Giải pháp công nghệ trong cuộc chiến toàn cầu chống thuốc giả

Thứ Sáu, 25/08/2017, 16:52
Kết quả một cuộc điều tra được công bố hồi tháng 2-2017 trên tạp chí The Lancet Global Health tiết lộ vụ việc nhiều người mua phải loại thuốc an thần diazepam (tên thị trường là Valium) giả mà không hề hay biết. Thông tin này ngay lập tức gây lo ngại cho người sử dụng thuốc cũng như các công ty dược phẩm.

Thuốc tây chất lượng kém - hay bị làm giả hoàn toàn - gây nguy hiểm có thể chết người cho sức khỏe bệnh nhân. Thuốc giả có mặt tại mọi ngóc ngách trên thế giới cho dù chúng ít xuất hiện tại các quốc gia phát triển.

Gian nan truy tìm nguồn gốc cung cấp thuốc giả

Không loại thuốc tây nào mà không bị làm giả - từ loại đắt tiền cho đến kháng sinh sử dụng hàng ngày hay thuốc ngừa thai. Thuốc giả chứa thành phần hoạt tính không đúng tiêu chuẩn (hay hoàn toàn không có) hay chứa những chất không có tác dụng chữa bệnh (bột phấn hay bột ngô) gây nguy hiểm cho sức khỏe. Thuốc giả cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn hay những tạp chất không xác định. Một điều khó tránh khỏi là thuốc giả hay kém chất lượng gây ra những hậu quả nghiêm trọng và thậm chí làm chết người.

Vỉ thuốc chữa sốt rét giả Artesunate (trái) đặt cạnh vỉ thuốc thật.

Bourdillon Esteve, chuyên gia phân tích của Cơ quan Hệ thống Giám sát và Cảnh giác Toàn cầu (GSMS) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),  bình luận: "Chuyện gì sẽ xảy đến khi bệnh nhân uống phải thuốc kém chất lượng không đúng liều? Hay một đứa trẻ mắc bệnh sốt rét mà uống phải thuốc giả?" .

Trong cuộc chiến chống thuốc tây giả trên thế giới, các công ty và tổ chức y tế sử dụng công nghệ để phát hiện; thu thập và chia sẻ thông tin về vấn đề; hợp tác với giới chức chính quyền để lật mặt bọn sản xuất thuốc giả. Tuy nhiên, việc truy tìm nguồn cung cấp thuốc tây giả vô cùng phức tạp. Daniel Burke, Giám đốc Đội Điều tra Tội phạm mạng của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, tuyệt đại đa số nguồn cung cấp thuốc giả ở Mỹ xuất phát từ Internet - kênh phân phối không an toàn và không được kiểm soát chặt chẽ.

Theo số liệu từ WHO, thuốc kháng sinh và chữa sốt rét nằm trong danh sách những loại thuốc bị làm giả nhiều nhất - mỗi năm có hơn 120.000 người chết ở châu Phi do chỉ riêng loại thuốc chữa sốt rét làm giả, không đủ tiêu chuẩn hay đơn giản là hoàn toàn không chứa đủ liều các thành phần hoạt tính. Theo WHO, thuốc giả hay kém chất lượng có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhất là đối với các bệnh lây nhiễm nguy hiểm chết người như là sốt rét và lao phổi.

Theo một số đánh giá, khoảng một phần ba số thuốc chữa sốt rét ở vùng hạ Sahara bị làm giả. Thuốc giả ở châu Phi xâm nhập vào những hiệu thuốc tây, bệnh viện, quầy hàng hóa lưu động trên đường phố, hoặc được bán trực tuyến tràn lan qua hàng ngàn trang web không được kiểm soát.

Thuốc giả và kém chất lượng thường hoành hành tại các quốc gia thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ từ các tổ chức như là FDA của Mỹ. Phương pháp đơn giản nhất để nhận diện thuốc giả là quan sát kỹ bao bì và màu sắc, nhưng trong nhiều trường hợp thuốc giả sản xuất tinh vi đến mức khó phân biệt với thuốc thật.

Tham nhũng cũng là vấn đề và giới chức hải quan nhận tiền hối lộ để làm ngơ trước những kiện hàng thuốc tây giả. Thêm vào đó, hình phạt dành cho bọn kinh doanh thuốc tây giả còn rất nhẹ so với bọn tội phạm buôn lậu ma túy. Điều tra bọn buôn bán thuốc giả cũng tương tự như điều tra các tập đoàn buôn lậu ma túy - các thám tử dễ tóm cổ những kẻ bán thuốc dạo lẻ trên các góc phố nhưng rất khó bắt được ông trùm.

Tuy nhiên, cũng có một sự khác biệt lớn. Ví dụ, với cocaine thì toàn bộ kênh cung cấp - từ trồng trọt cho đến phân phối - đều nằm dưới sự điều hành của một cartel. Với thuốc giả, thương trường mở rộng và các mối liên kết thường xuyên thay đổi. Do đó để lần ra nguồn gốc, các thám tử phải bắt đầu từ những nhà bán lẻ nhỏ để tìm ra kênh cung cấp.

Thuốc giả gây thiệt hại ước khoảng 75 tỷ USD cho ngành sản xuất dược phẩm trong năm 2010, theo số liệu của Hiệp hội Dược phẩm Quốc gia (NABP). Không giống như kính mát làm giả, thuốc giả có thể giết chết bệnh nhân. Theo đánh giá mới đây của Đại học Ottawa và Viện kinh doanh Mỹ Roger Bate, mỗi năm hơn 100.000 người trên toàn thế giới chết vì tiêu thụ thuốc giả hay kém chất lượng. Trước tình hình đó, ngành công nghiệp dược phẩm chọn cách chống trả của riêng mình.

Pfizer Inc. nổi tiếng với ban an ninh dày dạn kinh nghiệm của mình, mặc dù công ty không chính thức báo cáo có bao nhiêu thám tử giống như Brian Donnelly (56 tuổi, giám đốc ban an ninh toàn cầu của Pfizer). Mỗi công ty dược phẩm đều biên chế một đội ngũ an ninh như thế với sự tham gia của những người từng phục vụ cho các cơ quan thực thi pháp luật của chính quyền. Các thám tử thường chia sẻ thông tin với các tổ chức chính quyền cũng như các công ty khác. Ví dụ, Brian Donnelly thường hợp tác với đối tác của ông ở công ty Eli Lilly và cũng làm việc với FBI.

Trong số các loại thuốc bị làm giả, Viagra là nhãn hiệu sinh lợi nhất bởi vì nó là “vua” của thị trường thuốc trị rối loạn cương dương đạt mức doanh thu 1,04 tỷ USD vào năm 2011. Viagra bị làm giả ngay từ lúc được giới thiệu vào năm 1998 - trùng hợp với thời gian gia tăng Web. Donnelly cho biết ban an ninh của Pfizer Inc. phục vụ lợi ích cho khách hàng và bảo vệ nhãn hiệu Viagra.

Năm 2011, Pfizer Inc. chi ra 85 triệu USD quảng bá Viagra chỉ riêng trên tivi. Nhưng Viagra không chỉ là mục tiêu duy nhất của Pfizer bị tấn công. Mà theo dữ liệu của Pfizer Inc., năm 2010 chính quyền của 53 quốc gia trên thế giới đã tịch thu được 8,4 triệu viên thuốc và lọ thuốc giả nhãn hiệu Pfizer từ Norvasc (thuốc trị cao huyết áp) cho đến Zithromax (kháng sinh) và Celebrex (trị viêm khớp).

Giải quyết bằng công nghệ

May mắn thay, hiện nay có nhiều công ty và tổ chức nghiên cứu sử dụng công nghệ để giải quyết vấn nạn thuốc tây giả trên toàn cầu. Ví dụ như,  tổ chức từ thiện của Đức Global Pharma Health Fund (GPHF) phát triển Minilab - một bộ xét nghiệm nhanh nhỏ gọn giúp phát hiện thuốc có chứa đủ lượng hoạt chất theo quy định hay không.

Hay thiết bị mang tên TrustScan của công ty Thermo Fisher Scientific (Mỹ) giúp xác định thuốc thật hay giả từ trong bao bì. Thiết bị cầm tay dò tìm thuốc giả CD-3 của FDA scan thuốc và bao bì bằng tia UV và hồng ngoại.

Tổ chức phi lợi nhuận Sproxil - đặt trụ sở tại bang Massachusetts miền bắc nước Mỹ - đề nghị một giải pháp đơn giản song khá thú vị: Người tiêu dùng chỉ cần cào lớp phủ bạc trên tấm nhãn dán ngoài vỏ bao thuốc tây để nhìn thấy mã số và sau đó gửi nó qua tin nhắn đến Sproxil. Sau khi nhận được tin nhắn, Sproxil sẽ kiểm tra mã số thông qua cơ sở dữ liệu về thuốc tây thật để gửi tin nhắn xác minh trở lại cho người tiêu dùng.

Người mua thuốc tây cũng có thể scan mã vạch hay đơn giản là gọi điện thoại đến một tổng đài điện thoại để xác minh thuốc tây là thật hay giả. Hơn 70 công ty dược phẩm đăng ký sử dụng dịch vụ của Sproxil, bao gồm tập đoàn đa quốc gia như là GlaxoSmitKline (GSK) và Novartis - theo báo cáo từ Tolulope Gbamolayun, người phát ngôn cho Sproxil. Kể từ khi dịch vụ được triển khai năm 2009, Sproxil đã nhận được khoảng 28 triệu yêu cầu kiểm tra thuốc tây trên toàn cầu.

Thiết bị cầm tay dò tìm thuốc giả CD-3 đang scan lọ thuốc giảm cân Alli.

Gbamolayun đánh giá: "Đây là biện pháp an ninh đơn giản và rẻ tiền". Hiện nay, Sproxil cung cấp dịch vụ kiểm tra thuốc tây ở một số quốc gia châu Phi như Kenya, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Tanzania và mới đây nhất là Mali. Trong tương lai, Sproxil cam kết sẽ mở rộng hoạt động chống thuốc tây giả ở khắp châu Phi.

Doanh nhân Bright Simons cũng thành lập một hệ thống kiểm tra tương tự gọi là mPedigree Network cùng với đối tác hùng mạnh là tập đoàn công nghệ Mỹ Hewlett-Packard (HP). Ngoài ra, mPedigree Network còn cung cấp sản phẩm gọi là Goldkeys giúp các công ty dược phẩm cũng như cơ quan điều phối "giám sát toàn bộ dây chuyền cung cấp".

Ở Nigeria, công nghệ của Simons giúp các cơ quan điều phối phát hiện sớm thuốc tây giả để bắt giữ kẻ lừa đảo. Hiện nay, hơn 2.000 sản phẩm đăng ký vào cơ sở dữ liệu của mPedigree Network. Bright Simons đánh giá có đến 75 triệu người ở châu Phi được hưởng lợi nhờ thuốc tây giả được ngăn chặn kịp thời và mPedigree hiện đang hoạt động tại 12 quốc gia khắp châu Á và châu Phi.

Ngành công nghiệp dược phẩm cũng ứng dụng nhiều công nghệ khác để chống thuốc tây giả, bao gồm thẻ sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng radio (RFID) - theo Mario Ottiglio, giám đốc quan hệ công chúng tại Liên đoàn Quốc tế Các hiệp hội và Nhà sản xuất Dược phẩm (IFPMA).

Dược điển Mỹ (USP), một tổ chức đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng cho dược phẩm, thành lập Trung tâm Huấn luyện và Cải tiến Dược phẩm (CePAT) ở thủ đô Accra của Ghana giúp huấn luyện chuyên gia ngành y tế nước này kiểm tra sàng lọc thuốc tây giả và kém chất lượng. Từ năm 2013, CePAT đã giúp huấn luyện 190 chuyên gia y tế tại 32 quốc gia châu Phi - theo Ronald Piervincenzi, giám đốc điều hành USP.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.