Đừng gọi cá heo là “sát thủ vô cảm”!
- Sử dụng cá heo điều trị cho binh sỹ mắc chứng rối loạn chấn thương tâm lý
- Cá heo sinh bệnh do... khủng hoảng tâm lý?
Những con vật thông minh và biết tỏ lòng... trắc ẩn
Tại Murmansk ở miền bắc nước Nga và Sevastopol ở bán đảo Crimea tồn tại 2 trung tâm bí mật huấn luyện động vật biển - Viện Sinh học Biển Murmansk và Công viên Đại dương Sevastopol. Tháng 8-2016, quân đội Nga mua được 5 con cá heo mũi chai (bottlenose dolphin) gồm 2 con cái và 3 con đực trong khoảng 3 đến 5 tuổi, dài từ 2,3 đến 2,7 mét, với giá 350.000 ruble (khoảng 6.150 USD) mỗi con.
Tuy Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ mục đích mua 5 con cá heo này song giới báo chí Nga nhìn nhận sự việc này theo hướng hải quân Nga có ý định tái khởi động chương trình huấn luyện cá heo chiến đấu.
Loài cá heo đã có “thâm niên” phục vụ trong quân đội Nga bắt đầu từ năm 1915. Khi đó, nghệ sĩ dạy thú nổi tiếng Vladimir Durov đã đệ trình lên Bộ Tổng Tham mưu Hải quân Nga phương án sử dụng hải cẩu để vô hiệu hóa ngư lôi.
Cá heo được quân đội Nga huấn luyện chiến đấu. |
Bộ Chiến tranh Nga khi đó quan tâm đến lời đề nghị và 20 con vật đã được huấn luyện trong suốt 3 tháng trời tại vịnh Balaklava ở biển Đen. Trong thời gian huấn luyện, chúng dễ dàng phát hiện dưới nước những quả mìn đối hạm và đánh dấu bằng những vật chuyên dụng. Thế nhưng, việc sử dụng hải cẩu trong các điều kiện chiến đấu đã không đạt yêu cầu.
Người Đức lo ngại trước sự xuất hiện của những biệt đội khác thường này và một hôm, vào ban đêm, tất cả mọi “lính công binh biển” này đều đã bị đầu độc. Tình báo quân đội bắt đầu điều tra tội ác đen tối này nhưng thật đáng tiếc, đã không đạt kết quả và vụ án cái chết của những “chiến sĩ hải cẩu” đã phải khép lại sau khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra. Tuy nhiên, thật không may, phần lớn tài liệu bí mật về công tác huấn luyện hải cẩu đã bị tiêu hủy.
Việc huấn luyện “cá heo và hải cẩu đặc công” được khôi phục lại vào năm 1967 cùng với việc khai trương thủy cung tại Sevastopol và thành lập trung tâm huấn luyện cá heo Sevastopol. Tuy mang tên gọi như thế nhưng thực chất là trung tâm này huấn luyện cả cá heo và các động vật biển khác như hải cẩu, sư tử biển... để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt dưới biển.
Theo tiết lộ từ Gennady Matishov, sĩ quan tham mưu Trung tâm Khoa học miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, mục đích chính của những chương trình huấn luyện đặc biệt này là để bảo vệ căn cứ hải quân chống người nhái xâm nhập phá hoại. Ví dụ, khi phát hiện kẻ xâm nhập, cá heo sẽ lập tức gửi tín hiệu đến trạm giám sát bờ biển để nhận lệnh tiêu diệt hoặc bắt giữ kẻ thù. Ngoài ra, đơn vị đặc nhiệm động vật biển cũng được huấn luyện dò tìm ngư lôi, mìn cũng như chất nổ ở dưới độ sâu 120 mét.
Chuyên gia Valentin Smirnov cho biết, trong những lần thử nghiệm hệ thống chống tàu ngầm Medvedka hồi thập niên 1980, các nhà thiết kế đã làm thất lạc một quả ngư lôi. Người nhái không thể định vị được quả ngư lôi giữa đống rác khổng lồ dưới nước. Sau đó, một thủy thủ đề nghị gọi trợ giúp từ công viên đại dương. Nhiều người khi nghe đề nghị này đã phá lên cười. Nhưng rồi tình huống không tháo gỡ được buộc các nhà thiết kế đi đến quyết định đồng ý.
Hết sức ngạc nhiên, một con cá heo nhanh chóng tìm ra được quả ngư lôi chìm dưới nước chỉ trong vài phút! Từ đó, những con cá heo mũi chai được tập trung huấn luyện để trở thành đơn vị đặc nhiệm thực hiện những sứ mệnh quân sự. Những chú cá heo đặc công có thể phát hiện đối tượng ở độ sâu 120 mét và thậm chí chúng còn được huấn luyện để có thể... nhảy dù từ máy bay trực thăng.
Quá trình huấn luyện chiến đấu của một con cá heo thông thường phải kéo dài trong hai năm. Ban đầu, không chỉ có cá heo mà quân đội còn tập trung huấn luyện cá voi trắng - loài có khả năng định vị bằng tiếng dội của âm thanh. Nếu phát hiện kẻ xâm nhập căn cứ hải quân, cá voi sẽ phát tín hiệu đến người chỉ huy để thả hải cẩu sát thủ tiêu diệt mục tiêu.
Huấn luyện cá heo ở Sevastopol. Ảnh: AVIVAS.RU. |
Đại tá về hưu Viktor Baranets, từng chịu trách nghiệm chương trình huấn luyện cá heo cho quân đội thời Liên Xô và hậu Liên Xô, cho hay: “Cá heo từng là một phần trong cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ thời Chiến tranh lạnh”.
Ông Baranets cho biết thêm cá heo chiến đấu thời Liên Xô được huấn luyện để cài bom lên thân tàu địch và biết cách dò tìm xác tàu dưới lòng biển Đen. Tuy nhiên, hải cẩu là sự lựa chọn hiệu quả hơn cho việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nga. Ngay cả sau 1 năm huấn luyện, hải cẩu vẫn ghi nhớ đầy đủ những mệnh lệnh đã được dạy.
Trong một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, loài hải cẩu xám có râu và hải cẩu vùng Greenland có khả năng dò mìn hoặc lấy đồ vật từ vùng nước sâu. Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu sinh học biển Murmansk cho thấy, ưu điểm của hải cẩu là phát hiện mìn cũng như nâng các vật thể ở vùng nước sâu.
Ngoài ra, hải cẩu có thể "giao tiếp" với thợ lặn, vận chuyển đồ đạc hoặc công cụ cho họ. Nó còn phân biệt được thợ lặn mà mình đang "hợp tác" với người lạ. Bộ Quốc phòng Nga trong năm 2016 đã mua thêm 5 con hải cẩu xám lứa tuổi từ 3 đến 5 để tăng cường quân số cho lực lượng này.
Ông Lev Mukhametov, người cai quản một nhóm cá heo ở Viện Nghiên cứu khoa học các vấn đề sinh thái và tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, kể: “Tôi đã có mặt tại các buổi huấn luyện khi cá heo thực tập tìm kiếm kẻ địch ở Sevastopol. Lối vào cảng ở đó rất hẹp, chỉ 700 m. Những con cá heo được đặt bên trong những chiếc lồng nằm trên bờ. Nhờ vào sóng siêu âm tự nhiên của mình, thậm chí khi đang trong chuồng khóa kín, những con cá heo vẫn có khả năng nhận thấy bất kỳ vật thể lạ nào bên dưới mặt nước ở khoảng cách nửa cây số.
Sau khi phát hiện vật thể bơi dưới nước, chúng ấn vào một bàn đạp chuyên biệt; ngay tức khắc, một tên lửa bắn vọt lên và tín hiệu báo động vang lên. Sau đó, con vật dựng đứng lên, mũi hướng về vị trí của “vị khách không mời”. Kế tiếp, cá heo ấn vào một bàn đạp khác và cửa lồng mở tung ra; nó lao đến kẻ địch và vô hiệu hóa kẻ xâm phạm”.
Ông Mukhametov nói thêm: “Chúng tôi không dạy cá heo ở Sevastopol giết người. Nếu không, có thể một lúc nào đó chúng sẽ tấn công cả người phe ta. Vì thế, để đạt được mục đích khống chế kẻ địch, chúng chỉ giật cặp chân nhái, mặt nạ của người nhái đối phương và đẩy anh ta lên mặt nước. Lúc đó, một chiếc ca nô tốc hành rời khỏi bờ để tóm gọn gã người nhái không may mắn”.
Tuy nhiên, trong kho vũ khí của các biệt đội này vẫn có các phương tiện chiến đấu sát thương, như dao, kim tẩm chất độc và cả súng - được gắn vào mũi cá và hoạt động khi va chạm. Thế nhưng, như thực tế cho thấy, sau cuộc tấn công với kết cục chết người, các chiến binh cá heo thường trải qua tình trạng stress nặng nề và chúng thường ngầm làm hỏng các mệnh lệnh tiếp theo.
Như thế, các câu chuyện huyền thoại về thiện ý của cá heo đối với con người đã xuất hiện chẳng phải là do ngẫu nhiên mà có. Vì thế, cả các chuyên gia Liên Xô cũng như Mỹ đều đã cố gắng không đẩy sự việc đến tận cùng. Trong khi đó, sư tử biển và hải cẩu lại khác hẳn, chúng chẳng hề ngần ngại đâm những mũi kim tẩm thuốc độc vào con người.
Lớp tân binh cừ khôi
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, chương trình huấn luyện động vật biển bị xếp xó. Từ khi Crimea sáp nhập vào liên bang Nga, hải quân Nga đã tiếp quản Trung tâm huấn luyện cá heo từ hải quân Ukraine - vốn đã ngừng hoạt động vì thiếu vốn đầu tư và không được quan tâm. Gennady Matishov nhớ lại một tai nạn thú vị xảy ra trong cuộc diễn tập chống phá hoại đầu tiên ở căn cứ Hạm đội phương Bắc của Nga.
Ông kể: “Đội biệt kích hải quân nhận lệnh xâm nhập căn cứ tàu ngầm và gài mìn phá hủy tàu chiến. Nhưng chúng tôi không hề nhận được thông báo sẽ có đội đặc nhiệm hải cẩu sát thủ tham gia. Chỉ vài phút sau khi những con hải cẩu được thả ra khổi lồng nhốt để thực hiện sứ mạng chống người nhái phá hoại, đội biệt kích hoảng sợ liền trồi lên mặt nước để bảo toàn tính mạng”.
Matishov cũng đề cập đến bản năng của động vật: “Dù sao thì chúng cũng là động vật. Cho nên bất cứ lúc nào một con hải cẩu đực phát hiện con cái thì không ai có thể bảo đảm rằng nó sẽ quay trở về căn cứ”.
Hải cẩu được huấn luyện tấn công mục tiêu tại Baikal Seal Aquarium, thành phố Irkutsk ở Siberia. |
Năm 2000, Nga bán 27 động vật biển đã qua huấn luyện cho quân đội Iran, trong đó bao gồm không chỉ cá heo mà còn có cá voi trắng, hải tượng và sư tử biển. Từ năm 2014, các kỹ sư Nga đã nghiên cứu phát triển thiết bị mới để sử dụng cá heo dưới nước hiệu quả hơn nữa. Động vật có vú dưới biển sẽ giúp đỡ trong việc tìm kiếm các đối tượng bị chìm, thiết bị quân sự và phát hiện người nhái của đối phương.
Đàn động vật dưới nước này đôi khi còn tham gia các cuộc diễn tập cùng thợ lặn của Bộ Các tình huống khẩn cấp tìm kiếm của các đối tượng và đạn dược bị chìm. Thủy cung quốc gia Sevastopol cũng tiếp nhận đàn cá heo đã bảo vệ Thế vận hội Olympic mùa đông 2014 tại thành phố Sochi của Nga.
Kênh truyền hình TV Zvezda trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga trong năm 2016 đã thực hiện một phóng sự hé lộ về kế hoạch sử dụng cá voi trắng, hải cẩu để giúp họ canh gác ở lối vào căn cứ quân sự ở Bắc Cực đồng thời tiêu diệt những kẻ dám đột nhập. Mặc khác, cá voi trắng hiện cũng đang được đào tạo để hỗ trợ các thợ lặn ở vùng nước sâu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nga, cá voi trắng sở hữu sóng âm phản xạ có độ nhạy cao. Tuy nhiên, độ tin cậy của cá voi trắng trong các hoạt động quân sự trên thực tế không cao bằng hải cẩu. TV Zvezda cho biết, cá voi trắng có thể làm nhiệm vụ tại các căn cứ hải quân nhưng chúng dễ bị bệnh khi bơi lội trong vùng nước lạnh giá.
Trong thập niên 1960, Mỹ cũng tồn tại chương trình huấn luyện động vật biển tuyệt mật. Từng có nhà khoa học Mỹ bị khép tội đánh cắp tài sản của chính phủ và tiết lộ bí mật quân sự khi “tự tiện” thả một chú cá heo ra đại dương để nghiên cứu, thử nghiệm ý tưởng biến chú cá này thành “thủy lôi sống”.
Năm 2005, một tờ báo Anh cũng từng đưa tin có vài chú cá heo quân sự của Mỹ đã bị mất tích ở vịnh Mexico trong trận siêu bão Katrina. Sau khi Iran đe dọa đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz năm 2012 làm dấy lên lo ngại về khả năng đụng độ quân sự giữa Mỹ và nước cộng hòa Hồi giáo, Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu Tim Keating tuyên bố rằng, cá heo quân sự của Mỹ có thể được triển khai tới Vùng Vịnh để phát hiện mìn và thủy lôi.
Khoảng giữa tháng 4-2014, Mỹ cũng tiết lộ kế hoạch đưa khoảng 20 con cá heo và 10 con sư tử biển đến biển Đen để tham gia diễn tập quân sự cùng NATO trong 1-2 tuần.
Theo lời phát ngôn viên Tom LaPuzza của Chương trình động vật biển thuộc Hải quân Mỹ, trong thời gian ở biển Đen, cá heo Mỹ đã qua kiểm tra bài học chống radar làm đánh lạc hướng hệ thống thông tin liên lạc dưới mặt nước của đối phương trong khi sư tử biển sẽ làm công việc của thợ lặn hải quân và tìm kiếm thủy lôi.