Hé lộ góc tối sau vụ sập cầu ở Italy
- Tìm thấy những thi thể cuối cùng trong vụ sập cầu tại Italia
- Thủ tướng Italia “chỉ mặt” công ty chịu trách nhiệm vụ sập cầu Morandi
- Vụ sập cầu cao tốc tại Italia: Thương vong tiếp tục tăng mạnh
Khoảnh khắc "ngày tận thế"
Tuyến đường cao tốc A10 (Autostrada 10) chạy dọc theo bờ biển phía Tây Bắc của Italy, kết nối thành phố Genoa với thành phố Ventimiglia. Đây là một phần thuộc tuyến đường châu Âu mang tên E80 trải dài từ Bồ Đào Nha đến miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nhưng, ngày 14-8 đã trở thành nỗi ám ảnh của những gia đình sống gần khu vực này. Một đoạn cầu Morandi dài khoảng 200 mét nằm trên tuyến đường cao tốc A10 ở Genoa bị sập và từ độ cao khoảng 100 mét rơi xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới. Trong khoảnh khắc được mô tả như "ngày tận thế", nhiều ôtô đang lưu thông trên cầu đã bị rơi theo đoạn cầu sập và bị vùi trong đống đổ nát cùng các nạn nhân mắc kẹt bên trong.
Hiện trường vụ sập cầu Morandi ngày 14-8 nhìn từ trên cao. Ảnh: EPA. |
Chưa hoàn hồn sau sự cố sập cầu ngày 14-8, tài xế Luciano Goccia cho biết, thời điểm cầu sập, ông đang đỗ xe ngay dưới chân cầu Morandi. "Khi đó, vừa mở cửa xe định bước xuống thì tôi nghe thấy âm thanh vang dội như tiếng nổ. Một làn gió mạnh thổi bay tôi về phía sau, khiến tôi va vào một bức tường. Đúng lúc đó, toàn bộ phần thân cầu bằng bê tông rơi xuống và nghiền nát chiếc xe tải", ông Luciano Goccia nhớ lại.
Ông Luciano Goccia đã thoát chết thần kì chỉ với vài vết trầy xước nhẹ và một vết thương nhỏ trên tay, trong khi chiếc xe tải của ông đã trở thành phế liệu.
May mắn thoát chết sau khi bị vùi trong đống đổ nát, Davide Capello, một thủ môn từng chơi ở Serie A cho câu lạc bộ Cagliari cho biết, anh đang chạy xe trên cầu cao tốc khi mọi thứ bắt đầu sập xuống đất. "Tôi rơi xuống cùng cây cầu và không biết điều gì đã cứu sống mình. Tôi vẫn tỉnh táo và ngay lập tức gọi cho lính cứu hỏa, sau đó là gia đình tôi. Tôi thậm chí không biết làm thế nào mà chiếc xe không bị nghiền nát", Capello nói trên Sky TG24.
Thế nhưng, có những người không được may mắn như ông Luciano Goccia và Davide Capello. Theo thống kê, đã có ít nhất 43 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong thảm họa này. Trong số các nạn nhân, có 4 người quốc tịch Pháp, 2 công dân Romania và 3 người Chile. Các nạn nhân người Italy bao gồm các gia đình, cặp đôi và các nhóm bạn bè đang trên đường tới các bãi biển của Italy trong kỳ nghỉ "Ferragosto" quốc gia rơi vào ngày 15-8 năm nay.
Báo chí Italy cho biết, cầu Morandi được xây dựng từ năm 1967 và được đặt theo tên của nhà thiết kế Ricardo Morandi. Cầu Morandi, hay còn gọi là "cầu Brooklyn" của thành phố Genoa, là tuyến giao thông huyết mạch nối Italy với vùng biển phía nam của Pháp. Vụ tai nạn gây chết người nghiêm trọng đã làm dấy lên làn sóng giận dữ từ phía dư luận vì những vấn đề về mặt cấu trúc tại cây cầu đã hoạt động nhiều thập niên này đã được cảnh báo nhiều lần.
Công ty tư nhân Autostrade per l'Italia, nhà thầu vận hành và bảo dưỡng hầu hết các tuyến đường cao tốc trên cả nước cũng đang hứng chịu những chỉ trích gay gắt. "Khó có thể chấp nhận việc tư nhân được trao trách nhiệm này", ông Francesco Cozzi, Công tố viên phụ trách điều tra vụ sập cầu Morandi, chỉ trích. Ông Cozzi đồng thời cáo buộc nhà nước đã "từ bỏ" trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đường sá ở Italy.
Ông Luciano Goccia với chiếc xe phế liệu của mình sau vụ sập cầu ngày 14-8. Ảnh: Reuters. |
Hiện Autostrade per l'Italia đã tuyên bố dành 500 triệu euro để xây dựng lại cầu Morandi cũng như hỗ trợ thành phố cảng Genoa phục hồi trở lại sau thảm họa sập cầu. Ngoài ra, công ty này cũng cam kết việc xây dựng lại cầu Morandi sẽ được hoàn thành trong vòng 8 tháng. Tuy nhiên, đề xuất của Autostrade per l'Italia đã bị bác bỏ. Phía Chính phủ Italy cho rằng, Autostrade per l'Italia có lỗi và có trách nhiệm phải đền bù, chứ không phải hỗ trợ.
Liên tiếp thảm họa sập cầu trong 5 năm
Vụ sập cầu Morandi được xem là thảm họa đối với người dân Italy, đồng thời làm dấy lên lo lắng về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các công trình giao thông có thể cướp đi mạng sống của người dân bất cứ lúc nào. Báo chí Italy cho biết, trước đây cũng từng xảy ra các vụ sập cầu, song không gây hậu quả nặng nề về người như lần này. Tờ Corriere della Sera thậm chí còn thống kê 11 vụ sập cầu ở Italy trong 5 năm trở lại đây.
Theo nhật báo Corriere della Sera, ngày 6-8-2018, một vụ va chạm giữa xe bồn chở vật liệu dễ cháy và xe tải đã xảy ra trên trên đường cao tốc A1-A14 tại cây cầu gần sân bay Bologna, miền Bắc Italy, gây ra nổ lớn. Lửa cháy dữ dội và cột khói đen lớn bốc lên từ hiện trường vụ va chạm. Vụ nổ đã khiến cầu cạn của giao lộ Casalecchui sụp đổ làm một người chết và 145 người khác bị thương.
Trong năm 2017 đã xảy ra ba vụ sập cầu. Theo báo chí địa phương, tháng 1-2017, một cây cầu ở Calabria bất ngờ đổ sập, may mắn không có ai bị thương vong. Hai tháng sau, một cầu cạn trên xa lộ A14 gần Ancona, miền trung Italy, cũng bị sập khiến 2 người chết và 2 người bị thương.
Vụ sập cầu ở Calabria năm 2017. Ảnh: lapress. |
Theo công ty quản lý đường cao tốc Italy (Anas), cầu này được xây tạm trong giai đoạn mở rộng đường cao tốc từ hai lên ba làn. Nạn nhân trong vụ tai nạn là cặp vợ chồng khi chiếc xe của họ đi bên dưới cầu. Hai người bị thương mang quốc tịch Rumania khi đang làm việc trên cầu. Thảm họa thứ ba xảy ra vào tháng tư cùng năm khi cầu cạn ở Cuneo, Piedmont bị sập. May mắn thời điểm trên không ai đi qua cây cầu này.
Ngày 28-10-2016, cầu cạn nối giữa Milan và Lecco đã bị sập cướp đi sinh mạng của một người và làm 5 người khác bị thương, trong đó có 3 trẻ em. Theo tờ Le Dauphiné Libéré, Cơ quan quản lý đường bộ Italy (ANAS) đã cảnh báo nhà chức trách địa phương ba giờ trước thảm họa, đồng thời yêu cầu không cho phép người dân đi qua cầu. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo, người dân vẫn sử dụng cầu để qua lại và điều đáng tiếc đã xảy ra.
Ngày 10-4-2015, một vụ sạt lở đất đã phá hủy trụ cầu của cầu cạn Himera nằm trên xa lộ A19 thuộc địa phận Sicily và không gây thương tích cho con người.
Ngày 23-12-2014, một cầu cạn nối Palerme với Catane ở Sicile được khánh thành nhưng đã không thể sử dụng. Chỉ 2 tuần sau lễ khánh thành, mặt đường bị lún tới hơn 50cm tại mối tiếp giáp cầu. Vụ việc đã gây sự phẫn nộ trong dân chúng bởi dự án xây cầu này có trị giá lên tới 13 triệu euro. Trước đó, năm 2017, một cầu cạn ở Petrulla đổ sập nhưng không gây thương vong. Tháng 11-2013, hai cây cầu đã bị cơn bão mạnh phá hủy ở Sardaigne.
Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do trong những năm 1960, thời kỳ bùng nổ về xây dựng ở Italy, nhiều cây cầu, đường sá, nhà cửa và trường học đã được xây dựng mà thường là bằng các vật liệu rẻ tiền nhằm gia tăng lợi nhuận cho các nhà thầu. Hầu hết các nhà thầu này đều có bóng dáng của nhiều tổ chức tội phạm và mafia đứng đằng sau.
Tuy nhiên, xi măng và bê tông kém chất lượng không phải là nguyên nhân duy nhất bởi cũng đã từng có một số cây cầu được xây dựng bằng xi măng chất lượng cao và không có "bóng dáng của mafia" nhưng vẫn bị sập.
Giới chuyên gia ước tính hiện ở Italy có khoảng 300 cây cầu đang có nguy cơ bị sập và đòi hỏi phải đầu tư một khoản tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy cũng nhận định phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này, được xây dựng vào những năm 1950 và 1960, đang đối mặt với nhiều nguy cơ do quá cũ kỹ.
Các chuyên gia cho rằng các vật liệu dùng để xây dựng vào thời điểm đó có tuổi thọ chỉ khoảng từ 50 đến 60 năm. "Nguyên nhân lớn nhất khiến cầu xuống cấp là các kết cấu bê tông cốt thép bị bào mòn phần thép bên trong", Tiến sĩ Geoff Thomas, giảng viên tại Trường Kiến trúc thuộc Đại học Victoria, nhận định.
Châu Âu vào cuộc
Trước tình trạng nhiều cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, dự kiến vào tháng 9 tới, Chính phủ Italy sẽ đưa ra một "kế hoạch quốc gia", theo đó tiến hành duy tu, bảo dưỡng hệ thống các đường cao tốc, cầu cống và trường học nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sau vụ sập cầu cao tốc Morandi. Ông Giancarlo Giorgetti, Thư ký Nội các Italy cho biết, đây sẽ là kế hoạch duy tu, bảo dưỡng "chưa từng có", với các khoản đầu tư lớn dành cho các công trình công cộng.
Vụ sập cầu cạn ở Italy đã làm gióng lên hồi chuông cảnh báo ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức, Bulgaria. Tại Đức, một báo cáo năm 2017 cho thấy 12,4% các cây cầu nước này ở trong tình trạng tồi tệ, 12,5% được xem là tốt. Nhiều cây cầu được xây dựng từ những năm 1960-1970 và không được thiết kế để phục vụ lưu lượng phương tiện trọng tải nặng như ngày nay. Tại Hà Lan, có những lo ngại về tình trạng cầu đường được bảo trì bởi chính quyền địa phương so với những công trình do chính quyền trung ương kiểm soát.
Theo báo cáo kiểm toán do Nibuxs và IMDM thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giao thông Pháp, toàn nước Pháp có 12.000 cây cầu, trong đó có 840 cầu (chiếm 7%) đang có nguy cơ bị sập trong một vài năm tới. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng cầu yếu là do cầu phải "dầm mưa, dãi nắng" trong một thời gian dài cũng như sự gia tăng phương tiện giao thông có trọng tải lớn. Trong khi đó, ngân sách dành cho bảo trì đường bộ của Pháp giảm đáng kể trong thời gian qua. Trung bình, mỗi năm Pháp chi 50.000 euro cho một km đường, thấp hơn nhiều so với Anh (80.000 euro/km đường), nhưng cao hơn nhiều so với ở Italy.
Bộ trưởng Giao thông Pháp, bà Élisabeth Borne, đã cho biết, toàn bộ hệ thống cầu tại Pháp sẽ được kiểm tra hàng năm, đồng thời cứ 3 năm sẽ được kiểm tra tổng thể một lần. Bộ Giao thông sẽ đề xuất một dự luật về cơ sở hạ tầng ngay khi chính phủ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè năm nay.
Theo kế hoạch này, nước Pháp sẽ dành một khoản kinh phí khoảng 1 tỷ euro mỗi năm cho công tác bảo trì, sửa chữa và hiện đại hóa hệ thống đường sá (so với 800 triệu euro năm 2018). Giới quan sát nhận định, việc duy tu, bảo trì phải diễn ra thường xuyên, chứ đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".