Dùng nhiều biện pháp để phát hiện ca COVID-19 trong cộng đồng

Thứ Hai, 14/06/2021, 19:06
Tuy các ngành chức năng TP. Hồ Chí Minh khẳng định các chuỗi lây nhiễm cơ bản được khống chế, nhưng hiện nay diễn biến dịch bệnh ngoài cộng đồng hết sức phức tạp, đang ở mức báo động. 

Trả lời phỏng vấn, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã  đưa ra những biện pháp cấp bách cần thực hiện ngay để phát hiện sớm những ca bệnh COVID-19 tại cộng đồng.

PV: Đến thời điểm hiện tại, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trải rộng ở các quận huyện như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn và TP. Thủ Đức. Tất cả các ca nhiễm này đều chưa rõ nguồn lây. Liệu có thể đây sẽ là nguy cơ bùng phát dịch bệnh tiếp theo trong những ngày tới?

TS. BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS. BS Lê Quốc Hùng: Cũng bởi mất dấu F0 nhiều nên có thể người mang chủng bệnh luôn có trong cộng đồng. Những người nhiễm bệnh trong cộng đồng do không biết, đã tiếp xúc gần với nhiều người trên diện rộng hoặc chí ít cũng tiếp xúc với những người thân trong gia đình nên có thể là những ổ dịch mới, rất khó truy vết.

Cũng do khả năng có một số người mang chủng bệnh ngoài cộng đồng nên đối với các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp cần phải hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh do ngành Y tế khuyến cáo như biện pháp 5K, kiểm tra thân nhiệt, nếu phát hiện trường hợp nghi vấn phải đưa ngay đến cơ sở y tế để kiểm tra…

Gần nhất có 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 được phát hiện đang là công nhân trong khu công nghiệp, trong đó một người làm trong Công ty PouYuen với hơn 60.000 lao động ở quận Bình Tân và một người làm trong Công ty Furukawa Automotive Việt Nam với trên 7.000 lao động ở khu chế xuất Tân Thuận. Mặc dù hai trường hợp này được phát hiện nhiễm bệnh khi đã vào khu cách ly, nhưng với cơ chế lây lan nhanh của chủng mới, ngành Y tế đã phải lấy mẫu xét nghiệm đối với trên 7.000 trường hợp, sau đó có thể mở rộng thêm.

PV: Với mức độ nguy hiểm cùng sự lây lan nhanh như vậy thì cần có những giải pháp nào để phát hiện, ngăn chặn người mang chủng bệnh ngoài cộng đồng?

TS. BS Lê Quốc Hùng: Do vòng đời COVID-19 chủng Ấn Độ ngắn, tốc độ lây lan nhanh nên việc phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch đang đi sau và rất khó khống chế. Mặt khác sau khi truy vết, số F1, F2, F3 khá lớn dẫn đến việc cách ly bị quá tải, trở thành gánh nặng cho xã hội và thách thức không nhỏ cho cơ quan chức năng. Vậy nên muốn ngăn chặn người mang chủng bệnh ngoài cộng đồng cần phải có nhiều biện pháp mới.

Bên cạnh việc truy vết, khoanh vùng mà ngành Y tế và các cơ quan chức năng khác đã làm khá tốt thì cần phải triển khai xét nghiệm rộng trong cộng đồng để từ đó phát hiện người mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh. Tuy nhiên thực tế nếu dịch bùng phát mạnh, xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR không kịp với số lượng phát bệnh thì phải chuyển qua test nhanh, nhưng sau đó vẫn phải phết mũi, họng dẫn đến chi phí cao nên cũng cần khuyến cáo người dân tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Vấn đề cách ly, hiện nay có những trường hợp sau cách ly tập trung 14 ngày, nhưng khi trở về gia đình vẫn có thể phát bệnh sau 21 hoặc 28 ngày. Một số khác thì tìm cách trốn khỏi khu cách ly. Chính vì vậy, cần phải canh phòng nghiêm ngặt hơn nữa tại các khu cách ly, đồng thời động viên, tuyên truyền, giáo dục để người bị cách ly hiểu rõ đây là cách làm tốt nhất cho họ, từ đó họ sẽ nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch và sau 14 ngày cách ly tập trung về nhà, họ cũng tự giác cách ly thêm 7 hoặc 14 ngày tiếp theo cho an toàn.

Toàn bộ người dân phường 15, quận Gò Vấp được lấy mẫu xét nghiệm.

Tổng hòa các cách cho thấy trong tình hình thực tế phải thực hiện cách ly xã hội theo từng bộ phận khác nhau, nhưng chỉ cách ly nhỏ chứ không cách ly một phường, một quận chỉ vì một hai ca bệnh nhằm đảm bảo ổn định đời sống người dân.

Có rất nhiều giải pháp, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là sự hiểu biết, tính tự giác trong phòng chống dịch bệnh của người dân và đặc biệt là vaccine bởi phải tiêm được từ 70-80% dân số mới đảm bảo dập dịch được. Có thể có trường hợp người được tiêm vaccine rồi bị nhiễm trở lại, nhưng nhờ tạo được kháng thể nên dù có tái nhiễm cũng chỉ ở dạng nhẹ như nóng sốt, rất dễ điều trị, không có nguy cơ tử vong.

Chính vì vậy, nếu người dân được tiêm vaccine đại trà thì sẽ rất ổn bởi lúc đó ngành Y tế chỉ còn phải tập trung chữa trị cho những trường hợp nặng và từ đó sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh

Thời gian qua cho thấy, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, Nhà nước và ngành Y tế cũng đã cố gắng tìm nguồn vaccine tốt nhất, đạt hiệu quả từ 70-90%. Do những nhà cung cấp không đưa ra số lượng và thời hạn giao cụ thể nên trong tình trạng cấp bách như hiện nay Nhà nước và ngành Y tế buộc phải mở rộng thêm nguồn Vaccine tuy có hiệu quả thấp hơn (chỉ trên 50%), nhưng nếu được tiêm sẽ làm giảm lây lan, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội và tạo điều kiện tốt để ngành Y tế tập trung điều trị những ca bệnh nặng.

PV: Xin cảm ơn TS. BS Lê Quốc Hùng!

Đức Cương (Thực hiện)
.
.