Hợp đồng… sinh con

Thứ Tư, 18/02/2015, 13:05
Tôi viết bài này khi năm cũ đang dần khép lại. Ở chốn Sài thành một năm qua đi có biết cơ man những chuyện buồn vui mà cuộc đời phải nhớ. Nhưng câu chuyện mà tôi viết cho số Xuân này chỉ là chuyện bình thường của một doanh nhân. Có lẽ nó khác hơn chính là sự băn khoăn của một vị giáo sư khả kính. Ông muốn nhân năm mới, mọi người hãy cùng nhau nâng niu, gìn giữ lấy hạnh phúc của mình.

Tôi quen biết giáo sư Phan Văn Trương rất tình cờ trong một lần họp báo. Vị giáo sư khả kính này hiện là cố vấn về thương mại quốc tế của Chính phủ một quốc gia nước ngoài. Qua câu chuyện xã giao ban đầu, giáo sư Trương nói ông rất muốn về Việt Nam, mảnh đất đã sinh ra ông - đong đầy kỷ niệm buồn vui của thời thơ ấu.

Từ những kỷ niệm nghĩa tình ban đầu ấy, sau này mỗi khi có dịp trở lại Việt Nam (ông thường được một số trường đại học ở phía Nam mời về thuyết giảng) ông hay gọi điện cho tôi, lúc thì nhâm nhi ly cà phê, khi thì lai rai ly rượu bên quán nhỏ gần trung tâm thành phố.

Trong một lần ngồi hầu chuyện ông, giáo sư Trương nói: ông đã đi khắp trời Đông, Tây, kể cả các nước châu Phi, châu Mỹ… Với hàng ngàn cuộc thương thuyết, khi thì các tập đoàn kinh tế lớn của Pháp, Mỹ, lúc là cố vấn thương mại của Chính phủ… Ông đã gặp cơ man những chuyện buồn vui.

Đi nhiều, biết lắm là vậy nhưng hỏi ông có nơi nào “nghĩa tình như Việt Nam không?” thì ông chỉ cười hiền. Ông nói, Việt Nam về kinh tế tuy đã khá hơn song so với những nước phát triển trên thế giới vẫn còn nghèo lắm. Duy chỉ có nghĩa tình, đặc biệt là tình bạn hữu thì có lẽ Việt Nam chẳng thua ai.

Và, cũng từ những “nghĩa tình” ấy mà ngay tại TP HCM này thôi, ông đã gặp một người bạn, nói đúng hơn anh ta chỉ đáng tuổi em út của ông, anh là Nguyễn Thế Nhân. Như nhiều doanh nhân khác, Thế Nhân là một doanh nhân thành đạt, năm nay anh đã ngoài 40 tuổi, nhà ở ngay phố hoa quận Bình Thạnh (TP HCM).

Biết tôi là nhà báo, lúc đầu tôi định nhờ giáo sư viết cho một bài in số Xuân Ất Mùi của Chuyên đề ANTG… Ông nói ông rất bận, mỗi lần về Việt Nam lịch làm việc, hội thảo lúc nào cũng dày đặc. Trong lần gặp mặt cuối năm này, ông bảo ông có câu chuyện rất lạ, mà câu chuyện này lại liên quan đến ông.

Thoạt nghe tôi thấy hơi chột dạ. Lúc đầu cứ nghĩ rằng có thể về Việt Nam, ông gặp chuyện gì không vui cần tôi giúp đỡ, hoặc ông có chuyện về gia đình nên muốn được sẻ chia…?! Gặng mãi, ông chỉ cười… nụ cười của ông hàm chứa điều gì mà khiến ông không dễ nói?

Một tuần sau, ông lại chủ động điện cho tôi. Tại quán cà phê nơi góc phố, ông nói như tự kể với chính mình. Ông bảo từ hôm “tiết lộ” cho tôi về mối quan hệ của ông với Thế Nhân, bao đêm ông cứ trăn trở hoài. Trước hết hãy nói về quan hệ của giáo sư Trương với doanh nhân Thế Nhân đã.

Giáo sư Trương quen Thế Nhân sau nhiều lần ông tổ chức hội thảo với chủ đề kinh doanh thương mại. Nhận ra sự đáng kính của vị giáo sư Việt kiều này, Thế Nhân luôn tìm cách gần gũi giáo sư Trương. Ngược lại, giáo sư Trương cũng dành cho Thế Nhân, rồi sau này là vợ của anh - cô Mai Lan, những tình cảm rất đặc biệt. Những ngày ở Sài Gòn hay đi các tỉnh lân cận, đi đâu ông cũng được người “trò” hiền thảo Thế Nhân gần gũi, giúp đỡ tận tình.

Giáo sư Trương cho biết, ở nước ngoài, chuyện thuốc thang bổ dưỡng, ví như nước Pháp chẳng hạn, thuốc quý gì mà chẳng có. Nhưng mỗi chuyến công tác ở Việt Nam về, lưng giáo sư thường hay đau nhức. Vậy là Thế Nhân lại sang hỏi thăm thầy Trương. Thế Nhân thông tin cho giáo sư Trương hay, tuy Việt Nam không thể sản xuất ra nhiều loại thuốc đặc trị, nhưng về đông dược thì ở Việt Nam chẳng thua ai. Nhiều loại thuốc bắc, thuốc nam của Việt Nam tuy chỉ là cây hoa, cỏ mọc trên rừng nhưng có nhiều bài thuốc cực hay, nhất là điều trị gân cốt.

Cứ theo diễn giải của Thế Nhân thì phương thuốc mà thầy Trương muốn khỏe mạnh, cường tráng hơn, phải tìm uống ngay chính là thuốc tráng dương, bổ thận. Lúc đầu giáo sư chẳng tin song Thế Nhân cứ nài nỉ mãi, ông cầm lòng chẳng đặng nên gật đầu. Ông đâu có ngờ, không biết trời xui đất khiến thế nào mà Thế Nhân lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, không ai ngờ tới. Và cũng từ đây mà bản “Hợp đồng… sinh con” của Thế Nhân ra đời. Hậu quả đến giờ ông cũng không biết khuyên răn vợ chồng Thế Nhân sống sao cho phải nữa.

Trong câu chuyện “cười ra nước mắt” ấy, giáo sư Trương thề độc là nhiều lần về TP HCM nhưng ông chưa từng đặt chân đến vựa thuốc nam Hải Thượng Lãn Ông. Nhưng cũng chính cái vựa thuốc và con đường “tơ lụa” ấy đã làm thay đổi cuộc đời, thay đổi cả đức hạnh vốn có của người học trò cưng của ông – Nguyễn Thế Nhân.

Khi Nhân “quảng cáo” phố thuốc nam Hải Thương Lãn Ông, ông tin đó là vựa thuốc có thật. Nhưng ông đâu có ngờ cái anh chàng làm ăn thành đạt ấy lại “say nắng” mang lòng yêu thương một cô gái làm công tuổi đã ngoài ba mươi dẫn mối thuốc hàng ngày.

Kể cho tôi nghe, giáo sư Trương giọng đượm buồn. Từ lúc quen thân Thế Nhân, ông có về nhà Nhân chơi mấy lần. Cứ nhìn vào cách sống của vợ chồng anh ta thì rõ là họ sống quá đủ đầy. Mai Lan tuy đã gần 40 tuổi nhưng vẫn còn đậm nét sang trọng, quý phái.

Căn biệt thự trên khu phố hoa (khu vực này gần đường Phan Xích Long – quận Bình Thạnh, nơi đây các đường phố đều được đặt tên một loài hoa đẹp) duy nhất chỉ thiếu tiếng cười của con trẻ. Đúng là giời chẳng cho ai tất cả. Mai Lan biết lỗi không sinh con được là do mình nên cô dành hết những gì tốt nhất cho chồng. Đáp lại, Thế Nhân cũng chưa bao giờ làm cô phải đau khổ.

Trong câu chuyện, giáo sư Trương phải thốt lên với tôi: “Mai Lan là người phụ nữ tuyệt vời mà ở phương trời Tây không dễ gì có được…”. Nhưng có thể cũng chính từ cái bài thuốc “tráng dương bổ thận” mà Nhân tìm kiếm cho người thầy của mình đã làm cho Nhân thay đổi tính nết. Càng khổ hơn khi sự nghiệt ngã ấy lại dội xuống cái gia đình đức hạnh của Mai Lan.

Nguyễn Thế Nhân đã thú thật với giáo sư Trương, cái cô tên Yến bán thuốc ở Hải Thượng Lãn Ông kia không phải là dạng người dễ lợi dụng, chân dài hay nhan sắc gì. Cô ấy đã ngoài 30 tuổi. Người không cao, không đẹp nhưng bù lại cô ta có màu da được sưởi ấm bằng thuốc bắc hay sao mà đôi má lúc nào cũng ửng hồng.

Sau mấy lần giảng giải cho Nhân về công dụng của thuốc “tráng dương, bổ thận” Yến đã sẻ chia và cảm thông với Nhân rất nhiều... Có những lúc, cô ta còn mạnh miệng tuyên bố: uống thuốc này, nếu không “khỏe” không “đẻ” đến đây bao nhiêu cô cũng… đền.

Thấy tôi thắc mắc, giáo sư Trương trải lòng. Khi hay tin Thế Nhân đổ đốn chuyện trai gái, lúc đầu ông không tin. Ông không tin bởi lẽ cái anh chàng cả đời ngoài vợ ra chưa hề có “tiền sử” gái gú hay lừa dối vợ, nay lại dám cả gan làm những chuyện tày đình như thế.

Mấy lần gặp nhau sau này Thế Nhân vẫn vậy. Sống lặng lẽ và rất tôn kính giáo sư Trương. Đặc biệt là hồi đầu năm, Nhân còn mua chiếc nhẫn trị giá hơn một tỉ đồng tặng vợ… Và Mai Lan cũng vậy, cô yêu chồng hết mình. Vậy thì làm sao lại có chuyện Nhân léng phéng có con với cô “đông dược” được?!

Để có câu trả lời chính xác cho chuyện này, giáo sư Trương đã trực tiếp đến nhà Thế Nhân. Ông đã gặp gỡ Mai Lan…

Trong căn biệt thự xinh đẹp ngập tràn ánh sáng, Mai Lan đón giáo sư Trương như đón người thân ruột thịt lâu ngày. Vẫn giọng nói hiền và những cử chỉ hàm ơn quí trọng. Thông tin đầu tiên mà Mai Lan chia vui với ông chính là tin cô đã có con.

Để cắt nghĩa cho sự bất ngờ này, Mai Lan cho biết: “Chắc thầy ngạc nhiên lắm phải không? Bao lần em nhắc anh Nhân báo tin vui cho thầy. Chúng em mới có một cháu gái thầy ạ. Con cún kháu lắm. Trộm vía cháu, từ lúc sanh ra đến giờ cháu ngoan và lớn nhanh từng ngày…”. Mai Lan nói liền một hồi.

Nếu là người mới quen với gia đình này tôi tin chắc 100% là không ai nghĩ đứa con mà Mai Lan đang khoe không phải cô sinh ra. Thấy giáo sư Trương chỉ ngồi yên, gật đầu, Mai Lan như cảm nhận được và cô hơi chột dạ.

Lặng im giây lát, Mai Lan chùng giọng, khẽ khàng. “Cũng là cái số vợ chồng em phải vậy. Ngần này tuổi đầu rồi mà vẫn đơn chiếc. Ảnh thì lo công việc tối ngày, một mình em vò võ ở nhà. Mỗi khi thấy mấy đứa nhỏ gần nhà hò hét vui đùa là em lại không cầm được nước mắt… Nhiều lần em đề nghị hai vợ chồng đến khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi, xin một đứa về nuôi song ảnh nhất định không chịu… Bàn qua tính lại, cuối cùng chúng em mới quyết định “giải pháp” này thầy ạ”.

Cái “giải pháp” mà Mai Lan kể cho giáo sư Trương nghe có lẽ trên thế gian này ít có ai áp dụng. Như phần đầu đã nói, sở dĩ Thế Nhân bàn với Mai Lan  có được đứa con lúc đầu hoàn toàn là sự tự nguyện. Sống với nhau gần chục năm, Mai Lan biết Nhân là mẫu đàn ông mà đám con gái luôn kiếm tìm.

Trong cuộc sống thường nhật, Thế Nhân luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho vợ. Nhân sẵn sàng bỏ tiền tỉ mua chiếc nhẫn quí tặng vợ mà lòng mong sao chỉ để Lan vui. Rồi chuyện “đặt hàng” sinh con đầu tiên cũng do Mai Lan gợi ý…

Duyên tình phải kể đến từ lúc Thế Nhân đi mua thuốc cho thầy Trương. Ngày ấy cũng vào lúc đông qua, xuân tới. Chuyện tình cờ gặp cô gái bán thuốc đông y ở ngay góc phố thuốc nam. Không biết trời se duyên kết dính thế nào mà Nhân đã lọt vào đôi mắt xanh của Yến.

Nhân kể cho Mai Lan biết, khi ấy anh chẳng hề màng tới chuyện cô gái đã “quá thì” để ý đến mình. Hơn nữa về nhan sắc, Yến không có cửa so với vợ anh. Đấy là cảm nhận ban đầu, chuyện của ngày xa xưa mà anh chẳng hề bận tâm nghĩ tới… Chỉ đến khi đêm xuống, khi hai vợ chồng thổn thức tiếng gọi… mong con thì bỗng dưng Thế Nhân lại nghĩ đến cô bán thuốc nam ở phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông.

Khi biết vợ đang cồn cào ruột gan cầu mong có đứa con bồng bế, Thế Nhân liền thẽ thọt nói với vợ rằng, bây giờ ở Sài Gòn có đầy những dịch vụ đẻ thuê. Hai từ “đẻ thuê” mới nghe Mai Lan rất dị ứng, nhưng trong hoàn cảnh này Mai Lan lại nghĩ khác.

Với Mai Lan, chuyện thuê mướn vốn được định đoạt trong hai từ “sòng phẳng”. Mình thuê mướn tức là mình bỏ tiền ra thuê người khác cái việc mà mình không muốn hoặc không thể làm. Đơn giản vậy nên khi nghe Nhân đề cập đến chuyện này, cô đồng ý liền.

Sau nhiều lần gặp gỡ, thương thuyết. Từ chỗ Yến hét giá 2 tỉ, sau đó kéo xuống 1,5 tỉ… cuối cùng hai bên nhất trí mức giá 1,2 tỉ đồng. Để cả hai không ai lật kèo ai, Mai Lan đề nghị chồng mình phải trực tiếp soạn thảo “Bản hợp đồng sinh con”.

Tất cả những giao kết trong hợp đồng Mai Lan đều đọc kỹ. Có một điều sau này làm Mai Lan lo lắng nhất chính là việc cô đã đồng ý “thả” chồng mình đi thực hiện “Bản hợp đồng” mà có lẽ trên đất nước này hiếm có người phụ nữ nào lại chấp nhận thương đau như thế.

Kể từ lúc “ứng tiền đợt một” chưa đầy hai tháng sau Thế Nhân về “báo tin vui” cho vợ biết… Yến đã mang bầu. Ngay sau khi nhận được thông tin này, tuy có vui nhưng Mai Lan cũng bừng tỉnh nhận ra sự rủi ro mà hậu quả mang lại. Cô tuyên bố cứng rắn “mình đã chung tiền và bổn phận của cô ta là sinh em bé… từ nay về sau, cấm “ba Nhân” không được vãng lai sang nhà cô Yến nữa”.

Đấy là cô cấm, cô ngăn và cô đề phòng “hiểm họa” dội xuống gia đình mình. Mai Lan đâu có ngờ, từ khi Yến sinh em bé, Nhân đã tìm đủ mọi lý do để anh được thăm con…

Kể lại câu chuyện cho giáo sư Trương nghe, cuối cùng Mai Lan chỉ lắc đầu. Cô nói cô vui vì đã được tận tay bế bồng con cún. Cô đã bỏ tiền thuê nhà để Yến có điều kiện “chăm cún” giúp cô. Tất cả những gì có thể cô đã làm. Vậy mà…!

Chia tay giáo sư Trương khi nắng chiều Sài Gòn đang dần khuất. Cơn gió xuân vẫn đang thổi nhẹ bên gốc mai vàng… Tuy không nói ra nhưng giáo sư Trương hiểu rõ, gia đình Mai Lan tết năm nay có thêm một thành viên mới, ắt hẳn họ rất vui… Điều đáng lo nhất là phía sau bản hợp đồng… ấy, Thế Nhân có đủ can đảm thực hiện những điều “đã giao kết” không?

TP HCM, Xuân Ất Mùi

Xuân Xe
.
.