Giám định tuổi người sống để làm rõ nghi án

Chủ Nhật, 24/01/2021, 13:11
Y.T, người dân tộc Xê-đăng, có hộ khẩu thường trú ở Khối 1, thị trấn Đắk Tô, tỉnh Kon Tum; vì mưu sinh đã đến tỉnh Thanh Hóa. Sau thời gian ngắn, T đã nảy sinh tình yêu với K. Rắc, rồi có thai vào khoảng cuối tháng 4-2019. Tuy cả T cùng K đều thừa nhận kết quả này của tình yêu, nhưng T chưa đến tuổi kết hôn nên K có nguy cơ vướng đường lao lý.


Đến 2-2-2020, T sinh bé trai M.Q và gia đình hai bên đã làm đám cưới không có đăng ký kết hôn cho T và K, bởi họ biết có đi đăng ký cũng không được. Theo như T thì cô sinh ngày 31-3-2004, nhưng trong giấy khai sinh và sổ hộ khẩu lại ghi sinh ngày 31-3-2006. Cô tin rằng ngày sinh 31-3-2004 là đúng bởi điều này cô được chính bố mẹ cho biết và khẳng định. Gia đình nhà chồng Y.T cũng có hiểu biết pháp luật rằng mang thai với tuổi còn nhỏ của T là phạm luật Hình sự nên nghe theo tư vấn của một vị luật sư, đi giám định tuổi thực của Y.T để biết chính xác cô bao nhiêu tuổi, để liệu đường "gỡ". 

Được biết Trung tâm tư vấn, giám định dân sự thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, ở Hà Nội có phân môn giám định pháp y (GĐPY), mà giám định tuổi người sống là một chuyên môn của lĩnh vực này, nên gia đình T đã tìm đến, mang theo giấy khai sinh của Y.T do UBND thị trấn Đắk Tô cấp và sổ hộ khẩu do Công an thị trấn Đắjk Tô cấp đều ghi Y.T sinh ngày 31-3-2006.

Hình ảnh X-quang thân xương trên, dưới chưa có hiện tượng liền với đầu xương

Trước tiên, các chuyên gia khám lâm sàng toàn diện mức độ phát triển cơ thể của cô và chụp Xquang thường quy đầu trên và dưới các xương dài (cánh tay, cẳng tay, đùi, cẳng chân); xương đốt bàn - ngón bàn tay, bàn chân hai bên (bên trái dùng cho giám định, bên phải để tham khảo). Kết quả thu được là trên lâm sàng cô có đủ chỉ số của một người trưởng thành; trên film X-quang thường quy các xương cần xác định theo tiêu chuẩn chẩn đoán đã liền xương hoàn toàn, chỉ riêng đầu trên xương cánh tay trái liền gần như hết vào thân xương. Căn cứ mức độ phát triển xương, các giám định viên pháp y xác định tại thời điểm giám định Y.T có tuổi thực là 16 năm 6 tháng.

Thuật ngữ "đã liền xương" chắc gây thắc mắc: Vậy thì khi sinh ra, một xương không phải là khối liền hay sao? Bao nhiêu tuổi thì nó liền? Xin giải thích là cơ thể người có 4 dạng xương: dài, ngắn, dẹt, hình dạng bất định, nhưng chỉ có xương dài mới sử dụng cho việc chẩn đoán tuổi người và các xương đốt bàn, đốt ngón tay, chân được xếp vào nhóm xương dài. Khi sinh ra các xương dài không phải là một khối liền mà hầu hết chia thành 3 đoạn là thân xương, đầu gần (gần với thân người) và đầu xa (xa thân người), cả 3 đoạn này đều được bao bọc bằng màng xương. Thân xương - đoạn dài nhất, chiếm gần hết chiều dài của xương - có nhiều mô xương (cứng) cùng với mô sụn bao bọc tủy xương bên trong, còn đầu gần và đầu xa là hai đoạn ngắn chỉ là mô xương xốp và tủy xương. Giữa thân xương với đầu gần, giữa thân xương với đầu xa ngăn cách bằng một "rãnh" nhỏ (như không có mô trên film X-quang), nhưng thực chất "rãnh" này là mô sụn không cản quang nên không "hiện hình" trên film, gọi là sụn tiếp hợp - rất quan trọng vì nhờ nó xương mới phát triển dài ra được.

Tùy từng xương, sớm nhất có thể chỉ 3 tháng sau sinh, muộn thì vài năm, các mô sụn nói chung ở các xương dài bắt đầu quá trình cốt hóa (lắng đọng canxi…) để phát triển các lá xương làm xương dài và to ra, nhưng phát triển chiều dài mạnh nhất là ở hai đầu thân xương. Cùng với thân xương, các đầu gần và đầu xa cũng cốt hóa. Giai đoạn xương tăng trưởng mạnh nhất là thời kỳ tiền và dậy thì do kích thích của nội tiết tố sinh dục (steroid). Khi mô sụn cốt hóa hoàn chỉnh (hoàn toàn thành xương) cũng là lúc hai đầu gần và đầu xa của các xương dài liền hoàn toàn vào thân xương thành một khối xương cứng vững chắc, không còn mô sụn (kể cả sụn tiếp hợp), chỉ còn lại lớp sụn mỏng che phủ bề mặt đầu xương gọi là sụn khớp. Tùy từng xương và giới tính, các xương dài có tuổi liền xương hoàn toàn khác nhau, khi tất cả các xương đã liền hoàn toàn thì không dài thêm được nữa, đồng nghĩa với chiều cao không thể tăng thêm.

Tuổi xương mà lĩnh vực giám định pháp y xác định giúp các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tội danh và khung hình phạt đúng luật. Với vụ việc kể trên, nếu đúng là T sinh năm 2006, tội của K sẽ nặng nhất Khoản 1, Điều 145, BLHS: "Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi", bởi vì khi có thai cô bé này mới 13 tuổi 1 tháng, khác với 15 tuổi 1 tháng nếu cô sinh 2004. Vì thế, Khoản 2, Điều 206, Bộ luật tố tụng hình sự quy định giám định "Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó".

Thể thao thiếu niên, nhi đồng có nhiều chuyện gian lận tuổi cầu thủ, vận động viên mà "thủ phạm" là người lớn và giai đoạn 1996 - 2002, có nhiều giải bóng đá U11, U13 xảy ra chuyện này. Ở lứa tuổi dưới 17, 18 việc giám định tuổi không mấy khó khăn, nhưng hẳn nhiều người còn nhớ cuối năm 2014 có chuyện ì xèo về tuổi của cầu thủ bóng đá Nguyễn Công Phượng. 

Tuy nhiên, với phương pháp giám định tuổi xương kinh điển trên film X-quang thường quy (phát kiến từ những năm 1950) không giải quyết được trường hợp này. Nguyên do là với nam giới, hệ xương hoàn chỉnh muộn nhất ở 18 tuổi 3 tháng (với nữ là 17 tuổi 6 tháng). Nghĩa là sau tuổi này, có thêm 5, 10, 20 năm nữa hình ảnh xương trên film X-quang cũng hầu như không khác nhau và đây chính là hạn chế của phương pháp này. 

Dựa vào các tài liệu khác, đã xác định được đúng là cầu thủ này sinh năm 1995 như ghi trong giấy khai sinh và sổ hộ khẩu. Năm 2014, anh 19 tuổi, đã qua thời điểm hệ xương phát triển hoàn chỉnh! Chưa hết, những người đang trong giai đoạn phát triển xương có khoảng 20% có tuổi xương lớn hơn tuổi thực và khoảng 5% tuổi xương chậm hơn tuổi thực. Các nước giàu hiện đã sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán tuổi xương vì cho thông tin chính xác hơn, Việt Nam chưa làm được vì chi phí rất lớn!

Nguyễn Văn
.
.