Độc đáo công nghệ chống tiền giả
Chúng ta hãy tìm hiểu câu chuyện về một chiếc máy photocopy màu Xerox được đưa tới một trong các phòng thí nghiệm công nghiệp Đại học Cambridge của Anh. Đó là thời kỳ đầu thập niên 2000 và lời đồn đại về một chiếc máy kỳ quặc đã nhanh chóng được lan truyền khắp nơi, đến tai nhà khoa học máy tính Markus Kuhn mà khi đó mới chỉ là nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Kuhn cười và nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi còn là sinh viên nên tò mò muốn thử photocopy tiền bảng Anh”. Kuhn đặt một đồng 20 bảng Anh lên mặt kính, đậy nắp lại, ấn nút và chờ trong giây lát. Chiếc máy kêu ro ro. Trang giấy in ra không có màu sắc gì mà chỉ có dòng chữ cảnh báo bằng nhiều thứ tiếng, với nội dung thông điệp là hành vi sao chép tiền là bất hợp pháp.
Các tập hợp hình tròn được sắp xếp theo cùng một quy tắc hiện diện ở nhiều loại tiền tệ khác nhau. Trong hình là mẫu đồng tiền 10 bảng Anh, với các tập hợp chòm sao được in ở phía bên phải. |
Quả là kết quả hết sức bất ngờ. Làm sao mà chiếc máy vô tri giác có thể phát hiện được nó đang sao chép tài liệu gì?
Chòm sao lặp đi lặp lại và sáng kiến chống làm giả tiền bằng ký hiệu “bánh doughnut”
Markus Kuhn giải thích: “Khi đó đồng Euro cũng vừa mới được phát hành và tôi có tờ 10 euro trong ví. Tôi phát hiện một dấu hiệu đặc biệt trên tờ giấy bạc bao gồm một số vòng tròn nhỏ tập hợp thành nhóm giống như chòm sao. Sau khi quan sát một lúc, tôi thấy các chòm sao này xuất hiện lặp đi lặp lại”.
Kuhn tiếp tục xem xét các tờ giấy bạc mệnh giá 20 bảng Anh. Các vòng tròn cũng xuất hiện nhưng nằm ở mặt trước của tờ tiền và ẩn dưới dạng nốt nhạc hay nói cách khác là chúng được in thành phần đầu tròn các nốt nhạc. Tóm lại, các nhóm 5 vòng tròn lặp đi lặp lại đều hiện diện ở trên cả hai loại tiền euro và bảng Anh - cả ở mặt trước lẫn mặt sau. Hoá ra nhiều loại tiền tệ khác trên thế giới cũng được in với cùng mẫu hình này.
Nhưng điều khác biệt là các loại tiền khác nhau thì có màu sắc khác nhau, và mẫu hình các vòng tròn cũng được đặt theo những hướng khác nhau. Thậm chí các tờ có mệnh giá khác nhau của cùng một loại tiền cũng thế. Vậy làm sao máy photocopy màu có thể phát hiện ra?
Markus Kuhn bắt đầu tìm hiểu. Đầu tiên, ông vẽ lại những mẫu này trên một tờ giấy trắng, in nó ra và thử photocopy. Nếu mẫu chỉ có màu đen trắng, máy photo sẽ sao chép lại bình thường. Nhưng khi Kuhn thêm màu sắc vào các vòng tròn, tức thì thông điệp cảnh báo chống sao chép được in ra.
Kuhn kết luận: “Có vẻ như máy được mã hoá để nhận dạng các vòng tròn có màu chứ không phải là các vòng đen trắng”. Markus Kuhn cho rằng màu sắc đóng vai trò chính của bộ mã hóa, trong khi số người khác lập luận máy photocopy cũng kiểm tra cả khoảng cách đặc biệt giữa 5 vòng tròn.
Tuy nhiên, Kuhn chưa thể kiểm chứng giả thuyết một cách độc lập. Do đó, vấn đề làm thế nào mà cỗ máy photocopy và máy scan nhận biết các dấu hiệu mã hoá vẫn còn chưa có lời giải đáp. Bằng chứng đến từ một tài liệu do Ngân hàng Maharashtra của Ấn Độ công bố cho thấy có một số loại cơ chế cho phép dò tìm trong các vòng tròn những màu sắc khác với màu mà mắt người có thể nhận biết được.
Tài liệu này viết: “Ở phần chứa mã hiệu… trong tờ giấy bạc, khi sao chụp sẽ cho ra màu sắc khác hẳn so với màu ở tờ tiền thật”. Do đó, việc tìm kiếm sự khẳng định về cách thức hoạt động của bộ mã – hay thậm chí việc xác nhận những gì mà các nhà nghiên cứu đưa ra có đúng hay không – là rất khó khăn. Trong khi đó, từ nhân viên ngân hàng cho đến các hãng sản xuất máy photocopy đều không muốn bình luận về điều đó.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng chưa bao giờ bình luận công khai về sự tồn tại của mô tả những vòng tròn tập hợp thành nhóm là Chòm sao EURion (sự kết hợp thú vị giữa từ đồng Euro và Orion, tức chòm sao Lạp hộ - nghĩa là Thợ săn) do có hình dáng tương tự. Thay vào đó, trong một cuộc phỏng vấn, nữ giám đốc phát hành tiền giấy Victoria Cleland của BoE chỉ giải thích rằng mối quan tâm của ngân hàng là tìm cách gây khó khăn càng nhiều càng tốt cho hoạt động làm tiền giả.
Ai là tác giả đầu tiên?
Vậy thì ai là tác giả đầu tiên của cách gọi Chòm sao EURion? Hồi tháng 1-2016, một blog có vẻ như do một quan chức Chính phủ Ấn Độ đã về hưu tên là NR Jayaraman viết, cho rằng mẫu thiết kế - mà ông gọi là mô hình Omron - được sử dụng trên tiền giấy trên toàn thế giới từ năm 1996. Một loạt bằng sáng chế được công bố công khai cho thấy Omron là công ty đứng sau “Chòm sao EURion”.
Ví dụ như một sáng chế được đăng ký hồi 1995 nói đến “các dấu hiệu được phát hiện ra nhờ có cách sắp xếp, kết hợp với nhau theo một quy tắc nhất định trên những hình ảnh được in ra, chẳng hạn trên tiền giấy hoặc các loại giấy tờ chứng khoán có thể mua bán giao dịch được”.
Các “Chòm sao EURion” xuất hiện trên tờ tiền 50 bảng Anh. |
Hình ảnh nộp kèm hồ sơ đăng ký sáng chế này có mẫu hoàn toàn giống “Chòm sao EURion”, chỉ duy nhất thiếu đi vòng tròn ở giữa. Người có thể làm sáng tỏ các ký hiệu bí mật là Steve Casey, giám đốc tiếp thị của công ty sản xuất phôi in tiền Innovia Films.
Steve Casey giải thích: “Những vòng tròn nhỏ được gọi là bánh doughnut trong ngành in ấn tiền. Đó là một trong những tính năng bảo mật đầu tiên từng được sử dụng trên tiền in trong thời kỹ thuật số”.
Ngay cả khi có thể biết tường tận về “Chòm sao EURion” thì lại vẫn còn bí ẩn khác: chắc chắn là có một mã bí mật nào đó trên đồng tiền giấy. Theo Steve Casey, cũng có những “Bảo mật cấp 3” trên tờ giấy bạc mà thậm chí còn bí hiểm hơn cả Chòm sao EURion.
Casey bình luận: “Các bảo mật cấp 3 không được thảo luận. Không ai biết về chúng, ngoại trừ các ngân hàng trung ương. Đó là kỹ thuật mà máy phân loại tiền tốc độ cao dùng để quét và ngay lập tức xác định được có tờ tiền giả nào trong số vừa quét hay không”.
Vitoria Cleland cho biết tiền giả được phát hiện nhiều nhất là nhờ các máy chuyên xử lý, phân loại lượng tiền giấy thu-chi từ các nhà bán lẻ, các ngân hàng và các máy ATM. Ngoài ra, có những mã chuyên chống việc dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh như Adobe Photoshop để sửa đổi các hình in trên tờ tiền. Bí mật này được Steven Murdoch, nhà khoa học máy tính đồng thời là cựu sinh viên của Kuhn Steven tìm ra.
Murdoch tin rằng các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đã phát hiện ra một mã nào đó khác với Chòm sao EURion - đó là một ký hiệu kỹ thuật số mà mắt thường không nhìn thấy được. Phương pháp này được mô tả trong một đăng ký sáng chế của Digimarc, công ty được cho là đã phát triển kỹ thuật này.
Digimarc – đặt trụ sở tại thành phố Beaverton bang Oregon miền Bắc nước Mỹ - cũng đã đăng ký nhiều sáng chế khác trong cùng lĩnh vực, chẳng hạn như giải pháp bí mật ghi lại việc người dùng chỉnh sửa hình ảnh trên tờ tiền bằng một phần mềm chỉnh sửa ảnh. Các dữ liệu này sẽ được cơ quan thực thi pháp luật lấy ra kiểm tra nếu máy tính của nghi phạm bị thu giữ.