Đừng xem thường viễn cảnh “ô nhiễm rác thải nhựa”

Thứ Ba, 15/08/2017, 18:14
Trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm gia dụng, chất liệu nhựa được từ nhà thiết kế, nhà sản xuất đến người tiêu dùng ưa thích vì tính năng đa dạng trong mẫu mã, lại bền, đẹp và… giá thành rẻ. Sau khi đáp ứng đủ loại nhu cầu sử dụng, nhựa lại biến thành một trong những loại rác thải phổ biến nhất hành tinh.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo: hàng triệu tấn hạt vi nhựa (Microbeads) nhỏ li ti từ túi nilon, chai lọ và quần áo lơ lửng trong không khí, trong các đại đương đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người và hệ sinh thái. Ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn đề nóng trên toàn thế giới hiện nay khi cơ thể con người đang ngày càng bị nhựa "xâm lấn". Trong tương lai "ô nhiễm nhựa" sẽ trở thành thảm họa toàn cầu, nếu như con người vẫn không có những biện pháp cụ thể ngăn chặn dòng chảy ồ ạt của rác thải từ nhựa.

Hơn 9 tỉ tấn rác thải nhựa tuôn ra các đại dương

Một số loại rác thải cần tới hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm để phân hủy, trong đó, rác thải từ nhựa là loại rác đòi hỏi  thời gian phân hủy dài lâu. Một mẫu nhựa thông thường cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Các chuyên gia cho biết ngành công nghiệp sản xuất nhựa đang không ngừng phát triển trong những năm gần đây.

Ước tính mỗi năm, trên toàn thế giới sản xuất ra khoảng 300 triệu tấn sản phẩm từ nhựa. Từ năm 2006 - 2016, số lượng nhựa sản xuất trên thế giới đã tăng 38%, đi kèm với nó là gánh nặng xử lý các chất thải nhựa; hàng nghìn tỉ hạt nhựa nhỏ li ti lọt qua hệ thống xử lý rác thải, đổ ra sông ngòi, ao hồ, chảy ra các đại dương, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái sông, biển. Các nhà khoa học Anh cảnh báo, khả năng khó phân hủy và số lượng quá lớn rác thải nhựa sẽ khiến cho kỷ nguyên về địa chất trên Trái Đất chấm dứt, bước sang một trang mới hoàn toàn.

Một trong những nguyên nhân khiến chất thải nhựa tràn ngập trên biển là do ý thức con người.

Còn theo thống kê của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), mỗi năm có hơn 6,4 triệu tấn rác thải bị tống xuống biển, trong đó từ 60% đến 80% là chất dẻo, và 70% số rác này bị chìm xuống đáy biển. Bằng số lượng rác khổng lồ này, con người đang gián tiếp đầu độc biển cả. Dòng rác thải liên tục đổ ra biển và đang dần biến những đại dương xanh thẳm thành vùng biển chết khi hàng triệu sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, kể từ những năm 1950 cho tới nay, con người đã thải ra đại dương khoảng 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa. Còn theo một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, mỗi năm các đại dương trên thế giới đang phải hứng chịu từ 8 đến 9 triệu tấn rác thải nhựa. Có tới hơn phân nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Trong nhóm các quốc gia phát triển thì chỉ có Mỹ là nằm trong top 20 với khoảng 77.000 tấn, tương đương gần 1% tổng số rác thải nhựa đổ ra biển.

Theo số liệu của Chương trình Môi trường LHQ, trên mỗi km vuông đáy biển có tới 13.000 mảnh túi nhựa. Khoảng 80% rác thải dưới đáy biển có nguồn gốc từ đất liền. Báo cáo cho biết, các túi đựng thức ăn, đồ uống, bao thuốc lá, đồ hộp, lưới đánh cá… là những loại rác từ nhựa "phổ biến" nhất dưới đáy biển, tạo hiểm họa to lớn cho môi trường và sinh vật biển khi chúng "nuốt" phải thứ "thức ăn" ngoài ý muốn này. Ngoài ra, rác thải nhựa còn là nơi ký sinh của các sinh vật lạ.

Hiện tổ chức này đã có nhiều báo cáo về việc sinh vật biển khi "tiêu thụ" các chất dẻo độc hại thường tồn tại dưới dạng các mảnh vỡ nhỏ có đường kính chưa tới 5mm. Các mảnh vỡ này theo các dòng hải lưu có thể di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật phù du, sau đó chuyển hóa thành hóa chất độc hại trong thức ăn của con người. Vì sao?

Rùa biển nuốt phải rác nhựa có thể bị tắc đường tiêu hóa.

Khoảng 267 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng bởi các loại rác thải nhựa, trong đó một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chỉ qua khảo sát tại vùng biển Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha, người ta nhận thấy 75% số cá thể rùa biển nuốt phải rác nhựa, có thể làm tắc đường tiêu hóa của chúng và làm chúng chết.

Những đồ phế thải bằng chất dẻo không bị phân hủy về mặt sinh học là nguyên nhân gây nên cái chết của hơn một triệu con chim biển trong một năm và hơn 100.000 cá thể động vật có vú ở biển. Tổ chức Hòa bình xanh cảnh báo, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chỉ trong khoảng 1 thập niên nữa, nhiều sinh vật của đại dương sẽ "mất tích".

Nhựa đã được tìm thấy dưới đáy đại dương, nơi hải đảo xa xôi, bị chôn vùi dưới lòng đất tại các bãi chôn lấp và thậm chí cả ở vùng cực Nam, vốn được coi là vùng hoang sơ trước năm 2014. Có thể nói, rác thải nhựa đã "du hành" khắp hành tinh. GS. Jan Zalasiewicz - Đại học Leicester, Anh cho biết: "Trái Đất của chúng ta đang phải chịu tải 5 tỷ tấn nhựa rác thải, gây ô nhiễm nguồn sinh vật biển, len lỏi vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Có rất nhiều loại hải sản đang sinh sống có nhựa trong cơ thể. Khi con người ăn những loại hải sản này, nguy cơ mắc bệnh tật do nhiễm phải các hóa chất độc hại, các loại phụ gia trong nhựa là khó có thể tránh khỏi".

Theo đó, những hạt nhựa này xâm nhập vào sinh-động vật biển và tồn dư trong cơ thể chúng. Khi con người tiêu thụ hải sản, những hạt nhựa này sẽ đi vào cơ thể, gây bệnh cho con người. Một chuyên gia đưa ra ví dụ: nếu ăn 0,5kg hàu được đánh bắt từ vùng biển đang ô nhiễm vì rác thải nhựa, bạn sẽ nạp vào người 50 hạt nhựa nhỏ li ti.

Trong tháng 6 vừa qua, Algalita Marine Research and Education Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ đại dương có trụ sở tại Long Beach, California (Mỹ) vừa hoàn thành dự án đánh giá tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Nam Thái Bình Dương trong sáu tháng và công bố những kết quả đáng lo ngại.

Trang Popsci dẫn lời phát biểu của ông Charles Moore, nhà sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu của tổ chức nàycho biết, ông nhận thấy các vùng biển thuộc vòng xoáy ở Nam Thái Bình Dương, một khu vực ở rất xa xôi, bắt đầu tính từ khoảng cách 3.800 hải lý về phía đông của châu Mỹ Latinh, hiện đang dày đặc rác thải nhựa. Ông Moore ước tính đảo rác thải nhựa mới phát hiện ở Nam Thái Bình Dương có thể bao phủ một diện tích khoảng 1 triệu km2, lớn gấp 1,5 lần diện tích bang Texas của Mỹ.

Những giải pháp khả thi

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể chỉ rõ tác hại của loại hạt nhựa này khi đi vào cơ thể của con người, nhưng theo báo cáo Dự án môi trường của LHQ, có tới hơn 1/4 số cá đánh bắt được bán ở các chợ thủy-hải sản ở Indonesia và California - Mỹ có chứa nhựa trong ruột. Các nhà khoa học lo ngại rằng, hóa chất trong sản xuất nhựa có thể gây ngộ độc, rối loạn di truyền đối với các sinh vật biển và cũng sẽ có tác động tương tự đối với con người nếu ăn nhiều hải sản.

Ảnh mô phỏng hàng rào cao su thu gom rác nhựa trôi nổi trên Thái Bình Dương. Ảnh: Ocean Cleanup.

Trước đó, từng có nghiên cứu cho thấy hít thở các hạt vi nhựa lơ lửng trong không khí cũng độc hại không khác gì khói thải từ các phương tiện giao thông. Thống kê cho thấy khu vực biển Đông Á, Thái Bình Dương là một trong những nơi có nồng độ hạt vi nhựa cao nhất thế giới, đặc biệt khu vực xung quanh Nhật Bản có mức ô nhiễm cao hơn gần 27 lần so với mức trung bình của thế giới.

Đứng trước những hiểm họa đang xâm hại nghiêm trọng tới đời sống sinh vật biển, LHQ đã nỗ lực kêu gọi cộng đồng các nước nâng cao nhận thức của xã hội về những nguy hại của việc thải rác ra biển, đồng thời yêu cầu các nước tích cực thu gom rác nhựa thông qua hệ thống tín dụng bắt buộc; theo đó, người xả thải các phế phẩm từ nhựa phải trả phí cao. Điển hình là các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Na Uy đã áp dụng thành công hệ thống này và kết quả có tới 95% rác thải nhựa đã được thu gom và tái chế.

Theo nhận định của Tổ chức Ocean Conservancy và McKinsey, nếu các quốc gia đang dẫn đầu về việc xả rác thải nhựa ra biển bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, các nước này có thể giảm được tới 65% lượng rác thải trước năm 2025, từ đó làm giảm tới 45% tổng lượng rác thải toàn cầu bằng các biện pháp mở rộng mạng lưới thu gom rác, giảm thiểu việc rò rỉ từ các bãi rác, đốt rác để sản xuất điện và sau cùng là xây dựng các cơ sở tái chế.

Còn theo người đứng đầu Tổ chức AMRF (một tổ chức tập hợp các nhà sinh thái học trên thế giới), trước hết loài người cần phải từ bỏ việc sản xuất các sản phẩm có hại như vậy. Một số nước như Australia, Bangladesh, Iceland, Italy và Đài Loan đã cấm sử dụng các túi polyetilen hoặc áp dụng những biện pháp nhằm phát triển các công nghệ mới trong việc sản xuất những chất dẻo sạch về mặt sinh thái và được phân hủy về mặt sinh học.

Chẳng hạn người ta đã biết tới công nghệ sản xuất loại polytetilen sinh học trên cơ sở của axit polilactic hoặc từ nguyên liệu ngô biến tính. Những chất dẻo sinh học như vậy do tác động lên men của các vi sinh vật nên có khả năng phân hóa thành chất hỗn hợp gồm nước, cacbon dyoxit và các sinh vật lượng tử.

Peter Ceglinski và Andrew Turton, hai vận động viên lướt ván ở Australia, đã có sáng kiến tạo ra thùng rác nổi Seabin có khả năng tự động thu gom rác thải trên bề mặt đại dương mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài cá.

Cấu trúc của Seabin rất đơn giản: một thùng rác bên trong có gắn túi lưới tách rời, một đường ống dài nối thùng rác với máy bơm đặt trên bờ. Khi máy bơm hoạt động, nước bị hút vào thùng rác kéo theo các vật thể trôi nổi trên mặt nước. Những vật thể lớn như chai nhựa, túi nylon bị giữ lại tại lưới lọc gắn trong thùng. Trong khi đó, dầu mỡ được đưa lên máy bơm và lọc riêng để trả nước sạch trở lại đại dương.

Công ty Boyan Slat từ năm 2014 đã huy động nguồn vốn 31,5 triệu USD cho dự án "Dọn sạch đại dương" (Ocean Cleanup) với thiết kế chuỗi phao cao su lắp đặt thành một hàng rào chắn hình vòng cung dài 100 km ở giữa Thái Bình Dương.

Rác thải theo dòng hải lưu sẽ bị đẩy về phía đỉnh của vòng cung, sau đó được thu gom lại và mang đi tái chế. Một nghiên cứu về tính khả thi của dự án ước tính: Một "hàng rào" như vậy có thể làm sạch rác nhựa tại khu vực đảo rác khổng lồ xuất hiện ở giữa Thái Bình Dương chỉ trong vòng 10 năm, và đề án của Boyan Slat giờ đang được hiện thực hóa.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.