Hậu quả cháy rừng ngày càng thảm khốc do biến đổi khí hậu

Chủ Nhật, 22/10/2017, 21:10
Những vụ cháy rừng cứ liên tiếp xảy ra và ngày càng thảm khốc hơn. “Hung thủ” được các nhà khoa học chỉ đích danh là biến đổi khí hậu.

Năm 2015, những vụ cháy rừng bất thường tàn phá Alaska và Indonesia. Năm sau đến lượt Canada và Tây Ban Nha hứng chịu hậu quả của thảm họa cháy rừng. Năm 2017 lửa lại hoành hành nhiều khu vực ở Chile, Bồ Đào Nha.

Và trong khoảng hơn một tuần nay, vụ cháy rừng kinh khủng nhất trong lịch sử bang California, Mỹ, đã thiêu rụi khoảng 3,5 triệu hecta rừng, 40 người chết và con số này được dự báo là vẫn còn tiếp tục gia tăng bởi hiện vẫn còn hơn 200 người mất tích. Nỗ lực khống chế giặc lửa vẫn đang tiếp tục nếu người ta không muốn lặp lại bi kịch của năm 2015 với 4 triệu hecta rừng bị lửa tàn phá. Những vụ cháy rừng cứ liên tiếp xảy ra và ngày càng thảm khốc hơn. “Hung thủ” được các nhà khoa học chỉ đích danh là biến đổi khí hậu.

Sức tàn phá khủng khiếp

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo: Lửa lan nhanh và rộng trong điều kiện khí hậu khô và gió giật cùng với tình trạng khô hạn sẽ tiếp tục cho tới ngày 18-10. Hơn 10.000 lính cứu hỏa với sự hỗ trợ của máy bay và các phương tiện chuyên dụng đã được điều động để xử lý hàng chục đám cháy tại khu vực phía bắc bang California.

Một đám cháy rừng ở miền nam nước Pháp năm 2016 buộc hơn 1.000 người rời nhà cửa.

Lính cứu hỏa từ các bang lân cận như Oregon, Washington, Arizona, Colorado, Nevada, Utah... đã được huy động chữa cháy. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là thành phố Santa Rosa, trong vùng làm rượu vang Sonoma, nơi có 3.000 người được sơ tán vào hôm thứ Bảy cuối tuần qua và trước đó là khoảng 100.000 người. Ít nhất 40 người đã thiệt mạng và hơn 200 người hiện đang mất tích.

Phần lớn những nạn nhân là những người lớn tuổi tử vong khi đám cháy bùng phát vào ngày 8 và 9-10. Giám đốc Sở cứu hỏa California Ken Pimlott cho biết: "Tối 8-10, khoảng 22 giờ (giờ địa phương) gió mạnh 80 km/giờ đến 96 km/giờ nổi lên khắp miền Bắc của bang làm bùng phát các đám cháy".

Jerry Brown, Thống đốc bang California nói rằng đây là "một trong những bi kịch lớn nhất" mà tiểu bang này từng phải đối mặt. Gió lên đến 70 km/giờ, đưa các vụ cháy đến các thị trấn mới. Gần 6.000 ngôi nhà và công trình xây dựng đã bị lửa thiêu trụi. Tổng diện tích những vùng bị lửa tàn phá đã lên tới trên 850 km2, lớn hơn cả thành phố New York và gấp 5 lần so với ngày đầu tiên. "Sự tàn phá là không thể tin được" - ông Jerry Brown diễn tả - "Một sự khủng khiếp mà không ai có thể tưởng tượng được".

Ngọn lửa khổng lồ đã đưa khói và "cơn giông tro bụi" tràn sang San Francisco khoảng 50 dặm, phủ lên một số thị trấn và thành phố xa hơn nữa về phía nam. Ít nhất 13 nhà máy rượu vang ở Thung lũng Napa đã bị phá hủy. Tiểu bang California cũng là nơi tập trung nhiều người Việt, người Mỹ gốc Việt nhất nước Mỹ, chỉ tính riêng tại quận Cam đã có hơn 400.000 người Việt, bên cạnh đó là quận Los Angeles và Santa Clara.

Nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với hàng chục đám cháy sau 6 ngày xảy ra cháy rừng

Theo ước tính cho tới thời điểm này, tổng thiệt hại về tài sản do các đám cháy tại California gây ra có thể lên đến hàng chục tỉ USD và sẽ còn phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Khu vực Bắc California từng chứng kiến nhiều vụ cháy có sức tàn phá khủng khiếp, trong đó có đám cháy gây nhiều thương vong xảy ra vào tháng 10-1991 ở Oakland Hill khiến 25 người thiệt mạng. Đây cũng là vụ cháy có sức tàn phá nặng nề khiến 2.900 tòa nhà bị phá hủy.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, chất lượng không khí ở San Francisco, Thung lũng Silicon và các vùng lân cận đang ở mức báo động. Khu vực này đã phải chịu đựng khói mù gần một tuần nay từ khi vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất lịch sử bang California bắt đầu bùng phát.

Chỉ số nồng độ bụi và tạp chất đo được ở những nơi này lên tới 158, gấp hơn 5 lần mức an toàn và chỉ thấp hơn một chút so với đỉnh điểm 165 ở thành phố nổi tiếng ô nhiễm Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc phải hủy, trường học đóng cửa, các hoạt động ngoài trời bị cắt giảm tối đa.

Hãng tin AP dẫn lời Ralph Borrmann, người phát ngôn khu vực vịnh San Francisco cho biết: "Mức khói và bụi trong không khí hiện nay nhiều chưa từng thấy". Các quan chức ngành y tế cảnh báo rằng, các hạt khói mỏng hơn sợi tóc có thể bị mắc kẹt trong phổi và thâm nhập vào máu, gây tổn hại về lâu dài cho con người.

"Khói, chất hạt và chất độc có thể khiến mọi người bị mờ mắt, khó thở, ngứa cổ họng và chảy nước mũi", tờ USA Today dẫn lời Catherine Forest, bác sĩ và chuyên gia về các độc tố môi trường của Sở Y tế Stanford ở Palo Alto, California.

Một tòa nhà thương mại bị thiêu hủy hoàn toàn trong vụ cháy ở thành phố Santa Rosa. Ảnh: AP.

Các đám cháy vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, vì vậy tình trạng chất lượng không khí không an toàn này dự kiến còn kéo dài trong những ngày tới, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà hoặc đeo các loại khẩu trang đặc dụng khi có việc cần ra ngoài, vì thế mặt hàng khẩu trang đặc dụng hoặc mặt nạ chống độc ở những vùng này đang trở nên khan hiếm. Hãng tin AP cho biết, tại nhiều cửa hàng trong thành phố San Francisco, điện thoại đổ chuông không ngớt và khách hàng lui tới liên tục để tìm mua mặt nạ, khẩu trang nhưng hầu hết đã cháy hàng.

Biến đổi khí hậu gây cháy rừng và rừng cây bị cháy dẫn đến biến đổi khí hậu

Theo Liên minh Các nhà Khoa học quan tâm đến mọi vấn đề toàn cầu (UCS), trong vài thập niên qua, con số những vụ cháy rừng tăng dần và đặc biệt là tại vùng các bang bờ Tây nước Mỹ. Không chỉ gia tăng về số lượng mà thời gian cháy còn kéo dài hơn nữa. Jason Funk, chuyên gia khí hậu ở UCS, đánh giá: "Năm 2015 đã được ghi nhận là năm kỷ lục về cháy rừng ở Mỹ với hơn 4 triệu hecta rừng - tức bằng diện tích Hà Lan hay Thụy Sĩ - bị lửa thiêu rụi. Năm nay, nếu ngọn lửa không sớm bị khống chế thì mức độ thiệt hại về người, tài sản và thiên nhiên sẽ lập 'kỷ lục mới".

Bà Kristine Pond cố sức tìm kiếm chút gì còn lại trong đống đổ nát của ngôi nhà sau đám cháy ngày 9-10 ở thành phố Santa Rosa, một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ cháy. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, không chỉ có những khu rừng của Mỹ bị hỏa hoạn đe dọa mà cả nhiều khu vực khác trên thế giới - như là vùng Siberia - cũng là nạn nhân của lửa. UCS cho rằng những vụ cháy rừng tăng gấp 4, 5 hay thậm chí 6 lần trong thế kỷ này.

Nguyên nhân chính do đâu? Với Jason Funk thì sự biến đổi khí hậu làm tăng số vụ cháy rừng mỗi năm - về quy mô cũng như thời gian. Trước kia, cháy rừng thường do lỗi từ con người như là ném tàn thuốc lá đang cháy dở hay từ thiên nhiên như tia sét. Nhưng vấn đề hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho môi trường những khu rừng tự nhiên ngày càng nóng và khô hơn. Khí thải nhà kính chính là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu và dẫn đến biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ tăng làm hiện tượng bốc hơi nhanh hơn. Hay nói cách khác, bầu khí quyển sẽ hấp thu hơi ẩm từ đất đai nhiều hơn khiến cho nó trở nên khô hơn. Nhiệt độ tăng cũng làm cho mùa tuyết tan đến sớm hơn bình thường gây hậu quả là mặt đất bị khô trong thời gian dài hơn - đó là điều kiện thuận lợi cho lửa tấn công. Funk giải thích: "Những khu vực xảy ra cháy rừng thường là những vùng đất khô hơn, nóng hơn và mùa xuân đến sớm hơn".

Cháy rừng ở Fort McMurray (Canada) năm 2016 buộc sơ tán 90.000 người.

Điều đáng sợ là những vụ cháy rừng hiện nay xảy ra trong thời gian kéo dài khó dập tắt và gây hậu quả trầm trọng hơn về người cũng như kinh tế đất nước. Lửa cũng lan nhanh hơn và di chuyển theo nhiều hướng khó dự đoán. Funk cảnh báo: "Những vụ cháy rừng ngày nay thực sự vượt khỏi tầm kiểm soát của con người và xảy ra ngày càng thường xuyên hơn so với quá khứ".

Ngoài ra, các loài động vật gây hại như là côn trùng cũng góp phần giết chết nhiều cây cối khiến rừng trở nên dễ bị bắt lửa hơn. Khi mùa hè kéo dài hơn do khí hậu nóng lên, côn trùng sẽ sinh sản nhanh hơn và nhiều hơn. Những hoạt động của con người như là đốn gỗ và khai mỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.

Theo UCS, cháy rừng không hẳn là điều xấu bởi vì lửa là hiện tượng tự nhiên và phần nào đó mang lợi ích đến cho hệ sinh thái rừng giúp chúng khỏe mạnh. Trong những thập niên qua, thảm thực vật trên nền đất rừng sau khi cháy sẽ để lại khoảng đất mùn cho phép cây cối sinh trưởng nhanh hơn cũng như chịu lửa tốt hơn - Jason Funk giải thích. Nhưng những vụ cháy rừng lan tràn khắp nơi không kiểm soát được do biến đổi khí hậu lại là thảm họa cho môi trường và con người.

Cháy rừng đặt ra nguy cơ cho sự sống con người, tác động xấu đến sức khỏe cũng như kinh tế và cơ sở hạ tầng quốc gia. Cháy rừng cũng trực tiếp giết chết nhiều loại động-thực vật gây mất cân bằng sinh thái. Nguy cơ lớn nhất là cháy rừng góp phần làm tăng thêm khí thải nhà kính làm cho khí hậu trái đất biến đổi nặng nề hơn nữa.

Bởi vì cây cối hấp thu và lưu trữ carbon dioxide từ khí quyển, cho nên chúng bị cháy rụi càng nhiều thì trong tương lai con người sẽ mất đi vũ khí hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu. Một vòng luẩn quẩn được tạo ra - biến đổi khí hậu gây cháy rừng và rừng cây bị cháy dẫn đến biến đổi khí hậu!

Theo đánh giá từ UCS, khu vực rừng phương Bắc (rừng Taiga) được coi là nơi rất dễ bị lửa tấn công. Rừng Taiga bao phủ khu vực bán cầu Bắc gồm các quốc gia: Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Nga (đặc biệt là Siberia) và vùng Alaska. Rừng Taiga chiếm một phần ba diện tích rừng trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hấp thu cũng như lưu giữ carbon dioxide. Theo các nghiên cứu từ UCS, những khu rừng phương bắc ở Nga và Canada dễ bị lửa tấn công do nhiệt độ ở những nơi này tăng nhanh hơn những khu vực khác trên hành tinh.

Duy Ân - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.