Hacker trên mạng xã hội Facebook

Thứ Năm, 19/07/2018, 10:13
Theo một số liệu khảo sát gần đây, thì số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook đã vượt qua con số 50 triệu tài khoản. Chỉ trong vòng vài năm, mạng xã hội này đã trở thành một “kênh” liên lạc rất mạnh trong cộng đồng Việt.

Ngoài ra nó còn là “sân khấu” để nhiều người chợt tỏa sáng chỉ sau một đêm bằng chiêu trò, là nơi kiếm tiền của không ít người bằng quảng cáo, bán hàng online…Mỗi tài khoản mạng xã hội Facebook đều có một giá trị nhất định nào đó, thậm chí không ít tài khoản có vài trăm ngàn người theo dõi trở lên được định giá lên hàng tỷ đồng bởi lợi nhuận của nó mang lại hàng tháng.

Và tất nhiên, bất kể cái gì có giá trị thì đều là điểm ngắm của kẻ xấu bụng, ở góc cạnh mạng xã hội, đó chính là hacker, những kẻ “phá khóa” tống tiền thiện chiến trên mạng Facebook.

Trong vòng 2 năm qua, đã có hàng vạn tài khoản Facebook của người dùng Việt Nam bị “hack”. Nếu như trước đây sau khi chiếm được tài khoản, kẻ xấu thường dùng những chiêu trò như trò chuyện với chính những người bạn của nạn nhân để vay tiền, xin thẻ cào của các nhà mạng điện thoại di động… Cũng có một số người nhẹ dạ khác bị hacker giả danh là bạn năn nỉ xin mượn tài khoản Facebook để có việc gấp cần nói chuyện ẩn danh. Với cách làm này thì dường như hacker không cần quá nhiều thủ thuật tin học, chỉ cần sự cả tin của đối tượng tấn công.

Và cũng chỉ trong nửa tháng 7-2018, theo ghi nhận của phóng viên thì đã có hơn 100 tài khoản người nổi tiếng tại Việt Nam bị chiếm quyền mạng xã hội lớn nhất thế giới. Đó là các ca sĩ, hoa hậu nổi tiếng như Thanh Lam, á hậu Tú Anh, hoa hậu Đặng Thu Thảo, người đẹp Hạ Vi… Sau khi chiếm được Facebook của các sao Việt, chiêu bài cũ được nhiều hacker sử dụng vẫn là dùng danh nghĩa của người nổi tiếng gửi tin nhắn cho những người bạn trong danh bạ nhờ vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại…

Thậm chí hacker còn ra yêu sách với chính người nổi tiếng để lấy lại tài khoản, ví như hot girl Khả Ngân bị yêu cầu chuộc tài khoản với mức giá là 25 triệu đồng, Hạ Vi bị đòi tiền chuộc là 500 USD. Hạ Vi còn bị hacker đe dọa nếu trong 3 ngày không liên lạc để lấy lại tài khoản thì có thể sẽ tung những tin nhắn riêng tư giữa Hạ Vi và bạn trai của cô. “Mình là hacker có tâm.

Mình chỉ hack nick chứ không làm hại ai. Nếu mình muốn làm tổn hại thì trong facebook của Hạ Vi có rất nhiều tin nhắn nhạy cảm. Chẳng hạn mình show lên đây thì chắc loạn”, một đoạn thông báo của kẻ bẻ khóa thời công nghệ trên chính trang của nạn nhân.

Không chỉ đòi tiền chuộc, các hacker còn tận dụng trang cá nhân của người nổi tiếng để bán quảng cáo. Hacker rao trên trang cá nhân của Hạ Vi rằng, mỗi bài đăng quảng cáo trên Facebook Hạ Vi thông thường có giá 22 triệu đồng, tuy nhiên, hacker này sẽ lấy “rẻ” 5 triệu đồng và nếu ai đăng 2 triệu đồng cũng đồng ý. Cô gái này đã từ chối thoả hiệp với “khủng bố” và kêu gọi mọi người cùng tẩy chay, xóa trang cá nhân này để bảo vệ thông tin cá nhân.

Cách tấn công được cho là rất chuyên nghiệp bất chấp những thủ pháp bảo mật tối ưu của Facebook dành cho người dùng, không ít tài khoản đắt giá này đều được bảo vệ qua 2 lớp bảo mật, ngoài mật khẩu là những chuỗi ký tự phức tạp thì còn phải xác thực qua tin nhắn gửi về số điện thoại cá nhân.

Có một câu nói của dân lập trình rằng “Cái gì lập trình ra được thì đều hack được”, quả thực đó là điều không cần bàn cãi, bởi chính những hệ thống được lập trình, bảo mật tối tân như ngân hàng cũng vẫn bị hacker tấn công và moi móc dữ liệu khiến bao người mất tiền của lẫn đau đầu.

Quay trở lại với câu chuyện về chiếm đoạt tài khoản Facebook, phóng viên có cuộc trao đổi ngắn với một nhân viên đang làm việc tại chính công ty này tại Singapore. Chuyên gia cho biết hiện tượng bị chiếm đoạt tài khoản tại Việt Nam tăng vọt thì nguyên nhân trước tiên là bởi hacker có thể xâm nhập vào hộp thư điện tử cá nhân, cũng là nơi nhận những thông tin về mật khẩu từ Facebook.

Chính vì vậy, đây là nguyên nhân hàng đầu. Chuyên gia này tư vấn người sử dụng nên thay thế địa chỉ email đăng nhập bằng các dịch vụ khác tốt hơn, có bảo mật 2 lớp và tuyệt đối bí mật không công khai địa chỉ email đăng nhập này.

Ngoài ra, người dùng Việt gần như không ý thức trong việc công bố những dữ liệu cá nhân như địa chỉ email, số điện thoại xác thực hoặc quá vô tư khi tham gia vào nhiều trò chơi miễn phí trên mạng như “bạn trông ra sao khi 70 tuổi”.

Bởi khi chấp thuận tham gia những trò chơi này, người dùng đồng thời cũng cho phép chúng được can thiệp vào dữ liệu cá nhân như địa chỉ email, danh sách bạn bè, thói quen sử dụng mạng đã được cài đặt bên trong tài khoản mạng xã hội Facebook. Những sản phẩm miễn phí trên mạng thì chính chúng ta mới là sản phẩm, đó là sự thật.

Tất nhiên, đối với không ít người không quá coi trọng tài khoản mạng của mình, họ cho rằng mất thì làm cái khác. Nhưng họ quên mất một điều rằng chính sự chểnh mảng của mình thì cũng vô tình tiếp tay cho kẻ xấu để lừa đảo chính những người bạn của chúng ta, hoặc sử dụng những tài khoản có sức lan tỏa thông tin mạnh để đưa ra tin thất thiệt, ảnh hưởng tới người khác thì đó cũng là một vấn đề đáng lưu ý.

Vậy nên, khi đã là một công dân mạng, cũng nên tự biết che chắn và tìm ra những phương án dự phòng khi xảy ra sự cố trước khi kịp có những diễn biến tệ hại.

Minh Trí
.
.