Giải mã hiện tượng liên tục động đất ở Thừa Thiên Huế

Thứ Ba, 29/12/2015, 08:40
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH), cụ thể là 2 huyện A Lưới và Hương Trà liên tục xảy ra những trận động đất. Chỉ riêng những ngày đầu của tháng 12-2015, Tại đây đã xảy ra 4 trận động đất, làm người dân địa phương hết sức lo lắng và hoang mang.

Hiện tượng trên một địa bàn liên tiếp xảy ra động đất vừa qua đã được PGS.TS Cao Đình Triều - chuyên gia về động đất giải thích: Tại khu vực chạy qua tỉnh TTH có một đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy này theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trải dài từ khu vực đất của nước bạn Lào, qua TTH đến Bình Định. Việc động đất liên tiếp xảy ra ở huyện A Lưới và Hương Trà có thể là do đới đứt gãy này tăng cường hoạt động. Trước đây, hiện tượng động đất trên đới đứt gãy này cũng xảy ra nhiều nhưng ở trên lãnh thổ của Lào.

TS Lê Huy Minh - nguyên Phó Viện trưởng viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, đới đứt gãy này sau một thời kỳ yên tĩnh, tích lũy năng lượng, có thể bây giờ bắt đầu giải phóng, dẫn đến hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra.

Còn theo PGS.TS Cao Đình Triều thì không loại trừ khả năng những trận động đất xảy ra ở A Lưới và Hương Trà gần đây là động đất kích thích, chúng giống như chuỗi động đất từng xảy ra ở các xã thuộc huyện miền núi Nam Trà My và Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam năm 2012. Động đất này xảy ra khi có tác động của hồ chứa trên nền đứt gãy hoạt động khiến cho năng lượng tích lũy được giải phóng sớm, gây ra động đất. Động đất kích thích dễ xảy ra nếu các đập chứa có sự thay đổi mức nước cao thấp quá nhanh.

Huyện A Lưới hiện có hồ thủy điện A Lưới tích nước hai năm nay với dung tích hồ chứa 60,2 triệu m3. Do hệ thống trạm quan trắc của Việt Nam còn mỏng nên chưa ghi nhận được chu kỳ hoạt động động đất ở đới đứt gãy này. Dù vậy, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, động đất mạnh nhất ở đới đứt gãy này sẽ là không quá 6 độ Richter.

Thủy điện A Lưới.

Trao đổi với báo giới trước hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới bày tỏ: Mặc dù những trận động đất vừa qua xảy ra trên địa bàn chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, việc liên tiếp xảy ra rung chấn đã khiến người dân sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới hết sức hoang mang, lo lắng… chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền, các nhà khoa học sớm vào cuộc, có kết luận thuyết phục để bà con được yên tâm…

Theo số liệu thống kê thì từ tháng 5-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh TTH đã xảy ra 12 trận động đất với cường độ thấp nhất là 2,2 độ Richter và cao nhất là 4,7 độ Richter. Riêng chỉ từ cuối tháng 3 đến nay tại đây đã xảy ra 8 trận động đất, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện miền núi A Lưới và khu vực giáp ranh giữa huyện A Lưới với thị xã Hương Trà. 

Những trận động đất gần đây nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh TTH là từ ngày 6-12 đến ngày 14-12-2015, cụ thể: Lúc 12 giờ 38 phút 54 giây ngày 6-12, tại khu vực thị xã Hương Trà xảy ra trận động đất có độ lớn 2,5 độ Richter ở vị trí có tọa độ 16,260 độ vĩ Bắc - 107,461 độ kinh Đông.   

Lúc 1 giờ 25 phút ngày 7-12, xảy ra trận động đất có cường độ 2,7 độ Richter tại vị trí có tọa độ 16,151 độ vĩ Bắc - 107,484 độ kinh Đông thuộc khu vực huyện A Lưới.

Lúc 20 giờ 38 phút 25 giây ngày 12-12, xảy ra một trận động đất có độ lớn 2,6 độ Richter tại vị trí có tọa độ 16,279 độ vĩ Bắc - 107,500 độ kinh Đông thuộc khu vực thị xã Hương Trà.

Lúc 11 giờ 46 phút 36 giây ngày 14-12,  tại vị trí có tọa độ 16,109 độ vĩ Bắc - 107,381 độ kinh Đông khu vực huyện A Lưới.  Trận động đất này có độ sâu chấn tiêu khoảng 11km.

Theo TS Lê Huy Minh thì sau trận động đất có cường độ 4,7 độ Richter xảy ra hồi tháng 5-2014, trên địa bàn huyện A Lưới, Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát thực địa với nhận định và đánh giá sơ bộ bước đầu biểu hiện hoạt động động đất của khu vực TTH động đất xảy ra trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới. Đây là đới đứt gãy có biểu hiện hoạt động mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Canh, Khoa Địa lý - Địa chất, Trường đại học Khoa học Huế chuyên nghiên cứu về động đất, cũng đưa ra nhận định: "Động đất ở A Lưới nằm trong chuỗi động đất chung. Với cấu trúc địa chất kiến tạo phức tạp, đứt gãy phân cách nhiều, địa hình miền núi phức tạp như A Lưới thì động đất xảy ra là tất yếu và chỉ với cường độ vừa và nhỏ, dưới 5 độ Richter. Theo các kết quả nghiên cứu trước đây về đứt gãy hoạt động, địa động lực hiện đại và tai biến địa chất cũng ghi nhận khu vực A Lưới có biểu hiện hoạt động mạnh về vận động kiến tạo, tai biến địa chất (nứt, sụt lở đất, động đất…).

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Canh, động đất kích thích sau một thời gian sẽ giảm bởi lượng tích nước đạt đến mức ổn định, nhưng động đất kiến tạo có thể sẽ không ngừng và tăng lên.

Mặc dù các nhà khoa học cho rằng, những trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện A Lưới vừa qua là những trận động đất có cường độ nhỏ, không gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Thế nhưng, khi tiếp xúc với báo giới thì người dân ở đây cho rằng, trước khi xảy ra động đất, họ thường nghe thấy những tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất, ngay sau đó họ cảm nhận rất rõ hiện tượng rung lắc ngay dưới chân mình, quá trình rung lắc kéo dài có khi đến gần 1 phút. Những gia đình ở gần nơi phát ra tiếng nổ dưới lòng đất, có nhà bị nứt tường, có nhà vỡ kính, cốc chén rơi loảng xoảng, tivi đang xem bỗng nhiên tắt ngúm… Tuy chưa gây ra thiệt hại gì lớn về người và của, thế nhưng hiện tượng lòng đất phát nổ gây nên dư chấn mà người ta gọi là động đất xảy ra kéo dài với những diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn đã làm cho người dân nơi đây hết sức hoang mang, lo lắng…

Chị Hồ Thị Kim Thao, một người dân ở trên địa bàn bị động đất kể: Một vài năm trở lại đây, người dân ở vùng miền núi này phải thường xuyên sinh sống, làm ăn, sản xuất trong nơm nớp lo sợ vì động đất. Ngày trước, hiện tượng động đất chỉ xảy ra mỗi khi lòng hồ thủy điện tích nước. Tuy nhiên, vào thời điểm này, thời tiết mỗi khi thay đổi thì hiện tượng động đất lại xảy ra. Người dân lại càng lo lắng, hoang mang hơn khi mà hiện tượng động đất những ngày qua đã xảy ra liên tục. Cứ mỗi lần như thế, người dân lại gọi nhau bỏ nhà tháo chạy, vì vậy mà đời sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều. Có nhiều gia đình, người ta rỉ tai nhau bỏ nhà xây kiên cố để làm những ngôi nhà tranh tre tạm bợ sinh sống nhằm đề phòng thảm họa khi có động đất lớn xảy ra.

Ở rất nhiều nơi, đến đâu chúng tôi cũng nghe thấy những lời thở than của người dân trước hiện tượng động đất, và hầu hết trong số họ đều mong mỏi được các nhà khoa học giải thích về hiện tượng nan giải này.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu hiện tượng động đất.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) thì cho rằng: Người dân nói như vậy là dựa vào cảm tính. Họ đang sống trên vùng cực động. Những vùng ấy, người dân dễ dàng cảm nhận được những rung động nền rất mạnh, nếu to hơn có thể nghe thấy tiếng nổ. Tuy nhiên, nếu động đất mới chỉ gây nứt tường thì chưa thể gọi là động đất mạnh.

Ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận được những trận động đất mạnh ở Điện Biên và Tuần Giáo. Theo thang đo rung chấn, động đất dưới 5 độ Richter vẫn là động đất trung bình yếu. Cách nhận định của người dân là dựa vào cảm tính, cũng không có gì sai trái. Cảnh báo của chúng tôi thì dựa trên quy chuẩn của quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương còn cho biết, vào thời điểm hiện tại, mạng lưới trạm quan trắc động đất quốc gia rất thưa, mới chỉ có 25 trạm, sắp tới tăng lên 30 trạm. Mạng lưới này không thể có đủ khả năng để quan trắc những trận động đất nhỏ ở địa phương mà chỉ ghi nhận được những trận động đất mạnh.

Trong khi đó, ở Huế, chính quyền địa phương cũng chưa chú trọng nên chưa có trạm quan trắc địa phương nào. Ở Huế mới chỉ có một trạm quan trắc quốc gia. Nếu chỉ một trạm thì không thể phát hiện được động đất. Thông thường, để xác định động đất thì phải cùng lúc có 3-4 trạm ghi nhận được sóng địa chấn, từ đó mới định vị được động đất nằm ở đâu. Số liệu về động đất ở Huế là do trạm Huế, trạm Bình Định, Quảng Bình phối hợp ghi nhận.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cũng đưa ra khuyến cáo: Chính quyền địa phương nên di dân ra khỏi khu vực có các công trình thủy điện, tái định cư ở vùng có bán kính đủ an toàn. Khi động đất xảy ra, dù có tiếng rung hoặc nổ lớn, người dân không nên hoảng sợ, phải bình tĩnh thoát ra khỏi nhà, tìm đến các khoảng trống. Khi xây nhà, người dân cũng phải tuân thủ các quy chuẩn về kháng chấn mà Nhà nước đã ban hành từ năm 2006.

Trước thực trạng động đất liên tiếp xảy ra ở Huyện A Lưới, chính quyền tỉnh TTH đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ có chương trình nghiên cứu tổng thể về hiện tượng động đất ở A Lưới năm 2014, 2015.

Ông Hồ Xuân Trăng - Bí thư huyện ủy A Lưới cho biết, việc người dân hoang mang, lo lắng là có thật, trong khi đó việc nghiên cứu về hiện tượng động đất liên tục xảy ra tại địa phương là nằm ngoài khả năng của địa phương. Hiện nay, chúng tôi cũng chỉ biết từng ngày động viên người dân hãy yên tâm để ổn định sản xuất và duy trì cuộc sống… Một mặt, chúng tôi hoàn tất các báo cáo cụ thể để đệ trình lên UBND tỉnh TTH với mong muốn tỉnh sẽ kiến nghị với Trung ương nhằm có kế hoạch khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân gây ra động đất để có phương án phòng tránh, bảo đảm đời sống và tài sản cho người dân…

Về phía các nhà khoa học thì hiện tượng xảy ra động đất ở khu vực A Lưới vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Vì vậy, rất cần phải tiếp tục theo dõi sát sao mọi diễn biến của hoạt động động đất ở đây. Trong đó chú ý nghiên cứu mối quan hệ giữa động đất với lượng nước của hồ chứa thủy điện. Thời gian quan trắc càng dài thì sẽ giúp cho việc dự báo xu thế hoạt động của động đất càng chính xác hơn.

Nói về thực trạng động đất ở A Lưới, đại diện lãnh đạo tỉnh TTH cho biết: Rõ ràng, việc nghiên cứu động đất hoàn toàn nằm ngoài khả năng của tỉnh. TTH rất mong các nhà khoa học sớm làm sáng tỏ tình trạng động đất ở đây, để giải thích cho người dân, trấn an dư luận và có phương án đối phó…

Như vậy, trong khi tiếp tục chờ đợi các nhà khoa học ở các bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, để đi đến một kết luận mang tính khả thi nhất về hiện tượng động đất liên tiếp này. Chính quyền các cấp ở tỉnh TTH và các địa phương có động đất sẽ vẫn tiếp tục quan tâm đến công tác cứu hộ, cứu nạn cho người dân và người dân sẽ vẫn tiếp tục sống chung với… động đất.

Bùi Quốc Anh
.
.