Dữ liệu thời tiết đối phó thảm họa thiên nhiên

Thứ Năm, 28/12/2017, 22:32
Tháng 11-2017, trạm khí tượng học tự động thu thập dữ liệu số về nhiệt độ, sức gió, độ ẩm và lượng mưa được một nhóm nhà khoa học Anh dựng lên trên đỉnh núi Ben Nevis (cao 1.345 mét) vùng Cao nguyên Scotland.

Theo nữ tiến sĩ Barbara Brooks, Đại học Leeds, trạm khí tượng điện tử Vaisala WXT536 được vận hành bởi năng lượng pin kết hợp ánh nắng mặt trời.

Từ năm 1883 đến 1904, Ben Nevis - đỉnh núi cao nhất nước Anh - từng tồn tại một trạm khí tượng được người dân địa phương lập ra để dự đoán thời tiết cho nên có tên gọi là "Weathermen of Ben Nevis" (tạm dịch: Những nhà khí tượng học trên đỉnh Ben Nevis). Họ sống trong căn lều nhỏ dựng trên đỉnh núi để quan sát bầu trời. Trạm khí tượng mới được nhóm nhà khoa học Anh tạo lập nằm trong dự án gọi là "Chiến dịch Giải cứu Thời tiết: Ben Nevis".

Trạm khí tượng trên vùng cao nguyên Scotland.

Đây là một phần trong chương trình thu thập dữ liệu thời tiết nước Anh. Barbara Brooks lập luận: "Dữ liệu thời tiết do trạm khí tượng cung cấp không chỉ có ích cho các nhà khoa học mà còn cho cả dân địa phương". 

Không chỉ ở Anh mà các chính quyền châu Phi cũng đặc biệt quan tâm xây dựng một loạt trạm khí tượng mới để ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Các chuyên gia tin rằng việc thiếu dữ liệu thời tiết sẽ khiến cho nhiều quốc gia châu Phi gặp bất lợi về kinh tế. Tanzania là trung tâm của cuộc thử nghiệm khí tượng học và một số công ty khởi nghiệp nơi đây cố gắng thay đổi điều đó.

Ví dụ như công ty Kukua muốn xây dựng hàng trăm trạm thời tiết chi phí thấp ở Tanzania và ngoài đất nước để giải quyết lỗ hổng dữ liệu thời tiết.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cam kết hỗ trợ tài chính cho chương trình như thế dự kiến xây dựng tại thủ đô Dar- es- Salam  của Tanzania và những nơi khác nhằm trải rộng những trạm giám sát thời tiết phục vụ nhà nông. Hiện nay, sự biến đổi khí hậu gây ra những điều kiện thời tiết cực đoan tại nhiều vùng trên thế giới và dĩ nhiên không loại trừ châu Phi.

Thiết bị cảm biến thời tiết tự động của Code for Africa.

Công ty Kukua cung cấp dữ liệu thu thập từ vài trạm giám sát thời tiết mới xây dựng với chi phí thấp - khoảng 2.500 USD. Micha van Winklehof, giám đốc điều hành Kukua, cho biết: "Rõ ràng là, bản thân những trạm thời tiết của chúng tôi không cung cấp được dự báo một cách trực tiếp song chúng tôi có thể gửi thông tin thu thập được cho những chuyên gia dự báo thời tiết ở châu Âu để nhận sự hỗ trợ cùng lời khuyên đúng đắn".

Theo đánh giá từ Cơ quan Khí tượng học Thế giới (WMO), chỉ có hơn 1.100 trạm thời tiết ở 54 quốc gia châu Phi và trong đó nhiều nơi có điều kiện khí hậu hoàn toàn khác. Hơn nữa, nhiều trạm thời tiết phải ngưng hoạt động do thiếu tài trợ từ chính phủ.

Trong bản báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng châu Phi về Khí tượng học (AMCOMET), tiến sĩ Joseph Mukabana nhận định mạng lưới trạm thời tiết "nghèo nàn và phân bố rải rác" ở châu Phi cần phải được mở rộng lên ít nhất 12.000 trạm để đủ sức cung cấp những dịch vụ thời tiết cơ bản đồng thời giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo Mukabana, sự thiếu thốn trầm trọng các trạm thời tiết có nghĩa là cộng đồng chuyên gia khí tượng học sẽ gặp nhiều khó khăn khi đưa ra dự báo. Ngoài ra, một trạm thời tiết phải hoạt động bao trùm một khu vực trung bình 27.000 km vuông. Đó là lý do mà Kukua muốn xây dựng hàng ngàn trạm thời tiết khắp châu Phi. Van Winklehof chia sẻ: "Chúng tôi có nhiều khách hàng quan tâm đến biến đổi khí hậu bởi vì điều đó tác động đến vành đai cây cacao ở Tây Phi".

Dữ liệu thời tiết cũng hữu ích cho các công ty năng lượng tái chế để chọn địa điểm thích hợp triển khai cánh đồng gió. Kể cả các công ty bảo hiểm cũng cần dữ liệu thời tiết để đánh giá nguy cơ thiệt hại do lũ lụt cũng như số tiền phải chi trả cho khách hàng.

Viện Quốc tế Nghiên cứu Khí hậu và Xã hội (IRI) đặt trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) tin rằng dữ liệu thời tiết giúp nhà nông tăng sản lượng cây trồng lên 20% và thậm chí đến 80%. Van Winklehof hy vọng dữ liệu thời tiết cũng giúp ích rất nhiều cho các cơ quan y tế quốc gia cũng như các tổ chức phi chính phủ dự đoán sự bùng phát dịch bệnh dịch tả và sốt rét - những căn bệnh được cho là liên quan đến lượng mưa, độ ẩm và nhiệt độ.

David Lemayan, giám đốc và lãnh đạo công nghệ tổ chức phi lợi nhuận Code for Africa (CfAfrica), lập luận: "Vấn đề là dữ liệu cần được chia sẻ công khai và miễn phí cho mọi người vào từng giai đoạn".

CfAfrica đang hợp tác với WB để triển khai hàng loạt thiết  bị cảm biến thời tiết tự động ở mọi quốc gia châu Phi và dự kiến cuối năm 2017 sẽ có 300 công cụ như thế hoạt động tại 4 quốc gia. Những thiết bị cảm biến (giá chỉ 35 USD) đo lường nhiệt độ, độ ẩm cũng như kích thước các phân tử trong không khí.

Lemayian đánh giá: "Biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng và đang diễn ra ở châu Phi. Chúng tôi cho rằng phụ nữ và trẻ em chính là những đối tượng bị tác động mạnh nhất. Ví dụ như những bà mẹ muốn biết chất lượng không khí gần nhà mình như thế nào để chăm sóc sức khỏe con nhỏ một cách tốt hơn".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.