Dự án ngăn ngừa các tổ chức khủng bố chiêu mộ thành viên qua mạng
- Nga mới chuyên gia Mỹ tới dạy kỹ năng chống khủng bố
- Pháp phá vỡ âm mưu khủng bố bằng bom ga giữa Paris
Mạng xã hội Twitter hiện đã cấm hàng trăm ngàn tài khoản nhưng chúng vẫn cứ liên tục mọc lên như nấm - phần nhiều số này thậm chí còn lan sang cả các dịch vụ nhắn tin như Telegram. Trong khi đó, các dịch vụ Youtube hay Facebook thì đã và đang nỗ lực trong cuộc chiến loại bỏ nội dung (ảnh/video) về các vụ hành quyết đê tiện. Thế nhưng tất cả những nỗ lực đó cuối cùng mới chỉ dẫn tới những chiến dịch vận động như Think Again, Turn Away,… chứ vẫn không ngăn được sức ảnh hưởng của IS đối với những người trẻ bị thu hút bởi những giáo điều tẩy não của chúng.
Nhắm đến người ủng hộ bạo lực và có tiềm năng gia nhập khủng bố
Sau khi phỏng vấn những người từng được IS tuyển mộ (hiện đang ngồi tù) và những người đào tẩu khỏi IS tại một trại giam ở Iraq, Yasmin Green, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Jigsaw cho rằng, những chiến dịch trên chỉ có hiệu quả đối với những người vốn không bị "đầu độc" bởi những giáo điều của IS. Phía cuối đường hầm vẫn còn đó những người đồng cảm và bị mê hoặc bởi hệ tư tưởng của IS, thậm chí là đã gia nhập chung chiến tuyến của chúng.
Ảnh chụp màn hình đoạn video tuyên truyền của IS. |
Để đi được vào quỹ đạo của những người đã và đang bị IS mê hoặc, Jigsaw quyết định không đánh trực diện như vậy nữa. Thay vì đưa ra những thông điệp chống IS thẳng thừng, đội ngũ Jigsaw thu thập chúng từ Youtube. Green chia sẻ: "Chúng tôi đã nghĩ tại sao không sử dụng luôn những nội dung đang có sẵn trên mạng? Nếu chúng không được tạo ra cho chính mục đích truyền tải thẳng đến những người này thì chắc chắn sẽ có vẻ chân thật và hấp dẫn hơn."
Jigsaw - dự án ươm mầm công nghệ của Google, nay còn được gọi là Google Ideas - đã dành nguyên một năm qua phát triển chương trình kết hợp các thuật toán quảng cáo qua search với nền tảng video Youtube nhằm nhắm đến những người ủng hộ bạo lực và có tiềm năng gia nhập nhóm khủng bố.
Mang lại hiệu quả bước đầu
Google đã trở thành một công ty trị giá 500 tỷ USD dựa trên các thuật toán dự đoán nhu cầu con người qua những gì họ gõ vào cỗ máy tìm kiếm khổng lồ hàng ngày. Trong quá trình phát triển những công nghệ này, các kỹ sư Google cũng vô tình khám phá ra cách thức thâm nhập và ngăn chặn một trong những hoạt động nguy hiểm nhất trên mạng hiện nay: Các chiến dịch tuyển mộ thành viên của tổ chức tội phạm, hay của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hiện tại, một bộ phận riêng của Google đang phụ trách việc tìm hiểu và theo dõi những kẻ có tiềm năng gia nhập tổ chức tội phạm, phiến quân để thay đổi suy nghĩ của họ.
Chương trình được gọi là Redirect Method (phương pháp chuyển hướng truy cập) này đang tiến tới giai đoạn tiếp theo. Về hoạt động, Redirect Method tự động gắn các quảng cáo đi kèm với kết quả search cho những từ khóa đặc thù mà những kẻ thích IS thường gõ tìm. Những quảng cáo này thường dẫn họ đến những kênh Youtube song ngữ tiếng Anh và tiếng Ả Rập đăng tải toàn các video giải thích các thủ thuật tẩy não và dụ dỗ cũng như sự tha hóa của IS tại Iraq và Syria.
Theo Yasmin Green "Dự án này phát sinh từ việc công ty quan sát được một lượng lớn nhu cầu tìm hiểu các tư liệu về IS qua Google, trong khi đó nhiều bài viết, video online lật mặt chúng cũng đang có sẵn ngay trên mạng. Redirect Method thực chất cũng chính là một dạng quảng cáo hướng đối tượng: Coi những người bị thu hút đầu quân cho tổ chức tội phạm, IS là nhóm khách hàng chính và thay vì cho họ thấy những tư liệu tuyên truyền dụ dỗ của chúng, Redirect Method sẽ cho họ thấy những thông tin phủ nhận nội dung của chúng”.
Kết quả bước đầu đã rất khả quan: Chỉ sau khoảng 2 tháng tiến hành, hơn 300.000 người đã được thu hút về các kênh Youtube chống IS và một số tổ chức tội phạm. Những người search từ khóa đã click vào Jigsaw nhiều hơn 3-4 lần so với các chiến dịch quảng cáo thông thường. Thời lượng những người trên dành ra xem các playlist chống IS nổi bật trên Youtube thậm chí còn gấp đôi so với mức trung bình người dùng thường dành ra trên nền tảng này.
Tháng 9, cùng với 2 đơn vị khởi nghiệp (startup) Moonshot Countering Violent Extremism và Gen Next Foundation, Jigsaw dự kiến sẽ tung ra giai đoạn 2 của chương trình với đối tượng tập trung hướng đến lần này là những kẻ cực đoan tại Bắc Mỹ, áp dụng phương thức này với cả các đợt chiêu mộ của IS lẫn các nhóm tội phạm da trắng tại khu vực này.
Tỷ lệ click quảng cáo cao
Jigsaw cùng hai đối tác thực hiện dự án này, Moonshot CVE và Quantum Communications (một công ty tại Liban) đã cùng sắp xếp hai playlist chứa đầy những video họ tìm được bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập với nội dung từ những đoạn phim quay cảnh các giáo sỹ Hồi giáo chỉ ra sự đạo đức giả của IS cho đến hình ảnh những người dân Syria xếp thành hàng dài xin thức ăn tại thành phố Raqqa.
Jigsaw hướng dẫn những kẻ cực đoan click vào trang tìm hiểu bộ mặt thật của IS. |
Một đoạn video khác trong playlist cho thấy, một người phụ nữ lớn tuổi chỉ trích IS và đọc dẫn lại đoạn kinh Koran cho chúng: Jigsaw đã chọn ra 1.700 từ khóa liên quan đến IS có thể khiến các quảng cáo dẫn đến playlist chống IS hiển thị ra.
Green và các cộng sự cũng đặc biệt chú ý đến các cụm từ mà những kẻ hâm mộ IS sẽ quan tâm như tên những điểm dừng hay các tuyến di chuyển đến các vùng phiến quân này chiếm đóng, các cụm từ như "chỉ dụ cho chiến binh thánh chiến Syria" hay tên các lãnh đạo cực đoan trong Nhà nước Hồi giáo đã đọc các bài diễn văn chiêu mộ. Ngoài ra, các thuật ngữ mà những người mới bị "mê mụ" thường tìm kiếm như "Liệu IS có hoạt động hợp pháp?" hay "Muốn gia nhập IS?" cũng sẽ khiến các mẩu quảng cáo bóc trần chúng hiện lên chứ không phải chỉ khi họ search những thông điệp chống IS nữa.
Theo dõi hiệu quả chiến dịch này cũng không phải chuyện đơn giản. Thế nhưng Jigsaw và các đối tác ít nhất vẫn thu hút được sự chú ý của những người tìm kiếm. Tỷ lệ click quảng cáo trên một số mẫu đã lên đến 9%, khá cao so với mức trung bình (2-3%) của các quảng cáo chạy theo từ khóa thông thường trên Google. Họ cũng khám phá ra rằng hàng trăm ngàn người search đã dành nửa triệu phút xem các đoạn video họ thu thập. Những đoạn video hiệu quả nhất thậm chí còn có mức thời lượng xem trung bình là 8 phút 20 giây.
Giúp con người đọc thứ họ đáng và cần đọc nhất
Theo Humera Khan, giám đốc Muflehun, tổ chức chuyên vận động những người có quan điểm cực đoan trở nên ôn hoà hơn nhận xét: Chương trình của Jigsaw vẫn chưa phải là một giải pháp toàn năng cho vấn nạn chiêu mộ online của IS. Bà chỉ ra rằng cả Google và Facebook đều đã huấn luyện các tổ chức phi lợi nhuận chống khủng bố trước đây về cách sử dụng các từ khóa quảng cáo này hướng đến những kẻ IS sắp tuyển mộ, dù không sử dụng những thuật toán quảng cáo hướng đối tượng như Jigsaw đang phát triển. Quan trọng hơn, theo bà, việc thu hút những người bị IS mê hoặc tới những video vạch trần kia mới chỉ là bước đầu. Nếu những video này có thể thu hút họ xem được lần đầu thì liệu chúng có giữ chân được họ quay lại với những nội dung mới và liên quan hay không? Điều này thực tế cũng rất quan trọng.
Cuối cùng thì bất cứ nỗ lực giúp người cực đoan cải đạo nào cũng cần đến sự can thiệp của con người và một cộng đồng hỗ trợ giúp họ quay lưng lại với quyết định gia nhập nhóm phiến quân.
Xét trên phương diện an ninh quốc phòng, những hoạt động của Jigsaw dấy lên một câu hỏi hiển nhiên: Tại sao lại không giám sát những người có khả năng gia nhập IS, thậm chí bắt giữ họ luôn? Sau cùng thì những hoạt động của Jigsaw không chỉ cứu giúp những người đang có mong muốn gia nhập lực lượng IS mà còn giúp cả những nạn nhân tương lai trong những cuộc thảm sát đẫm máu những người này có thể góp mặt.
Về mặt này, Green trả lời thận trọng rằng "các nền tảng mạng xã hội như Youtube đều có trách nhiệm hợp tác với các yêu cầu ngăn chặn IS từ chính phủ." Điều này có nghĩa là Google có vẻ như cũng đã giúp Chính phủ Mỹ bắt giữ một số đối tượng tình nghi. Trên thực tế, Google đã giao nộp dữ liệu cho 64% trong số hơn 40.000 yêu cầu truy cập tài khoản người dùng từ chính phủ trong nửa cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Green cho biết Redirect Method, ngoài việc dẫn những người hâm mộ IS tới các video vạch trần chúng thì lại không hề theo chân họ hay xác định danh tính của họ, nhìn chung không hề được thiết kế để giám sát, bắt giữ hay giáo dục lại những người này. Bà cho rằng: "Những người trên chỉ đưa ra quyết định dựa trên những nguồn thông tin xấu và một chiều. Chúng tôi có thể giúp ngăn chặn làn sóng người nước ngoài đầu quân cho IS qua việc chỉnh lại các nguồn tin họ đọc được”.
Bà cũng mô tả dự án như một phần trong sứ mệnh cốt lõi của Google là "khiến thông tin trên thế giới trở nên hiệu quả và dễ tiếp cận hơn”. Có lẽ Google đang xử lý rất tốt một trong những vấn đề nguy hiểm nhất của sự ngu muội và bị tẩy não bởi những luồng thông tin sai lệch: Giúp con người ta đọc thứ họ đáng và cần đọc nhất.
IS dùng mạng xã hội "hơn đứt" nhiều nước tân tiến?
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, IS hơn hẳn nhiều quốc gia tân tiến về chiến tranh trên mạng xã hội. Báo New York Times nhận định Mỹ, Anh và Arab Saudi sai lầm khi không có các thông điệp trên mạng xã hội chống IS. IS tỏ ra rất thành thạo dùng mạng xã hội và các diễn đàn để cung cấp video tuyên truyền, tài liệu khủng bố.
Gần đây báo chí đã phanh phui cách thức chúng dùng mạng lưới người ủng hộ đông đảo trên một số mạng xã hội để lan truyền thông điệp khủng bố. Trong một tài liệu 10 trang của IS có viết: "Kiểm tra thông tin truyền thông để biết tính xác thực. Hãy dịch các tài liệu của phương Tây về IS và phát tán chúng cho những người anh em của chúng ta".
Trong một video nhan đề "Hỡi các phóng viên truyền thông, các bạn chính là một phiến quân thánh chiến" được phát bằng tiếng Anh và tiếng Ảrập kéo dài 16 phút có miêu tả cách IS phát tán tài liệu kể từ khi tài khoản Twitter của nhóm này bị đánh sập. "Hỡi những người anh em, những người ủng hộ IS. Lời nói của các bạn trên mạng là vũ khí… Hàng nghìn tín đồ Hồi giáo trên Twitter đang chờ đợi các bạn".
"Cách tốt nhất để giữ liên lạc là theo dõi người thuộc IS và hãy luôn tìm kiếm những người anh em khác", tài liệu có đoạn viết. "Đừng chú tâm về số người theo dõi bạn. Hãy tập trung vào các nội dung đăng tải". IS còn nói: "Hãy sử dụng hashtag theo trào lưu hiện nay. Đừng dùng hashtag có mỗi dòng Nhà nước Hồi giáo. Hãy đưa đường dẫn trong đoạn đăng tải và dùng hashtag ở cuối".
Đoạn video không phải được IS làm nhưng được những kẻ ủng hộ IS phát tán trên mạng và gây ra hiệu ứng lan tỏa. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng IS đã chiến thắng những quốc gia tân tiến khác về chiến tranh trên mạng xã hội. Báo New York Times nhận định, Mỹ, Anh và Arab Saudi đã sai lầm khi không có các thông điệp tuyên truyền chống lại IS bằng công cụ này. Trang Vocativ của Nga cho rằng, IS đã dùng trào lưu hashtag hiện tại của phương Tây để lan truyền các nội dung khủng bố.
IS nghĩ rằng, nhiều người sẽ tò mò tìm kiếm tin tức về sự kiện này thông qua hashtag và chắc chắn việc lan tỏa sẽ đạt hiệu quả rất tốt. Đoạn kết của video tuyên truyền do những kẻ ủng hộ IS làm ra có nói: "An toàn là quan trọng nhất. Hãy đề phòng bằng việc sử dụng một mạng Internet uy tín. Đừng nói chuyện phiếm hoặc chỉ chăm chăm ủng hộ tổ chức IS…".