Giám đốc FBI phản đối công nghệ mã hóa mới của Apple và Google

Thứ Năm, 06/11/2014, 11:00

Trong cuộc nói chuyện hôm 16/10 tại Viện Brookings, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James B. Comey lên tiếng chỉ trích công nghệ mã hóa mới không thể phá được của Apple và Google gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. James Comey kêu gọi luật pháp cần có sự điều chỉnh để bắt buộc các công ty công nghệ tạo ra cánh cửa cho phép chính quyền mở khóa các giao tiếp mã hóa, hình ảnh và email lưu trữ trên smartphone.

Đồng thời ông cũng cảnh báo nếu không có sự sửa đổi luật thì bọn tội phạm giết người, cưỡng dâm hay khủng bố càng dễ dàng thoát tội.

Phản ứng trước bài diễn văn của James B. Comey, những người chỉ trích lập luận rằng bất cứ cánh cửa nào được tạo ra cho FBI đều có thể được khai thác bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), hay thậm chí tình báo Nga và Trung Quốc hay bọn tội phạm như hacker. Hơn nữa, quan điểm của James Comey có lẽ mâu thuẫn với ý kiến chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu hệ thống mã hóa thương mại của nhóm cố vấn Nhà Trắng.

Nhóm cố vấn Nhà Trắng cũng đề nghị chính quyền "tăng cường sử dụng công nghệ mã hóa đồng thời thúc giục các công ty Mỹ nên làm thế".

Được biết, Apple và Google thông báo phần mềm mới của họ sẽ tự động mã hóa nội dung của smartphone, sử dụng hệ thống mã mà ngay đến công ty cũng không thể bẻ khóa được. Hệ thống mã hóa mới của hai công ty công nghệ được coi là phản ứng tích cực sau những tiết lộ của Edward Snowden về những chương trình thu thập dữ liệu điện tử trong đó bao gồm cả thông tin về công dân Mỹ.

Công nghệ mã hóa mới sẽ gây cản trở cho những cuộc điều tra liên quan đến smartphone của nghi can thu giữ được tại hiện trường tội ác hay phát hiện trên chiến trường; song nó không ảnh hưởng đến thông tin thu thập từ hoạt động nghe lén trong thời gian thực - như là những cuộc trò chuyện qua điện thoại, email hay tin nhắn văn bản. FBI cho rằng, nếu máy tính và laptop cũng được mã hóa như thế thì mọi hoạt động điều tra tội phạm sẽ bị cản trở.

Quan điểm của James Comey khơi mào cho cuộc chiến gay go tiềm ẩn giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các công ty công nghệ vốn trước đây đã từ chối yêu cầu từ chính quyền cung cấp hay cho phép bẻ khóa dữ liệu của người dùng; đồng thời cũng dẫn đến cuộc tranh luận bên trong chính quyền về sự khác biệt giữa an ninh mạng và cuộc chiến chống tội phạm truyền thống.

Phớt lờ phát biểu của James Comey tại Viện Brookings, Giám đốc điều hành của nhiều công ty tuyên bố trong một sự kiện tại thành phố Palo Alto bang California rằng, họ sẽ nhanh chóng phát triển công nghệ mã hóa mới. Họ cho biết đang nỗ lực phát triển các thuật toán mà chính quyền phải mất nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm mới có thể bẻ khóa được, và nhấn mạnh rằng, người dùng tự tạo chìa khóa mật mã riêng để cho các công ty không thể phá mã để cung cấp nó cho chính quyền. Điều đó cho thấy các công ty muốn cam đoan với khách hàng rằng, dữ liệu của họ là riêng tư và ngay cả đến nhà sản xuất công nghệ cũng không can thiệp được.

Brad Smith, tổng cố vấn cho Microsoft Inc., mới đây lên tiếng: "Cũng như người ta không gửi tiền vào một ngân hàng mà họ không tin tưởng, người ta không sử dụng Internet mà họ không tin tưởng". Colin Stretch, tổng cố vấn cho Facebook, gọi công nghệ mã hóa là "mục tiêu kinh doanh chủ chốt" cho các công ty công nghệ.

Công ty Google và Apple.

Trả lời câu hỏi từ các phóng viên và chuyên gia Viện Brookings, James Comey nêu rõ ông chỉ tập trung vào lợi ích của FBI mà không hề đại diện cho NSA hay các cơ quan tình báo nào khác: "Chúng tôi không tìm cách mở rộng quyền can thiệp vào giao tiếp điện tử. Chúng tôi chỉ cố gắng theo kịp với công nghệ đang thay đổi và duy trì khả năng thu thập thông tin giao tiếp mà chúng tôi có quyền thu thập".

Giám đốc FBI mô tả vài vụ án được truy tố thành công nhờ đọc được tin nhắn văn bản và bằng chứng khác có được từ điện thoại di động, như là vụ kẻ tấn công tình dục đã sát hại một thiếu niên ở bang Louisiana. James Comey cho biết ông muốn có sự sửa đổi đối với luật năm 1994 gọi là "Hỗ trợ truyền thông cho thực thi pháp luật" (CALEA), trong đó bắt buộc các công ty điện thoại, dịch vụ băng thông rộng và dịch vụ điện thoại Internet xây dựng "cửa sau" để giúp cơ quan thực thi pháp luật thu thập thông tin - nhưng hiện nay không có luật nào tương tự dành cho các công ty công nghệ.

Bà Laura W. Murphy, Giám đốc Văn phòng pháp lý Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), bình luận: "Bất cứ nỗ lực nào của FBI nhằm làm suy yếu hệ thống mã hóa cũng khiến cho thông tin cá nhân hay doanh nghiệp của chúng ta dễ bị các chính quyền nước ngoài hay bọn tội phạm xâm nhập". Phil Zimmermann nhận định, nếu một công ty nắm giữ chìa khóa mật mã của khách hàng thì những ai đó khác hơn giới chức thực thi pháp luật cũng có thể đánh cắp nó và "những ai đó có thể đột nhập nhập hệ thống máy chủ để thu thập hàng triệu chìa khóa này".

Zimmermann là người sáng tạo giao thức mã hóa dữ liệu PGP (Pretty Good Privacy) năm 1991 và cũng là đồng sáng lập công ty cung cấp các giải pháp phần mềm Silent Circle. Cuộc chiến giằng co giữa các công ty công nghệ hàng đầu muốn bảo vệ thông tin người dùng và chính quyền Mỹ không phải mới diễn ra lần đầu, mà cuộc chiến mã hóa đã có từ thập niên 90 thế kỷ trước

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.