Hàng không Nga và những kỳ tích

Thứ Hai, 10/09/2018, 20:58
Dưới tác động từ chuyến bay vượt biển La Manche thành công của phi công người Pháp Louis Blériot vào ngày 25-7-1909, người Nga quyết định xúc tiến thành lập ngành hàng không của mình. Với tên tuổi các phi công thử nghiệm đầu tiên là Mikhail Efimov và Sergei Utochkin, đã mở đường cho sự phát triển như vũ bão của ngành hàng không Xôviết trước đây và Liên bang Nga hiện nay.


Song hành với các cuộc triển lãm hàng không quốc tế thường niên khởi sự từ đầu năm 1910, nhiều ngôi trường đào tạo đội ngũ lái máy bay chuyên nghiệp đã được khánh thành ở cả 2 đô thị lớn nhất đất nước là Saint Petersburg và Moscow. Tới năm 1912 dưới sự lãnh dạo của Tổng công trình sư Hàng không tài ba Igor Sikorsky, tại nhà máy xe lửa ở Saint Petersburg đã hoàn thành chiếc phi cơ đầu tiên do Nga sản xuất, được đặt tên là Russky Vityaz (Hiệp sĩ Nga), cũng là kiểu máy bay cánh quạt 4 động cơ đầu tiên trên thế giới.

Sang năm 1914 xuất hiện chiếc Ilya Muromest thuộc dạng phi cơ dân dụng lớn nhất thời ấy, có thể chở được 16 hành khách, đã gây ấn tượng mạnh trong ngành hàng không quốc tế đầu thế kỷ XX. Chỉ trong vòng 5 năm, đã có 80 chiếc máy bay đủ kiểu dáng khác nhau lần lượt được xuất xưởng.

Vào thời điểm mở đầu Thế chiến I, ngành hàng không non trẻ của nước Nga chỉ có số phi cơ ít ỏi là 150 chiếc. Đến năm 1923, lãnh tụ Lênin cho thành lập tổ chức xã hội Dobrolet quy tụ những người am hiểu ngành hàng không, tiền thân của Bộ Hàng không Dân dụng sau này. Đất nước Xôviết bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất phi cơ với quy mô chưa từng thấy. Tới giữa thập niên 20 thế kỷ trước xuất hiện các kiểu máy bay ANT-2, ANT-3 và ANT-4, là những kiểu phi cơ được làm hoàn toàn bằng kim loại, khác với các kiểu cũ chủ yếu cấu thành từ gỗ và vải.

Đỉnh điểm trong giai đoạn này là chuyến bay “để đời” của phi cơ ANT-4, trong năm 1929 đã thực hiện phi vụ bay thẳng từ Moscow sang New York, vượt quãng đường 21.500km qua Đại Tây Dương ở độ cao 8.000m. “Một kỳ tích khiến cả thế giới phải ngả mũ chào”, như lời bình luận của tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ The New York Times. 

Sự tấn công bất ngờ của quân đội phát xít Đức trong Thế chiến II đã gây tổn thất nặng nề cho không quân Xôviết. Ngay trong tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến phía Liên Xô đã mất hàng nghìn phi cơ. Đáng nói hơn cả là hầu hết các vùng nguyên liệu quặng nhôm thiết yếu cho việc sản xuất máy bay đều bị quân Đức chiếm đóng. Nhưng bất chấp điều đó, không lực Xôviết vẫn trụ vững.

Chỉ ngay trong ngày 22-6-1941 mở màn Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các phi đội không lực Hồng quân đã hạ được 300 phi cơ chiến đấu của đối phương, một kỳ tích cho đến nay chưa ở đâu lặp lại được tại bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử. Cuộc chiến khốc liệt đòi hỏi ngành hàng không phải bắt đầu lại từ con số không. Với nỗ lực vượt bậc để thực thi nhiệm vụ trọng đại, dưới sự dẫn dắt của đội ngũ Tổng công trình sư lão luyện gồm Đại tướng Alexander Sergeyevich Yakovlev, Thượng tướng A. N. Tupolev, Thượng tướng Sergey Vladimirovich Ilyushin, Nikolai Nikolaevich Polikarpov từng được tôn vinh là “Vua của máy bay tiêm kích” và nhiều cá nhân xuất sắc khác đã cho xuất xưởng những kiểu phi cơ mới thiện chiến không thua kém gì đối phương, thậm chí có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn.

Trong năm 1943 tương quan lực lượng giữa không quân Xôviết và Đức quốc xã đã ngang bằng nhau, càng về sau ưu thế kiểm soát bầu trời càng ngả về phía Hồng quân, góp phần vào trận chiến quyết định tấn công Berlin buộc quân phát xít phải đầu hàng vô điều kiện.

Sau Thế chiến II là thời kỳ phát triển thế hệ máy bay phản lực quân sự kiểu mới, nhờ sự tiến bộ của nền khoa học kỹ thuật Liên Xô các kiểu phi cơ với vận tốc siêu thanh đã ra đời, có thể bay xuyên đại dương qua các châu lục chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Còn ngành hàng không dân dụng Xôviết cũng phát triển như vũ bão, lần lượt cho xuất hiện những loại máy bay vận tải chở khách cũng như chở hàng khổng lồ với các thương hiệu uy tín truyền thống..

Trần Quang Long (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.