Đô thị ngầm chống khủng hoảng khí hậu
- Hội nghị biến đổi khí hậu Madrid và “Paris 2015”
- Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ đi về đâu?
- Ai sẽ cứu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?
Bài học ở Thủ đô Helsinki
Trở lại năm 1800 trước Công nguyên (TCN), người dân sống ở vùng Cappadocia (ngày nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng môi trường của họ đang trở nên thù địch do thời tiết cực đoan và mối họa chiến tranh liên tục, thế là họ bắt tay đào hẳn một thành phố ngầm.
Derinkuyu, phố ngầm lâu đời nhất thế giới vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, đây là nơi sống của 2 vạn người, nó có đầy đủ trường học, nhà ở, khu mua sắm và nơi cầu nguyện. Cả thành phố ngầm được bảo vệ bởi những khung cửa đá lớn cho phép mỗi sàn nhà được đóng cửa riêng biệt.
Năm 2010, thủ đô Helsinki (Phần Lan) cũng bắt chước xu hướng ngầm hóa đô thị. Hội đồng thành phố Helsinki phê chuẩn Kế hoạch tổng thể ngầm năm 2019 với diện tích thực thi bao phủ khoảng 214km2 có kết hợp bảo tồn năng lượng, các khu trú ẩn cho những mùa đông dài và lạnh lẽo cùng cả một hầm trú ẩn khổng lồ nếu bị xâm lược.
Chính quyền Helsinki đề xuất Kế hoạch tổng thể ngầm, chính thức xây dựng đô thị ngầm cho thủ đô Helsinki. |
Mục đích chính để xây dựng các đô thị ngầm là chúng cung cấp một sự lựa chọn thay thế cho các khối tháp nhà chọc trời và dân số đang bùng nổ.
Ông Asmo Jaaksi, một đối tác kiến trúc JKMM ở Helsinki và đồng thời là kiến trúc sư trưởng của Bảo tàng Amos Rex thuộc đô thị ngầm mới, cho hay rằng các khu nhà ngầm sẽ là một trong những nơi an toàn nhất phòng khi biến đổi khí hậu đang leo thang.
Từ lâu thủ đô Helsinki đã đi tiên phong trong cuộc sống lòng đất, đáng lưu ý là nhà thờ Temppeliaukio (năm 1969) được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư Timo và Tuomo Suomalainen nằm chìm trong lòng quận Toolo của Helsinki; hay năm 1993 là ra đời Itakeskus Swimming Hall, nó là một trung tâm giải trí khá lớn có thể phục vụ cho 1.000 khách/ngày, và nó được cải tạo để thành khu khẩn cấp cho 3.800 người sinh sống.
Kiến trúc sư Asmo Jaaksi giải thích: "Helsinki ngày càng đông đúc, trong khi mùa đông thường dài và trời tối như mực. Đô thị ngầm giúp người dân sống thoải mái trong thời tiết khắc nghiệt". Ông Ilkka Vahaaho, người đứng đầu bộ phận địa kỹ thuật của thủ đô Helsinki, phát biểu: "Người Phần Lan cần không gian mở ở trung tâm thành phố, vì thế khi sống trong lòng đất thì trên bề mặt sẽ rộng rãi hơn".
Theo quan điểm này thì kế hoạch của Helsinki có thể là dự án tiên phong trong sinh sống ngầm. Với 60% dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở thành phố vào thời điểm năm 2050, đồng nghĩa nhu cầu nhà ở phải đáp ứng cho khoảng 2,5 tỷ người, kẹt nỗi là đất đô thị ngày càng chật chội.
Mặt khác, do hạn chế về không gian nên mới phát sinh khuynh hướng xây nhà cao tầng, và nó đang gây ngột ngạt cho các siêu đô thị như Paris, Mexico City và Singapore.
Năm 2017, Paris phát động cuộc thi Reinvent Paris 2, kêu gọi các nhà thiết kế đưa ra ý tưởng về việc sử dụng các lô đất bỏ hoang hoặc chưa sử dụng trong nội thành Paris, và kết quả hầu hết đều liên quan đến xây dựng ngầm.
Tầng hầm các tòa nhà lịch sử, các tuyến hầm ngầm bên cạnh sông Seine, các bể chứa, bãi đậu xe cũ và cả các lò mổ cũ… được cải tạo lại thành nhà hàng, cửa hàng và cả một trang trại nuôi côn trùng ăn được. Các kiến trúc sư ở Mexico City còn đề xuất xây dựng một kim tự tháp ngầm sâu 300m mang tên là Earthscraper, tuy nhiên với số tiền đầu tư tới 800 triệu USD nên dự án bị hoãn lại.
Và tham vọng ngầm hóa ở Singapore
Ở Singapore, chính quyền đảo quốc đã chi hơn 188 triệu USD trong nghiên cứu và kỹ thuật để xây dựng ngầm, đồng thời sửa luật sở hữu tài sản để bây giờ thì tất cả các tầng hầm đều tự động trở thành sở hữu nhà nước. Theo Bộ Thống kê Singapore thì dân số đảo quốc đã chạm mốc 5,53 triệu người sống chen chúc trên một diện tích 719km2, đạt tỷ lệ đông dân cư thứ 3 trên trái đất.
Singapore đã xây dựng hàng loạt các cao ốc chung cư từ 70 tầng trở lên, cũng như lấn biển để tăng diện tích lãnh thổ. Trong vòng 15 năm tới, dân số nơi đây sẽ thêm 1,5 triệu người, đất đã ít lại càng chật chội thêm. Hiện Singapore đang triển khai ý tưởng về Công viên khoa học ngầm nằm sâu 80m dưới lòng đất, nơi làm việc của 4.500 nhà khoa học và nhà nghiên cứu, đi kèm với các dự án phát triển ngầm như khu vực bán lẻ, hạ tầng cây xanh, xa lộ, đường sắt, và hệ thống điều hòa không khí.
Thiết kế hình trụ của Công viên khoa học ngầm sẽ giúp nó đứng vững trong các trận động đất. Marcos Martínez Euklidiadas từ khoa kỹ thuật của Đại học Carlos III (thủ đô Madrid, Tây Ban Nha) nhấn mạnh điều tiên quyết là các đô thị ngầm ngoài việc tránh các điều kiện thời tiết cực đoan thì cần phải đảm bảo yếu tố lấy sáng tự nhiên.
Vài năm gần đây Singapore đã di chuyển những thứ thiết yếu xuống lòng đất, bao gồm cả một hang động dùng làm nơi trữ đạn dược nằm ngay bên dưới đảo Jurong của Singapore, nơi đây cũng có một kho dầu ngầm khổng lồ.
Được xây dựng bởi Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Hyundai, cấu trúc ngầm dưới lòng đất ở đảo Jurong gồm có 5 cái hang khổng lồ và sâu tới 100m cùng một mạng lưới đường hầm ngầm dài 8km nhằm tích trữ hydrocarbon. Hồi tháng 3-2019, Singapore đã hé lộ giai đoạn 1 của Kế hoạch tổng thể ngầm đang triển khai ở 3 quận là Vịnh Marina, quận đổi mới Jurong và quận kỹ thuật số Punggol.
Phát biểu với giới truyền thông khi khởi động dự án ngầm hóa, Giám đốc Hwang Yu-Ning đã tiết lộ rằng hệ thống bơm nước lạnh kiểu mới sẽ giúp làm mát mặt tiền các tòa nhà quanh vịnh Marina, giảm nhu cầu xài năng lượng xuống 40%, giúp các tòa nhà giảm lượng xả thải carbon dioxide tới 34.500 tấn/năm (tương đương 1 vạn xe chạy trên đường).
Ở London có một khu trú tránh không kích nằm bên dưới công viên Clapham Common, nơi này được cải tạo để trở thành trang trại ngầm đầu tiên trên thế giới. Và có thể kể đến phòng thí nghiệm Lowline ở New York, nơi trồng cây cối dưới đất bằng cách dùng các tấm năng lượng mặt trời để đưa ánh sáng thiên nhiên xuống các đường hầm.
Với việc trồng hơn 100 giống cây, Lowline đang phấn đấu trở thành không gian xanh ngầm đầu tiên trên thế giới vào năm 2021.