Hệ lụy từ tục nhai trầu

Thứ Ba, 06/02/2018, 15:25
Đến thăm Papua New Guinea (PNG), đảo quốc phía nam Thái Bình Dương, du khách sẽ chứng kiến cảnh mọi người nhai nhóp nhép trầu cau ở khắp nơi. Người ta coi đó là món gây nghiện truyền thống có phần kỳ dị của dân đảo.

Ngày xa xưa, trầu cau được nhai trong những dịp nghi lễ thiêng liêng, nhưng ngày nay món này được dùng phổ biến hàng ngày. Theo số liệu thống kê, một nửa dân đảo nhai trầu cau mỗi ngày. Tuy nhiên, trước tỷ lệ bệnh nhân ung thư miệng chết người ngày càng tăng cao buộc chính quyền nơi đây phải ban hành lệnh cấm nhai trầu cau và thậm chí lập ra nhiều trạm kiểm soát để phạt nặng những người cố tình vi phạm.

Nhai trầu cau là tập tục rất phổ biến khắp châu Á - Thái Bình Dương. Riêng ở PNG, cau được dân địa phương gọi là "buai" và được sử dụng chung với que mustard khuấy trong lọ bột nhão vôi tôi. Nhai trầu cau được cho là mang đến cảm giác sảng khoái và giúp cho tinh thần tỉnh táo.

Trong dịp lễ hội văn hóa diễn ra hàng năm ở tỉnh East New Braitain, người người nhai trầu cau ở khắp nơi. Một phụ nữ địa phương trên là Philomena giải thích: "Cau là chất kích thích. Nó mang lại cho bạn cảm giác hưng phấn, giúp xua tan sự chán chường trong công việc hay cuộc sống. Nó tăng cường năng lượng cho tôi và khiến cho tôi thấy hào hứng lên. Tôi cho phép 5 cô con gái nhai trầu cau thỏa thích mỗi khi chúng muốn. Nhưng, trước tiên chúng phải ăn no cái đã bởi vì nếu để bụng đói thì sẽ bị say thuốc gây choáng váng mặt mày ngay". 

Trẻ em cũng nhai trầu cau mỗi ngày như người lớn.

Philomena và 5 cô con gái có độ tuổi từ 8 đến 18 đều nhai trầu cau mỗi ngày. Khi nhai trầu cau, hai mắt Philomena mở to và người bắt đầu đổ mồ hôi. Một lát sau, Philomena nhổ ra thứ bã màu đỏ tươi và trông chị có vẻ sảng khoái lắm. Cô con gái 18 tuổi tên Sophia bắt đầu nhai trầu cau từ lúc lên 10 tuổi.

Cô gái vừa nói chuyện vừa nhai trầu cau cho nên nghe giọng như bị ngọng: "Nhai buai giúp tôi cảm thấy hạnh phúc và năng lượng tràn đầy để làm mọi việc vặt vãnh mà không biết mệt. Nếu không có buai, tôi sẽ mau thấm mệt và buồn ngủ. Buai là một phần trong văn hóa của chúng tôi. Mọi người trong gia đình đều nhai buai".

Ruột quả cau có hoạt chất gọi là arecoline tác động đến các protein cảm nhận ở não bộ giống như nicotine. Tuy nhiên, quả cau có thể gây nghiện đến mức độ nặng cũng như gây ung thư miệng. PNG là nơi có tỷ lệ ung thư miệng cao nhất thế giới hiện nay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong mỗi 500 ca ung thư miệng và vòm họng mới trên thế giới có 1 ca được ghi nhận ở PNG. Bác sĩ Yvonne Sapuri, người chẩn đoán xấp xỉ 2 ca ung thư miệng mới vào mỗi tuần tại Bệnh viện Đa khoa Kimbe West New Britain, cho biết: "Số liệu thống kê của chúng tôi chưa được chính xác lắm và có nhiều ca chưa được chẩn đoán. Tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể những trường hợp bệnh nhân bị thương tổn nơi vùng miệng. Phần đông bệnh nhân tìm đến bệnh viện quá trễ. Hệ thống y tế của đất nước chúng tôi quá yếu kém trong khi cơ sở chữa ung thư lại thiếu thốn máy móc thiết bị lẫn chuyên gia nên dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao".

Tại PNG chỉ có một trung tâm chữa ung thư duy nhất mà lại thiếu chuyên gia. Trước tình trạng người dân nhai trầu cau quá nhiều, hệ thống y tế quốc gia càng chịu áp lực hơn nữa trong tương lai. Theo bác sĩ Yvonne Sapuri, hiện nay người dân PNG nhai trầu cau còn nhiều hơn trước đây và "cho dù biết nó có hại cho sức khỏe nhưng mọi người vẫn nhai thứ này bởi vì họ đã trở thành con nghiện nặng. Nó đã trở thành thói quen giống như uống tách trà".

Bác sĩ Paki Molumi cảnh báo: "Nếu bắt đầu nhai trầu cau từ lúc tuổi còn quá nhỏ thì nguy cơ mắc ung thư là rất cao khi bước vào tuổi 30". Paki Molumi là bác sĩ phẫu thuật tai-mũi-họng tại Bệnh viện Đa khoa Port Moresby.

Ở thủ đô Port Moresby của PNG, lệnh cấm bán và tiêu thụ quả cau có hiệu lực từ hơn 3 năm qua. Mỗi tuần, một lượng lớn quả cau ước trị giá khoảng hơn 500.000 USD được bán ra tại Port Moresby. Nhưng, hiện nay lệnh cấm được dỡ bỏ một phần với sự cho phép bán cau có kiểm soát tại một số địa điểm được quy định.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Port Moresby bị chỉ trích đã sử dụng bạo lực hủy hoại phương kế sinh nhai của những nhà cung cấp cau. Ở PNG, quả cau được mô tả là "vàng xanh", hoàn toàn không bị đánh thuế và là phương tiện sinh sống chủ yếu của người dân nghèo. Các khu chợ ở nước này đều ấn định chỗ riêng biệt để bán cau.

Giá một quả cau và que mustard dao động khoảng từ 6 xu đến 1,30 USD - tùy theo vùng trồng và mùa. Đối với Nuari, cau là nguồn thu nhập chính của bà. Nếu bán được, Nuari có thể kiếm được khoảng 30 USD/ngày. Bà thú thật: "Nhờ bán cau mà tôi có tiền nuôi gia đình, mua nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống như xà phòng và muối".

Mặc dù nghiện trầu cau nặng, Nuari cũng ủng hộ lệnh cấm của lãnh đạo Port Moresby. Bà lập luận: "Chính quyền cần phải cấm mọi người nhai trầu cau bởi vì thói quen đó tạo nên quá nhiều rác. Mọi người khạc nhổ đầy ra đường phố. Nơi nào cũng có những bãi đốm đỏ bẩn thủi trông rất mất vệ sinh".

Do đó, đằng sau lệnh cấm là ý tưởng làm sạch thành phố khỏi những bãi bã trầu màu đỏ.Việc nhổ nước bọt khi nhai trầu cau cũng là nguyên nhân lây truyền bệnh tật - nguy cơ nơi quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh lao phổi thuộc hàng cao nhất thế giới. Năm 2016, sự kiện Ngày không có quả cau được tổ chức để giáo dục người dân trước nguy cơ ung thư miệng và vòm họng.

Trầu cau được sử dụng phổ biến khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương và được coi là chất gây nghiện được sử dụng nhiều nhất sau caffeine, rượu và thuốc lá. Bất chấp lệnh cấm bán và tiêu thụ quả cau, những người bán loại quả này vẫn không sợ hãi cho dù thường xuyên bị cảnh sát đánh đập.

Peter Rasta, người bán cau ở Port Moresby, thẳng thắn nói: "Điều hết sức đơn giản là quả cau mang đến thu nhập hàng ngày cho những thanh niên thất nghiệp và gia đình nghèo đang phải sống trong cảnh hết sức chật vật nơi thủ đô". Trong khi đó, nhiều người cho rằng việc bán cau giúp Port Moresby giảm bớt tệ nạn mại dâm, nghiện rượu và bán ma túy.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.