Hai mặt của "hiệu ứng Angelina"
Xét nghiệm ung thư tăng vọt
Ca phẫu thuật cắt bỏ "núi đôi" và những chia sẻ, tâm sự của Angelina sau đó khiến cô được ca ngợi vì đã cởi mở thảo luận về sức khỏe phụ nữ và góp phần nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư. Angelina vốn bị đột biến gien BRCA1 khiến nguy cơ mắc ung thư vú lên tới 87% và nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là 50%. Mẹ cô cũng chết vì ung thư buồng trứng khi mới 56 tuổi.
Sau ca phẫu thuật của Angelina, các nhà nghiên cứu nhận định do gia tăng nhận thức về đột biến gien BRCA nên nhiều phụ nữ đi làm xét nghiệm kiểm tra nguy cơ mắc ung thư do gien di truyền. Ở Anh, số ca xét nghiệm ung thư vú tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ở Mỹ, một nghiên cứu cho thấy phụ nữ đi xét nghiệm gien BCRA theo diện bảo hiểm tăng trong những ngày sau khi Angelina tuyên bố cắt "núi đôi".
Còn tại Canada, dữ liệu về số người đi tư vấn về gien tại một trung tâm phòng chống ung thư ở Toronto trong 6 tháng trước và 6 tháng sau khi Angelina thông báo phẫu thuật có sự khác biệt rõ rệt: 487 người so với 916 người, tức là tăng 105%.
Chính các nghiên cứu nói trên khiến các chuyên gia dự báo rằng, Angelina sẽ tạo thêm "hiệu ứng" tương tự sau khi cô thông báo cắt bỏ buồng trứng. Ông Lester Barr, Chủ tịch Trung tâm Phòng ngừa Ung thư vú do gien nhận định: Đối với phụ nữ bị đột biến gien BRCA1, nguy cơ không chỉ là mắc ung thư vú mà còn cả ung thư buồng trứng.
Chuyện của Angelina là bằng chứng cho thấy một ca phẫu thuật của "người của công chúng" có thể có tác dụng rất lớn trong nâng cao nhận thức dư luận. Ông Barr hy vọng "hiệu ứng Angelina" lần này sẽ khiến số phụ nữ có nguy cơ ung thư buồng trứng đi điều trị dự phòng tăng cao trong những tháng tới.
Angelina Jolie (Tạp chí TIME từng viết về "Hiệu ứng Angelina"). |
Lựa chọn khó khăn
Ca phẫu thuật của Angelina năm 2013 đã khiến cho chủ đề phẫu thuật dự phòng ung thư trở thành vấn đề sức khỏe tâm điểm của phụ nữ. Cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng là một lựa chọn điều trị đối với phụ nữ đột biến gien BRCA1, từ đó loại bỏ nguy cơ phát triển ung thư trên các bộ phận này. Đây là một lựa chọn riêng của mỗi người là luôn là lựa chọn khó khăn với một phụ nữ. Dù vậy, đó là cách duy nhất để hoàn toàn chắc chắn rằng nguy cơ ung thư bị giảm tối đa.
Viết trên tờ The New York Times, Angelina thừa nhận cô đưa ra quyết định này không hề dễ dàng: "Trong trường hợp của tôi, các bác sĩ tôi gặp đều cho rằng phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng là lựa chọn tốt nhất vì ngoài yếu tố gien BRCA, gia đình tôi từng có 3 phụ nữ chết vì ung thư". Angelina vốn cân nhắc phẫu thuật từ trước đó nhưng chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm máu cho thấy có dấu hiệu bất thường, cô mới đẩy nhanh việc thực hiện ca phẫu thuật này.
Trong khi một số chuyên gia ca ngợi quyết định thông báo về việc phẫu thuật của Angelina là dũng cảm, số khác lại cảnh báo cắt bỏ buồng trứng cũng gây ra các nguy cơ sức khỏe khác và không phải là lựa chọn cho mọi phụ nữ đột biến gien BRCA. Một nhân tố quyết định trong việc nên hay không nên phẫu thuật đó là xem nguy cơ mắc ung thư buồng trứng có cao hơn các nguy cơ hậu phẫu không.
Khi cắt buồng trứng, phụ nữ sẽ không còn nguy cơ ung thư bộ phận này nhưng ngay lập tức họ sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh, tiếp theo là chứng loãng xương, bệnh tim mạch, tăng nguy cơ mất trí nhớ, trầm cảm… Do đó, các chuyên gia cho rằng điều cực kỳ quan trọng là phải cân nhắc với bác sĩ điểm lợi và bất lợi của ca phẫu thuật.
Hơn 50% phụ nữ bị ung thư buồng trứng tử vong trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Những người không được chẩn đoán cho đến khi bệnh tình ở giai đoạn cuối có tỷ lệ sống sót thấp hơn. Dù vậy, số người bị lỗi gien BRCA1 không nhiều nên chỉ có một số phụ nữ phải đưa ra lựa chọn khó khăn này. Do đó, có người đã chỉ trích rằng "hiệu ứng Angelina" đã khiến một số phụ nữ bắt chước mà không dựa trên cơ sở khoa học.
Ở Mỹ, có tình trạng ngày càng nhiều phụ nữ bị ung thư vú cắt cả hai bên ngực dù không cần thiết. Nghiên cứu của Đại học Michigan cho biết, trong số 1.447 phụ nữ được điều trị ung thư vú có 8% cắt bỏ cả bên ngực không bị ung thư. Điều đáng lưu ý là 69% trong số nhóm 8% đó không có tiền sử ung thư di truyền. Việc này dẫn đến hậu quả là họ bị điều trị quá tay và có thể bị tổn hại về lâu dài, hơn nữa lại làm gián đoạn thời gian điều trị căn bệnh mà họ đang mắc.
Trước đây, cũng có một số hiệu ứng tương tự mà người nổi tiếng tạo ra. Các hiệu ứng này phần nhiều do người Mỹ nói riêng và con người nói chung có xu hướng quan sát những gì người nổi tiếng làm và làm theo họ. Sau khi nhà báo Mỹ nổi tiếng Katie Couric thực hiện ca soi ruột già để phòng ngừa ung thư ruột năm 2000, nhu cầu soi ruột già tăng vọt, trở thành "hiệu ứng Couric".
Đối với bản thân Angelina, một ngôi sao hạng A nổi tiếng hơn nhiều, cô từng tạo ra nhiều trào lưu trước đó. Sau khi cô sinh một bé gái năm 2008 và đặt tên là Vivienne, cái tên này lần đầu tiên ở Mỹ từ năm 1930 đã đứng hàng đầu bảng trong 1.000 cái tên phổ biến nhất cho bé gái năm 2009. Sau đó, hiệu ứng Vivienne nhạt dần nhưng hiện vẫn ở vị trí 322. Hai cái tên Maddox và Shiloh của hai đứa con khác của Angelina cũng tạo thành trào lưu tương tự.