Điều trị ung thư: Đừng tin vào thần dược khi chưa kiểm chứng khoa học

Thứ Hai, 23/04/2018, 16:40
Chính là sự cả tin của bệnh nhân ung thư đã tiếp tay cho những kẻ kinh doanh lừa đảo một cách quá dễ dàng.

Chỉ vài viên nang nhồi bột than tre rồi vống lên như thần dược, nào là hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, nào hỗ trợ điều trị viêm, nhiễm, suy kiệt cơ thể, đặc trị trên hệ tiêu hoá, hệ gan mật, hệ tiết niệu, tuần hoàn tim mạch… mà sản phẩm mang Vinaca Ung thư CO3.2 có thể tung hoành cả trong Nam ngoài Bắc, gần 20 tỉnh thành, cho dù không có bất kỳ số lô hay số đăng ký cấp phép của Bộ Y tế trên lọ.

Điều này được nhìn thấy sau khi cơ quan chức năng ở Hải Phòng phát hiện sản phẩm Vinaca Ung thư CO3.2 được sản xuất thủ công từ bột than tre trộn thêm hóa chất rồi đóng thành viên nang để bán cho người bệnh ung thư, đang làm rúng động dư luận. Điều đáng nói ở đây chính là sự cả tin của người bệnh đã tiếp tay cho những kẻ kinh doanh lừa đảo một cách quá dễ dàng.

Mê hồn trận thần dược

Những năm gần đây, số người mắc ung thư ở nước ta được phát hiện ngày một nhiều. PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K cho biết, mỗi năm Việt Nam có gần 200.000 người mắc ung thư và khoảng 94.000 người chết vì ung thư.

Trong 172 quốc gia được báo cáo thì tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78. Số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau.

Vinaca được quảng cáo như thần dược để lừa người bệnh.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội phòng chống Ung thư Việt Nam, nhiều người bị ung thư  cứ nghĩ mình bị số phận trừng phạt vì lý do gì đó nên âm thầm chịu đựng, hoặc không biết rằng ung thư nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa được, nên không đến bệnh viện để khám và điều trị. Thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở nước ta đều đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỉ lệ tử vong cao, dẫn đến nhiều người càng tin vào quan niệm ung thư là chấm hết.

Vì thế, ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân và nhiều người ngày càng quan tâm hơn đến việc phòng chống và điều trị ung thư. Tuy nhiên, quan tâm nhưng lại thiếu kiến thức nhất định về bệnh ung thư đã dẫn đến "tiền mất, tật mang", khi chẳng những mất tiền mà còn bỏ qua "thời gian vàng" để được điều trị bệnh kịp thời, khi càng phát hiện sớm, khả năng chữa ung thư khỏi càng cao.

Cách đây chưa lâu, ở Việt Nam rộ lên sản phẩm vi lượng đồng căn Vidatox 30CH được quảng bá là chiết xuất từ nọc bọ cạp xanh sống ở Cuba, rất hữu hiệu trong điều trị ung thư, làm teo khối u, khiến nhiều người bệnh "xô" vào sử dụng cho dù chưa biết thực hư ra sao.

Đã vậy, một số phương tiện thông tin đại chúng cũng quảng cáo Vidatox 30CH như thuốc thần càng khiến người bệnh tin theo. Vì vây, dù giá bán không hề rẻ, nhưng nhiều người cũng không tiếc tiền mua do tin tưởng vào hiệu quả điều trị của loại "thuốc" ngoại này. Đáng tiếc, có nhiều người bệnh từ chối điều trị theo chỉ định của bác sĩ, mà chỉ dùng Vidatox.

Nhưng mới đây, sau khi giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức sang Cuba làm việc trở về, tôi có hỏi ở bên đó các bác sĩ có sử dụng nọc bọ cạp xanh để chữa ung thư như quảng cáo ở Việt Nam là "được bác sỹ Cuba khuyên dùng" hay không?

Giáo sư Giang cho biết, khi đến làm việc với bệnh viện nghiên cứu và điều trị ung thư đầu ngành của Cuba là Bệnh viện Clinico Quirugico Hermanos Ameijeiras ở La Habana, ông có hỏi về loại thuốc Vidatox đang xuất hiện ở Việt Nam và được cho là rất hiệu nghiệm trong điều trị ung thư, thì các bạn Cuba  có thử nghiệm lâm sàng để so sánh tác dụng của Vidatox với tác dụng của phương pháp kinh điển chưa, kết quả ra sao?

Ai dè, các bác sĩ của Bệnh viện này đều cười và cho biết đó chỉ là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc. Và Vidatox cũng chỉ là một sản phẩm dân gian sử dụng chứ Bệnh viện thì không dùng để điều trị. Vì thế họ không cần thử nghiệm do biết là chẳng có tác dụng gì để điều trị ung thư.

Trước sự cả tin của nhiều người bệnh, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phải chỉ đạo cơ quan quản lý các cấp kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, cũng như quảng cáo các sản phẩm tương tự chế phẩm vi lượng đồng căn để điều trị ung thư.

Ngoài ra Cục Quản lý Dược cũng ra thông báo về việc sản phẩm Vidatox 30CH chỉ được chỉ định hỗ trợ điều trị giảm nhẹ triệu chứng đau cho bệnh nhân mắc ung thư, chứ không phải là thuốc để điều trị ung thư. Vì vậy, thông tin cho rằng Vidatox 30CH và các sản phẩm có tên gọi tương tự có khả năng điều trị ung thư là chưa có cơ sở khoa học.

Song cơn "sùng bái" nọc bọ cạp xanh Cuba chữa bệnh ung thư vẫn chưa dứt. Nhiều người bệnh vẫn tin tưởng, khiến cho bệnh nặng hơn mới đến gặp bác sĩ, thì đã ở giai đoạn muộn và khả năng chữa trị chỉ còn rất mong manh.

Trước tình hình này, các chuyên gia của Bệnh viện K phải tiếp tục lên tiếng rằng, nọc bọ cạp xanh chỉ có tác dụng giảm đau, hỗ trợ điều trị chứ không phải là thuốc điều trị ung thư. Một "cây đại thụ" về thuốc nam của nước ta là Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng không hề nhắc tới tác dụng của nọc bò cạp trong điều trị ung thư ở cuốn sách kinh điển "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" mà ông để lại. 

Một người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về hỗ trợ điều trị ung thư với những giải thưởng trong nước và quốc tế là TS. Hà Phương Thư (Trưởng phòng Vật liệu Nano Y Sinh (Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cũng cho biết: Sử dụng nọc bọ cạp cho bệnh nhân ung thư chỉ thấy có tác dụng giảm đau, còn chưa có bằng chứng khoa học về tác dụng điều trị ung thư. Hơn nữa, các thực phẩm chức năng không phải thuốc, nên không thể dùng độc lập mà phải sử dụng kết hợp cùng với các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Có nơi quảng cáo nấm lim xanh "có khả năng thanh lọc, giải độc và phục hồi gan được đánh giá là tốt nhất so với các loại thảo dược khác." Trong khi đó, Viện Dược liệu cho biết, các tác dụng chữa bệnh khác do người dân đồn thổi của loài nấm lim xanh cần phải có các nghiên cứu khoa học để chứng minh mới có thể kết luận được.

Mới đây, mạng xã hội cũng lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư; dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống. Những người "truyền bá" cho biết điều trị ung thư bằng cách này không gây đau đớn, thậm chí họ còn khuyên những người mắc bệnh "không cần chữa bệnh, chỉ cần sửa chữa những sai lầm hàng ngày như hành động, tư tưởng, ăn uống sai quy luật vũ trụ, tự nhiên bệnh tật sẽ giảm dần và hết hẳn và mọi người hãy ăn 100% thực phẩm tạo kiềm để máu và nước trong cơ thể PH = 7,4 mọi bệnh dùng đến kháng sinh sẽ không còn , PH = 8,5 ung thư chết".

Trước thông tin này, PGS.TS Trần Văn Thuấn đã phải khuyến cáo mọi người nên cẩn trọng, không làm theo vì điều này là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Cho đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư. 

Cũng mới đây, các "bác sĩ tự phong trên mạng" còn truyền tai nhau việc điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương, hoặc quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được. Lo ngại những hậu quả không tốt cho người bệnh từ việc hiểu sai, TS.BS.

Nguyễn Tiến Quang, Trưởng Khoa khám bệnh tự nguyện, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K cho biết: Phương pháp Ohsawa cũng như một hình thức ăn chay. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả, từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.

"Nhưng chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả" - Ông Quang khẳng định.    

Cũng theo TS. Quang, quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được là không có cơ sở khoa học. Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.

GS. Nguyễn Bá Đức cũng lưu ý: Chỉ có một số ít bệnh qui định chế độ ăn riêng để tránh nặng lên hay ảnh hưởng đến chế độ điều trị, như thận, tim, tiểu đường, gan vv… Còn lại phải ăn đầy đủ dinh dưỡng để đủ sức chịu đựng được các biện pháp điều trị. Ung thư cũng vậy, không phải kiêng. Quan niệm nhịn đói là hoàn toàn sai lầm, khiến cơ thể suy kiệt, không đủ sức để điều trị.

Theo TS. Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi, Bệnh viện K), nhiều bệnh nhân ung thư bất chấp lời khuyên của bác sĩ, tự ý ăn kiêng quá mức, suy kiệt mà chết. Theo thống kê, có tới 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi chết vì khối ung thư. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng.

Những quan niệm sai lầm

GS. Nguyễn Bá Đức cho biết, có rất nhiều quan niệm sai lầm ở Việt Nam về bệnh ung thư, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Có nhiều quan niệm "kỳ lạ" chỉ ở Việt Nam mới có, như do số phận, do ăn ở, do trời phạt … dẫn tới giấu bệnh. Còn có cả quan niệm tai hại khi bị bệnh là không được động dao kéo, không tin vào thầy thuốc, không được xạ trị, hóa trị.

Thậm chí có cả yếu tố trục lợi, làm cho quan niệm này nhân rộng lên, như một số thầy lang cố tình tuyên truyền họ có thể chữa bệnh ung thư bằng lá thuốc, khiến người bệnh tin theo, tự tước đi cơ hội vàng để chữa trị kịp thời, bởi khi đến bệnh viện thì khối u đã lớn, đã di căn, không còn điều trị triệt căn được nữa. "Tôi đi hơn 30 nước, nhưng không ở đâu có những quan niệm như vậy." -GS. Nguyễn Bá Đức chia sẻ.

TS. Phạm Thị Việt Hương (Bệnh viện K) ngạc nhiên khi nhiều người phát hiện u mới còn nhỏ, nhưng đã quan niệm u là chết nên từ chối điều trị. Trong khi thực tế có hơn 200 bệnh ung thư, nhiều bệnh vẫn chữa khỏi, nhất là những người đến sớm, được điều trị đúng phác đồ. Nhiều người không tin tưởng vào thầy thuốc, không điều trị triệt để mà lại "chữa" bằng cây lá của những ông lang không được cấp phép.

Có cháu bé ở Hải Dương đang được điều trị hóa chất ở Bệnh viện K, nhưng nghe theo thầy lang ở Hà Giang, bà cháu không cho điều trị tiếp mà cho uống lá, khiến u ngày càng phát triển. Cháu yếu đi rất nhanh. Khi mẹ cháu đưa đến bác sĩ đã điều trị cho cháu thì đã rất nặng do cháu uống nhiều nước lá độc dẫn tới suy gan, thận. Nhưng bác sĩ quyết định truyền hóa chất cùng các biện pháp hỗ trợ nên cháu đã dần được cải thiện.

GS. Nguyễn Bá Đức cho hay hiện có nhiều cách hiểu sai trong điều trị ung thư ở Việt Nam, như coi ung thư là "án tử", ung thư có thể lây nhiễm dẫn đến kỳ thị ung thư, uống lá, cúng bái… khiến người bệnh không chỉ "tiền mất tật mang" mà còn dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí tử vong. Đặc biệt, nhiều người Việt Nam vẫn cho rằng, bệnh nhân ung thư đi đám tang sẽ nặng hơn và nhanh di căn hơn là rất sai lầm.

"Bản chất bệnh ung thư là tái phát, di căn. Có người đi dự đám tang về tái phát rồi đổ cho đám tang là sai lầm, dẫn đến hệ lụy là bố, mẹ chết không dám dự; chồng chết vợ phải đi ở nhà khác vì sợ. Người bệnh chỉ cần đừng quá đau buồn, vật vã khi có người thân mất để không ảnh hưởng đến sức khỏe, chứ không phải vì đám tang mà làm bệnh trở  nặng" - GS. Đức khuyến cáo.

TS. Đoàn Lực (Bệnh viện K) cũng khẳng định chưa có bằng chứng khoa học nào có mối liên quan giữa bệnh ung thư với đám tang.

"Ung thư không phải là dấu chấm hết. Nếu chẳng may mắc bệnh, hãy tin cậy thầy thuốc, gửi gắm tin yêu vào thầy thuốc để có được những ngày sống còn lại của cuộc đời tốt nhất." - TS. Đoàn Lực lưu ý.

Thanh Hằng
.
.