếu qua Snapchat. Athena là một điển hình của thế hệ iGen.

Số thanh thiếu niên Mỹ tụ tập cùng bạn bè hàng ngày giảm hơn 40% từ năm 2000 đến 2015. Xu hướng giảm này đặc biệt mạng trong thời gian gần đây. Những không gian như sân trượt patin, sân bóng rổ, bể bơi, địa điểm tụ tập đều bị các không gian ảo trên mạng và ứng dụng điện thoại thay thế.

Người ta dễ tưởng thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trên không gian ảo vì chúng thấy hạnh phúc, nhưng số liệu lại cho thấy điều ngược lại. Khảo sát Giám sát Tương lai do Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy tài trợ và thiết kế đã hỏi học sinh lớp 12 hơn 1.000 câu hỏi hàng năm từ năm 1975 tới nay và hỏi học sinh lớp 8 đến lớp 10 từ năm 1991 tới nay. Kết quả cho thấy người dành nhiều thời gian với điện thoại ít hạnh phúc hơn, còn những người dành nhiều thời gian làm các hoạt động khác có xu hướng hạnh phúc hơn.

Khảo sát này có thể đưa ra một lời khuyên: Hãy đặt điện thoại xuống, tắt máy tính đi và làm bất kỳ điều gì không liên quan tới màn hình để có thể vui vẻ. Tất nhiên, những phân tích này không chỉ chứng minh thời gian dùng smartphone nhiều khiến con người không hạnh phúc, mà còn có khả năng thanh thiếu niên không hạnh phúc dành nhiều thời gian trực tuyến hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy thời gian dành cho mạng xã hội thực sự khiến con người không hạnh phúc. Những trang mạng xã hội như Facebook cam kết kết nối chúng ta với bạn bè, nhưng những iGen lại cho thấy cả một thế hệ cô đơn, tách biệt với thế giới thực.

Nhật Minh
.
.