Dùng huyết tương chế thuốc điều trị COVID-19
- Mỹ phê chuẩn phương pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương
- Truyền đến 96 đơn vị huyết tương để cứu bệnh nhân nguy kịch
- Kêu gọi người đã khỏi bệnh COVID-19 hiến huyết tương
Và mặc dù được kỳ vọng là hiệu quả nhưng không phải ai cũng có thể hiến và nhận loại "thuốc" đặc biệt này…
Lịch sử dùng huyết tương chữa bệnh
Năm 1934, trước việc một ổ dịch sởi đang có dấu hiệu lan tràn tại một trường tiểu học ở bang Pennsylvania, Mỹ, bác sĩ J. Roswell Gallagher đã thử áp dụng một phương pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tử vong cho hàng trăm học sinh.
Bằng cách lấy máu của một em nhiễm sởi rồi chiết xuất huyết tương, bác sĩ J. Roswell Gallagher tiêm loại huyết tương này cho 62 em học sinh khác có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm. Kết quả chỉ có 3 học sinh mắc bệnh nhưng đều ở thể nhẹ còn 59 em kia bình thường.
Một bệnh nhân được chữa lành COVID-19 tình nguyện hiến máu để tách lấy huyết tương. |
Về mặt khoa học, phương pháp tiêm huyết tương của bác sĩ J. Roswell Gallagher không phải là mới bởi lẽ năm 1901, giải Nobel Y, Sinh học đã được trao cho Tiến sĩ Emil von Behring trong việc phát triển cách chữa bệnh bạch hầu, là loại bệnh nhiễm trùng do một chủng vi khuẩn gây tử vong rất cao, cả ở người lớn lẫn trẻ em.
Năm 1886, bằng cách lấy độc tố bạch hầu tiêm cho người lành rồi sau một số ngày nhất định, khi cơ thể của người được tiêm độc tố đã sản sinh ra kháng thể, Tiến sĩ Emil von Behring lấy huyết tương của người ấy tiêm cho người có nguy cơ lây nhiễm. Bước điều trị đột phá của Tiến sĩ Emil von Behring đã mở đường cho các nghiên cứu về phương pháp chữa bệnh bằng huyết tương về sau này.
Tuy nhiên, huyết tương kháng độc tố của Tiến sĩ Emil von Behring không phải là vắc-xin, nhưng nó là thí dụ sớm nhất về phương pháp điều trị, gọi là "convalescent plasma - huyết tương dưỡng bệnh", hiện được xem như một trong những phương pháp tiềm năng cho những người mắc phải Hội chứng suy hô hấp cấp COVID-19.
Giáo sư Warner Greene, giám đốc Trung tâm nghiên cứu HIV Cure tại Viện Gladstone nói: "Khác với vắc-xin, convalescent plasma tương tác với hệ thống miễn dịch theo cách của nó. Khi một người được tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch trong cơ thể họ sẽ sản xuất ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ tiêu diệt mầm bệnh nếu họ bị lây nhiễm trong tương lai. Chúng tôi gọi đó là khả năng miễn dịch chủ động".
Riêng với convalescent plasma, vẫn theo Giáo sư Warner Greene, nó gọi là "miễn dịch thụ động" bởi lẽ khi tiêm huyết tương, cơ thể của người được tiêm không tạo ra các kháng thể của riêng mình, mà "vay mượn" từ người đã khỏi bệnh.
Giáo sư Warner Greene nói: "Nếu vắc-xin có thể bảo vệ người được tiêm đến suốt cuộc đời thì với convalescent plasma, do các kháng thể vay mượn nên sau một thời gian, chúng sẽ suy giảm, dẫn đến kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí người được tiêm huyết tương vẫn có thể tử vong. Convalescent plasma là sự tàn nhẫn của các liệu pháp miễn dịch, nhưng nó có hiệu quả".
Trở lại với huyết tương của Tiến sĩ Emil von Behring, nghiên cứu của ông đã được phổ biến trên toàn thế giới trong việc điều trị dịch bạch hầu xảy ra năm 1895. Nối gót Behring, những thế hệ tiếp theo đã áp dụng kỹ thuật miễn dịch thụ động để chữa bệnh sởi, quai bị, bại liệt và cúm.
Trong đại dịch cúm bùng phát năm 1918, được gọi là "cúm Tây Ban Nha", tỷ lệ tử vong của bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương giảm một nửa so với những người không tiêm huyết tương. Các khảo sát cho thấy liệu pháp huyết tương đặc biệt hiệu quả bởi lẽ bệnh nhân nhận được kháng thể ngay trong những ngày đầu nhiễm bệnh, giúp cơ thể bảo tồn được những bộ phận quan trọng trước khi hệ thống miễn dịch của họ kích hoạt.
Trong những năm 1940 và 1950, sự ra đời của thuốc kháng sinh và vắc-xin đã thay thế việc sử dụng convalescent plasma để điều trị nhiều đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Đến cuộc chiến tranh Triều Tiên, phương pháp tiêm huyết tương cổ xưa một lần nữa lại trở nên hữu ích khi hàng nghìn lính Mỹ bị sốt xuất huyết. Do không một phương pháp điều trị nào có sẵn, các bác sĩ quân y Mỹ quyết định sử dụng huyết tương.
Nhờ vậy, hàng nghìn người đã thoát khỏi tay thần chết. Tuy nhiên, một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất của convalescent plasma là huyết tương chống nọc rắn độc (gọi là Antivenom). Bằng cách tiêm một lượng nhỏ nọc rắn vào loài ngựa để hệ thống miễn dịch của ngựa sản xuất kháng thể trung hòa chất độc. Sau đó, huyết tương chứa kháng thể được cô lập, làm cho tinh khiết, chuyển đến những nơi cần dùng.
Huyết tương thật sự có hiệu quả không?
Đến cuối thế kỷ 20, convalescent plasma lại được triển khai nhằm chống lại sự bùng phát của dịch MERS, Sars và Ebola. Khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu lây lan khắp toàn cầu thì giữa tháng 3/2020, các bác sĩ tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ, đã bắt đầu tiến hành liệu pháp điều trị bằng huyết tương trong khi chờ đợi sự ra đời của những loại vắc-xin có hiệu quả vĩnh viễn.
Lấy máu của một tình nguyện trên xe hiến máu lưu động ở Trung Quốc. |
Nhà miễn dịch học Arturo Casadevall cho biết lợi thế của convalescent plasma là nó có thể lấy từ bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi bằng công nghệ tách plasma, thường được sử dụng tại các ngân hàng máu.
Một nghiên cứu quy mô lớn do Bệnh viện Mayo Clinic, Mỹ, thực hiện trên 35.322 bệnh nhân COVID-19, nhập viện từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 7-2020, trong đó 20% là người Mỹ gốc Phi, 35% là người gốc Tây Ban Nha và 5% là người châu Á. 27,5% phải thở máy, 1/3 trong số này trên 70 tuổi, 60% là nam giới và 71% nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
4 giờ sau khi tiêm truyền huyết tương cho 146 bệnh nhân đầu tiên, có 63 trường hợp tử vong. Trong số các trường hợp tử vong, 13 người được xác định là có liên quan đến convalescent plasma, 26 người phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Kết thúc thử nghiệm, Mayo Clinic ghi nhận so với những người được điều trị bằng các kỹ thuật thông thường có tỷ lệ tử vong sau 7 ngày là 11,9%, còn những người được tiêm huyết tương thì tỷ lệ tử vong cũng sau 7 ngày chỉ là 3,6%.
Trong bản báo cáo, các bác sĩ trực tiếp điều trị viết: "Việc phát hiện sự đáp ứng liều lượng kháng thể dẫn đến tỉ lệ tử vong giảm đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng kháng thể đặc hiệu là tác nhân tích cực trong huyết tương điều trị COVID-19. Tất cả các dữ liệu đều được xem xét một cách tổng thể, chứng minh rằng chất lượng và cách thức sử dụng huyết tương cho bệnh nhân COVID-19 có thể làm giảm con số chết người".
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện tại Bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York từ ngày 24/3/2020 đến ngày 8/4/2020 dưới sự giám sát của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) với 39 bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng convalescent plasma cùng một nhóm bệnh nhân COVID-19 đối chứng, chỉ điều trị bằng các biện pháp thông thường.
Độ tuổi trung bình của những người được tiêm convalescent plasma và không tiêm là 55. Tại thời điểm tiêm convalescent plasma, có 34 người phải thở oxy và 4 người phải thở máy không xâm lấn, đến ngày thứ 14, tình trạng lâm sàng xấu đi ở 8% bệnh nhân điều trị convalescent plasma và 24% bệnh nhân đối chứng. Ngày 1/5/2020, 3% bệnh nhân tiêm convalescent plasma và 24% bệnh nhân đối chứng chết, 97% bệnh nhân tiêm convalescent plasma và 76% bệnh nhân đối chứng được chữa lành và xuất viện.
Sau nghiên cứu này và nghiên cứu của Mayo Clinic, FDA đã đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng convalescent plasma trong điều trị COVID-19 thông qua các ứng dụng cho từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, FDA cũng đã phê duyệt một chương trình tiếp cận mở rộng quốc gia, sử dụng convalescent plasma điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Các bác sĩ lâm sàng có thể tham khảo trang web convalescent plasma COVID-19 để biết thêm thông tin cụ thể về chương trình cùng các thử nghiệm khác đánh giá convalescent plasma. Những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục hoàn toàn sau hơn 2 tuần, quan tâm đến việc hiến tặng huyết tương có thể liên hệ với trung tâm thu thập huyết tương tại địa phương họ hoặc của FDA.
Huyết tương tác dụng trong trường hợp nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, việc sử dụng huyết tương người khỏi bệnh để điều trị cho người nhiễm bệnh là phương pháp đã có từ xa xưa, hiện đang được xem xét, đánh giá như một liệu pháp đầy tiềm năng khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp toàn cầu. Tuy nhiên, việc lấy máu để tách huyết tương chỉ nên thực hiện ở các trung tâm huyết học lớn, có các chuyên gia hàng đầu, đủ điều kiện vì không phải bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào đã được chữa lành cũng có thể hiến máu để tách lấy huyết tương.
Bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ được truyền huyết tương của người đã chữa lành. |
Với những người đủ điều kiện hiến máu để tách lấy huyết tương phải là người đã từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh. Sau khi xuất viện đủ 14 ngày, xét nghiệm lại vẫn âm tính, độ tuổi từ 18-65, nam cân nặng trên 50kg, nữ trên 45kg.
Tất cả đều phải được xét nghiệm các bệnh lây truyền như giang mai, HIV, viêm gan B, C..., để đảm bảo nguồn huyết tương sạch khi tiêm cho bệnh nhân. Với người nhận huyết tương, họ là bệnh nhân COVID-19 ở thể trung bình hoặc nặng, hoặc rất nặng, được xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR.
Cho đến nay, ngoài Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Brazil, Mexico… cùng nhiều nước khác ở châu Phi, Mỹ Latin, vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cũng như sử dụng phương pháp convalescent plasma trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Lượng máu mà những người tình nguyện hiến tặng sẽ được tách ra, chỉ để lấy 600ml huyết tương còn người hiến máu sẽ được bù bằng huyết thanh sinh lý nhằm bảo đảm sức khỏe của họ.
Ở Việt Nam, một trong những người hưởng ứng lời kêu gọi này là bà Kelly Michelle Koch (bệnh nhân số 83) đã sống ở Hà Nội 7 năm. Sau kỳ nghỉ ở châu Âu, bà về Việt Nam và phát hiện dương tính với virus SASR-CoV-2. Được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi TP Hồ Chí Minh và đã khỏi bệnh, theo lời kêu gọi của Bộ Y tế, bà Kelly Michelle Koch bay từ TP Hồ Chí Minh ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tình nguyện hiến huyết tương.
Bà nói: "Đã từng là bệnh nhân COVID-19, tôi biết rằng không phải ai cũng may mắn như tôi. Tôi rất cảm ơn những gì mà Chính phủ và các bác sĩ Việt Nam đã làm cho tôi nên tôi nghĩ đây là cơ hội để tôi được góp phần giúp đỡ những người khác…".